Phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế Công đoàn
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Đông Anh, Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi mục tiêu của Đề án. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và nguồn lực của tổ chức Công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, các cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị và các công trình thương mại dịch vụ, công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức Công đoàn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về mục tiêu cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp các địa phương chuẩn bị điều kiện về đất đai, quy hoạch để đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư thí điểm một thiết chế Công đoàn; giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu triển khai 50 thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế Công đoàn.
Khu vui chơi dành cho con em công nhân tại Khu nhà ở công nhân Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Quyết định cũng sửa đổi các quy định về nhiệm vụ và giải pháp về đất đai, xây dựng trong thực hiện Đề án.
Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, vị trí thuận lợi, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bố trí nguồn vốn từ ngân sách do địa phương quản lý và thu hút các nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, gồm: Hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, cây xanh và các công trình hạ tầng xã hội, gồm: Các công trình văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường học, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh... trong đó có các thiết chế Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động.
Bố trí quỹ đất, nguồn vốn từ ngân sách do địa phương quản lý và thực hiện giải phóng mặt bằng tại khu đất quy hoạch thiết chế Công đoàn đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất để thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn.
Giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất, bao gồm: Giao đất cho Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thuộc quy hoạch khu thiết chế của Công đoàn; giao đất cho doanh nghiệp thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp khác để đầu tư các dự án nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc khu quy hoạch thiết chế Công đoàn theo quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Công nhân đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.
Sau khi được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu, chấp thuận địa điểm khu đất quy hoạch thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thiết chế của Công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu, chấp thuận bằng vốn của tổ chức Công đoàn.
Thực hiện đầu tư một số hạng mục hoặc toàn bộ dự án thiết chế Công đoàn bằng nguồn vốn của tổ chức Công đoàn, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác theo hướng: Làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) và các công trình văn hóa, thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn từ nguồn vốn của tổ chức Công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thể dục tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.
Các doanh nghiệp có chức năng và đủ năng lực theo quy định của pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê và cho thuê mua thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 57 của Luật Nhà ở, tổ chức đầu tư theo các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có các đối tượng là công nhân, đoàn viên công đoàn, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình thực hiện quy hoạch khu thiết chế Công đoàn, với các nội dung: Thu hút các nhà đầu tư nhằm xã hội hóa tối đa nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; tiêu chí lựa chọn đối tượng được mua, thuê và thuê mua nhà ở thuộc dự án nhà ở cho công nhân; phương án giá bán, giá thuê và giá thuê mua tại các dự án nhà ở cho công nhân; quản lý thiết chế Công đoàn sau đầu tư theo các quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Ý Yên