Hai mươi năm trước, cậu bé Trần Đinh Kha cùng cha mẹ rời bỏ quê nhà (ấp Xóm Dừa, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) lên Bình Dương. Đó là chuyến đi xa dài nhất và cũng là duy nhất trong đời của Kha, khi đó Kha mới 8 tuổi. Quê hương Kha vốn là một huyện thuần nông với cơ sở vật chất, kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Cha mẹ Kha không trình độ, bằng cấp, cũng không đất đai sản xuất, phải ở đậu nhà người thân. Và, như một lẽ tất yếu, trong một ngày định mệnh, họ dắt díu nhau lên chuyến xe không hẹn trước mang theo hy vọng đổi đời nơi đất khách. Bà Lâm Thị Phương (56 tuổi, mẹ Kha) khi đó chỉ kịp quay đầu nhìn cố hương lần cuối trong nước mắt. Bà nói: “Không một ai muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vì cuộc sống nên mình phải đi, không còn cách nào khác”. Nỗi đau mất đi người thân của gia đình anh Kha. Tuổi thơ của Kha “nơi chốn thành thị” là hình ảnh căn nhà trọ ngột ngạt, rộng chừng hơn 10m2, mùa hè thì nóng bức, mùa mưa thì dột nước, ẩm thấp. Suốt mấy chục năm, đó là chỗ ăn ở của gia đình Kha và hàng nghìn lao động xa quê khác. Bà Phương cùng chồng (ông Trần Văn Tức – đã mất) khi đó được nhận vào làm công nhân trong các xí nghiệp, nhà máy. Đây là thời điểm làn sóng FDI bắt đầu rót mạnh vào Việt Nam. Khu vực miền Đông Nam Bộ với các tỉnh công nghiệp như: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai... đã nhanh chóng trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời thu hút hàng triệu lao động khắp nơi đổ về. Gia đình bà Phương nằm trong số đó. “Hồi đó, mức lương tối thiểu chung là 290.000đ, cộng với những khoản khác; vợ chồng tui thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Trừ khoản tiền học cho con, nhà trọ, ăn uống tằn tiện, cũng để dành được chút đỉnh”, bà Phương nhớ lại. |
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương tới thắp hương, chia buồn cùng gia đình Kha. |
Mấy năm sau, các tỉnh miền Đông chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng giảm ngành thâm dụng lao động phổ thông, chân tay; tập trung vào các ngành nghề hàm lượng chất xám cao. Vợ chồng bà Phương khi đó bước qua tuổi U40 – thuộc vào lớp công nhân bị thải loại. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng Kha được cha mẹ lo ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi có tấm bằng kế toán trong tay, anh xin vào làm trong bộ phận tuyển dụng thuộc Công ty TNHH Timberland (chuyên sản xuất Sofa, phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hiện trường thảm khốc vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai. Ở Công ty, Kha kết duyên cùng Thạch Thị Thu (SN 2001, làm ở bộ phận may) – người cũng rời quê ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lên Bình Dương làm công nhân gần 10 năm trước. Cuối năm ngoái, Thu mang thai đứa con đầu lòng. Kha trở thành trụ cột chính trong gia đình. Anh được công ty luân chuyển qua làm công nhân ở bộ phận kho. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng quyết định trả phòng trọ, chuyển vào ký túc xá công ty để ở. Nam công nhân luôn phấn đấu làm việc, mong đợi ngày đứa con chào đời như nhìn thấy ánh sáng tương lai; để anh có thêm động lực bám trụ ở thành phố này… |
Đời sống công nhân lao động nhập cư luôn vất vả, họ phải ở trong những căn phòng trọ chật hẹp thiếu thốn đủ bề. |
