e magazine
22/10/2020 11:57
Thành phố Hội An, Quảng Nam: Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

22/10/2020 11:57

Ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 rồi mưa lũ mới đây khiến hoạt động du lịch của phố cổ Hội An dậm chân tại chỗ. Vừa mới chuyển động đã trở lại đìu hiu…
Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Thành phố Hội An, Quảng Nam

Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 rồi mưa lũ mới đây khiến hoạt động du lịch của phố cổ Hội An dậm chân tại chỗ. Vừa mới chuyển động đã trở lại đìu hiu…

Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Buồn vì dịch bệnh…

Dịch bệnh Covid-19 khiến Hội An lao đao. Phố cổ thưa dần bước chân khách du lịch châu Âu rồi châu Á. Khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu, spa… đóng cửa vì vắng khách du lịch. Nhiều người lao động của các dịch vụ phục vụ du lịch mất việc làm, thất nghiệp… Họ phải tự cứu mình bằng việc bán hàng online hoặc ra vỉa hè bày bán rau củ, trái cây, nước giải khát. Không ít người về quê tìm việc khác ngành nghề để cầm cự chờ ngày hoạt động du lịch hồi phục… Chị Trần Thị X.H nhà ở xã Cẩm Hà, nhân viên buồng phòng của một khách sạn lớn ở phường Cửa Đại, buồn buồn: “Giá phòng giảm từ 3,5 triệu đồng/phòng xuống còn 800 nghìn đồng/phòng, cũng chỉ có vài người từ Đà Nẵng vô nghỉ lại trưa thôi! Họ đi công tác chứ không phải khách du lịch. Không đủ chi phí để hoạt động, chủ cho đóng cửa rồi về Hà Nội”.

Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Nước lũ tràn ngập đường Nguyễn Thái Học

Hy vọng hoạt động du lịch của Hội An hồi sinh gần như đổ sập khi thành phố Đà Nẵng trở thành tâm dịch! Ngày 28/7, Đà Nẵng tiến hành giãn cách xã hội. Quãng đường 30 cây số trở nên dài dằng dặc bởi những chốt kiểm tra y tế ở cả hai chiều hai thành phố. Chương trình kích cầu du lịch của Hội An dở dang. Khách du lịch nội địa vừa mới trở lại đã hối hả ra đi! Ngày 29/7, thành phố Hội An có quyết định tạm đình chỉ các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bảng sang quán, cho thuê mặt bằng, bán nhà xuất hiện đó đây trên các tuyến đường phố cổ. Đêm. Phố cổ trầm tư đến lạnh lùng. Hàng quán đều then cài, cửa đóng. 20 giờ, không hề thấy bóng người trên các tuyến đường từng nhộn nhịp suốt ngày đêm như Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Trần Phú…trong phố cổ. Chị N.T.T.V, quê thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, giáo viên Trường THCS và THPT Tây Sơn, Đà Lạt nói trong vẻ thảng thốt: “Tôi không nghĩ Hội An sôi động bây giờ lại như thế này! Mùa hè năm ngoái, tôi về quê chồng ở Đà Nẵng. Đợi đêm rằm là vào Hội An dạo chơi phố cổ. Có những lúc mình đứng lại mà như đi vì người đông quá. Ba bốn phía cứ đẩy mình đi. Bây giờ cả một đoạn đường chỉ có ba, bốn người rảo bước. Vắng lặng đến buồn không chịu được!”.

Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Chợ đêm buồn hiu hắt

Thêm mưa lũ kéo về!

Nhiều ngày trong tuần đầu tháng 10/2020, Quảng Nam mưa lớn. Nước sông Vu Gia dâng cao. Thủy điện Sông Bung 4, Sông Tranh 2 xả nước. Nhiều huyện, thành phố của tỉnh ngập lụt… Một số tuyến đường trong phố cổ Hội An ngập nước.

Nước sông Hoài dâng, đường Bạch Đằng trong phút chốc không thấy đâu là lòng đường, vỉa hè nữa. Cầu An Hội được rào chắn, không cho lưu thông. Nước ngấp nghé dâng lên các đường Công Nữ Ngọc Hoa, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thái Học… Thành phố cho dừng các hoạt động trên phố đi bộ. “Phương án di dời một số hộ dân ở vùng thấp trũng đã được thành phố đặt ra. Nước lũ đã tràn vào một số tuyến đường đi bộ trong phố cổ”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hội An, thông tin cho báo chí biết.

Gồng mình chống đỡ dịch bệnh với thiên tai

Nước lũ tràn vào nhiều tuyến phố.

Ba ngày sau, 11/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6, mưa to và gió mạnh, Hội An thật sự nhỏ bé trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Mưa như cầm chĩnh đổ! Mưa trắng trời! Gió bần bật. Các hoạt động dịch vụ, sinh hoạt của người dân Hội An gần như “đóng băng”. Loa phóng thanh ra rả trên các tuyến đường kêu gọi người dân không nên ra đường nếu không thật cần thiết vì nước sông dâng cao, cây ngã đổ, đi lại trên đường rất nguy hiểm…

Mưa ngớt cũng là lúc nhiều hoạt động của thành phố trở dậy. Nước lụt rút chậm. Chợ Hội An tràn lên các tuyến phố. Khách du lịch có dịp trải nghiệm nước lụt Hội An bằng cách thuê thuyền bơi quanh trên một số đường trong phố cổ hoặc lội nước chụp ảnh… So với trước kia, hoạt động chèo thuyền lần này không nhộn nhịp bởi khách du lịch không nhiều. Hầu hết là khách nội địa. Do đó, thu nhập của nhiều người chèo thuyền mùa lũ lụt trong phố cổ không "bộn tiền" như trước.

Nước rút còn lại trên nhiều tuyến phố là rác thải đủ các loại, đủ các kích cỡ. Công nhân lao động Công ty cổ phần Công trình công cộng Hội An lại vất vả với công việc khắc phục hậu quả mưa lũ, thu gom rác thải, xử lý bùn non. Phó Tổng giám đốc Công ty, ông Trần Hữu Ngọc, cho biết: “Chúng tôi huy động hơn 340 công nhân lao động và tất cả máy móc thiết bị hiện có để xử lý khoảng 400 tấn rác thải và bùn trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 16/10. Ưu tiên xử lý rác trong phố cổ trước để kịp thời phục vụ khách du lịch và đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau đó xử lý tiếp rác thải ở khu vực An Hội và các phường, xã lân cận”.

Hiện nay mưa lắc rắc. Nắng nhẹ. Nắng thỉnh thoảng cũng chiều lòng người Hội An như cho mang chăn màn, quần áo… ra ngoài trời phơi phóng. Đã không ít người chứng kiến cảnh ồn ào của Hội An khi nhộn nhịp khách du lịch trong và ngoài nước, rồi… cảm thán: “Khi nào Hội An trầm lắng lại như xưa!”. Gần một năm nay, Hội An đã dần dần trở lại nét trầm mặc như nó vốn có rồi đó! Và cũng không ít người mong khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, phố cổ Hội An sẽ… nắng lên rực rỡ! Có ngờ đâu bão lũ lại hoành hành, người Hội An lại phải gồng mình chống đỡ!

Bài & ảnh: Lê Kung Diễm

Xem phiên bản di động