Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Thực hiện ý tưởng dự án nhân văn tham gia cùng tuyến đầu chống dịch ngay sau khi kết thúc điều trị Covid-19, đến nay, trải qua nhiều đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng, anh Mai Anh Đức (bệnh nhân 687) mong muốn được duy trì và lan tỏa dự án đến các vùng dịch.

Biến lòng biết ơn thành động lực

Gặp chúng tôi vào những ngày đầu tháng 6 khi Đà Nẵng nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ luôn ở mức 37 - 40 độ C, anh Mai Anh Đức (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) và mọi người đang tất bật chuẩn bị những công đoạn hoàn thiện lô hàng chi viện cho Bắc Giang, gồm 1.500 lít nước sát khuẩn và 8 máy sát khuẩn tự động.

Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán, anh Đức cười hồn hậu khi nghe có người hỏi thăm “Anh là bệnh nhân 687 ạ?”. Con số 687 – mã định danh điều trị của bệnh nhân Covid-19, đã gợi lên trong anh Đức bao nỗi niềm.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Anh kể thời điểm tháng 7/2020, khi Đà Nẵng trở thành “tâm dịch” của cả nước, anh và con trai không may dính virus SARS-CoV-2. Ngày đó, hiểu biết về dịch bệnh Covid-19 của nhiều người chưa cao, vì vậy khi trở thành bệnh nhân, anh hoang mang tột độ.

“Tôi nhận được tin con trai bị nhiễm bệnh trước, sau đó đến bản thân. Thật sự thì giai đoạn đó mình chưa có thông tin nhiều về Covid-19 nên khi nhiễm bệnh tôi hoang mang, lo lắng vô cùng. Tôi hình dung ra những ngày điều trị với máy thở, những lời xì xầm từ hàng xóm, cộng đồng mạng và hơn hết là nỗi lo cho sức khỏe của người thân, bạn bè”, anh Đức tâm sự.

Nhắc lại những kỷ niệm cũ đã trôi qua gần 1 năm, vậy nhưng, “cựu” bệnh nhân Covid-19 này vẫn không giấu được sự bồi hồi, với anh mọi thứ như vừa xảy ra ngày hôm qua. Cũng từ những “tai họa trên trời rơi xuống” đó, anh và gia đình nhận được nhiều sự đồng cảm, sẻ chia trong suốt quá trình điều trị.

“Khi đi nằm viện, tôi mới thấy thực tế khác xa những điều mình tưởng tượng. Tôi được xếp vào nhóm các bệnh nhân nhẹ nên được xếp ở tầng 3, ngay dưới tôi, tầng 2, các bệnh nhân có bệnh lý nền, sức khỏe yếu được chỉ định sử dụng máy thở”, anh Đức nhớ lại.

Cũng trong suốt thời gian đó, điều làm anh ấn tượng hơn cả chính là sự nhiệt tình, chu đáo và trách nhiệm của tất cả đội ngũ y, bác sĩ.

“Có một đêm tôi sốt cao, các bác sĩ đã túc trực xuyên đêm để theo dõi tình hình từng chút một. Tôi không thể thấy được các bác sĩ trông như thế nào vì họ luôn phải mặc bộ đồ bảo hộ suốt ngày, nhưng qua giọng nói, và những dòng thông tin ngắn gọn trên áo, tôi biết được đó là các bác sĩ đến từ khắp cả nước: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bình Định... Chính cách làm việc chuyên nghiệp, không ngại khó khăn, vất vả của các bác sĩ đã giúp các bệnh nhân chúng tôi cảm thấy yên tâm khi chữa trị. Là một công dân thành phố, tôi thấy mình còn nợ các y bác sĩ một mối ân tình”, anh Đức bồi hồi.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Tháng 7/2020, khi Đà Nẵng trở thành “tâm dịch” của cả nước, anh Đức và con trai không may dính virus SARS-CoV-2.

Chính lòng biết ơn đã trở thành nguồn động lực lớn nhất cho anh Đức biến những dự định ấp ủ thành hiện thực. Sau khi xuất viện, anh đã bắt tay ngay vào kế hoạch sản xuất và cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các cơ sở chống dịch trong thành phố. Anh đặt tên kế hoạch là “Dự án 687” theo đúng số hiệu bệnh nhân của mình trong lúc chữa trị Covid-19. Để thực hiện, anh Đức liên hệ và được bạn bè hỗ trợ miễn phí một máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 theo Công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 100 triệu đồng. Nước sau khi qua thiết bị có độ pH từ 3.0 - 6.5, ổn định và có tính sát khuẩn cao, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho da tay và vật dụng.

