Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Chúng ta cùng nhìn những con số không thể “cãi lý”. Cụ thể, 36% là tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán lẻ tại Việt Nam, thấp nhất trong khu vực, cách xa khuyến nghị 75% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tổn thất do thuốc lá gây ra mỗi năm là 108.000 tỷ đồng, gấp 5 lần số thu từ thuế thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vẫn ở mức 41,1%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và mục tiêu quốc gia năm 2030.

Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Tỷ lệ 41,1% không chỉ là con số y tế, nó là một cảnh báo về đạo đức, về trách nhiệm, và về tương lai của cả dân tộc. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đạt tới 41,1%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của các nước trong khu vực như Singapore (21%), Thái Lan (37%), hay Philippines (35%).

Đây không chỉ là chênh lệch thống kê, đây là một biểu hiện của khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, khi gần nửa nam giới Việt trưởng thành vẫn lệ thuộc vào một thứ gây nghiện chết người.

Tỷ lệ hút thuốc cao ở nam giới phản ánh áp lực xã hội đè nặng lên họ. Họ hút vì bạn bè, vì căng thẳng, vì “thói quen đàn ông”. Nhưng những lý do ấy không thể biện minh cho hàng chục nghìn ca ung thư phổi mỗi năm, không thể hợp lý hóa sự vắng mặt của một người cha, người chồng trong gia đình chỉ vì “điếu thuốc sau bữa cơm”.

Đằng sau con số 41,1% ấy là hàng triệu người đàn ông đang mệt mỏi, khốn khó và chưa bao giờ được giúp đỡ để bỏ thuốc. Họ không cần sự phán xét, họ cần một chính sách dẫn đường.

Con số 41,1% không phải là bản án chung thân cho sức khỏe cộng đồng. Nó chỉ là dấu chấm hỏi lớn: “Chúng ta đang làm gì cho một nửa đàn ông Việt”?

Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Chúng ta có thể tiếp tục im lặng hoặc bắt đầu hành động. Bắt đầu bằng việc tăng thuế thuốc lá, siết chặt quảng cáo, tạo môi trường hỗ trợ bỏ thuốc và truyền thông nhân văn, không đổ lỗi, không né tránh.

Bởi vì khi người đàn ông khỏe mạnh, cả gia đình sẽ vững chãi. Và khi một xã hội có những người cha không còn nghiện thuốc, tương lai sẽ không còn bị bao phủ bởi khói mù.

Đây không còn là vấn đề của ngân sách, mà là một lời kêu gọi đạo lý và trách nhiệm với thế hệ tương lai. Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc và mỗi năm hơn 103.000 người chết vì thuốc lá, tức trung bình mỗi ngày có khoảng 280 người Việt ra đi chỉ vì thói quen này.

Đó không chỉ là những con số thống kê khô khan, mà là những mạng người, những người cha, người mẹ, người con đang bị cướp đi vì một sản phẩm hoàn toàn có thể kiểm soát bằng chính sách hiệu quả, đó là tăng thuế thuốc lá.

Trong khi Thái Lan, Philippines hay Singapore đã tăng thuế thuốc lá lên đến 70–79% giá bán lẻ, thì Việt Nam mới chỉ đạt 36% chưa bằng một nửa mức khuyến nghị của WHO. Đây là một nghịch lý đáng buồn khi nước ta đang gánh chịu hậu quả nặng nề về y tế và kinh tế từ thuốc lá.

Năm 2022, thiệt hại kinh tế do thuốc lá gây ra cho Việt Nam lên đến 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP quốc gia. Chi phí này bao gồm 16,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 683 triệu USD) chi phí y tế trực tiếp cho điều trị bệnh, 5,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 245 triệu USD) chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD) do tử vong sớm. Trong khi đó, nguồn thu từ thuế thuốc lá chỉ bằng 1/5 con số thiệt hại đó.

Chúng ta đang tự đưa ngân sách quốc gia vào một vết nứt rò rỉ khổng lồ, để rồi phải chi trả nhiều hơn cho bệnh viện, cho an sinh và cho cả tang lễ, đặc biệt là suy giảm sức lao động xã hội của những người mắc bệnh do thuốc lá, trong khi hoàn toàn có thể ngăn chặn từ gốc bằng cách... tăng giá đối với một bao thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Theo khảo sát gần đây, trên thị trường Việt Nam có hơn 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá dưới 10.000 đồng/bao, thậm chí có loại chỉ 7.000 đồng. Với mức giá này, bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể “tập hút thử”. Với số tiền ấy, một sinh viên có thể tiếp cận thứ sẽ tước đi tương lai của phổi, của sức lực và cả của gia đình em sau này.

