Sạt lở thủy điện tại Lai Châu: 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích, Thủ tướng ra công điện khẩn
Người lao động

Sạt lở thủy điện tại Lai Châu: 3 người thiệt mạng, 2 người mất tích, Thủ tướng ra công điện khẩn

NGUYỄN VIỆT
Tác giả: NGUYỄN VIỆT
Một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra sáng 16/5 tại công trường thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khiến 05 công nhân mất tích và 04 người bị thương. 03 thi thể đã được tìm thấy, trong khi công tác cứu hộ các nạn nhân còn lại vẫn đang diễn ra khẩn trương trong điều kiện địa hình hiểm trở và thời tiết xấu.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng 16/5/2025, khi các công nhân đang thi công đào hố móng tại khu vực dưới chân đập thuộc dự án thủy điện Tả Páo Hồ 1A, xã Xì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, một vụ sạt lở đất đá bất ngờ xảy ra tại taluy âm tuyến đường gần đó.

Khối lượng đất đá lớn từ độ cao khoảng 40 mét đổ xuống khu vực công trường, vùi lấp nhiều công nhân đang làm việc.

Hai nạn nhân bị thương nặng đã được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Hai nạn nhân bị thương nặng đã được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Vụ tai nạn khiến 5 người mất tích và 4 người bị thương nặng. Các nạn nhân bị thương đã được lực lượng tại chỗ sơ cứu và chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kích hoạt quy trình cấp cứu khẩn cấp, huy động toàn bộ y, bác sĩ các khoa Cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình và Ngoại thần kinh để xử lý vết thương, phẫu thuật và theo dõi sát tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân.

Danh tính và tình trạng sức khỏe cụ thể của 04 nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu như sau:

Bệnh nhân Đoàn Văn Vinh (sinh năm 1984) nhập viện lúc 15h22 trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Nạn nhân bị đa chấn thương, có nhiều vết thương hở ở cẳng chân phải và bàn chân trái. Đã được đưa vào phòng mổ cấp cứu để kết hợp xương.

Bệnh nhân Lữ Văn Phân (sinh năm 1985) nhập viện lúc 15h07, có biểu hiện chấn thương sọ não, đau nhiều vùng cổ, kèm theo vết thương phần mềm ở cẳng chân và vành tai. Nạn nhân đã được phẫu thuật cấp cứu.

Bệnh nhân Lương Văn Sinh (sinh năm 1970) nhập viện lúc 15h21 trong tình trạng tỉnh táo, đau nhiều vùng cổ và khuỷu tay trái. Chẩn đoán ban đầu là chấn động não và chấn thương cột sống cổ, ngực, bụng. Bệnh nhân đã được cố định cổ và treo tay theo tư thế cơ năng.

Bệnh nhân Mong Văn Quý (sinh năm 1986) nhập viện lúc 15h29 với tổn thương phần mềm ở đùi phải, đau cổ chân trái, lưng và ngực. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi sát sao.

   Hiện trường vụ sạt lở công trường thủy điện tại Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Hiện trường vụ sạt lở công trường thủy điện tại Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Bác sĩ chuyên khoa II Đào Việt Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, cho biết ngay khi tiếp nhận các nạn nhân, bệnh viện đã huy động toàn bộ ê-kíp để tiến hành cấp cứu. Trong tối 16/5, hai bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công; hai bệnh nhân còn lại hiện đang được theo dõi tại khoa điều trị, tình trạng tạm ổn định.

Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội, bộ đội biên phòng, lực lượng y tế và dân quân tự vệ đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Tính đến 10 giờ sáng 17/5, 03 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. Công tác cứu hộ vẫn đang được tiếp tục trong điều kiện hết sức khó khăn do khối lượng đất đá lớn, địa hình hiểm trở và mưa to kéo dài. Các thiết bị, máy móc chuyên dụng đã được huy động để san gạt lớp đất đá tại taluy dương, tạo điều kiện tiếp cận hiện trường an toàn và nhanh chóng hơn.

Theo Đại tá Hoàng Văn Kỳ, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu, do địa hình hiểm trở và mưa lớn vào đêm 16/5 khiến đất đá tại hiện trường tiếp tục sạt lở, lực lượng cứu hộ buộc phải thực hiện các phương án thận trọng, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu nạn, vừa nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

Khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an tỉnh Lai Châu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu và công nhân đã được huy động đến hiện trường. Ảnh: TTXVN
Khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an tỉnh Lai Châu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu và công nhân đã được huy động đến hiện trường. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Công an tỉnh Lai Châu, nguyên nhân vụ sạt lở hiện đang được khẩn trương điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu cho thấy thời tiết mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày trước đó đã khiến nền đất yếu, mất ổn định, dẫn đến sạt lở.

Lượng mưa đo được tại xã Nậm Xe từ 9h ngày 14/5 đến 9h ngày 15/5 lên tới 100 mm. Trong ngày 16/5, huyện Than Uyên cũng ghi nhận lượng mưa trên 40 mm. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao gây sạt lở tại các khu vực đồi núi đang thi công các công trình quy mô lớn.

Ông Phí Văn Hưng, Trưởng Ban Quản lý Dự án thủy điện Tả Páo Hồ 1A, cho biết đơn vị đã hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng/người cho các nạn nhân bị thương và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân sẽ do công ty chi trả.

Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại. Ảnh: TTXVN
Lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân còn lại. Ảnh: TTXVN

Vụ sạt lở tại công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các dự án thi công tại khu vực miền núi phía Bắc, nơi địa hình phức tạp, điều kiện địa chất yếu và thời tiết diễn biến khó lường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh mưa lũ ngày càng bất thường do tác động của biến đổi khí hậu, việc thi công các công trình quy mô lớn càng cần được giám sát nghiêm ngặt về an toàn lao động, bảo vệ môi trường và đánh giá địa chất. Những biện pháp quản lý rủi ro không thể chỉ dừng ở quy trình, mà phải được thực thi thực chất, liên tục và cập nhật theo diễn biến thực tế.

Sự việc cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc cập nhật thường xuyên thông tin khí tượng, địa chất đến các chủ đầu tư và đơn vị thi công, đồng thời cần có cơ chế rõ ràng để tạm dừng thi công khi xuất hiện các yếu tố nguy cơ cao, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Vụ tai nạn thương tâm tại công trường thủy điện ở Lai Châu không chỉ là một sự cố lao động đơn lẻ, mà là hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng quản lý an toàn tại nhiều công trình xây dựng lớn ở khu vực miền núi. Đây là lúc cần nhìn lại toàn diện quy trình đánh giá rủi ro, năng lực ứng phó và trách nhiệm của các bên liên quan, trước khi những sự việc tương tự tiếp tục lặp lại.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sạt lở

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 66/CĐ-TTg ngày 16/5/2025 về việc tập trung khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại công trường thi công công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Công điện được gửi đến: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Chủ tịch UBND các tỉnh Lai Châu và Nghệ An.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trực tiếp chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích (bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ); tổ chức cứu chữa miễn phí cho người bị thương; phối hợp điều tra nguyên nhân sự cố, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm theo quy định pháp luật.

UBND các tỉnh Lai Châu và Nghệ An chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn; phối hợp với gia đình nạn nhân tổ chức hậu sự chu đáo theo phong tục địa phương.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo, huy động lực lượng và phương tiện phối hợp với địa phương tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, khắc phục hậu quả vụ sạt lở.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Theo dõi, dự báo kịp thời tình hình thời tiết, thiên tai; cung cấp thông tin cho chính quyền và người dân chủ động ứng phó.

Rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai; xác định các khu vực nguy cơ sạt lở cao để kịp thời sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thi công, phòng chống sạt lở, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Lai Châu trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được giao trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện Công điện và tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề phát sinh.

Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Không phải mất ngủ vì quá vui, cũng không phải vì đang yêu… Mà là thứ mất ngủ mỏi mệt – một kiểu trằn trọc, vô định, chẳng rõ vì đâu mà mắt cứ mở to suốt đêm.
Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện chất lượng sống của người dân, chính sách thuế - đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá - đang nổi lên như một công cụ kinh tế - xã hội đa chiều, không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí y tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước

Họ là những cán bộ Công đoàn từng đi khắp nẻo cơ sở, lắng nghe người lao động, vun đắp niềm tin vào tổ chức. Khi công việc buộc phải dừng lại, họ lặng lẽ tiếp tục làm nốt những việc còn dang dở... Hành trình ấy thấm đẫm tinh thần của những con người đã từng ngày cống hiến, gìn giữ giá trị cốt lõi của công đoàn bằng chính sự tận tâm và lòng yêu nghề.

Tin tức khác

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp cùng Hội Khuyến học tỉnh xét chọn, tôn vinh và trao học bổng “học không bao giờ cùng” cho đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong phong trào tự học.
Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Với những cách làm hiệu quả triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng xét chọn và tôn vinh 50 công nhân lao động tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Công nhân Lâm Đồng làm theo lời Bác”.
Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Sau 6 năm kể từ ngày những công dân Lào đầu tiên nhập quốc tịch Việt Nam - có thể thấy rõ những đổi thay không chỉ diễn ra trên giấy tờ mà đã thấm vào từng nếp sống của người dân nơi biên cương.
60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Không gian sống chật chội, thiếu thốn tiện ích và chi phí thuê trọ cao đang là gánh nặng đè nặng lên vai hàng vạn công nhân tại Thủ đô. Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và công nhân lao động năm 2025, những tâm tư, nguyện vọng về nhà ở xã hội đã được nói thẳng, nói thật, từng bước tháo gỡ.
Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng

Sau nhiều năm sống mặc cảm, không hợp pháp trên đất Việt, giờ đây, họ chính thức có quyền công dân, được sinh sống và lao động, sản xuất một cách “danh chính ngôn thuận” với gia đình, làng bản.
Tiếp cận thông tin - “chìa khóa” phát triển bền vững của người lao động Dệt May Việt Nam

Tiếp cận thông tin - “chìa khóa” phát triển bền vững của người lao động Dệt May Việt Nam

Đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin của người lao động Dệt May Việt Nam” do đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm làm chủ nhiệm không chỉ có ý nghĩa lý luận, mà còn mang tính ứng dụng thiết thực trong việc xây dựng môi trường lao động minh bạch, dân chủ và bền vững.
Xem thêm