|
Mỗi buổi trưa, khu vực Nhà Xanh của Công ty CP Tiên Hưng (Hưng Yên) sẽ tiếp đón khoảng 120 công nhân đến nghe nhạc thư giãn và thưởng thức miễn phí các loại đồ uống. Mười rưỡi sáng, tại quầy pha chế, chị Trần Thị Thùy Dương đang hoàn thiện khâu cuối cùng, chuẩn bị xếp cốc để ra món. Chị cẩn thận soát lại thực đơn đồ uống cho ca 11h, gồm 17 cốc cà phê, 19 cốc sữa chua đánh đá, 2 cốc dưa hấu ép, 6 cốc dứa, 23 cốc nước cam, 6 cốc xoài. Nhìn cách chị làm chuyên nghiệp, thật khó có thể biết chị chỉ là “tay ngang” bởi hơn chục năm làm việc tại Công ty, chuyên môn chính của chị là công tác văn thư. |
Công nhân check-in tại "quán" cà phê trong Công ty CP Tiên Hưng - Ảnh: CĐDMVN |
Năm 2020, Công đoàn và Ban Nữ công của Công ty tham mưu với lãnh đạo Ban Tổng giám đốc triển khai mô hình cà phê nghe nhạc miễn phí cho công nhân vào mỗi buổi trưa. Ý tưởng được chấp thuận, Phòng Tổ chức hành chính nơi chị Dương làm việc được giao nhiệm vụ pha chế. “Chúng tôi phân chia nhau từng việc để làm, cả phòng hỗ trợ nhau, công việc chuyên môn không bị ảnh hưởng”, chị Dương nói. Trải qua 2 năm đại dịch Covid-19 căng thẳng, công nhân lao động phải thực hiện nghiêm quy định 5K nên mô hình cà phê nghe nhạc phải tạm dừng. Đầu tháng 4 năm nay, mô hình tiếp tục được triển khai trong sự hào hứng của toàn thể người lao động. |
Công nhân thưởng thức đồ uống và nghe nhạc - Ảnh: CĐDMVN |
Nhóm pha chế của chị Dương luôn duy trì từ 2 đến 5 người, phục vụ công nhân lao động sau bữa ăn trưa. Do không gian tại khu vực Nhà Xanh hạn chế nên mỗi buổi trưa chỉ phục vụ được 2 tổ sản xuất, khoảng hơn 100 người, chia thành 2 ca (mỗi ca khoảng 60 đến 70 người), kéo dài từ 11h đến 13h. “Các công nhân được đăng ký lần lượt, hết tổ này đến tổ khác, sau đó lại quay vòng. Chúng tôi cũng muốn tổ chức đông người hơn nhưng do điều kiện chỗ ngồi còn hạn chế nên trước mắt cố gắng bố trí như vậy”, đồng chí Phạm Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty nói và cho biết đơn vị có hơn 4.000 công nhân lao động, nữ chiếm gần 80%, chủ yếu là người địa phương. |
|
“Chúng tôi lên lịch để cho các tổ nắm trước. Tổ trưởng Tổ sản xuất sẽ đăng ký đồ uống cho công nhân trước 1 ngày để công tác chuẩn bị được nhanh và tốt nhất. Toàn bộ kinh phí do Công ty tài trợ”, đồng chí Vĩnh nói thêm. Hiện tại “quán” cà phê của Công ty có 7 món đồ uống. Căn cứ vào danh sách đăng ký từ hôm trước, nhóm pha chế sẽ trực tiếp mua nguyên liệu và chế biến. Hằng ngày, họ bắt tay vào công việc lúc 9h và dọn dẹp xong vào khoảng 14h. “Có một bạn của phòng y tế sẽ kiểm tra lại chất lượng nguyên liệu trước khi sơ chế để đảm bảo an toàn. Công việc pha chế đồ uống phục vụ công nhân cũng không gặp khó khăn, chúng tôi tự tìm hiểu, thử nghiệm và dần hoàn thiện kỹ năng”, chị Dương nói và cho biết cảm thấy rất vui khi thấy anh chị em công nhân uống hết những cốc nước mà mình pha chế. |
Công nhân Tổ 52 chụp ảnh tại khu Nhà Xanh, nơi có "quán" cà phê miễn phí - Ảnh: CNCC |
Chị Nguyễn Thị Lý (SN 1993), công nhân Tổ 52 chia sẻ: “Mô hình này tạo cho công nhân không gian thư giãn, thoải mái. Ở đây, chúng tôi vừa được thưởng thức đồ uống, nghe nhạc, lại được giao lưu, trò chuyện với nhau vui vẻ, tăng thêm tình đoàn kết. Từ đó, tạo tâm trạng thoải mái, phấn khởi khi trở lại làm việc”. Nữ công nhân là người địa phương, đã gắn bó với Công ty gần 10 năm sau khoảng thời gian làm việc ở Nhật Bản. Chị cho biết, môi trường làm việc ở Công ty rất tốt, Công đoàn có nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động. Đồng thời bày tỏ mong muốn hoạt động này được duy trì lâu dài. |
|
Đồng chí Phạm Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Theo cảm nhận của chúng tôi, mọi người rất phấn khởi. Họ trò chuyện rôm rả, chụp ảnh đăng facebook... Thông qua những hoạt động này, chúng tôi hy vọng từng ngày góp phần đem lại cho người lao động đời sống tinh thần tốt hơn”. Được biết, trưa thứ Bảy hằng tuần, Công đoàn Công ty còn tổ chức Chương trình “Nhịp cầu nối những trái tim”, hát cho nhau nghe và truyền tải các tâm sự, thông điệp của công nhân. Đồng chí Phạm Ngọc Vĩnh chia sẻ: “Các bạn nam, nữ muốn thể hiện tình cảm với nhau nhưng còn e ngại thì gửi thư lên cho chúng tôi. Chúng tôi làm cầu nối, trò chuyện, giúp đọc các bức thư ấy, hát các ca khúc mà họ muốn gửi tặng người mình yêu... Có nhiều cặp đôi đến với nhau thông qua chương trình này”. Đồng chí Vĩnh cười vui vẻ kể thêm: “Thậm chí có những bạn giận dỗi nhau cũng nhờ chúng tôi can thiệp trên hệ thống, rồi nhờ chúng tôi đem hoa xuống tận xưởng để tặng, giúp làm lành. Công đoàn lúc này như ban hòa giải”. |
Bài viết: Ý YÊN Ảnh: CNCC, CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM |