e magazine
27/07/2023 16:04
Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

27/07/2023 16:04

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, nhiều hoạt động tri ân, trong đó có hoa dâng mộ liệt sĩ đã ngày càng hình thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đương đại khi phát huy đạo lý cổ truyền: Uống nước nhớ nguồn. Và có những điều được nhen nhóm và thôi thúc con người từ bên trong như một nhu cầu cháy bỏng từ một mảnh đất chịu nhiều thương khó, một linh địa ghi dấu một thời: Máu và hoa!
Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7
Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, nhiều hoạt động tri ân, trong đó có hoa dâng mộ liệt sĩ đã ngày càng hình thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đương đại khi phát huy đạo lý cổ truyền: Uống nước nhớ nguồn. Và có những điều được nhen nhóm và thôi thúc con người từ bên trong như một nhu cầu cháy bỏng từ một mảnh đất chịu nhiều thương khó, một linh địa ghi dấu một thời: Máu và hoa!

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Quảng Trị được đồng bào cả nước xem là cõi thiêng bi tráng, là địa chỉ hành hương của tâm nguyện về nguồn, nhất là vào những dịp tháng bảy thiêng liêng nhớ về những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì Tổ quốc. Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn, một linh giang không chỉ của Quảng Trị, nơi đây, những câu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương như tâm sự, như một nguyện thề vang lên từ sâu thẳm trái tim của bao người đang sống: "Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm". Và từ đó, một lễ hội tự nguyện dần được hình thành: Thả hoa trên sông Thạch Hãn.

Phải nói rằng, trong những lễ hội mới xuất hiện trong thời hiện đại và nhất là đương đại thì những lễ hội như thả hoa trên sông Thạch Hãn có một ý nghĩa to lớn về tâm linh, về văn hóa nghệ thuật, về tình cảm của Nhân dân với những anh linh liệt sĩ, về đạo lý của dân tộc như phù sa đọng lại và được tô bồi thành những cánh đồng của tình cảm tri ân theo năm tháng.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Câu chuyện này đã khơi gợi cho lãnh đạo Đài PT- TH tỉnh Quảng Trị có sáng kiến đề xuất Chương trình hành động thiết thực mang tên "Hoa dâng mộ liệt sĩ" vào năm 2014, đến nay đã được 9 năm. Chương trình ra đời đã thu hút sự quan tâm của đồng bào, đồng chí, đồng đội, của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, ngày càng lan tỏa sâu rộng, có ý nghĩa chính trị, nhân văn rất lớn trong cảm hứng tri ân của bao người dân Việt. Về sau, Chương trình đã được UBND tỉnh Quảng Trị ủng hộ và đưa nó trở thành một trong những hoạt động quan trọng của địa phương khi thể hiện lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ.

Lúc đầu, Chương trình đã quyên góp được kinh phí để mua bình gốm sứ và hoa nhung lụa gắn lên hơn 5 vạn phần mộ của hai nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 cùng 70 nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương trong tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, qua thời gian và trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều bình gốm và hoa đã bị hư hỏng, cần phải thay thế nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí.

Đứng trước tình hình này, được sự nhất trí của UBND tỉnh, Sở Lao động -Thương bình và Xã hội đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để xây dựng quỹ "Hoa dâng mộ liệt sĩ" với kinh phí dự kiến 30 tỉ đồng, trong đó 4 tỉ đồng dùng để mua bình gốm sứ và hoa nhung lụa, số tiền còn lại được gửi vào ngân hàng thương mại để hằng năm lấy lãi thay thế những bình hoa đã hỏng.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Người dân đến dâng hương, tri ân những những liệt sĩ tại Nghĩa trang Đường 9.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Tháng 7, người cả nước về với Quảng Trị, trên các nghĩa trang liệt sĩ, đặc biệt là hai nghĩa trang Quốc gia, từng lượt xe ô tô, từng đoàn người từ mọi miền đất nước đến đây thành kính dâng hương và tỏ bày tâm nguyện tri ân, hòa chung tấm lòng với đồng bào Quảng Trị cùng dâng hoa lên mộ các anh hùng liệt sĩ. Màu áo xanh bộ đội của các cựu chiến binh, các sĩ quan quân đội, màu áo xanh của thanh niên tình nguyện, màu áo dài nhiều sắc của những phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng đến đây, chung một tâm nguyện nặng sâu và trong trẻo dưới trời xanh, mây trắng, nắng vàng và sắc đỏ của hoa phượng như màu đỏ của những dòng màu bất khuất đã từng nhuộm thắm đất này.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (xã Linh Trường, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị) là "mái nhà chung" của hơn 10.000 liệt sỹ.

Ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách hành hương. Chị Nguyễn Thị Trang Nhung, một cô gái khá trẻ là cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam Nghệ An chân tình bộc bạch: "Cứ mỗi lần đến đây là thấy lòng mình tràn ngập niềm cảm xúc. Hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ và đã nằm lại yên nghỉ nơi đây để Tổ quốc được toàn vẹn, đất nước và Nhân dân được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Chúng tôi càng thấy mình cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác để xứng đáng hơn với những người đã khuất, để quê hương đất nước mình nhanh chóng phát triển và thịnh vượng".

Còn ông Trương Quốc Bảo, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nam Nghệ An tâm sự: "Dù bận rộn đến mấy, hằng năm cứ đến tháng 7, chúng tôi lên kế hoạch phải về Quảng Trị dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ. Đoàn chúng tôi hơn 30 người đi hơn 200 cây số vào đây. Và mỗi lần đến đây, anh em chúng tôi càng biết ơn sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Cảm xúc của tôi lúc này cứ lâng lâng, thật cảm kích trước anh linh của những người đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do và kiến tạo nên cuộc sống thanh bình cho Nhân dân. Về Quảng Trị, biết địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã đặc biệt quan tâm đến chủ trương đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi thấy càng xúc động và luôn hứa sẽ nỗ lực trong công việc của mình để xứng đáng với sự cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Riêng với Quảng Trị, tôi thấy con người nơi đây gần gũi, dễ mến, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ người khác".

