e magazine
17/06/2022 07:00
Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

17/06/2022 07:00

Nếu ai đó nói rằng, Covid-19 dường như chưa từng xảy ra ở phố cổ Hà Nội thì cũng dễ hiểu thôi! Hiện thứ duy nhất gợi nhớ về “bóng ma” Covid, về những ngày phố phường vắng lặng và những ô cửa khép hờ, có chăng chỉ là chiếc khẩu trang. Giờ đây, phố cổ Hà Nội đã trở lại với nhịp điệu sôi động vốn có.
Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Nếu ai đó nói rằng, Covid-19 dường như chưa từng xảy ra ở phố cổ Hà Nội thì cũng dễ hiểu thôi! Hiện thứ duy nhất gợi nhớ về “bóng ma” Covid, về những ngày phố phường vắng lặng và những ô cửa khép hờ, có chăng chỉ là chiếc khẩu trang. Giờ đây, phố cổ Hà Nội đã trở lại với nhịp điệu sôi động vốn có.


Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Cuối tuần, cơn mưa rào bất chợt lúc chập tối khiến Hà Nội trở nên mát mẻ dễ chịu. Cho tới khi đồng hồ điểm 8 giờ tối, những hạt mưa vẫn lắc rắc rơi xuống rạp Chuông Vàng, nơi có một sân khấu nhỏ đã được dựng sẵn ngay trước cửa rạp. Bên cánh gà ở góc phố Hàng Bạc, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã sẵn sàng cho buổi diễn “Tiếng quê hương”.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

NSƯT Quang Thanh hát song ca với một nữ nghệ sĩ tại ngã tư Hàng Bạc – Tạ Hiện vào một tối cuối tuần - Ảnh: Ý YÊN

Khách bộ hành bị cuốn hút bởi những lời ca, nhịp đàn mang đậm âm hưởng Việt Nam. Mặc cho trời mưa, họ tập trung mỗi lúc một đông, vài vị khách nước ngoài say sưa livestream, chia sẻ cho bạn bè.

Kết thúc phần trình diễn đầy thăng hoa, NSƯT Quang Thanh trong bộ áo dài thêu hoạ tiết truyền thống từ sân khấu bước xuống, khuôn mặt anh lấm tấm mồ hôi nhưng rạng rỡ nụ cười.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"NSƯT Quang Thanh và một nữ nghệ sĩ - Ảnh: Ý YÊN

“Hai năm vừa qua, dịch Covid-19 khiến anh chị em nghệ sĩ hầu như không được làm nghề, không được thoả lòng đam mê của mình với nghệ thuật. Giờ chúng tôi mới lại được thả hồn mình vào những tiếng đàn, đem lời ca phục vụ bà con Nhân dân và du khách đến với phố cổ Hà Nội”, người nghệ sĩ hơn 20 năm công tác tại Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ.

Trước khi dịch bệnh xảy ra, những nghệ sĩ như anh hầu như kín lịch biểu diễn, từ các chương trình văn nghệ của thành phố đến những chuyến đi diễn ở các xã, huyện, các lễ hội, sự kiện… Nhưng dịch bệnh khiến mọi hoạt động biểu diễn phải tạm ngừng, thu nhập giảm sút, đời sống gia đình nghệ sĩ cũng ảnh hưởng.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Du khách thích thú với màn trình diễn ngoài trời - Ảnh: Ý YÊN

Khi tình hình dịch được kiểm soát, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hà Nội quyết định khôi phục lại tuyến phố đi bộ để phục vụ du khách. Nhà hàng, quán xá mở cửa trở lại, các di tích lịch sử đón khách tham quan. Những nghệ sĩ như NSUT Quang Thanh lại được làm nghề, được cháy hết mình trên sân khấu như những ngày xưa.

“Mọi việc đã tốt lên rất nhiều. Anh chị em rất vui, hào hứng khi được biểu diễn tại sân khấu này mỗi tuần hai buổi phục vụ khách bộ hành”, NSƯT Quang Thanh nói trước khi bước lên bục song ca với một nữ nghệ sĩ.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Cách đó vài bước chân, anh Ngô Văn Trình tranh thủ ngả lưng trên chiếc xích lô của mình. Người đàn ông quê Nam Định đang thư giãn hoàn toàn trên tấm nệm có mái che đỏ chót ở vị trí vốn chỉ dành cho “thượng đế”. Anh nói rằng nghỉ được lúc nào hay lúc ấy bởi có những thời điểm đông khách, đôi chân mỏi nhừ, thậm chí còn không kịp ăn cơm.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Anh Ngô Văn Trình vui mừng khi khách du lịch ngày càng đông - Ảnh: Ý YÊN

Khác với xe ôm, xích lô hoạt động trên phố cổ hễ chở người thì chắc chắn đó phải là khách du lịch. Nhiều du khách bảo rằng nếu không có xích lô thì trải nghiệm “ba mươi sáu phố phường” sẽ mất đi phần thú vị, phố cổ sẽ giảm sức hấp dẫn. Xích lô đem đến cho họ cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng, thanh lịch, dù có đắt hơn xe ôm.

