Đầu tháng 4/2020, Tạp chí Cuocsongantoan.vn có loạt bài phản ảnh về tình trạng lợi dụng dịch Covid-19, công nhân khó khăn, nhiều đối tượng mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để thu gom sổ BHXH. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm. Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát, tình trạng mua bán sổ BHXH dường như đã sôi động trở lại, các đối tượng tập trung mua sổ BHXH của công nhân mượn hồ sơ đi làm, sổ BHXH không chính chủ!
Lời rao mua bán sổ BHXH không chính chủ trên các hội nhóm công nhân |
Ưu tiên mua sổ BHXH không chính chủ
Sổ BHXH không chính chủ là sổ BHXH của những người lao động mượn hồ sơ của người khác đi làm. Khi đi làm với một cái tên khác, công ty tham gia BHXH cho người có tên trên hồ sơ. Khi nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc phải tiến hành điều chỉnh, việc điều chỉnh này phải tuân thủ các quy định của BHXH Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, vì e ngại thủ tục và sợ rắc rối, nhiều người lao động đã không làm thủ tục thay đổi, vẫn giữ các sổ BHXH không chính chủ.
Nếu như thời gian trước, các đối tượng thu gom tất cả các loại sổ BHXH thì giờ đây lại ưu tiên mua sổ BHXH không chính chủ. Trên các diễn đàn, hội nhóm dành cho công nhân làm việc ở Bình Dương như Hội Công nhân KCN Mỹ Phước Club, Hội Công nhân KCN Bàu Bàng Group, Nhà Đất Mỹ Phước 1,2,3,4... xuất hiện nhiều tài khoản mời chào mua sổ BHXH của công nhân từng mượn hồ sơ đi làm, làm hồ sơ giả để đăng ký vào công ty!
Một tài khoản có tên Hồng P. rao trong nhóm Công nhân KCN Mỹ Phước Club: “Ai mượn hồ sơ đi làm mà tới ngày rút tiền bảo hiểm không rút được thì nhắn tin inbox với em nhé. Em chỉ thu mua sổ bảo hiểm mà mình đi mượn hồ sơ làm thôi ạ. Còn sổ bảo hiểm chính chủ bên em không có mua ạ! Em chỉ mua sổ bảo hiểm làm hồ sơ giả thôi ạ”. Sau vài tiếng đăng, nhiều tài khoản Facebook bình luận hỏi giá, cách thức giao dịch để bán sổ BHXH.
Việc mua bán sổ BHXH không chính chủ đang diễn ra nhộn nhịp trên các hội nhóm dành cho công nhân |
Tương tự, một vài tài khoản khác rao mua sổ trên các nhóm đông công nhân như: “Có sổ là có tiền. Thủ tục nhanh gọn. Ai mượn hồ sơ đi làm mà không rút được tiền bảo hiểm thì cứ nhắn với em”. Liên hệ với một tài khoản rao mua sổ tên Nguyễn Anh Tuấn, người này yêu cầu chụp sổ BHXH gửi qua trước để định giá và kèm yêu cầu “phải sổ không chính chủ mới mua”.
Bài viết của Cuộc sống an toàn phản ảnh một số đối tượng lợi dụng dịch Covid-19, công nhân khó khăn để mua sổ BHXH |
Tại sao quy trình đổi sổ BHXH chặt chẽ nhưng việc mua bán vẫn tấp nập?
Không chỉ Bình Dương mà nhiều tỉnh thành khác, tình trạng người lao động mượn hồ sơ của bạn bè, người thân đi làm không phải hiếm. Nhiều người làm việc với tên của người khác trên cả chục năm, tương đương với từng đó thời gian được tham gia BHXH. Để giải quyết vấn đề này, vào năm 2016, BHXH Việt Nam đã có Văn bản số 880/BHXH-ST hướng dẫn xử lý. Theo đó, người mượn hồ sơ cần đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (nơi làm việc) để trình báo về việc đi mượn hồ sơ của người khác để làm việc. Sau đó Sở sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn hồ sơ. Tiếp đến, căn cứ vào biên bản và phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ sẽ mang đến BHXH tỉnh kèm theo các hồ sơ để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại (hoặc cấp mới) sổ BHXH. Hồ sơ gồm: Tờ khai, giấy khai sinh, chứng minh thư/thẻ căn cước/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch khai lại của người mượn hồ sơ, có xác nhận của người sử dụng lao động (đơn vị); Bản xác nhận của người sử dụng lao động về thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người cho mượn và người mượn hồ sơ…
Nhiều người cho rằng thủ tục, quy trình mà BHXH Việt Nam đưa ra khá chặt chẽ, khiến nhiều người lao động e ngại vì cảm thấy rắc rối. Đặc biệt khi nghe đến “xử phạt hành chính” và rất nhiều giấy tờ xác nhận nên đã không đổi mà giữ luôn sổ BHXH không chính chủ dù biết rằng nếu không đổi sẽ không được cộng dồn thời gian đóng BHXH hoặc nhận BHXH một lần…
Đối tượng thu gom sổ BHXH từng bị triệu tập |
Thế nhưng, nếu quy trình đổi sổ BHXH không chính chủ chặt chẽ đến nỗi khiến người lao động nản lòng thì các đối tượng thu gom lại thấy đây là thị trường tiềm năng. Câu hỏi đặt ra, nếu các đối tượng này không hợp thức hóa được hồ sơ từ chính cơ quan BHXH để lấy lại được tiền thì các đối tượng này thu gom để làm gì? Trong khi hợp thức hóa hồ sơ sổ BHXH không chính chủ còn phức tạp hơn cả thủ tục ủy quyền nhận BHXH một lần.
Liên quan đến việc mua bán sổ BHXH, giữa tháng 4/2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương và Công an thành phố Hồ Chí Minh triệu tập hai đối tượng là vợ chồng, trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh có hành vi mạo danh, thu mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi bất chính. Vụ việc tạm lắng, đến nay việc mua bán sổ BHXH lại sôi động trở lại. Phải chăng thị trường này quá màu mỡ để các đối tượng bất chấp mọi khuyến cáo của cơ quan chức năng và các quy định của pháp luật để thực hiện, trong khi đó, công nhân, người lao động vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi?
Trước đó, BHXH Bình Dương cho biết, qua việc thực hiện số hóa để quản lý đảm bảo mỗi người chỉ có một mã số BHXH duy nhất xuyên suốt, cơ quan BHXH Bình Dương đã phát hiện khoảng 800 hồ sơ có thông tin cá nhân không trùng nhau. BHXH Bình Dương đang liên hệ để giải quyết cho 70 trường hợp trong tháng 5/2020. Mục tiêu đến cuối năm 2020, cơ quan BHXH Bình Dương sẽ giải quyết cho tất cả trường hợp công nhân lao động “mượn danh” người khác khi đi làm! |
Bài, ảnh: LÊ TUYẾT