Tạo cơ hội để người khuyết tật được làm việc và cống hiến
Chị Nguyễn Thị Thu Thương - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade (nằm trên xe đẩy) kể cho ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghe việc chị vừa mở thêm một doanh nghiệp mới. Ảnh: ĐỨC TRUNG.

/01

Từ ý tưởng của bộ trưởng

Những năm qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Công đoàn Bộ thực hiện các chương trình bảo trợ 8 nhóm yếu thế (trong đó có người khuyết tật), tạo cơ hội để họ vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2018, từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chương trình "Tự hào Việt Nam" và nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa dành cho người yếu thế được khởi xướng. Các chương trình đã thu hút sự quan tâm của tổ chức quốc tế, cộng đồng người yếu thế và toàn xã hội. Từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái, củng cố niềm tin về cuộc đời tốt đẹp, hạnh phúc nếu biết sẻ chia, bồi đắp giá trị tử tế.

Trong hơn 4 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều chương trình hỗ trợ các nhóm yếu thế, thông qua việc lồng ghép với các hoạt động của Bộ. Việc này đã mở ra một hướng tiếp cận mới, làm thay đổi sâu sắc nhận thức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức: Phải xác định thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế (nhất là người khuyết tật).

8 nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ đại diện cho những nhóm người khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, xương thủy tinh, khuyết tật đa chức năng… trong số hơn 6 triệu người khuyết tật tại Việt Nam. Trong bối cảnh bình thường, người khuyết tật đã khó hòa nhập, khó có cơ hội phát triển. Trong đại dịch Covid-19, người khuyết tật lại càng dễ bị tổn thương.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo đời sống của những người khuyết tật. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn nên mới bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, xã hội và cộng đồng cũng có nhiều nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, giúp đỡ người khuyết tật nhưng chưa thể đáp ứng hết các nhu cầu.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng, Nhà nước về kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn ý thức rõ, người dân phải là trọng tâm của quá trình phát triển. Mọi chính sách phải hướng tới hạnh phúc của người dân, tạo điều kiện để người dân và cộng đồng xã hội có cơ hội bình đẳng về phát triển, tiếp cận nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và không ai bị bỏ lại phía sau.

Tạo cơ hội để người khuyết tật được làm việc và cống hiếnÔng Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hàng đầu, thứ hai, từ trái sang) trò chuyện với những người khuyết tật tại trụ sở Bộ. Ảnh: ĐỨC TRUNG

/02

NGƯỜI YẾU THẾ, KHUYẾT TẬT TÌM ĐƯỢC

MÔI TRƯỜNG PHÙ HỢP

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội. Trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật. Riêng người mù và người khiếm thị là hơn 3 triệu người. Đây là những con số đáng để chúng ta suy ngẫm và hành động nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững giữa kinh tế và xã hội.

Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu chương trình "Vì sự phát triển cộng đồng" và phát động sáng kiến "Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam". Trong đó, sáng kiến "Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam" mang thông điệp: Cả nước chung tay mang lại hạnh phúc cho người mù. Đối tượng hưởng lợi là 1 triệu người mù/khiếm thị có nhu cầu sử dụng gậy (ưu tiên nhóm, cụm yếu thế nhất trong cộng đồng người mù).

Theo đồng chí Lê Thị Tường Thu - Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi phát động đến nay, đã có hơn 13.300 cây gậy trắng được trao tặng cho người mù trên cả nước thông qua Hội Người mù Việt Nam.

Joseph Nguyễn Văn Hùng (quê ở xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) không có phản ứng với ánh sáng từ lúc 2 tháng tuổi. Hùng bị khiếm thị với khả năng nhìn của hai mắt đều là 0%. Phải rất nỗ lực, Hùng mới trở thành sinh viên và tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Hùng xúc động kể: "Cây gậy là phương tiện giúp người khuyết tật kết nối với người không khuyết tật. Cây gậy cũng là phương tiện giúp người mù “đứng thẳng” và đón nhận những cơ hội cho mình. Cây gậy không đắt nhưng không phải người mù nào cũng mua được. Cây gậy trắng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao tặng đã thúc đẩy người khiếm thị hãy mạnh mẽ, tự tin bước ra cuộc sống. Từ khi có cây gậy trắng, em bước ra ngoài đường nhiều hơn, đi xe bus nhiều hơn, đi máy bay và tự tin đi… hỏi vợ. Có một gia đình nhỏ ấm áp, em tiếp tục nỗ lực làm việc. Em tham gia hướng dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp, làm huấn luyện viên và mở lớp dạy kỹ năng dẫn chương trình cho người có nhu cầu".

Tạo cơ hội để người khuyết tật được làm việc và cống hiến Tạo cơ hội để người khuyết tật được làm việc và cống hiến
Joseph Nguyễn Văn Hùng (mặc áo dài truyền thống) chia sẻ về ý nghĩa của cây gậy trắng. Ảnh: ĐỨC TRUNG Hợp ca Hy vọng (do những người mù/khiếm thính) biểu diễn. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nguyễn Thị Thu Thương - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade kể, chị và những người cùng cảnh ngộ rất hạnh phúc khi công chức, viên chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư động viên tinh thần, hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp của chị ở khâu tiêu thụ sản phẩm.

"Điều may mắn là, nhiều sản phẩm của Thương Thương Handmade được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mua để tặng khách quốc tế. Đó là sự động viên, giúp đỡ rất thiết thực với những người khuyết tật như chúng em” - chị Thương nói.

Với sự cộng tác của một người bạn, chị Thương còn mở thêm một doanh nghiệp chuyên đào tạo về marketting, hiện đã có hơn 10 học viên theo học.

Tạo cơ hội để người khuyết tật được làm việc và cống hiến
Những người khuyết tật làm tranh cuốn giấy tại Công ty CP Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Ảnh: ĐỨC TOÀN

Nguyễn Thị Thùy Linh (30 tuổi) đang làm việc tại Hợp tác xã Vụn Art - một trong những nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ.

“Em là người bị khuyết tật vận động. Trước khi đến với Vụn Art, em là giáo viên mầm non. Sau một lần mắc bệnh, chân của em yếu, không đi được, cần sự trợ giúp của xe đẩy. Em phải ở nhà gần 4 năm để điều trị. Chính trong thời gian đó, em thay đổi ý định ở nhà và chấp nhận bệnh tật. Em xin đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Vào Hợp tác xã Vụn Art, em làm tranh, làm túi, ví từ những mảnh vải ghép. Công việc cần sự tỉ mỉ và kiên trì. Từ khi đến với Vụn Art, công việc ổn định hơn, tinh thần em vui vẻ hơn vì được sống trong môi trường của người khuyết tật hòa đồng và chia sẻ" - Nguyễn Thị Mỹ Linh nói.

"Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công đoàn Bộ đã hỗ trợ tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 197 người lao động khuyết tật. Đồng thời hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ các nhóm bán sản phẩm. Công đoàn cũng kết nối và chăm lo để toàn bộ các thành viên trong 8 nhóm yếu thế đón Tết đủ đầy. Đời sống các nhóm được đảm bảo, yên tâm sản xuất sản phẩm đóng góp cho xã hội. Công đoàn Bộ làm đầu mối phân công các đơn vị thuộc Bộ bảo trợ 8 nhóm, lan toả sự yêu thương chia sẻ đến tất cả các nhóm" - đồng chí Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ngày 20/4/2022, nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức chương trình "Yêu thương Việt Nam". Đây là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện "Tự hào Việt Nam" do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khởi xướng từ năm 2018.

Bài viết: Hà Vy