e magazine
23/12/2020 09:13
Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

23/12/2020 09:13

Đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc an toàn cho công nhân tại các nhà xưởng, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp là vấn đề được nói đến thường xuyên tại các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để công tác nói trên thực sự đạt được hiệu quả, ngoài sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động, không vì lợi nhuận mà xem nhẹ sức khoẻ của công nhân.
Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

Công nhân làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam

Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

Đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc an toàn cho công nhân tại các nhà xưởng, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp là vấn đề được nói đến thường xuyên tại các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để công tác nói trên thực sự đạt được hiệu quả, ngoài sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm túc công tác an toàn vệ sinh lao động, không vì lợi nhuận mà xem nhẹ sức khoẻ của công nhân.

ngộ độc do môi trường làm việc

Trong những năm gần đây, bên cạnh các vụ ngộ độc thực phẩm thì ngộ độc khí do môi trường làm việc thiếu an toàn vẫn xảy ra thường xuyên trên địa bàn cả nước. Có thể kể đến vụ việc tại Công ty TNHH Lợi Tín (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vào tháng 11/2019. Vụ việc bắt đầu xảy ra vào ngày 14/11/2019, khi hàng chục công nhân tại công ty này có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch.

Điều đáng nói, sau khi xảy ra sự việc, công ty vẫn tiếp tục hoạt động và hàng chục công nhân lại có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, phải nhập viện điều trị. Tính riêng Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch, đã điều trị cho hơn 100 công nhân của công ty chuyên sản xuất giày da nói trên, có cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ. Vụ việc xảy ra khiến nhiều công nhân lo lắng, trong khi chủ doanh nghiệp vẫn yêu cầu họ đi làm bình thường. Đến nỗi hàng trăm công nhân tổ chức đình công ngừng việc để yêu cầu lãnh đạo công ty làm rõ nguyên nhân, khắc phục sự cố.

Công an huyện Lập Thạch và Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc sau đó đã vào cuộc điều tra và xác định nguyên nhân do ngạt khí CO2 trong môi trường làm việc.

Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

Công nhân bị ngất xỉu được đưa đi cấp cứu - Ảnh: Nguyệt Hà

Một vụ việc nghiêm trọng khác xảy ra tại nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Yazaki (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vào tháng 7/2018 khiến gần 100 công nhân phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, khó thở, và hoảng loạn. Nhiều người trong số đó bị ngất xỉu.

Ngay sau đó, Sở Y tế Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân. Báo cáo của Sở Y tế gửi UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong các nhà kho tăng cao, các quạt thông gió trong các nhà kho chưa đảm bảo yêu cầu thông gió và làm mát dẫn đến tình trạng trên.

Ông Ninh Đức Chủ - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thông tin thêm với báo chí: Kết quả quan trắc môi trường về khí bằng phương pháp hấp phụ cho thấy ở nhà kho của Công ty Yazaki có khí fomaldehyde ở mức từ 4 - 5 mg/1m3 không khí (cao gấp 4 – 5 lần so với tiêu chuẩn cho phép là dưới 1 mg/m3 không khí).

Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

Công nhân Công ty TNHH Yazaki bị ngất phải đưa đi cấp cứu, tháng 7/2018

Ngoài những vụ việc công nhân ngộ độc do môi trường lao động kể trên, còn rất nhiều vụ việc khác xảy ra ở nhiều khu công nghiệp – chế xuất trên địa bàn cả nước. Có thể kể đến vụ ngộ độc thiếc xảy ra hồi tháng 7/2020 tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương) khiến 1 công nhân tử vong và hàng chục người khác phải cấp cứu điều trị, đến nay vẫn còn di chứng.

Vụ việc này đã được Cuộc sống an toàn thông tin phản ánh ở nhiều khía cạnh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố môi trường lao động cần phải được kiểm soát chặt chẽ, để tránh xảy ra những sự việc tương tự.

Đảm bảo môi trường lao động là trách nhiệm của mọi người

Môi trường làm việc không đảm bảo (nhiều bụi, hóa chất…) là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ ngộ độc, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công nhân là những người tiếp xúc trực tiếp, cho nên sức khoẻ của họ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường làm việc.

Theo GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, biện pháp tốt nhất trong việc hạn chế các rủi ro về sức khoẻ cho công nhân là cô lập các nguồn gây độc hại từ nơi làm việc (có thể sử dụng các màn chắn tách biệt buồng gây bụi, hoá chất, khí độc, tiếng ồn và nhiệt…). Ngoài ra, cần xác định các nguồn bụi, hoá chất, khí độc hại, tiếng ồn và nhiệt gây ảnh hưởng để dịch chuyển các nguồn đó đi đến một khu vực riêng biệt bên ngoài nơi làm việc, hoặc nơi không có người lao động làm việc. Một biện pháp quan trọng là sử dụng phương tiện bảo hộ như mặt nạ, găng tay hay mắt kính trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, trên thực tế dưới góc độ quản lý thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động còn nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

Các nạn nhân vụ nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam chờ kiểm tra sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia

Báo cáo về công tác An toàn vệ sinh lao động năm 2019, kết quả hưởng ứng tháng hành động về An toàn năm 2020, ông Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: “Công tác thanh tra, xử lý các vi phạm về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Có nơi phát hiện ra nhiều sai phạm tại nhiều doanh nghiệp nhưng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, không lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, số đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm còn ít, chủ yếu là lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra chung về thực hiện pháp luật lao động, vì vậy không đảm bảo tính chuyên sâu về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động.

Không chỉ tại địa bàn TP Hà Nội, mà những vấn đề nói trên cũng là tồn tại, hạn chế diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là: Mặc dù cả nước có khoảng 194.587 an toàn vệ sinh viên tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng mạng lưới này vẫn hoạt động mang tính hình thức, chưa hiệu quả. An toàn vệ sinh viên chưa phát huy hết quyền và trách nhiệm, một số doanh nghiệp không có phụ cấp cho an toàn vệ sinh viên hoặc có thì rất thấp mang tính chiếu lệ không động viên, khuyến khích được an toàn vệ sinh viên.

Thấy gì qua các vụ ngộ độc của công nhân?

GS.TS Lê Vân Trình trong một buổi hội thảo về An toàn vệ sinh lao động

Theo GS.TS Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, việc đảm bảo môi trường lao động an toàn, cao hơn là xây dựng văn hoá an toàn không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà là trách nhiệm của doanh nghiệp và từng người công nhân.

Ông cho rằng, doanh nghiệp cần phải chủ động chấp hành và triển khai đầy đủ, có trách nhiệm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Hằng năm, cần xây dựng kế hoach an toàn vệ sinh lao động, đồng thời đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch đó. Các doanh nghiệp cũng cần đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra, tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động thường xuyên…

Đối với từng người lao động, cần phải chủ động nhận diện các tình trạng và hành vi thiếu an toàn trong công ty để tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục. Đây là việc làm tốt, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng nghiệp, lại vừa tránh những rủi ro thiệt hại cho công ty.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động