Giá rẻ không chỉ là vấn đề thị trường, đó là sự dễ dãi với hiểm họa. Đó là cánh cửa mở toang đón thế hệ trẻ vào vòng xoáy nghiện ngập, ung thư, tử vong sớm. Và “cánh cửa” ấy có thể “khóa lại” chỉ bằng một hành động chính sách duy nhất: “Tăng thuế với sản phẩm thuốc lá”.

Trong một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ vì phát triển bền vững, liệu có hợp lý không khi mỗi năm chi hơn 4,5 tỷ USD cho hậu quả do thuốc lá gây ra, nhưng lại thu về chưa đến 1/5 con số đó từ thuế? Chúng ta tự làm nghèo quốc gia, tự làm mòn sức khỏe lực lượng lao động và tự phá hoại những gì mình gắng gây dựng.

Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Một trong những lý do khiến chính sách tăng thuế bị trì hoãn là nỗi lo về suy giảm sản xuất và thất nghiệp. Nhưng kinh nghiệm cho thấy tiêu dùng thuốc lá giảm, nhưng thu ngân sách tăng mạnh.

Lao động ngành thuốc lá chỉ chiếm 0,4% lực lượng lao động, dễ dàng chuyển đổi ngành nghề với chính sách hỗ trợ. Sản xuất vẫn duy trì ổn định, nhưng sức khỏe cộng đồng được cải thiện rõ rệt. Ngành thuốc lá Việt Nam vẫn tăng trưởng trong 10 năm qua, ngay cả sau những lần tăng thuế nhẹ.

Thuốc lá không chỉ hại sức khỏe, mà còn làm trầm trọng thêm đói nghèo. Người nghèo chi tiêu một phần lớn thu nhập cho thuốc lá, thay vì thực phẩm, học hành hay y tế. Khi tăng giá thuốc lá, họ sẽ có động lực để giảm hút hoặc bỏ hút giúp tiết kiệm chi tiêu, cải thiện cuộc sống.

Hơn nữa, theo Ngân hàng Thế giới, mỗi 10% tăng thuế có thể giúp tăng thu ngân sách khoảng 7%, đồng thời tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới trong các ngành phi thuốc lá.

Nếu tiếp tục duy trì mức thuế như hiện nay, Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, như Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đã đề ra.

Đã đến lúc Quốc hội và Chính phủ cần có hành động quyết liệt, không thể để chính sách y tế và tài chính quốc gia tiếp tục bị kìm hãm bởi lợi ích thiểu số.

Tăng thuế thuốc lá vì sức khoẻ cộng đồng

Tăng thuế thuốc lá không chỉ là phép tính tài chính giữa ngân sách và tiêu dùng. Đó là quyết định giữa sự sống và cái chết, giữa tương lai và sự lụi tàn. Mỗi bao thuốc rẻ đang giết chết dần dân tộc này trong im lặng, còn mỗi đồng thuế tăng lên là một cơ hội để cứu một sinh mạng, bảo vệ một mái ấm, một tương lai không bị ám khói.

Không có quyết định nào đơn giản khi đứng trước cái chết, nhưng chính sự chần chừ trong cải cách thuế là một quyết định thầm lặng tàn nhẫn nhất. Tăng thuế thuốc lá nghe có vẻ hành chính, nhưng thật ra đó là một tuyên ngôn đạo lý, là lời chính quyền dõng dạc nói với người dân: “Chúng tôi đứng về phía sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi chọn sự sống”.

Hãy tưởng tượng một Việt Nam năm 2030, nơi mà trẻ em lớn lên không bị dụ dỗ bởi quảng cáo ngầm và giá thuốc quá rẻ. Một đất nước không còn khói thuốc trong quán cà phê, trong nhà hàng, trong công sở. Một cộng đồng khỏe mạnh hơn, chi tiêu cho bệnh tật giảm đi, ngân sách dồi dào hơn để đầu tư cho giáo dục, hạ tầng và công bằng xã hội.

Tất cả những điều đó chỉ có thể bắt đầu từ hôm nay, từ việc Quốc hội và Chính phủ quyết định không còn bao che cho một sản phẩm độc hại, mà thay vào đó là tăng thuế đến mức đủ sức răn đe và bảo vệ sức khỏe.

Chúng ta đang đứng trước một cơ hội "cùng thắng". Thắng cho sức khỏe cộng đồng, thắng cho ngân sách quốc gia và thắng cho công bằng xã hội. Hãy hành động trước khi bị làn khói thuốc che khuất tương lai.

Bài viết: Nguyễn Việt

Thiết kế: Trường Sơn