|
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, người lao động, nhất là người làm việc tại các khu công nghiệp rất cần được tạo điều kiện để dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ngoài giờ hơn. Từ năm 2018, Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn hoạt động khám chữa bệnh ngoài giờ làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều cơ sở y tế triển khai thực hiện chủ trương này hoặc triển khai nhưng chưa đạt yêu cầu. Nguyên do là cơ sở vật chất và nhân lực ngành Y tế còn hạn chế và chưa có quy định về thanh toán chế độ làm việc ngoài giờ cho nhân viên y tế. Trong cả nước hiện có hai địa phương gồm TP Hồ Chí Minh và Bình Dương thực hiện tương đối tốt điều này. |
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế tham dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động" Ảnh: Đ.H |
Là địa bàn trọng điểm công nghiệp ở phía Nam, tỉnh Bình Dương có hàng triệu lao động. Trong đó, lao động nữ chiếm tỷ lệ khoảng 56%. Đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lực lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80%), chủ yếu là công nhân có độ tuổi từ 15 - 28. Tuy nhiên, người lao động, nhất là lao động nữ do bận rộn làm việc, tăng ca nên chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của công nhân chưa thường xuyên, nhất là ngoài thời gian làm việc. Giúp công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, các khu nhà trọ thuận lợi tiếp cận được dịch vụ khám sức khỏe hơn, tỉnh Bình Dương đã tổ chức dịch vụ khám sức khỏe ngoài giờ cho người lao động từ 17h đến 21h vào ngày thứ 7 và khám bệnh cả chủ nhật. |
Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Ảnh: TT |
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, để có thêm nhiều người lao động được khám bệnh ngoài giờ, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm bố trí quỹ đất tại các khu công nghiệp, nơi có đông công nhân lao động để xây dựng các cơ sở y tế. Tổng LĐLĐ Việt Nam khi xây dựng các thiết chế công đoàn cũng cần bố trí cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe người lao động. Bộ Y tế đề nghị LĐLĐ các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế các địa phương, Ban quản lý khu công nghiệp tổ chức khảo sát, đưa ra tiêu chí cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở y tế gần khu công nghiệp. Nếu khu công nghiệp có đông công nhân lao động, xa hoặc quá xa cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thì có thể thiết lập cơ sở khám chữa bệnh ngay tại khu công nghiệp để công nhân lao động dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe theo quy định tại Luật Bảo hiểm Y tế. |
Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở lao động phải lập hồ sơ quản lý sức khỏe lao động, tiến tới sẽ lồng ghép với hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc. Điều này nhằm thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó có một nội dung là phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng, quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Công an triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe lao động theo hướng gắn kết, lồng ghép thành một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân nhằm đáp ứng khám chữa bệnh thông tuyến của tuyến tỉnh bắt đầu từ 1/1/2021. |
Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho đối tượng lao động đặc thù như phụ nữ trong thời kỳ sinh nở, người mắc bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn hệ thống y tế lao động các tuyến thực hiện chăm sóc sức khỏe người lao động; ban hành tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh lao động, khám bệnh, chẩn đoán, điều trị đối với các trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... |
Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân lao động Ảnh: TT |