e magazine
08/12/2020 18:15
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động

08/12/2020 18:15

Các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở nước ta hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu đến người làm công ăn lương, ít quan tâm đến người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (không theo hợp đồng lao động). Vì vậy, tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động là một nội dung có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động

Cán bộ an toàn hướng dẫn cho tư vấn viên là cán bộ xã, phường.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG KHU VỰC KHÔNG CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG

Các chính sách về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở nước ta hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu đến người làm công ăn lương, ít quan tâm đến người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động (không theo hợp đồng lao động). Vì vậy, tăng cường quản lý Nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động là một nội dung có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn.

Thực trạng ATVSLĐ tại khu vực không có quan hệ lao động

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề hoạt động ở 6 lĩnh vực chính: Chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ; dệt nhuộm, ươm tơ và thuộc da; sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá; tái chế phế liệu; thủ công mỹ nghệ và các nhóm ngành nghề khác, thu hút khoảng 14 triệu lao động tham gia.

Quá trình hoạt động, các hộ gia đình, doanh nghiệp thuộc khu vực không có quan hệ lao động chưa thực sự chú trọng đến điều kiện làm việc cho người lao động (NLĐ), trách nhiệm pháp lý về môi trường cũng như vấn đề về ATVSLĐ. Đa phần các cơ sở sản xuất đều không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ mang tính sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện; sử dụng nhiều thiết bị cũ, thiếu đồng bộ; nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ chưa được kiểm định; hệ thống điện, cầu dao nhiều cơ sở không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ điện giật khi NLĐ làm việc; không tham gia bảo hiểm TNLĐ, bảo hiểm tự nguyện; không niêm yết nội quy, quy trình làm việc an toàn tại nơi làm việc; không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; không có bình chữa cháy; hệ thống nước thải, bụi chưa có biện pháp xử lý, vẫn thải thẳng ra môi trường xung quanh...

Kết quả khảo sát về ATVSLĐ do Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) công bố cuối năm 2017 cho thấy: Các làng nghề dù đã có cải thiện điều kiện làm việc nhưng cũng chưa đáng kể; môi trường lao động, tình trạng ô nhiễm còn phổ biến; thiếu kiến thức về ATVSLĐ; máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn, không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành thiết bị...

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do: (1) Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về ATVSLĐ trong một bộ phận doanh nghiệp, làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động còn hạn chế. (2) Phân định trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về ATVSLĐ chưa rõ ràng; tồn tại sự bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ với biên chế và trình độ cán bộ; thiếu hụt đội ngũ cán bộ quản lý ATVSLĐ đảm bảo tiêu chuẩn. (3) Các địa phương chưa bố trí nguồn lực hỗ trợ công tác huấn luyện trong khu vực không có quan hệ lao động, chưa có biện pháp kiểm soát, chế tài xử lý vi phạm trong khu vực không có quan hệ lao động. (4) Chi phí của doanh nghiệp đầu tư cho công tác ATVSLĐ chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết thiếu nguồn lực cho các hoạt động ứng phó sự cố, khắc phục thiệt hại về ATVSLĐ. (5) Công tác nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động chưa được đẩy mạnh và thiếu tính ứng dụng thực tiễn. (6) Tình trạng vi phạm pháp luật ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất xảy ra nhiều nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động

Vật liệu để ngổn ngang ở một cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn.

Từ việc chưa chú trọng đến các quy định về ATVSLĐ đã dẫn đến tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) gia tăng trong những năm qua: Năm 2016, trên toàn quốc xảy ra 393 vụ TNLĐ làm 445 NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) bị nạn. Năm 2018, xảy ra 907 vụ TNLĐ làm 970 NLĐ làm việc không theo HĐLĐ bị nạn. Năm 2019, xảy ra 1.020 vụ TNLĐ làm 1.060 NLĐ làm việc không theo HĐLĐ bị nạn... Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, hải sản, cơ khí luyện kim...

Luật ATVSLĐ và các Nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác điều tra TNLĐ, thống kê báo cáo TNLĐ đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ vẫn chưa được triển khai toàn diện theo quy định. Việc lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo HĐLĐ của UBND cấp xã cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động

Cán bộ Cục An toàn lao động hướng dẫn về an toàn lao động cho NLĐ tại nơi làm việc.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ tại khu vực không có quan hệ lao động

Khoản 4, Điều 88 Luật ATVSLĐ đã quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSLĐ của UBND các cấp: (1) Xây dựng, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương; (2) Chịu trách nhiệm quản lý ATVSLĐ tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương; (3) Hằng năm, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ tại địa phương với HĐND cùng cấp hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (4) Hằng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; (5) Ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo HĐLĐ tại địa phương; (6) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương.

Để làm tốt công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, hộ gia đình, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ thì việc phát huy vai trò của các tư vấn viên là cán bộ xã vô cùng quan trọng. Nhờ được tư vấn, các cơ sở có thể nhận diện được những mối nguy hiểm, yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại xưởng, cơ sở làm việc hay không; biết nhận diện, đánh giá các mối nguy hiểm về hệ thống điện; đánh giá điều kiện làm việc, lán, xưởng (sắp xếp nguyên vật liệu, lối đi lại), các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, lối thoát hiểm; nhận diện các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động cần phải kiểm định kỹ thuật an toàn và đăng ký sử dụng; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc; được tuyên truyền tập huấn về ATVSLĐ; tham gia bảo hiểm tự nguyện (BHXH, BHYT); biết tổng hợp, thông tin, báo cáo TNLĐ.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động
Công nhân làm việc trong môi trường bụi bặm thiếu phương tiện bảo vệ cá nhân.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khu vực không có quan hệ lao động
Máy móc sử dụng trong sản xuất tại các làng nghề phần lớn không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức đến các tổ chức, hộ gia đình, NLĐ làm việc không theo HĐLĐ theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 6 và Điều 13, 14 Luật ATVSLĐ.

UBND các cấp tiếp tục bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương theo quy định tại Điều 86 Luật ATVSLĐ.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể công tác xã hội địa phương cần phát huy và làm tốt hơn quyền và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ quy định tại Điều 8, 9, 10, 11 Luật ATVSLĐ.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cần tiếp tục tổ chức tuyền truyền giáo dục pháp luật ATVSLĐ; báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ATVSLĐ tại địa phương theo quy định tại Điều 13, 14, 86 Luật ATVSLĐ; tổ chức thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chú trọng quan tâm triển khai đối với khu vực làng nghề; huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động trên địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP; tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường nguồn lực cho công tác ATVSLĐ, đặc biệt là cho khu vực phi kết cấu.

Nguyễn Vân Yên

Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra

Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động