Trong buổi chiều ngày 03/05, khi mọi người tan ca về nhà, thì Kha đăng ký ở lại làm thêm giờ. Công việc của anh là nâng chuyển các kiện hàng lên kệ sắt. Lúc này, do sơ suất của một đồng nghiệp đã dẫn đến sự cố xe nâng hàng bị mất phanh. Mọi người tri tri hô cho anh Kha né tránh, nhưng đã không kịp. Anh bị xe nâng hàng chèn vào kệ sắt. Kha được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong khoảng 20 phút sau đó. Mấy chục năm ở nhà trọ, gia đình phải chạy đôn chạy đáo, nhưng không tìm được chỗ để lo hậu sự cho Kha. Tổ chức đám tang ở doanh nghiệp thì không được, xin chủ nhà trọ cũng không xong. Còn đưa về quê – như lời ông Mai Thành Nguyện, Trưởng ấp Xóm Dừa (xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau): “Nhà thằng Kha nghèo lắm, nó theo cha mẹ đi Bình Dương từ 20 năm trước, giờ gặp nạn, dưới quê cũng cũng không có nhà cửa, đất đai gì để chôn cất”. Cũng may, gia đình Kha được đơn vị tổ chức mai táng cho mượn chỗ để lo hậu sự, sau đó đưa đi hỏa táng ở Hoa Viên Bình Dương rồi đem tro cốt Kha lên chùa gửi. “Thu nhập của hai vợ chồng em mỗi tháng chỉ hơn 10 triệu đồng, phải trang trải đủ các chi phí sinh hoạt và trả tiền vay ngân hàng, gần như không dư ra được đồng nào. Bữa đó vì áp lực cuộc sống, nên ảnh xin tăng ca, không ngờ xảy ra thảm kịch”, Thu nghẹn ngào. |
Suốt mấy ngày qua, mặt Thu xanh xao vì thiếu ăn mất ngủ trước sự ra đi đột ngột của chồng. “Em dự tính sau thời gian nghỉ thai sản sẽ xin đi làm trở lại. Đau lòng lắm, nhưng mình phải cố gắng gương dậy để lo cho đứa con được chào đời. Hy vọng mai này lớn lên nó sẽ thành tài, không phải đi làm công nhân nữa”. Lời tâm sự của Thu làm tôi nhớ đến một câu hỏi: “Làm công nhân mới khổ, hay khổ mới đi làm công nhân?”. Lê Văn Beo (26 tuổi, quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trả lời rằng: “Em khổ nên bỏ quê lên Đồng Nai làm công nhân sáu năm nay; nhưng làm công nhân xong rồi vẫn thấy khổ”. |
Giống như Kha, quê hương của Beo cũng thuần nông, ruộng vườn là tư liệu sản xuất chính, nhưng Beo nghèo đến không có nhà để ở thì lấy gì đâu ra tấc đất để “cắm dùi”. Nên sáu năm trước Beo cũng phải đi, anh làm công nhân ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (huyện Vĩnh Cửu). Đến nay, Beo có vợ và hai con, Hàng tháng, Beo nhận “lương cứng” hơn 5 triệu đồng, cộng với tiền sản phẩm, nếu có đơn hàng nhiều, anh kiếm được hơn 10 triệu đồng. Vợ Beo dạo trước cũng làm ở công ty nhưng đã nghỉ việc hơn 1 năm nay từ sau khi sinh đứa con nhỏ, toàn bộ cuộc sống gia đình đều do Beo gánh vác. “Làm ra đồng nào là tiêu hết đồng đó, nhưng dẫu sao vẫn có công ăn việc làm, nuôi sống được gia đình, còn hơn ở dưới quê thất nghiệp”, Beo chia sẻ. Nhưng cũng giống như Kha, cuộc sống bình dị của Beo cũng nhanh chóng đổ sụp - khi công ty gỗ Bình Minh xảy ra vụ nổ lò hơi kinh hoàng, chỉ trong tích tắc, 6 người đã tử vong tại chỗ. Beo cùng 4 người khác may mắn sống sót, nhưng mang thương tích khắp người. Trong nhiều ngày liền, Beo chỉ có thể ngồi, không nằm được do vùng lưng bị bỏng rất nặng. “Cả năm qua thu nhập của tụi em rất bấp bênh do công ty thiếu đơn hàng, có lúc phải tạm dừng hoạt động. Lễ 1/5 vừa rồi gặp lúc công ty có đơn hàng nhiều, công nhân làm việc được gấp đôi tiền công cùng với tiền sản phẩm nên khoảng 40 công nhân quyết định đi làm trong ngày nghỉ lễ. Nào ngờ…”, Beo chua xót. “Trước mắt, nghe nói công ty cho công nhân nghỉ hết tháng 5 này để khắc phục sự cố, còn sắp tới chưa biết tương lai mọi người ra sao. Riêng em chỉ mong sớm được bình phục rồi tính tiếp. Nếu sức khỏe còn tốt thì lại tiếp tục xin làm công nhân bởi không có bằng cấp, chứng chỉ đâu làm được việc gì khác”. |
Công nhân đối mặt với tương lai mờ mịt sau tai nạn lao động. Trong ảnh: Anh Liễu Văn Tân là nạn nhân bị thương nặng nhất trong số 5 người bị thương vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai. |
