e magazine
12/07/2021 18:00
"Săn người vô gia cư", bếp từ thiện nấu hàng trăm suất chay mỗi ngày

12/07/2021 18:00

Sài Gòn đang trong những ngày cao điểm dịch bệnh. Khốc liệt, khó khăn, vất vả nhưng chắc chắn không bao giờ thiếu tình người.
"Săn người vô gia cư", bếp từ thiện nấu hàng trăm suất chay mỗi ngày

"SĂN NGƯỜI VÔ GIA CƯ", BẾP TỪ THIỆN NẤU HÀNG TRĂM SUẤT CƠM CHAY MỖI NGÀY

“Em chưa bao giờ thấy cái nhà như này luôn. Bên ngoài là nhà vệ sinh, bên trong là giường ngủ. Tất cả chỉ có nhiêu đó không gian.” Chị Đạo, thành viên câu lạc bộ Từ thiện ăn chay trường gửi vào trong nhóm, hình ảnh một bà cụ già ngồi ngoài trước một căn nhà cũ nát, ngay sau lưng là phòng vệ sinh.

Hơn 2 tháng từ ngày Sài Gòn “đổ bệnh”, trung bình mỗi ngày, câu lạc bộ Từ thiện ăn chay trường nấu 300 suất cơm chay, phát cho người vô gia cư, người bán vé số, hàng rong, người trong khu cách ly có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện nấu nướng. Những hộp cơm chay đầy đặn, dinh dưỡng, được gửi đến tay người cần khi vẫn còn ấm nóng.

“Em có gặp một chú tên Phong. Chú kể ở quê lên đây làm được ít hôm, bị dịch nên giờ không làm nữa. Chú không đủ tiền đi xe về, lang thang hơn 10 ngày rồi. Đưa chú cơm với trong túi còn 170 nghìn, em đưa hết nhưng vẫn không đủ tiền xe”, Quốc Thịnh, một thành viên trong nhóm kể về một mảnh đời khó khăn anh gặp trên những chuyến xe đêm rong ruổi khắp Sài Gòn “săn người vô gia cư”. Anh nói địa chỉ bếp cho chú và dặn thêm mọi người, nếu chú qua giúp cho chú về lại quê chứ một mình ở đây thì tội.

Nhóm hoạt động thường xuyên khoảng 20 thành viên, chị trưởng nhóm phụ trách kêu gọi hỗ trợ và các thành viên khác cũng kêu gọi trong khả năng của mình, một người nhận mua thực phẩm, ba người đứng bếp chính, mọi người còn lại phụ bếp đóng hộp và chia nhau các tuyến đường để phát cơm. Ngày cao điểm, nhóm chuẩn bị hơn 1.000 suất và tính đến nay con số đã lên đến gần 14.000 phần cơm tình nghĩa được trao đi.

Việc nhiều làm không hết nhưng mỗi lần đi phát cơm, gặp ai, mọi người cũng cố nán lại trò chuyện như cách anh Thịnh ngồi với chú Phong. Mỗi thành viên trong nhóm quan niệm, đó là cách mà mọi người động viên, để người nhận không tủi thân mà cảm thấy được san sẻ, vì “của cho không bằng cách cho”.

Mỗi lần gieo duyên là một lần gặp gỡ, lắng nghe để thấu hiểu. Nhiều khi chỉ một hộp cơm, vài gói mì thôi nhưng nhận lại biết bao tình cảm chân thành. "Bà con trong khu cách ly nhiều người có hoàn cảnh đáng thương lắm. May có nhóm giúp đỡ, gửi bánh canh vô cho mọi người. Ai cũng khen ngon và quý lắm", anh Chí Quang, người dân trong khu cách ly được nhận hỗ trợ chia sẻ.

Trước đây, nhóm tập trung nấu cơm, phát trực tiếp tại Bệnh viện Nhi Đồng II đều đặn mỗi cuối tuần. Làn sóng Covid thứ tư tràn đến Sài Gòn, thực hiện yêu cầu không tập trung đông người tại nơi công cộng, nhóm dừng hoạt động phát cơm tại viện.

