Các thuyền viên tàu STC Columbus mắc kẹt tại Hàn Quốc đã gửi đơn kiến nghị tới Cục Hàng hải Việt Nam để cầu cứu sự giúp đỡ.
Thuyền viên kiến nghị những gì?
“Cái nghề này bạc bẽo quá chị ơi. Lênh đênh bốn biển nhưng đến khi gặp tình huống bất ngờ thì thuyền viên vất vả tìm nơi “bấu víu”. - anh Phan Thế Nam - Phó ba tàu STC Columbus thở dài nói.
Mới đây, các thuyền viên đang công tác tại tàu STC Columbus bao gồm: Nguyễn Văn Thế (1/E), Phan Thế Nam (3/0), Lê Hồng Phong (fitler), Nguyễn Văn Hải (OSE), Ngô Minh Tuấn (2/E), Vũ Quý Thìn (3/E), Đàm Văn Hoàng (BOSUN), Đỗ Quốc Dũng (COOK) đã kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét việc các thuyền viên không được doanh nghiệp chi trả lương và bố trí thay người dù hết hạn hợp đồng trong nhiều tháng qua.
Tàu STC Cobumbus thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Thiết kế và Xây dựng Sao Thủy (có địa chỉ tại km 16 + 500 quốc lộ 5, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng). Công ty do ông Nguyễn Văn Sáng làm giám đốc. Ngoài các thuyền viên người Việt Nam, Công ty này còn ký hợp đồng với 6 thuyền viên người Ấn Độ.
Điều kiện làm việc và sinh hoạt không đảm bảo
Theo kiến nghị của các thuyền viên, trong nhiều tháng qua, điều kiện làm việc trên tàu không đảm bảo: trang thiết bị hỏng hóc (không quạt, không điều hòa, thời tiết nóng bức…), nhiên liệu thường xuyên cạn kiệt (tắt máy đèn, thuyền viên phải tự nấu ăn bằng củi). Thực phẩm thiếu thốn, không có đủ điều kiện bảo quản về đảm bảo an toàn vệ sinh. Thuyền viên ốm đau (bao gồm thợ máy Ấn Độ, phó ba của Việt Nam) dù đã kiến nghị nhưng không được công ty thay người.
Tính đến ngày 15/9/2020, Công ty Cổ phần Thiết kế và Xây dựng Sao Thủy đã nợ các thuyền viên 3,5 tháng tiền lương (lương sĩ quan) và 2,5 tháng lương (thủy thủ thợ máy). Trong số đó, có 4 thuyền viên đã hết hạn hợp đồng. Và theo các thuyền viên, trong 10 ngày gần đây, các thuyền viên không được cung cấp thực phẩm để duy trì cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin và xác nhận của Ban chỉ huy tàu STC Columbus và trong đơn kiến nghị của thuyền viên chưa có dấu chức danh của thuyền trưởng, sỹ quan boong, máy trưởng. Vậy có hay không việc nợ lương thuyền viên tàu STC Columbus? Chúng tôi sẽ làm việc với công ty để tìm hiểu về thông tin này.
Cục Hàng hải Việt Nam trả lời về quy trình tiếp nhận và xử lý kiến nghị của thuyền viên
Liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị của các thuyền viên trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động, đại diện Phòng Đăng ký tàu biển và thuyền viên (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết: "Hợp đồng lao động giữa chủ tàu và thuyền viên là một giao dịch dân sự được thực hiện dựa trên dựa trên ý chí và tinh thần tự nguyện giữa hai bên. Do đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động giữa thuyền viên và chủ tàu, thì nơi đầu tiên tiếp nhận kiến nghị của thuyền viên chính là đơn vị sử dụng lao động. Việc hòa giải và giải quyết những tranh chấp dựa trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa hai bên, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và ổn định doanh nghiệp".
Thuyền viên nấu ăn bằng bếp củi. |
Trong trường hợp giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung, thì với chức năng, thẩm quyền của mình, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp nhận kiến nghị của thuyền viên khi có đơn của người lao động gửi tới Cục đề nghị xem xét giải quyết. Đồng thời, thuyền viên phải cung cấp đầy đủ căn cứ chính xác nhằm chứng minh rằng doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký trong hợp đồng lao động.
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc tranh chấp lao động nhưng một số thuyền viên chưa nắm rõ quy trình thủ tục hành chính liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của các cơ quan chức năng.
Hiện nay, thuyền viên làm việc trên tàu có thể cùng một lúc nhận sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật như: pháp luật của nước mà tàu mang cờ, pháp luật của nước mà thuyền viên mang quốc tịch, pháp luật của nước có cảng mà tàu đến hoạt động. Cụ thể, lao động thuyền viên chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (năm 2006); Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.
Ngoài ra còn có Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải; Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. Đồng thời, hoạt động cung ứng lao động thuyền viên của các chủ tàu hoặc tổ chức quản lý thuyền viên phải tuân thủ các cam kết trong Công ước Lao động Hàng hải 2006 (MLC) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có hiệu lực từ ngày 20/8/2013.
Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp nhận, xem xét kiến nghị của thuyền viên khi có đơn kiến nghị gửi tới Cục và có đầy đủ căn cứ chứng minh việc làm của người sử dụng lao động là vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Do vậy, khi xảy ra tranh chấp lao động, thuyền viên còn có thể kiến nghị tới cơ quan quản lý lao động nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh để đề nghị xem xét, giải quyết.
Bài: Duy Minh
Ảnh: ST
Đồ họa: Duy Minh