Kha và Beo là hai trong số hàng triệu cư dân đến từ vùng đất có dòng người di cư đi nhiều nhất nước hiện nay: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 của Liên đoàn Thương mại Và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cho thấy, trong 10 năm qua đã có hơn 1,3 triệu cư dân rời khỏi vùng này, trong đó, có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ. Mấy chục năm qua, tại các đô thị sầm uất, những khu công nghiệp hoành tráng mọc lên, rồi những con số tăng trưởng kinh tế đầy khích lệ - có mồ hôi nước mắt của những người di cư. Họ, từ công nhân cho đến những lao động tự do, phi chính thức với công việc thấp kém như: đánh giày, đồng nát - vẫn ngày ngày thầm lặng đóng góp vào nhịp sống đô thị. Một chú xe ôm nhanh trí đi đường tắt, băng qua các con hẻm trong giờ kẹt xe, đã giúp chủ doanh nghiệp không phải bở lỡ ký hợp đồng với đối tác. Hay một xe bánh mì của đôi vợ chồng già trên đường phố Sài Gòn đã mang đến những món ăn giá rẻ cho lớp bình dân, làm giàu thêm bản sắc ẩm thực người Việt… Công nhân từ các tỉnh miền Đông đi xe máy về quê trong đợt dịch Covid-19. Thay vì ở quê thiếu tư liệu sản xuất, không nghề ngỗng, họ bỏ xứ đi cũng là một cách để giảm gánh nặng cho gia đình, ít nhất cũng tự nuôi sống được bản thân. Và quan trọng hơn, họ tằn tiện từng đồng để gửi về giúp đỡ gia đình, lo cho cha mẹ. Nhiều gia đình có con đi làm công nhân một thời gian thì sắm xe, sắm cộ, xây cất nhà cửa..., vừa giảm được gánh nặng cho chính sách, lại vừa giúp cải thiện cơ sở vật chất ở địa phương. Như tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 1,2 triệu lao động nhập cư, trong đó có khoảng 80% là công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, doanh nghiệp. Nhưng, trong hành trình di cư đầy bất trắc, các nhóm dân này chủ yếu “tự bơi” giữa vòng xoáy cuộc sống. Có người đã ví von họ giống như những con thiêu thân ở thôn quê, tỉnh lẻ bị hút về ánh đèn thành phố. Có con may mắn đến được với ánh sáng, có con kiệt sức trên chặng bay. Họ chịu dủ thiệt thòi trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh, nhất là trường hợp lao động bán hàng rong, làm thuê mướn. Trẻ em trong các gia đình công nhân phải theo học các trường ngoài công lập với chi phí cao hơn, do hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn với họ. |
Tại Lễ phát động tháng công nhân Bình Dương 2024, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng sổ tiết kiệm “Công đoàn Việt Nam” và quà cho con đoàn viên công đoàn có cha, mẹ tử vong do dịch bệnh Covid-19. |
“Đáng chú ý, lao động di cư phải trả tiền điện với giá cao, từ 4.000-5.000 đồng/kw – cao hơn giá của nhà nước, ngoài ra mức chi trả tiền nước của họ cũng cao hơn quy định 15-20%. Hầu hết họ phải ở nhà thuê, với khoảng 1/3 lao động sống trong các khu nhà tạm bợ. Trong đại dịch, họ hầu hết không có tiền, không có lương thực, thực phẩm, không nhà ở, phải sống nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng...”, GS.TS. Đặng Nguyên Anh – Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” diễn ra vào tháng 6/2023. “Thời gian qua, lao động nhập cư đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương, nhưng những gì họ nhận được lại chưa tương xứng. Đã có khảo sát, đánh giá cho rằng: Mức thu nhập bình quân của công nhân lao động ở Bình Dương hiện nay là cao nhất nước: 8,2 triệu đồng/tháng. Công nhân vất vả làm ra đồng tiền, nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, và gần như không có ai tích lũy được cho mình vốn liếng để phòng trường hợp khi về già, hoặc lúc không còn làm công nhân được nữa”, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương nêu thực trang. Theo đồng chí Trân, có người di cư lên thành phố ở vài chục năm, nhiều gia đình làm công nhân đến 2-3 thế hệ, họ bỏ luôn quê hương và cũng không còn tài sản gì dưới đó. Họ miệt mài ở trọ từ ngày lên thành phố lập nghiệp, đời sống chỉ quẩn quanh trong căn phòng rộng hơn 10m2. Đến khi xảy ra những sự cố thương tâm như: tai nạn hay dịch bệnh Covid-19 vừa qua…; họ không còn chỗ để nương tựa, đến quê nhà cũng không thể về. Và trường hợp của Kha là một ví dụ. Các cấp công đoàn Bình Dương nỗ lực chăm lo đời sống cho công nhân lao động. Các số liệu thống kê cho thấy, người di cư đang chiếm khoảng 10% dân số cả nước, chủ yếu trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi. Họ từ bỏ quê nhà, ruộng vườn ra đi với ước vọng thay đổi cuộc sống cho bản thân và gia đình. “Người