e magazine
30/09/2020 19:15
Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị

30/09/2020 19:15

Công tác phòng chống cháy nổ luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế đến mức tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức diễn tập,... ngày càng được các đơn vị chú trọng triển khai, nhất là ở các cơ sở sản xuất, song hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự được như mong muốn.
Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị

Công tác phòng chống cháy nổ luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế đến mức tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Công tác tuyên truyền, tập huấn, tổ chức diễn tập,... ngày càng được các đơn vị chú trọng triển khai, nhất là ở các cơ sở sản xuất, song hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự được như mong muốn.

***

Cháy nổ trong sản xuất vẫn xảy ra nghiêm trọng

Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc ta rừng.

Địa bàn xảy cháy ở thành thị chiếm 60,11%, ở khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86%), tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%). Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%). Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.

Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị
Vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại to lớn về vật chất và tác động xấu đến môi trường.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng trong xử lý các vụ cháy lớn. lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phối hợp với tổ chức cứu chữa và dập tắt 9.612 vụ cháy (chiếm 73,1%); hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Nhiều vụ cháy được Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lớn; ước tính giá trị tài sản bảo vệ được trong các vụ cháy trung bình và nhỏ là hơn 600 nghìn tỷ đồng. Lực lượng tại chỗ đã tham gia dập tắt 3.537 vụ cháy, sự cố cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần tích cực ngăn chặn cháy lan, cháy lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở như ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhà xưởng... chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, việc thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; nhiều phương án chữa cháy sơ sài, tình huống giả định cháy thường có diện tích nhỏ, dễ xử lý, chưa sát với thực tế. Một số vụ cháy nhỏ không được dập tắt kịp thời nên đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các vụ cháy lớn đều do cơ sở phát hiện, báo cháy chậm, việc tổ chức chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ không hiệu quả, dẫn đến cháy lan, cháy lớn (có 52/126 vụ báo cháy chậm sau 10 phút, thậm chí có vụ sau 30 phút mới báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; hơn 80% số vụ cháy lớn có thời gian cháy tự do trên 10 phút nên đã tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn, gây khó khăn cho các hoạt động chữa cháy, như vụ cháy ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tuấn Thông, thành phố Hồ Chí Minh ngày 01/8/2017, báo cháy chậm 42 phút; vụ cháy Công ty TNHH Rồng Hoa Thái, Tiền Giang ngày 06/1/2018, báo cháy chậm 48 phút...).

Các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn đa phần sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, khả năng chịu nhiệt và chịu lực kém, khi thời gian cháy kéo dài trên 30 phút có khả năng sụp, đổ gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (như vụ cháy 33.280 m2 nhà xưởng Công ty TNHH Bao bì Việt Long, tỉnh Đồng Nai ngày 25/6/2015; vụ cháy 20.000 m2 nhà xưởng Công ty TNHH Yakjin Việt Nam, tỉnh Phú Thọ ngày 13/6/2018...).

Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị
Hiện trường vụ cháy ở Công ty TNHH Rồng Hoa Thái, Tiền Giang.

Cấp thiết phải có những hành động kiên quyết

Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (chiếm tỷ lệ 85,76%); còn 1.872 vụ đang tiếp tục điều tra. Đối với các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, điển hình như: Vụ cháy ngày 19/3/2014 tại chợ Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; vụ cháy ngày 01/11/2016 tại quán Karaoke số 68, quận Cầu Giấy, Hà Nội; vụ cháy ngày 29/7/2017 tại xưởng sản xuất sô-cô-la ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội…; đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 66 vụ án, truy tố 43 bị can vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cơ quan chức năng đã lập 98.384 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 98.384 trường hợp vi phạm về phòng cháy, chữa cháy với tổng số tiền nộp ngân sách 206 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp và phạt cảnh cáo hơn 2.035 trường hợp vi phạm.

Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị

Từ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ và những vụ sự cố sập nhà xưởng do giông lốc, những vụ tai nạn sự cố sập đổ công trình và các vụ cháy nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tai nạn, sự cố thảm khốc do ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và cả những nguyên nhân từ lỗi của con người trong quản lý các công trình, nhà xưởng; từ sự thiếu ý thức và cả kiến thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhà thầu, người sử dụng lao động đến an toàn lao động và công trình, nhà xưởng.

Phòng chống cháy nổ trong sản xuất và một số kiến nghị

Qua đó, đòi hỏi cấp thiết phải có những hành động kiên quyết của tất cả các cấp trong việc phải rà soát ngay những công trình, nhà xưởng công nghiệp, nhà máy có nguy cơ cao mất an toàn, cháy nổ, để đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn, cháy nổ từ nhiều yếu tố, từ tự nhiên, đến con người, qua đó điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đặc biệt là bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp, đảm bảo thi công công trình, duy trì các nhà xưởng, công trình trong các điều kiện thay đổi khác nhau.

Bài: NGUYỄN ANH THƠ

Phó Cục trưởng, Cục An toàn lao động,

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đồ họa: Hoàng Hà

Xem phiên bản di động