e magazine
18/09/2020 10:03
Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân

18/09/2020 10:03

Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là vấn đề nhiều công nhân lao động quan tâm, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân

Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn luôn là vấn đề nhiều công nhân lao động quan tâm, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, buộc phải giảm giờ làm hoặc bố trí cho công nhân lao động nghỉ luân phiên, giảm lương... Việc làm không ổn định khiến thu nhập người lao động giảm sút, dẫn đến nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” lại đè nặng lên những người công nhân lao động.

Thiếu trước hụt sau

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Quỳnh đều là công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Thời điểm Covid-19, thu nhập không ổn định, trung bình lương một tháng cả hai anh chị chỉ vỏn vẹn chục triệu đồng. Với mức lương bèo bọt lại nuôi mấy miệng ăn khiến cho chị Quỳnh luôn đau đáu một nỗi lo. “Thu nhập ngày càng thấp, chi phí sinh hoạt lại cao, tiền ăn học cho đứa con lớn cộng thêm chi phí dự kiến sinh nở của mình khiến hai vợ chồng vô cùng lo lắng ”, chị Quỳnh nói.

Mang bầu đã được hơn 7 tháng, dự kiến đầu tháng 10 sinh nhưng chị Quỳnh vẫn chăm chỉ đi làm. Chỉ khi công ty thông báo nghỉ do không còn đơn hàng thì chị mới ở nhà.

Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, công nhân Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Hà Nội)

“Đợt vừa rồi, mình phải nghỉ làm 1 tuần không lương vì công ty hết việc. Vừa nhận được thông báo nghỉ, mình đã có dự định đi rửa bát thuê hoặc một số công việc làm thêm theo giờ khác để kiếm thêm thu nhập, san sẻ bớt gánh nặng cho chồng. Tuy nhiên, do sắp đến ngày sinh, mình không đủ sức khỏe để đi làm. Mình cảm thấy rất buồn”, chị Quỳnh chia sẻ.

Để vượt qua giai đoạn này, chị Quỳnh cũng như nhiều công nhân khác lựa chọn cách cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm tối đa. Giá cả tăng trong khi thu nhập giảm khiến bữa cơm công nhân ngày càng đơn điệu, thiếu chất dinh dưỡng. “Nếu như trước đây, thu nhập ổn định, bữa cơm gia đình còn có nồi thịt kho, con cá thì nay chỉ còn bìa đậu, bó rau. Biết rằng con trẻ cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng nhưng nếu không chi tiêu tằn tiện, cuộc sống sẽ thiếu trước hụt sau”, chị Quỳnh chia sẻ thêm.

Giữa thời điểm dịch Covid-19, công ty đang cắt giảm nhân sự, là công nhân sắp đến kỳ nghỉ thai sản, chị Quỳnh luôn trăn trở nỗi lo mất việc.

Khó khăn chất chồng

Vừa qua, chị Hoàng Thị Thơ, công nhân Công ty TNHH Thời trang Star tạm nghỉ việc một thời gian ngắn do công ty hết đơn hàng. Giữa thời điểm khó khăn do Covid-19, ngưng việc, giảm thu nhập khiến chị Thơ chật vật xoay xở. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa.

Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân

“Trước tình hình dịch bệnh tái phát, một số công ty đã ổn định việc làm cho công nhân lao động, nhưng công ty mình vẫn bị ảnh hưởng nhiều. Hiện tại mình chỉ được nhận lương cơ bản hơn 4 triệu đồng/tháng, không tăng ca thêm giờ. Thậm chí thời gian gần đây hàng tồn kho, xuất không được, đi làm bập bõm ngày nghỉ, ngày làm. Cách đây vài tuần mình cũng bị công ty cho nghỉ hơn 1 tuần”, chị Thơ nói.

Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân

Thời gian này, ngoài các khoản chi phí sinh hoạt hằng tháng, chị Thơ còn lo lắng tiền học cho con vào đầu năm học mới. “Con đi học mà nơm nớp lo sợ, chẳng khác nào đi mua chữ cho con. Đầu năm học muôn vàn các khoản thu, hết sách, vở, học phí lại tiền đồng phục, trang thiết bị cho con đến trường. Dù khó khăn nhưng vợ chồng mình vẫn cố cho con đi học”, chị Thơ bộc bạch.

Đó cũng là tâm trạng của anh Đào Duy Bốn, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Cường. Là trụ cột của gia đình, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lương hằng tháng của anh Bốn cũng giảm sút đáng kể. Anh nói: “Hiện tại lương của mình chỉ khoảng 7 triệu thôi, dịch bệnh nên tăng ca cũng không có, mà làm nghề tay trái cũng không ăn thua. Vợ mình lương thấp nên toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà đều phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập ít ỏi của mình. Vì vậy cuộc sống hết sức chật vật”.

Phập phồng nỗi lo “kiếm cơm” mùa Covid của công nhân
Anh Đào Duy Bốn, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Cường.

Bài: Hoàng Nhung
Đồ họa: Hoàng Nhung

Xem phiên bản di động