“Có những cuốc mình làm giá 100 nghìn đồng nhưng khách cho gấp đôi bởi họ thấy hài lòng, một phần cũng vì thương mình lao động chân tay vất vả”, anh Trình chia sẻ.

Ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, thu nhập của anh Trình có khi được trên một triệu đồng, con số khiến anh vui sau quãng thời gian “treo niêu” do Covid-19.

Hai năm Covid-19, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, phố cổ vắng tanh, những người đạp xích lô như anh Trình thất nghiệp, nhiều người phải bỏ nghề. Anh về quê làm ruộng phụ vợ nhưng không quen việc, đã chẳng đỡ đần được gì, lại thêm một miệng ăn khiến chị phải xoay xở đủ đường.

“Bây giờ nhìn khách du lịch đi kín phố, tôi thấy mình như được tái sinh. 20 năm đạp xích lô, tôi đã quen với những dãy phố cổ, dịch bệnh làm đảo lộn tất cả. Đến giờ mọi thứ đã tốt lên”, anh Trình nói và cho biết thu nhập bình quân mỗi tháng hơn chục triệu đồng, gửi về cho vợ 7 đến 8 triệu đồng nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học. “Hết đau đầu vì tiền rồi!”, anh nở nụ cười tươi.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

10h tối, quán bar “Local” trên phố Tạ Hiện đã kín bàn, hầu hết là khách nước ngoài. Gần chục năm qua, quán này giữ nguyên một phong cách bài trí, đơn giản nhưng ấn tượng. Nổi bật trên bức tường ngay sát cửa ra vào là hình bản đồ Việt Nam được tạo nên bởi cụm đèn led đỏ rực. Vài bức ảnh đen trắng khổ lớn ghi lại khoảnh khắc một ông cụ đầu đội mũ phớt bên chiếc xe đạp của mình, hay một bác gái trong bộ đồ nội trợ đang nở nụ cười tươi…

Đó là những hình ảnh thân thuộc đến mức ai cũng dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trong thành phố này. Và sự thân thuộc ấy là một trong những lý do để Antonio cùng cô bạn gái của mình quyết định trở lại Việt Nam sau Covid-19. Trong tiếng nhạc không thể không nhún nhảy, nhấp một ngụm bia Hà Nội mát lạnh, chàng trai đến từ Tây Ban Nha ghé tai tôi nói: “Tôi rất yêu đất nước này, nơi có những con người thân thiện, đồ ăn ngon và thắng cảnh đẹp”.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"

Hoài Thanh, chủ quán Bar “Local” hy vọng việc kinh doanh ngày càng khởi sắc - Ảnh: Ý YÊN

Còn Hoài Thanh, chủ quán Bar “Local” chia sẻ với tôi về cảm xúc hiện tại: “Không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc, phấn khởi khi tôi được gặp lại những người bạn cũ, chào đón những người bạn mới từ khắp mọi nơi. Hai năm vừa qua là quãng thời gian kìm nén để bây giờ mọi thứ bật ra với một niềm hân hoan, sẵn sàng cho sự khởi đầu mới”.

Hoài Thanh đã cầm cự và giữ được nơi này trong hai năm dịch bệnh một cách phi thường, khi số tiền thuê hằng tháng lên tới 80 triệu đồng. Dù biết vẫn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với chị, quán xá được mở lại là một điều vô cùng tuyệt vời. “Tôi hy vọng dịch bệnh chấm dứt, mọi thứ sẽ bình thường trở lại, kinh doanh khởi sắc hơn. Tôi có thể kiếm được tiền lo cho mình và trả lương các nhân viên cao hơn để họ trang trải cuộc sống”, cô nói.

Phố cổ Hà Nội đêm "bình thường cũ"Nhóm du khách Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm - Ảnh: Ý YÊN

Niềm tin của Thanh hoàn toàn có cơ sở. Từ đầu tháng 3 năm nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch bài bản cho phục hồi du lịch, xác định rõ mục tiêu tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường. Chính quyền địa phương cũng xác định lộ trình, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để từng bước mở cửa, hồi phục du lịch đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Cùng với đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng sẽ được xây dựng đồng bộ. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng quận Hoàn Kiếm nói chung, khu vực phố cổ nói riêng trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, xứng tầm trung tâm du lịch lớn của Thủ đô.

Phố cổ Hà Nội đã sẵn sàng cho những đêm “bình thường cũ”.

Ý YÊN

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động