“Lúc thành phố bùng dịch, nếu hỏi các thành viên có sợ không. Có! Ai cũng sợ, sợ không có đủ nguồn hỗ trợ để duy trì hoạt động, sợ nếu tiếp tục thì mọi người không được an toàn, sợ gia đình người thân không ủng hộ”, chị Võ Thị Đạo, đại diện nhóm trải lòng về nỗi lo của mọi người.

Trăn trở về những người yếu thế trong xã hội khiến mọi người trong nhóm không thể ngồi yên. Nhóm chuyển hướng sang hỗ trợ người nghèo, người vô gia cư. Giảm bớt áp lực cho bếp, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên, nhóm liên hệ chính quyền địa phương tại một số khu cách ly: Phú Định, Phạm Thế Hiển (quận 8), quận 6, quận Bình Chánh,... phát trực tiếp thực phẩm tươi sống cho những gia đình khó khăn có thể chủ động nấu nướng trong các khu phong toả.

Gần 3 tấn gạo, 10 tấn rau củ quả, 15 thùng khẩu trang và 1.300 chai nước rửa tay thay lời động viên, san sẻ của nhóm đến với những người cần giúp đỡ. Tôi hỏi chị Đạo, hoạt động nấu cơm chay và phát thực phẩm đều miễn phí, nhóm làm thế nào để có nguồn kinh phí hoạt động.

Chị cười rồi gửi cho tôi những tấm ảnh ngày nóng, mọi người trong bếp mồ hôi nhễ nhại, chỉ nhìn thôi cũng cảm nhận được nhiệt độ toả ra từ bếp công nghiệp; ngày mưa, những chiếc áo lùm xùm, che trước chắn sau giữ những hộp cơm vừa nấu không bị ướt, cơm canh vẫn ngon lành đến tay người nhận, còn người giao… áo chẳng còn chỗ khô.

Chị bảo, “Có lẽ vì dịch mà nhóm xông pha như thế nên cũng nhận được khá nhiều ủng hộ từ mạnh thường quân. Từ những người chưa từng nói chuyện, chưa từng gặp gỡ đến những người thân quen đã đồng hành với nhóm từ những ngày đầu thành lập, các mạnh thường quân đều tin tưởng hỗ trợ nhóm.”

Được biết, mặt bằng, bếp và dụng cụ nấu nướng nhóm sử dụng hằng ngày đều được mạnh thường quân hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhóm cũng chủ động thu mua lại nông sản bị ùn ứ do dịch bệnh để bán gây quỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn, 20 tấn khoai lang của bà con nông dân Vĩnh Long đã được nhóm bán hết, thu về gần 30 triệu. Hiện nhóm vẫn đang tiếp tục bán rau củ, vừa để người dân có thêm một địa chỉ mua thực phẩm bình ổn giá, vừa gây quỹ để tiếp tục hành trình gieo duyên.

“Mỗi ngày tin Sài Gòn có hơn 1.000 ca mắc mới, nghe đau lòng mà xót xa. Chỉ mong những túi gạo trắng thơm, những hộp cơm chay của nhóm mình phần nào tiếp thêm sức mạnh cho mọi người”, chị Đạo chia sẻ.

Cuộc chiến dài cần những chiến binh bền bỉ. Những hoạt động thiết thực của câu lạc bộ Từ thiện ăn chay trường và rất nhiều nhóm thiện nguyện tích cực ngoài kia đã, đang, sẽ tiếp tục củng cố và nuôi dưỡng tinh thần, niềm tin người Sài Gòn về một ngày chiến thắng chắc chắn sẽ đến.

Đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, Sài Gòn sẽ sớm khoẻ!

Bài viết: Ngọc Châm

16 nhóm đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 16 nhóm đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021 và mở ...

Khi camera chĩa vào người nhận cơm từ thiện Khi camera chĩa vào người nhận cơm từ thiện

Người sơn móng tay, anh “bụi đời”, anh béo… lần lượt là các đối tượng bị cho là “không xứng đáng” nhận cơm từ thiện ...

Bình Dương: Thực hư về hàng trăm công nhân bỏ chạy vì sợ xét nghiệm Covid-19 Bình Dương: Thực hư về hàng trăm công nhân bỏ chạy vì sợ xét nghiệm Covid-19

Trên mạng xã hội có chia sẻ hình ảnh và video ghi lại cảnh công nhân xô cổng chạy ra ngoài vì sợ xét nghiệm ...

Xem phiên bản di động