|
Tết Nguyên đán là thời điểm đoàn tụ gia đình, được thăm hỏi người thân sau bao ngày lập nghiệp nơi “đất khách quê người”, mong muốn ấy lại càng lớn hơn với những công nhân xa quê khi Tết đến Xuân về. Hạnh phúc đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng có trọn niềm hạnh phúc ấy bởi đâu đó, quanh ta nhiều người vì hoàn cảnh mà không thể đón cái Tết đoàn viên. Nao lòng bởi những nỗi niềm… Như đã hẹn, sau giờ tan ca chiều, tôi được anh Lương Quang Tuấn - Chủ tịch Công đoàn cơ sở KCN Nam Thăng Long - Công ty Cổ phần In Công đoàn, dẫn tới khu nhà trọ của công nhân khi vừa tạnh cơn mưa chiều vào những ngày cận Tết. Khu trọ của công nhân nằm sâu hút cuối con ngõ nhỏ. Dãy trọ là khu nhà cấp 4 khoảng 10 phòng, lợp ngói fibro xi-măng. Tại đây, có hàng chục công nhân ngoại tỉnh thuê trọ và gắn bó với công ty bao năm nay. Khu nhà của các công nhân lao động thuê trọ. Ảnh: N.L Gặp chúng tôi, trong căn phòng tuềnh toàng, rộng chừng hơn 10m2, bạn Nguyễn Thị Hà, quê Thạch Hà - Hà Tĩnh, vừa tranh thủ dọn dẹp vừa tâm sự: "Em làm công nhân tại công ty hơn 5 năm, con thì còn nhỏ mới 3 tuổi nhưng vì điều kiện đi làm xa và kinh tế khó khăn nên gửi lại ông bà ở quê chăm sóc". Các ngày lễ, Tết, Hà đều tranh thủ bắt xe về thăm cha mẹ, thăm con nơi quê nhà. Và mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Hà háo hức chuẩn bị mua sắm, gói những món quà ý nghĩa về quê tặng bố mẹ, người thân. Năm nay, vì đại dịch, chật vật về kinh tế cộng với việc chi phí đi lại tốn kém nên “bất đắc dĩ” Hà phải ở lại đây ăn Tết. Tâm trạng vừa tủi, vừa buồn, Hà bộc bạch: "Càng gần những ngày giáp Tết Nguyên đán, nỗi nhớ nhà, nhớ con lại cồn cào, da diết. Mong muốn giản đơn của em là được về quê ăn Tết sum vầy cùng gia đình, con thơ". Vậy mà, với Hà, mong muốn giản đơn ấy lại là sự trăn trở, suy tư khi phải ăn Tết nơi “đất khách”. Bạn Nguyễn Thị Hà (giữa) lấy công việc làm niềm vui để giảm nỗi nhớ cha mẹ, nhớ con khi đón Tết xa quê. Ảnh: N.L |
Năm nay là năm đầu ăn Tết xa quê. Thường sau giờ tan ca chiều, trở về phòng trọ, Hà lại giấu đi những giọt nước mắt vì nỗi nhớ nhà, nhớ con… Có lẽ, nỗi niềm ấy Hà chưa biết tâm sự cùng ai, chỉ biết lấy công việc làm niềm vui và mong cho mau qua cái Tết đáng nhớ này. Trở về phòng trọ sau giờ tan ca chiều, Hà lại nhớ đến con nhỏ ở quê nhà. Ảnh: N.L Cùng hoàn cảnh với Hà, bạn Nguyễn Thành Long, quê Đức Thọ - Hà Tĩnh, cũng có những trải lòng. Hai vợ chồng cùng quê, lặn lội ra làm công nhân cho công ty bao năm nay và đây cũng là năm thứ 5 Long và vợ chưa về quê ăn Tết. Theo kế hoạch, năm nay cả nhà về quê ăn Tết sau bao năm xa cách. Đúng là “người tính không bằng trời tính”, Long tâm sự: "Cứ ngỡ, bao năm đi làm có thu nhập, hai vợ chồng tích cóp để cùng con về quê sắm Tết, có cái Tết sum vầy, con cháu vui vẻ. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch mà mọi kế hoạch bị đảo lộn". Hơn hết, mong muốn của Long lúc này sớm vượt qua đại dịch, cả nhà đón chuyến xe thị thành trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để được đoàn viên, sum vầy. Đã từng viết nhiều về những mảnh đời, những hoàn cảnh bất hạnh nhưng đây lần đầu tiên tôi viết về những trải lòng của công nhân lao động xa quê trong không khí người người, nhà nhà háo hức đón Tết đầm ấm, sum vầy. Đồng cảm với từng số phận, hoàn cảnh của mỗi người nhưng hoàn cảnh của vợ chồng Nụ “đặc biệt’ hơn cả. Quê ở vùng núi thuộc huyện Sơn Dương - Tuyên Quang, thu nhập chủ yếu từ trồng ngô, khoai, sắn và cấy vụ lúa mùa, nay làm thì mai lo. Sinh ra và lớn lên ở nơi mà nhiều người đều lũ lượt đi làm ăn xa. Có lẽ cũng vì hoàn cảnh, vợ chồng Trần Thị Nụ dắt díu nhau đi lập nghiệp xa quê. Trong căn phòng nhỏ, vội thu dọn đống quần áo, chăn màn và đồ chơi con trẻ, Nụ tâm sự: "Năm nay, có nhiều biến cố với gia đình, mẹ chồng em ở quê trải qua hai lần phẫu thuật mật, lá lách. Kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại càng khó hơn". Công việc làm tự do của chồng bấp bênh, không ổn định lại bị ảnh hưởng của đại dịch nên nguồn thu chủ yếu từ đồng lương công nhân của Nụ. Lau vội giọt nước mắt, Nụ xúc động: "Cứ Tết đến là nhớ quê hương đến cồn cào, nhớ không khí ấm cúng ở Tết quê nhà dù nghèo khó. Nhưng vì hoàn cảnh, điều kiện kinh tế không cho phép, đi lại xa, vất vả nên vợ chồng em và hai con nhỏ đành “nán” lại thành phố, chấp nhận một cái Tết xa quê". Chọn ở lại thành phố là một quyết định khó khăn với gia đình Nụ, trăn trở nhất, bởi bao năm nay, năm nào cả nhà cũng khăn gói về quê để có cái Tết đoàn tụ. Cả năm đi làm, cũng chỉ mong có Tết, để ông bà được gặp cháu, người thân được đoàn viên, cùng nấu món ăn truyền thống mà chỉ Tết mới có dịp. Ăn Tết xa quê là quyết định khó khăn, trăn trở nhất của Trần Thị Nụ. Ảnh: N.L Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt. Khi những ngày Tết cận kề, lựa chọn về hay ở của người lao động làm ăn xa quê vẫn là những trăn trở bởi ai cũng có những nỗi niềm riêng. Người ở lại trăn trở bởi chuyện tiền bạc, hoàn cảnh gia đình, địa lý xa cách... nhưng vẫn đau đáu những nỗi niềm nhớ thương quê nhà khi lạc lõng giữa cái Tết tha phương. … và cái Tết ấm lòng người ở lại Cũng như mọi năm, Công ty Cổ phần In Công đoàn đều có những chương trình hỗ trợ Tết cho công nhân. Theo anh Lương Quang Tuấn - Chủ tịch Công đoàn cơ sở KCN Nam Thăng Long: "Để chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện thông điệp “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát động, công đoàn cơ sở cũng đã tổ chức chương trình “Tết yêu thương” cho người lao động. Đồng thời tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các công nhân lao động đang làm việc tại cơ sở. Thăm hỏi, hỗ trợ hàng chục công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bão lũ…". Anh Lương Quang Tuấn phát khẩu trang cho công nhân. Ảnh: N.L "Không giống như mọi năm, cứ đến Tết Nguyên đán, 100% công nhân lao động trở về quê đón tết, năm nay do ảnh hưởng của dịch mà công ty có tới hàng chục công nhân ở lại ăn Tết xa quê. Để có cái Tết ấm no, vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, động viên tinh thần công nhân lao động, năm nay công ty cũng đã chi mức thưởng Tết cao hơn so với mọi năm. Đặc biệt, với công nhân lao động thuê nhà trọ, công ty cũng hỗ trợ tiền thuê trọ để công nhân an tâm đón trọn cái Tết xa quê", chị Ngô Ngọc Anh - Quản đốc phân xưởng gia công sau in cho chúng tôi biết thêm. Với sự hỗ trợ, động viên kịp thời của công ty, người lao động, đặc biệt là với những người ăn Tết xa quê, đều cảm thấy vô cùng phấn khởi. Nụ vui vẻ cho biết: "Năm nay, vì điều kiện không thể ăn Tết ở quê nhà nhưng công ty đã hỗ trợ tiền thuê trọ, tăng thưởng Tết cuối năm nên đã giúp phần nào về mặt kinh tế". Cũng như Nụ, những công nhân ở lại đều mong cho Tết này qua mau, mọi người trở về cuộc sống ngày thường, tập trung và lấy công việc làm niềm vui để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, và tiếp tục ấp ủ những dự định, kế hoạch sẽ về quê sum vầy sau cái Tết “đặc biệt” này. |
Bài viết: Nguyễn Liên Ảnh: N.L
|