Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu phát triển nhà ở công nhân theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với kinh tế thị trường để giải quyết tốt vấn đề nguồn lực. Trong đó, tạo cơ chế, chính sách để Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. |
Nhà ở công nhân là vấn đề cấp bách, nhưng thực hiện còn hàng loạt khó khăn Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Trong quá trình triển khai dự án thí điểm thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và một số địa phương khác đã phát sinh một số các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu của Đề án phát triển nhà ở cho công nhân". Để khuyến khích và thúc đẩy được việc phát triển nhà ở cho công nhân, lao động thuê tại các khu công nghiệp,với đặc thù công nhân, lao động làm việc có thời vụ (trung bình một người lao động chỉ làm việc trong khu công nghiệp khoảng 2, 3 năm sau đó chuyển nơi khác hoặc về địa phương), làm việc theo ca kíp, thường xuyên di chuyển giữa các tỉnh thành, khu công nghiệp khác nhau, Tổng LĐLD Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. |
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, khi sửa Luật Nhà ở, tại chương Chính sách nhà ở cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp cần có điều khoản về chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Về lựa chọn chủ đầu tư, giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể lựa chọn nhà đầu tư trên tại dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn để chủ động triển khai Đề án. Liên quan đến đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở cho người lao động tại doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị đối tượng là công nhân, đoàn viên công đoàn và người lao động đang làm việc ở KCN; ưu tiên đối với các trường hợp người lao động ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN; doanh nghiệp trong KCN được thuê để bố trí cho người lao động của mình ở hoặc thuê lại. Điều kiện để được thuê nhà ở công nhân là người không có nhà ở, có nhà nhưng không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho bản thân hoặc cách xa khu làm việc trên 20km. Thủ tục cho công nhân thuê gồm đơn xin thuê nhà, xác nhận của thủ trưởng cơ quan, hợp đồng thuê nhà với ban quản lý nhà ở. Người lao động KCN không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng hợp đồng thuê. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế và được tính chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả KCN. |
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù: Tổng LĐLĐVN được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư một số dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu. Sửa đổi bổ sung điều 39, Nghị định 99/2015/NĐ-CP: Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với nhà ở do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để cho công nhân thuê. Trước mắt cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có đông công nhân, lao động như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cho phép các doanh nghiệp trong KCN được thuê nhà ở để bố trí cho công nhân của mình ở hoặc thuê lại; giảm bớt các thủ tục cho công nhân thuê nhà ở tại các dự án do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư. Cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam được phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn trong việc quản lý, khai thác các công trình thiết chế văn hóa, thể thao do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư nhằm đảm bảo tính hiệu quả và nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí gói khoảng 3.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và công nhân vay vốn để mua, thuê nhà ở. |
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại thiết chế công đoàn kcn đồng văn ii Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017; sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 trong đó xác định mục tiêu 2017 - 2020 hoàn thành thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn. Dự án thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai xây dựng từ năm 2018, hoàn thành năm 2020 từ nguồn vốn tài chính của Tổng LĐLĐ Việt Nam theo cơ chế chính sách của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác thi công, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng 5 block nhà ở với 244 căn hộ, 01 nhà đa năng, sân thể thao ngoài trời và hạ tầng kỹ thuật dự án. |
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về phát triển nhà ở cho công nhân, lao động thuê tại các KCN, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương rà soát quỹ đất dành cho phát triển nhà ở cho công nhân. Đối với các khu công nghiệp cũ chưa có danh mục nhà ở công nhân trong quy hoạch, các địa phương sẽ điều chỉnh quy hoạch để bổ sung. Ông Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét gói hỗ trợ tương tự gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như công nhân, lao động tiếp cận với nhà ở công nhân thuận lợi hơn. Về cơ bản, các bộ, ngành liên quan thống nhất với các kiến nghị, đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam và đã, đang tháo gỡ. Đối với kiến nghị thuộc cấp thẩm quyền cao hơn, các bộ, ngành sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Về các kiến nghị, đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam liên quan đến phát triển nhà ở công nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng sử dụng quỹ đất tại KCN. Ở nơi chưa có thì bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội cho công nhân vào quy hoạch KCN. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về nhà ở công nhân, quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, lao động phù hợp với kinh tế thị trường nhằm giải quyết tốt vấn đề nguồn lực. Trong đó có cơ chế để tổ chức Công đoàn, các địa phương, doanh nghiệp tham gia, cùng với việc bố trí nguồn lực đầu tư công vào đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. “Như vậy phải có 4 - 5 cơ chế cho nhà ở công nhân, gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh. Vấn đề phát triển nhà ở công nhân là một trong những trọng tâm công tác phối hợp năm 2022 giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam |
------
|
Bài viết: Duy Minh |