Quảng Nam nỗ lực “giữ chân” người lao động trong đại dịch Covid-19
Thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam, đợt dịch thứ 2 của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn; hơn 25.000 công nhân phải nghỉ việc hoặc nghỉ luân phiên. Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp tiếp cận thị trường để duy trì sản xuất, “giữ chân” người lao động.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam tặng quà, động viên công nhân lao động sau đợt dịch lần thứ 2. |
“Giữ chân” người lao động bằng cách nào?
Khu Phức hợp Sản xuất và Lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ngay trong thời điểm xảy ra dịch bệnh vẫn duy trì việc làm cho hơn 8.000 công nhân lao động. Chủ trương của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) là cho phép các doanh nghiệp trong khu phức hợp được phép linh hoạt luân chuyển người lao động từ bộ phận này sang bộ phận khác. Chính vì vậy mà sau khi Nhà máy Thaco Bus tạm dừng hoạt động, lập tức số lao động làm việc tại nhà máy này được bố trí sang các bộ phận khác.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Giám đốc phụ trách sản xuất của THACO cho biết, những biến động về lao động việc làm tại khu phức hợp chủ yếu là biến động tự nhiên, không có trường hợp nghỉ vì dịch Covid-19. “Sau nhiều tháng khó khăn, doanh nghiệp nhận thấy tình hình dịch bệnh còn kéo dài nên mọi thứ đều phải học cách thích ứng, từ điều hành nội bộ đến đối ngoại và cả thị trường… Thực tế thì từ đầu tháng 8, hàng loạt đơn hàng đã được THACO xúc tiến đến các đối tác. Trong đó có những đơn hàng xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Theo kế hoạch năm 2020, THACO sẽ xuất khẩu hơn 1.200 xe du lịch Kia các loại sang các nước trong khối ASEAN. Trong đó có hơn 600 xe xuất khẩu sang Myanmar. THACO cũng hướng đến việc cung cấp tất cả các sản phẩm Kia do công ty sản xuất tại Việt Nam sang thị trường Myanmar (sau các nhãn hiệu Cerato và Soluto sẽ là Sedona, Seltos,…)”.
Cũng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH CCI Việt Nam dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo việc làm cho 2.453 cán bộ, nhân viên và người lao động. Ông Alex Ng Chan Kok, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH CCI Việt Nam cho biết: “Cùng với sản xuất linh kiện điện tử, thời điểm này chúng tôi còn đảm nhiệm sản xuất thêm một số máy móc điện tử y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch theo yêu cầu của Tập đoàn.
Vì vậy, không những không có lao động nghỉ vì dịch bệnh, CCI Việt Nam còn tuyển mới 283 người để tăng cường cho các bộ phận, đảm bảo tiến độ các đơn hàng mới gia tăng ngay trong thời điểm dịch bệnh. Yếu tố ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng. Bởi vì chỉ có an toàn thì chúng tôi mới tiếp tục sản xuất… Hơn thế, chúng tôi còn phải có trách nhiệm đối với hơn 2.400 công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp”.
Trong số những doanh nghiệp “giữ chân” người lao động tốt nhất ở tỉnh Quảng Nam phải kể đến Công ty TNHH MTV Sedo Vinako, đóng tại huyện Duy Xuyên. Doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc này chủ yếu gia công hàng may mặc xuất khẩu. Thời gian đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu của công ty gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì việc làm cho hơn 5.000 công nhân lao động, với mức lương bình quân mỗi tháng 5.000.000 đồng/người.
Ban lãnh đạo công ty quyết định chuyển hướng sản xuất các mặt hàng gia dụng thiết yếu như giỏ rác, túi xách; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, đơn hàng của công ty luôn duy trì ổn định cho dù dịch bệnh vẫn xảy ra.
Ông Kim Byung Tae, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Sedo Vinako cho biết, bên cạnh thị trường châu Âu truyền thống, công ty đã mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. “Những mặt hàng công ty sản xuất luôn chú trọng đến nhu cầu hằng ngày của mọi người. Chẳng hạn khi đi siêu thị thì ai cũng cần có túi xách hoặc những nơi công cộng luôn phải có giỏ đựng rác. Chúng tôi quan tâm đến những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày”.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói chuyện với các doanh nghiệp trên địa bàn sau dịch Covid-19. |
Đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”
Thống kê đợt dịch thứ nhất, tỉnh Quảng Nam có hơn 40% người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Số người lao động bị ảnh hưởng là 70.000 người. Trong đó, số lao động nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên là 40.000 người, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 10.000 người, tạm ngừng việc là 20.000 người, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động là 1.000 người. Một số doanh nghiệp phải giãn việc, giãn giờ làm. Ngoài ra, số lao động tự do không có hợp đồng bị mất việc làm theo thống kê sơ bộ khoảng 50.000 người.
Trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam cũng đã tập trung duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Ông Walter Bauer - Tổng Giám đốc Công ty Rieker Việt Nam cho biết: “Các đơn hàng hiện nay đủ để duy trì hoạt động của công ty dù có giảm giờ làm”. Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam quan tâm đến đời sống người lao động trong lúc tình hình dịch bệnh dù đã được kiểm soát, song trên thế giới vẫn còn rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn sau giờ tan ca. |
Ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, trong giai đoạn mới, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào. “Các doanh nghiệp cũng cần áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để bảo vệ tốt môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động.
Từ nay đến cuối năm, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nên các doanh nghiệp phải vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch tốt, tuyệt đối không để dịch bệnh cản trở sự phát triển”.
Bài: Hoài Nam
Đồ họa: Hoàng Hà