“Tôi tìm hiểu, nếu dùng quá nhiều cồn 70 độ có thể gây hại da, khô nứt và khá tốn kém. Còn dung dịch nước sát khuẩn được sản xuất từ thiết bị này rất thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, giá thành rẻ và đã được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận khả năng diệt khuẩn đến 99%”, anh Đức cho biết.

Hữu xạ tự nhiên hương

Trải qua nhiều đợt dịch Covid-19, “Dự án 687” vẫn tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong “cuộc chiến” lâu dài này. Vậy nhưng, để dự án duy trì được những hoạt động ý nghĩa đó, anh Đức không thể thiếu những người cộng sự thân thiết.

Anh Đức tâm sự, ban đầu khi anh đưa ý tưởng về dự án, những tình nguyện viên đầu tiên chính là các đồng nghiệp làm cùng. Các tình nguyện viên khi đó đều là F1, trải qua quá trình cách ly và phần nào thấy được nỗi vất vả của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu nên mọi người đều ủng hộ. Giai đoạn đầu, nhóm có gần 10 bạn tình nguyện viên, đến nay khi mọi thứ đã hoạt động “trơn tru”, nhóm vẫn duy trì từ 5-6 người tình nguyện thường xuyên. Toàn nhóm sẽ thực hiện từ các khâu vận hành máy sản xuất, đóng chai, vận chuyển đến các cơ sở. Tính trung bình, mỗi phút nhóm làm được 5 lít nước sát khuẩn.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ những người thân quen, bạn bè, đồng nghiệp. “Dự án 687” còn giúp anh Đức kết nối với những tấm lòng cùng chung chí hướng. “Nhiều người chỉ biết về tôi và dự án qua mạng xã hội, tuy nhiên họ sẵn sàng hỗ trợ tích cực. Tôi còn nhận được lời động viên từ rất nhiều người nên mong muốn duy trì và lan tỏa dự án ngày càng lớn”, anh Đức chia sẻ.

Thực hiện lời hứa đồng hành cùng thành phố cho đến khi hết dịch, Team 687 đã sản xuất gần 60.000 lít nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho nhiều nơi như Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Đà Nẵng, chợ đầu mối Hòa Cầm, chợ Non Nước, nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa, và gần 300 trường học các cấp trên địa bàn thành phố.

Nói về “Dự án 687”, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang trong dịch Covid-19) khẳng định: “Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng tri ân của bệnh nhân Mai Anh Đức đối với đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Nghĩa cử cao đẹp này vừa tiếp thêm nguồn lực cho công tác chống dịch của bệnh viện, vừa là nguồn động viên tinh thần cho các y, bác sĩ tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Team 687 đã sản xuất gần 60.000 lít nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho nhiều nơi.

Với anh Đức lúc này, mong muốn lớn nhất của anh là có thể lan tỏa dự án đến tất cả những vùng đang có dịch để góp sức vào công tác chống dịch tại địa phương đó.

“Chỉ cần có nhóm tình nguyện nào muốn thực hiện dự án tại chính địa phương họ đang có dịch, tôi sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân hoàn toàn miễn phí. Muốn hoạt động này được duy trì và lan tỏa thì cách hiệu quả nhất chính là địa phương đó có nhóm hoạt động vì như bây giờ chúng tôi hỗ trợ Bắc Giang thì cũng phải mất 2 ngày mới ra được đến nơi. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi vào lúc này”, anh Đức tâm sự.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

Trong buổi lễ tri ân các cá nhân, tổ chức tiêu biểu đã đồng hành cùng thành phố trong thời gian chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng tình yêu Đà Nẵng trong “bão tố” không chỉ là công sức của y bác sĩ khắp các tỉnh thành đã chi viện cho thành phố, sự đóng góp của các kiều bào nước ngoài, công ty, xí nghiệp mà còn là sự chung tay của đông đảo công dân của thành phố Đà Nẵng.

“Tôi xin cảm ơn các cô, chú, anh chị em, và rất nhiều, rất nhiều những gương mặt khác đang thầm lặng từng ngày, từng giờ sống và cống hiến cho cộng đồng, cho thành phố chúng ta ngày một tốt đẹp hơn. Tất cả đã tạo ra một sức mạnh to lớn của trách nhiệm, của tình yêu thương đưa thành phố vượt qua cơn khó khăn, hoạn nạn. Trong cơn bão tố, tình yêu với thành phố Đà Nẵng đã được người dân thể hiện một cách trọn vẹn như thế”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ.

Lan tỏa “Dự án 687” của Bệnh nhân Covid-19

"Dự án 687" hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Bài viết, ảnh: Xuân Hậu