
Bố trí kinh phí kịp thời cho người lao động khi sắp xếp bộ máy |
Sáng 17/5, với 436/438 đại biểu tán thành (chiếm 91,21% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Nghị quyết mở đường cho việc triển khai nhiều chính sách quan trọng, đặc biệt là các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động và an sinh xã hội.
![]() |
Phiên họp Quốc hội sáng ngày 17/5. Ảnh: Quốc hội |
Đảm bảo chế độ cho người lao động sau sắp xếp tổ chức
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua là việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ. Việc chi trả thực hiện theo cơ chế cải cách tiền lương.
Cụ thể, Quốc hội đồng ý sử dụng 15.710 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của năm 2024, chuyển sang năm 2025. Đồng thời, bổ sung 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương vào dự toán thu – chi năm 2025. Tổng nguồn lực dành cho nhiệm vụ này là 44.000 tỷ đồng.
Trường hợp nhu cầu chi trả vượt mức 44.000 tỷ đồng đã được phê duyệt, Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động sử dụng thêm từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương, nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội, dự kiến tổng kinh phí cần thiết cho việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy có thể lên tới khoảng 59.000 tỷ đồng.
Việc Quốc hội thông qua phương án sử dụng các nguồn lực là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng.
Bố trí 6.623 tỷ đồng cho chính sách miễn học phí
Theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, 6.623 tỷ đồng từ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sẽ được chuyển sang năm 2025. Khoản kinh phí này được ưu tiên sử dụng để triển khai chính sách miễn học phí.
Ngoài ra, nguồn lực trên cũng được dùng cho các nhiệm vụ phát sinh từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy như di dời, sửa chữa trụ sở, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sau sáp nhập.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, riêng chính sách miễn học phí có thể phát sinh nhu cầu lên tới 10.000 tỷ đồng trong năm học 2025–2026.
Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học 2025–2026 (tháng 9/2025). Học sinh trường tư thục cũng được cấp bù học phí theo mức của trường công.
Chủ trương được đưa ra sau khi Chính phủ báo cáo về khả năng cân đối tài chính, nhằm thể hiện tính ưu việt của chế độ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, thúc đẩy an sinh xã hội và đầu tư cho phát triển con người – nền tảng của nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng khác
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, ngân sách Nhà nước năm 2025 sẽ dành tỷ lệ tối thiểu 3% cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong trường hợp đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 mà vẫn chưa đáp ứng đủ mức này, Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
![]() |
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội |
Trình bày báo cáo thẩm tra trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn ngân sách vừa được bổ sung và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 10.
Việc Quốc hội thông qua các nội dung quan trọng này thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống, việc làm của người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, góp phần ổn định tình hình, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước
Tin tức khác

Những gương sáng "Học không bao giờ cùng" ở Lâm Đồng

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng
