
Gần 1.700 cơ hội việc làm tại phiên Ba Đình |
Trong bối cảnh thị trường việc làm có dấu hiệu khởi sắc nhưng không đồng đều, nhiều lao động – đặc biệt là nữ công nhân và sinh viên mới ra trường – vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng phù hợp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại “khát” nhân lực phổ thông và công nhân lành nghề, nhưng tuyển khó – giữ chân còn khó hơn…
Phiên giao dịch việc làm huyện Ba Vì năm 2025 là nơi người lao động – đặc biệt là lao động trẻ – được tư vấn nghề nghiệp, kết nối đào tạo, xuất khẩu lao động và tiếp cận thông tin toàn diện về thị trường việc làm.
Gần 2.000 chỉ tiêu việc làm, tuyển sinh
Dưới sự phối hợp tổ chức của UBND huyện Ba Vì, Sở Nội vụ Hà Nội, Liên đoàn Lao động huyện Ba Vì và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, phiên giao dịch thu hút 31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, mang đến 1.983 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động.
Trong đó, 1.663 chỉ tiêu là tuyển dụng lao động trong nước và xuất khẩu lao động, 320 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề.
Nổi bật là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất – 768 chỉ tiêu, tương đương 46,2% tổng nhu cầu.
![]() |
Phiên giao dịch và tư vấn việc làm thu hút đông đảo người lao động địa phương và các huyện lân cận. Ảnh: Thảo Vân |
Đáng chú ý, mức thu nhập mà các doanh nghiệp đưa ra khá hấp dẫn. Gần 50% vị trí có mức lương từ 15 triệu đồng trở lên – chủ yếu thuộc nhóm chỉ tiêu xuất khẩu lao động, công việc chất lượng cao hoặc yêu cầu chuyên môn cao.
Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng, chiếm 31% tổng số chỉ tiêu, phù hợp với nhóm lao động phổ thông, nhân viên kỹ thuật, công nhân có tay nghề.
Kết quả khảo sát trong phiên giao dịch cho thấy lực lượng lao động tại Ba Vì đang có độ tuổi trung bình khá trẻ: 54,1% là nam, độ tuổi trung bình 26; 45,9% là nữ, trung bình 27 tuổi.
Lao động có trình độ THPT chiếm nhiều nhất (41,7%), phù hợp với nhu cầu tuyển dụng công nhân sản xuất, kỹ thuật, đóng gói…
Các doanh nghiệp cũng mở ra hàng trăm cơ hội du học, xuất khẩu lao động tại Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cùng nhiều ngành nghề đào tạo nghề hấp dẫn như sửa ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, tiếng Nhật – Hàn.
Ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì – đánh giá: “Việc tổ chức phiên giao dịch không chỉ nhằm kết nối lao động – doanh nghiệp mà còn là giải pháp căn cơ trong giải quyết việc làm bền vững. Với quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp được nâng lên rõ rệt, phiên giao dịch năm nay hứa hẹn đem lại nhiều giá trị thiết thực cho người dân địa phương.”
Người lao động muốn đổi việc, không chỉ vì tiền
Giữa sân Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Ba Vì sáng nay, chị Phạm Thị Trang (31 tuổi), công nhân may tại Công ty Sơn Hà (thị xã Sơn Tây), vượt gần 20 cây số đến phiên giao dịch việc làm Ba Vì với một lý do rất đời thường: “Công việc cũ ổn định nhưng không có thời gian đưa con đi học. Em cần công việc linh hoạt hơn. Thu nhập chỉ cần khoảng 8 triệu là ổn”.
Chị Trang cho biết, được chính công ty hiện tại tạo điều kiện lên phiên tìm việc mới – một hành động hiếm có và đáng trân trọng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp “giữ chân” lao động bằng mọi giá.
![]() |
Chị Phạm Thị Trang (31 tuổi) mong muốn tìm việc gần nhà để có thời gian đưa con đi học. Ảnh: Thảo Vân |
Cũng tìm đến phiên giao dịch với hành trang là tấm bằng đại học “mới ra lò”, Lê Ngọc Khoa (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) – cử nhân ngành Công nghệ thông tin Việt – Nhật (Đại học Bách khoa Hà Nội) – cho biết em hy vọng tìm được công việc văn phòng ở Hà Nội hoặc Ba Vì với mức lương khởi điểm khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.
“Em từng nộp hồ sơ xin việc online tới một số công ty nhưng không nhận được phản hồi. Một số công ty yêu cầu kỹ năng quá cao hoặc kinh nghiệm từ 6 tháng trở lên, trong khi em mới ra trường, chưa có nhiều trải nghiệm thực tế,” Khoa nói.
Dù còn nhiều băn khoăn, nhưng việc tham gia phiên giao dịch hôm nay đã là một bước chủ động đáng ghi nhận. Khoa tâm sự: “Em chưa tìm được vị trí phù hợp ngay, nhưng ít nhất cũng được tiếp xúc trực tiếp với nhà tuyển dụng, học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn và cách các doanh nghiệp đặt ra yêu cầu. Lần đầu đến đây em thấy phiên rất quy mô, có nhiều lựa chọn công việc – điều mà tìm việc online không thể có được.”
![]() |
Lê Ngọc Khoa chụp lại các thông tin doanh nghiệp đang tuyển dụng để tìm việc phù hợp. Ảnh: Thảo Vân |
Doanh nghiệp tuyển người: Dễ mà khó
Trong khi người lao động vẫn trăn trở chọn việc, nhiều doanh nghiệp lại “đỏ mắt” tìm người. Chị Trần Thị Phương – nhân viên nhân sự Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Bảo An Việt Nam – chia sẻ: “Chúng tôi cần tuyển gấp 50 bảo vệ làm việc tại các tòa nhà chung cư ở Hà Nội. Thu nhập 7–11 triệu đồng/tháng, vị trí quản lý có thể lên tới 15 triệu. Nhưng khó tuyển lắm, nhất là người trẻ.”
Lý do? Theo chị Phương, nghề bảo vệ tuy không vất vả nhưng lại cần sự kỷ luật, làm việc theo ca và ít môi trường giao tiếp. “Giới trẻ giờ thích nghề linh hoạt, năng động hơn. Nếu có, chủ yếu là các bạn vừa xuất ngũ, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.”
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Dệt may TopMode– cũng mang đến phiên giao dịch 50 chỉ tiêu công nhân may, mức lương 8–15 triệu, hỗ trợ nhà ở miễn phí, đào tạo nghề không thu phí, nhưng vẫn loay hoay tìm ứng viên phù hợp.
“Ngành May giờ không còn hấp dẫn lao động trẻ. Họ chuyển sang làm online, bán hàng, hoặc đi xuất khẩu. Ngành này cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, yêu nghề – mà điều đó giờ không dễ tìm,” chị Ánh trăn trở.
Những tâm tư ấy – từ cả người lao động và doanh nghiệp – phản ánh rõ nét thực trạng của thị trường lao động hiện nay: lệch pha giữa cung – cầu, giữa kỳ vọng và thực tế, giữa năng lực và yêu cầu.
Tiếp cận việc làm tại chỗ – giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng hiệu quả kết nối
Theo ông Nguyễn Đức Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, phiên giao dịch năm nay vừa là hành động cụ thể hưởng ứng Tháng Công nhân, vừa là giải pháp căn cơ để người dân tiếp cận việc làm tại chỗ – giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng hiệu quả kết nối.
Phiên giao dịch cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá môi trường làm việc, mở rộng nguồn ứng viên, giới thiệu trực tiếp quy trình tuyển dụng. Những hoạt động như tư vấn xuất khẩu lao động, học nghề, hỗ trợ kỹ năng mềm… đều được tổ chức song song.
![]() |
Khai mạc phiên giao dịch việc làm Ba Vì năm 2025. Ảnh: Hải Nguyễn |
Theo kết quả khảo sát từ 1.013 người lao động tại Ba Vì, nhóm có trình độ THPT chiếm tỷ lệ cao nhất (41,7%), trong khi số có trình độ cao đẳng – đại học chỉ chiếm 23%. Nhóm tuổi từ 18–34 chiếm tới hơn 80% – tức là lực lượng trẻ rất lớn, nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng về nghề nghiệp. Điều đó lý giải vì sao những chương trình đào tạo nghề, huấn luyện kỹ năng, hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp tại các phiên giao dịch việc làm ngày càng có ý nghĩa chiến lược.
Ông Nguyễn Tây Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh: “Phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành (GRDP) trong năm 2025. Đặc biệt, việc nâng cao hiệu quả hệ thống Sàn giao dịch việc làm – bao gồm cả sàn vệ tinh như Ba Vì – là then chốt trong kết nối cung – cầu lao động.”
Có thể thấy, phiên giao dịch việc làm Ba Vì năm 2025 không chỉ là một hoạt động “một ngày, một nơi” mà là biểu hiện của cả một chiến lược kết nối cung – cầu lao động mới. Trong đó, người lao động không còn bị động đi tìm việc mà được hỗ trợ chủ động hơn, tiếp cận thông tin rõ ràng, được tư vấn định hướng và đào tạo bổ sung.
Về phía doanh nghiệp, họ cũng buộc phải thay đổi cách tiếp cận – từ đơn thuần “đòi hỏi kỹ năng” sang “chấp nhận đào tạo lại,” xây dựng môi trường làm việc nhân văn, đãi ngộ tốt và gắn kết dài lâu.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền – đoàn thể, đặc biệt là giữa chính quyền huyện với Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động và Trung tâm Dịch vụ việc làm, chính là “chìa khóa” bảo đảm cho các phiên giao dịch việc làm không chỉ đúng mục tiêu, mà còn hiệu quả bền vững.
Video: Chị Trần Thị Phương – nhân viên nhân sự Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Bảo An Việt Nam chia sẻ.
Tin mới hơn

Những năng lực “vàng” AI khó thay thế con người

Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động
Tin tức khác

Người trẻ chọn việc gần nhà, doanh nghiệp lo “giữ chân” lao động

Gần 1.700 cơ hội việc làm tại phiên Ba Đình

Doanh nghiệp khó tuyển người phù hợp: Đâu là kênh kết nối hiệu quả?

Khi kỹ năng thực lên ngôi: Doanh nghiệp tìm gì, người lao động cần chuẩn bị ra sao?

Nữ sinh bị đánh vì “tiền tip”: Rủi ro tìm việc và vai trò "bà đỡ" từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
