e magazine
04/11/2020 19:38
“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

04/11/2020 19:38

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021, chủ đề “Tết Sum vầy – Kết nối yêu thương” với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”.

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động (NLĐ) nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021, chủ đề “Tết Sum vầy – Kết nối yêu thương”, với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”.

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Chương trình “Chuyến xe xuân nghĩa tình” do Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tổ chức dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Tết khó khăn do dịch bệnh và thiên tai

Trong thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mặc dù đã dần phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này tác động lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận không nhỏ đoàn viên, NLĐ. Cùng với đó, tình hình lũ lụt xảy ra tại một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân nói chung, trong đó có nhiều gia đình đoàn viên, NLĐ.

Tại Hội nghị lần thứ 16 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra ngày 19/10, bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương có trên 1,2 triệu lao động, trong đó số lượng công nhân nhập cư đông. Qua khảo sát tình hình, dự báo năm nay công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất khó khăn, số lượng công nhân ở lại Bình Dương đón Tết sẽ tăng hơn so với mọi năm.

Tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp tại Bình Dương tăng, số lượng công nhân lao động nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng rất nhiều. “Chưa kể, ngoài việc doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, không loại trừ một số doanh nghiệp cũng “té nước theo mưa”, không tới mức quá khó khăn nhưng người ta vẫn lợi dụng tình hình này để cắt giảm các khoản lương, thưởng Tết cho công nhân”, bà Hạnh nói.

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương

Bà Hạnh chia sẻ: “Những năm trước, ngày 30 Tết đi xuống các phòng trọ mà rớt nước mắt, công nhân ở lại rất buồn, không hề có gì trong phòng trọ. Có những khu nhà trọ không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, mà công nhân ở lại trong những ngày đó, nếu không có hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn thì không biết mấy ngày Tết của công nhân sẽ buồn như thế nào?”

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Thủy – Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong thời gian vừa qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, đoàn viên, NLĐ hết sức vất vả. Hiện rất nhiều đơn vị rơi vào cảnh hàng hóa không xuất được. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, NLĐ cũng chịu ảnh hưởng, do vậy cái Tết năm nay sẽ rất bí bách đối với họ”.

Những khó khăn nói trên cũng là vấn đề mà đoàn viên, NLĐ các địa phương, các ngành đang gặp phải. Do đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021 với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”.

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Ông Vũ Xuân Thủy – Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) và gia đình tập trung xếp hàng trước khi lên xe về quê ăn Tết, năm 2020

Tết Tân Sửu 2021: “Tết Sum vầy – Kết nối yêu thương”

Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu – 2021 năm nay yêu cầu các cấp công đoàn tập trung tổ chức các hoạt động cụ thể chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, nhất là đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 và bão lũ, thiên tai; thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là người sử dụng lao động ủng hộ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, chăm lo thiết thực cho đoàn viên và NLĐ.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động chăm lo Tết, giúp đoàn viên, NLĐ nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, tin tưởng gắn bó với tổ chức Công đoàn, góp phần thu hút NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam; tạo động lực khích lệ, động viên đoàn viên, NLĐ làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn và ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.

Yêu cầu đặt ra là phát huy nguồn lực của toàn xã hội, sự hưởng ứng, ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để tổ chức tốt các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ. Tổ chức rộng khắp, đa dạng các hình thức hoạt động chăm lo Tết, tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và tại các doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động đảm bảo tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Ưu tiên lựa chọn đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, bão lũ, thiên tai; đoàn viên, NLĐ thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.

“Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”

Kế hoạch cũng định hướng một số hoạt động chăm lo Tết, chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo chuyên môn dành nguồn kinh phí, gói hỗ trợ để hỗ trợ chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ.

Tổ chức các hoạt động đưa được nhiều nhất đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi, tạo sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn. Tổ chức các hoạt động vui Tết, thăm, động viên đoàn viên, NLĐ không có điều kiện về quê, đảm bảo vui tươi, chu đáo, ấm áp, nghĩa tình.

Công đoàn các cấp tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định. Phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả những phát sinh liên quan đến quyền lợi của NLĐ xảy ra trong dịp Tết; hạn chế tranh chấp lao động và ngăn ngừa có hiệu quả đình công trái pháp luật.

Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp nắm tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của NLĐ để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp xử lý và báo cáo kết quả về Tổng Liên đoàn trước ngày 10 tháng 12 năm 2020; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.

Chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương” cần được tổ chức rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như: các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, nơi có đông NLĐ, tạo điểm nhấn đặc biệt để các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm tham gia các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ, gắn với hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ kịp thời, ý nghĩa, thiết thực, đảm bảo đúng đối tượng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ đón Tết, vui Xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành các quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian quy định...

Bài: Ý Yên

Ảnh: Ý Yên, Hoàng Trung

Xem phiên bản di động