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Đoàn thăm viếng cựu chiến binh, những người đã từng chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa.

Chúng tôi lại gặp một đoàn cựu chiến binh Hà Nội, có cả nam lẫn nữ. Hỏi ra mới biết, đó là những chiến sĩ đã từng tham gia bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè năm 1972. Họ vác trên vai một cây cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Văn Phúc, trưởng đoàn, đang nói thì nửa chừng dừng lại, đôi mắt đỏ hoe vì nghẹn ngào xúc động, các đồng đội đứng quanh cũng không nén nổi cảm xúc. Ông nói trong nỗi niềm trào dâng của một người cao tuổi: "Đoàn chúng tôi là đoàn 299 đã từng tham chiến tại Thành Cổ Quảng Trị. Hằng năm, cứ đến tháng 7, chúng tôi lại vào đây dâng hương và hoa tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh vệ quốc. Năm nay, chúng tôi vào viếng mộ liệt sĩ, tham gia lễ thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn và hát cho đồng đội của chúng tôi nghe những bài hát về quê hương đất nước, về sự hy sinh lớn lao để bảo vệ độc lập, tự do. Với chúng tôi, Quảng Trị là quê hương thứ hai sâu nặng nghĩa tình".

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Mỗi ngôi mộ là nơi an nghỉ của các liệt sỹ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Rồi cả đoàn cựu chiến binh, hầu hết vốn là các chiến sĩ văn công cùng hát, múa ngay trên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 trong buổi sáng đong đầy hương, hoa và nước mắt, bên những ngôi mộ khói hương nghi ngút, bên những màu hoa tưởng niệm khôn nguôi thương nhớ. Họ vừa múa, hát vừa lau những giọt lệ nhớ thương, tưởng đã cạn rồi theo năm tháng, bỗng hôm nay xúc động tận tâm can; đúng ra họ không phải hát mà tâm sự với đồng đội, kể lại câu chuyện mà chỉ có những người lính trận mạc mới có thể thấu cảm cho nhau, chia sẻ cùng nhau; một nghi lễ quen thuộc mà lạ lùng ngay giữa thanh thiên bạch nhật khiến tất cả những người chứng kiến không ai nhắc nhau, đều cúi đầu trước sự tưởng niệm thống thiết sâu xa. Lá cờ hai màu vẫn phấp phới. Đó là lá cờ mà hơn nửa thế kỷ trước đã cùng họ tham gia chiến trận, vào sinh ra tử, được mọi người trong đoàn gìn giữ như bảo vật của một thời và mãi mãi...

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sỹ.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Video: Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Chương trình nghệ thuật: "Quảng Trị nghĩa tình tháng 7 - Hoa dâng mộ tri ân": Nguồn: QRT.

Đó là đêm ngày 25/7, diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị và Hội đồng hương Quảng Trị tại TP. HCM tổ chức Chương trình nghệ thuật: "Quảng Trị nghĩa tình tháng 7 - Hoa dâng mộ tri ân" được truyền hình trực tiếp thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, ca sĩ O Sen Ngọc Mai, Như Hải Yến, Thu Uyên, Gia Hân, Đông Quân, nhạc sĩ - ca sĩ Trường Kha, nhạc sĩ - ca sĩ Trương Quý Hải, nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp và con trai Hùng Tâm... Một chương trình nghệ thuật chất lượng, đậm đà tình nghĩa và ý nghĩa thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, tạo được tiếng vang trong lòng công chúng.

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Chương trình Hoa dâng mộ Liệt sĩ.

Đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh. Nhưng Quảng Trị cũng chính là nơi thử thách và tôi luyện những phẩm chất kiên cường, quả cảm, bất khuất của con người Việt Nam; nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hoà bình bất diệt của một dân tộc đã làm lay động mạnh mẽ lương tri của nhân loại. Từ trong hoang tàn và đổ nát của chiến tranh, đến nay, mảnh đất Quảng Trị đã từng bước thay da, đổi thịt với diện mạo mới tươi trẻ, tràn đầy sức sống”.

Không có gì thuyết phục hơn bằng hành động, bằng công việc thiết thực hàng ngày. Quảng Trị hiện chăm sóc 72 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ với hơn 5,5 vạn liệt sĩ, chăm lo 12 vạn người có công cách mạng, 2.833 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là trách nhiệm rất quan trọng mà cũng là bổn phận, là tình cảm: "Ăn quả nhớ người trồng cây".

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Đại biểu tham dự Chương trình nghệ thuật: "Quảng Trị nghĩa tình tháng 7 - Hoa dâng mộ tri ân".

Những ngày tưởng niệm và tri ân vào dịp lễ trọng rồi sẽ qua đi, chỉ có tình cảm bền chặt với anh hùng liệt sĩ là còn mãi. Đó quả thực là hoa bất tử thương nhớ những nghĩa sĩ vị quốc vong thân không thể phai tàn.

Ai đó đã nói rằng sở dĩ những anh hùng liệt sĩ cứu quốc trở nên bất tử bởi vì họ trường tồn trong tâm khảm, trong ký ức, trong lòng những người đang sống, trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Điều đó đang hiện thân lung linh ở Quảng Trị và không chỉ ở Quảng Trị mà thôi...

Quảng Trị với nghĩa tình tháng 7

Toàn cảnh Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ.

PHẠM XUÂN DŨNG

Ảnh: T.S - T.L

Đồ họa: TRƯỜNG SƠN

Xem phiên bản di động