e magazine
03/11/2020 17:30
Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?

03/11/2020 17:30

Có một nơi để vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao sau những giờ lao động căng thẳng, mệt mỏi là mong muốn của hàng trăm ngàn công nhân các tỉnh miền Trung. Thiết nghĩ đây là nhu cầu rất chính đáng của không riêng gì công nhân lao động (CNLĐ) các tỉnh miền Trung.

Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?

Có một nơi để vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao sau những giờ lao động căng thẳng, mệt mỏi là mong muốn của hàng trăm ngàn công nhân các tỉnh miền Trung. Thiết nghĩ đây là nhu cầu rất chính đáng của không riêng gì công nhân lao động (CNLĐ) các tỉnh miền Trung.

Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?
Trường mầm non cho con CNLĐ tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, Quảng Nam) là một trong số các hạng mục thuộc Khu thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu của đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhưng cửa đóng then cài vì không có trẻ đăng ký học.

Quanh quẩn 4 bức tường sau giờ làm

Anh Trần Thanh Bình đến Đà Nẵng lập nghiệp hơn 10 năm trước. Công việc đi sớm về muộn, thêm vào đó, khu vực Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu xung quanh nơi anh ở hầu hết là những dãy trọ cho người lao động tha hương đến thuê thì việc tìm một nơi để vui chơi, giải trí là rất khó nên phần lớn thời gian còn lại anh Bình chỉ quanh quẩn trong nhà trọ. Sau này, khi quen và yêu người vợ hiện tại, anh Bình nói đùa: “Nhờ thế tôi mới đi lòng vòng xuống thành phố ngắm đường phố, chứ trên Hòa Khánh Bắc này không biết đi đâu”.

Còn với chị Nguyễn Thị Hiền (21 tuổi), quê ở tỉnh Quảng Trị, công nhân của một công ty sản xuất đồ điện tử ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, phương tiện giải trí duy nhất của chị sau giờ làm chỉ có chiếc điện thoại di động. Không nhiều bạn bè, công ty cũng không có các hoạt động sau giờ làm thường xuyên nên chị Hiền cũng ngại giao lưu với bên ngoài.

Thiếu sân chơi, không có nơi sinh hoạt giải trí là thực trạng chung ở hầu hết các khu công nghiệp các tỉnh miền Trung. Buổi chiều, sau giờ tan ca, công nhân ghé chợ mua bó rau, con cá rồi tất tả chạy đi đón con, lo bữa tối, xong dọn dẹp rồi lên giường. Cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần đã thành nếp nên gần như không ai phàn nàn gì. Một nữ công nhân Công ty Giày Rieker, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, dãy nhà trọ của chị ở gần đường nên xe chạy hú còi suốt đêm.

“Cả ngày đi làm mệt mỏi, tối về ngủ cũng không yên giấc. Ở đây muốn đi chơi thì phải ra Đà Nẵng hoặc xuống Hội An. Công nhân lấy đâu ra tiền mà đi chơi nên đành ở nhà. Nghe nói khu công nghiệp có xây dựng điểm sinh hoạt cho công nhân nhưng chưa thấy đưa vào hoạt động”, chị Hiền chia sẻ.

Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?
Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?
Các gia đình CNLĐ tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sinh sống tại các khu nhà trọ chật hẹp. Công nhân Công ty Giày Rieker Việt Nam tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sau giờ làm việc.

Xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân rồi… bỏ hoang

Dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thuộc dự án Nhà văn hóa lao động Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho LĐLĐ tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, trên diện tích 4ha. Tại đây còn có trường mầm non dành cho con em CNLĐ trong khu công nghiệp. Việc xây dựng trường mầm non và Khu thiết chế Công đoàn tại Quảng Nam nằm trong kế hoạch xây dựng khu thiết chế cho CNLĐ của tổ chức Công đoàn trên cả nước suốt nhiều năm qua. Tại đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam và một số đơn vị tài trợ đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Nhà thi đấu đa năng, sân chơi, đường, điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh với tổng kinh phí 27,2 tỷ đồng.

Hơn 3 năm đưa vào sử dụng, Khu thiết chế Công đoàn ở tỉnh Quảng Nam không phát huy hiệu quả. Khu nhà thi đấu đa năng thường xuyên khóa cửa, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nặng không thể sử dụng; trong khi đó, trường mầm non cửa đóng then cài dù đã được cho một đơn vị thuê lại để khai thác, quản lý… Bên ngoài khuôn viên rộng rãi là nơi dự kiến đầu tư 14 block nhà chung cư để bố trí cho 3.500 đoàn viên, CNLĐ đang được cư dân địa phương tận dụng trồng rau, trồng hoa.

Một cán bộ quản lý ở đây cho biết, từ khi xây dựng xong và đưa vào hoạt động đến nay mới tổ chức được 2 lần cho CNLĐ vui chơi, còn lại là nghỉ ngơi bởi không có một cơ chế hoạt động cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Qua thực tế thì việc sử dụng các thiết chế đó vẫn chưa có hiệu quả. Thứ nhất do hạ tầng các khu vực lân cận chưa được đầu tư và đặc biệt là cơ chế quản lý, vận hành khu thiết chế văn hóa chưa rõ ràng. Thứ hai, khó khăn nhất hiện tại đối với trường mầm non là hệ thống hạ tầng như đường sá đi lại khó khăn, xung quanh là khu dân cư nhưng thưa vắng người ở nên không có trẻ đến trường; kể cả cây xanh cũng ít...

Thị xã cũng đã chủ động làm việc với LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất giao thiết chế này cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho công nhân có nơi ở ổn định và nhân dân sinh sống xung quanh sau này”.

Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?
Nhà đa năng thuộc Dự án xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Sân chơi nào cho công nhân lao động các tỉnh miền Trung?

Tầng 2 khu nhà thi đấu đa năng hầu như không có người đến luyện tập.

Cần cơ chế quản lý cụ thể

Ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn là nhu cầu bức thiết của tỉnh Quảng Nam bây giờ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như giúp CNLĐ làm việc tại các khu công nghiệp an tâm, gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn.

“Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn chủ trương đầu tư xây dựng các khu thiết chế công đoàn dành cho CNLĐ trên cả nước. LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm ban hành cơ chế quản lý, điều hành các khu thiết chế công đoàn để mang lại hiệu quả cao hơn cũng như cần thiết phải xã hội hóa việc đầu tư các khu chung cư để bố trí cho CNLĐ”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho biết.

Ông Quang cũng đề nghị: “Nếu được thì Tổng LĐLĐ Việt Nam nên tổ chức theo hệ thống quản lý để có một cơ quan chỉ đạo chung. Bởi vì, hiểu về công nhân thì có lẽ không ai hơn công đoàn, ngoại trừ chủ sử dụng lao động. Nên áp dụng cách thức quản lý như vậy. Còn giao cho một doanh nghiệp đứng ra quản lý thì cái đó tùy thuộc vào từng địa bàn cụ thể. Tôi vẫn thống nhất quan điểm là trong quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp nên bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân. Đừng lấy thực trạng hiện nay mà đánh giá tính hiệu quả lâu dài”.

Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trên cả nước” do Tổng LĐLĐ Việt Nam đệ trình để đầu tư xây dựng trên cả nước. Theo đó, quy mô và quy hoạch đầu tư mỗi Khu thiết chế Công đoàn, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3 - 5ha, được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Bài: Hoài Nam
Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động