miền Tây thực bụng, nghĩ đơn giản, nên mơ ước cũng không xa vời, chỉ cần có cái ăn, cái mặc qua ngày. Nhiều người giã biệt quê hương, lòng quặn thắt. Ra đi với ước mơ về quê xây lại cái nhà khang trang hơn, có vài công ruộng, miếng vườn nhỏ, nên họ chấp nhận sống lay lắt nơi đô thị, trong những phòng trọ chỉ khoảng 10 m2. Công nhân may lớn tuổi một chút đã bị thải loại, phụ nữ thì suốt ngày quanh quẩn trong nhà máy, nhiều buổi tăng ca, không có thời gian bạn bè hay nghĩ đến chuyện chồng con. Một thế hệ rồi hai, ba thế hệ người tha hương, giấc mơ mãi không thành. Nhiều người hàng chục năm ngoái lại, khi đất khách chưa là quê mới mà quê hương đã thành cố hương…”, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL nêu đánh giá. Hàng ngàn người lao động nghèo lánh nạn về quê trong đợt dịch Covid-19. Tháng 7/2021, sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn người nghèo ở vùng châu thổ Cửu Long, vùng cao Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung đang ly hương làm ăn ở Sài Gòn và các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ phải chạy về quê. Và trong hành trình “di cư ngược” đầy bất trắc ấy, có người đã gục ngã bên đường ray xe lửa vì đói và kiệt sức; có người ngồi khóc bên đường khi bị các chốt kiểm soát ngăn lại. Khi một số lượng lớn lao động “hồi cư” đã khiến tình trạng khủng hoảng lao động diễn ra trầm trọng tại các tỉnh công nghiệp miền Đông. Cú sốc đại dịch là một “tai họa” nhưng cũng mang tính “thức tỉnh”. Nó đòi hỏi phải nhìn lại cả hệ thống chính sách liên quan người di cư, trước hết chính sách ở các đô thị, để điều chỉnh, bổ sung. Các chính quyền đô thị phải coi người di cư là những người dân trong phạm vi trách nhiệm của mình, ứng xử bình đẳng ở tất cả các dịch vụ xã hội, mạng lưới an sinh xã hội phải được cải thiện, tối thiểu phải có dữ liệu về người di cư. “Chúng ta cần đưa ra định hướng mới về an sinh cho người lao động di cư trong tình hình mới, về cách tiếp cận y tế công bằng, nhà ở tối thiểu, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…, bởi đầu tư cho người lao động di cư là đầu tư cho phát triển con người nên chế độ phải bao phủ và toàn diện. Các địa phương và bộ ngành cần xác định, đây là lực lượng lao động quan trọng hàng đầu”, GS.TS. Đặng Nguyên Anh kiến nghị. “Với thu nhập như hiện nay, công nhân lao động gần như không thể có được căn nhà do mình làm chủ. Các ngành, các cấp và cả xã hội, cộng đồng đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ chăm lo đời sống cho công nhân lao động, như: Thăm hỏi, tặng quà, bố trí chỗ ở, tổ chức tri ân, biểu dương những đóng góp của họ… Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm những “chính sách bền vững” để cuộc sống công nhân lao động được tốt hơn”, đồng chí Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương đề xuất. Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thăm, động viên và hỗ trợ nạn nhân trong vụ nổ lò hơi. Năm 2024 được xem là năm hứng chịu đợt hạn mặc khốc liệt nhất ở miền Tây. Hàng ngàn hecta lúa cháy khô trên đồng ruộng, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, những con đường bị sụt lún, đất đai khô kiệt… Và, khi nào thiên tai, biến đổi khí hậu còn tác động tiêu cực đến miền Tây, thì những cuộc “tháo chạy” khỏi đồng bằng vẫn sẽ còn tiếp diễn. Người dân quê ra đi vì miếng cơm manh áo, thầm lặng mỗi ngày đóng góp cho sự phát triển vươn xa, nhưng họ chưa bao tự có cho mình một chỗ ở, thậm chí là một bữa ăn tươm tất. Như trường hợp nam công nhân Lê Văn Beo, dù may mắn sống sót sau vụ tai nạn, nhưng sức lao động của anh sẽ không còn được như trước. Một gia đình với 4 miệng ăn, rồi mai này sẽ sống ra sao nơi đất khách quê người?. Họ cũng không thể quay lại dưới quê trong tình trạng cùng cực?!. Những câu hỏi như thế này đang rất cần lời giải!. Video: Video đám tang của anh Kha |
Phóng sự của TRẦN LƯU Đồ họa: AN NHIÊN |