Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ "lửa" Công đoàn
Công đoàn

Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ "lửa" Công đoàn

TRẦN LƯU
Tác giả: TRẦN LƯU
Ông Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người tham gia trực tiếp vào hành trình đầy gian khó của tổ chức Công đoàn suốt nửa thế kỷ qua.
Nữ đảng viên luôn “dấn thân” vì công nhân lao động

Khởi đầu của một hành trình dấn thân

Tháng 04/1975, đất nước thống nhất nhưng trong niềm vui to lớn ấy, miền Nam vẫn còn ngổn ngang biết bao khó khăn. Những nhà máy, xí nghiệp vừa được tiếp quản cần ổn định sản xuất; đời sống công nhân còn đầy thiếu thốn. Trong bối cảnh ấy, tổ chức Công đoàn ở miền Nam ra đời như một nhu cầu tự thân – vừa để bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa góp phần ổn định tình hình mới.

Khi ấy, chàng thanh niên Đặng Ngọc Tùng (hơn 20 tuổi) đã không chọn con đường nhẹ nhàng. Ông khoác lên mình bộ đồ công nhân xây dựng, rong ruổi theo những công trình lớn nhỏ giữa lòng thành phố đang hồi sinh. Những tháng ngày ấy, ông sống và làm việc cùng anh em công nhân trong những lán trại dã chiến – nơi thiếu thốn đủ bề nhưng chan chứa tình đồng nghiệp.

Người ta vẫn còn nhớ hình ảnh một người công nhân trẻ, dáng cao gầy, sáng nào cũng thức dậy từ tinh mơ, đạp xe hơn 10 cây số để mua bánh mì về phát cho anh em công nhân. Không ai bảo ông làm thế, cũng chẳng có một sự hỗ trợ vật chất nào cho việc đó – đó đơn thuần là sự tận tâm, là tình thương chân thành của một người đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Ngoài giờ làm, ông còn hăng hái tổ chức các hoạt động tập thể, vận động cải thiện điều kiện sinh hoạt, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đồng nghiệp.

Chính từ sự nhiệt tình và tấm lòng ấy, năm 1976, ông được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (nay là LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1979, ông giữ chức Thư ký Công đoàn Công ty Xây lắp 3 (nay là chức Chủ tịch Công đoàn cơ sở doanh nghiệp). Đây bước ngoặt quan trọng đánh dấu hành trình dấn thân lâu dài của ông với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ
Ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu tham luận tại Đại hội XII. Ảnh: Phạm Hải

Kể từ khi bước chân vào tổ chức Công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng đã đi qua hầu hết các vị trí công tác – từ cơ sở đến cấp thành phố. Mỗi cương vị đều để lại cho ông những trải nghiệm sâu sắc, giúp tích lũy một vốn sống dày dạn và sự thấu hiểu toàn diện về đời sống người lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Ông không chỉ rành rẽ về quy trình tổ chức, chính sách pháp luật, mà còn am tường tâm lý công nhân, hiểu từng ngõ ngách khó khăn nơi các xóm trọ, khu công nghiệp. Chính những tháng năm sát cánh cùng công nhân đã rèn giũa nên một người cán bộ Công đoàn vừa cứng rắn trong đấu tranh, vừa mềm mỏng trong vận động, thuyết phục.

Nhắc đến chặng đường đó, ông không giấu được niềm tự hào khi kể lại một kỷ niệm sâu đậm: Thành lập Tổ chức Tài chính vi mô CEP – một “cứu cánh” thiết thực cho công nhân nghèo. "Lúc đó khó khăn lắm, tổ chức thì mới mẻ, không có tiền vận hành, phải đi xin từng khoản nhỏ, nhiều khi chỉ được 50 triệu đồng là mừng lắm rồi", ông nhớ lại.

Có một lần đặc biệt, ông cùng đồng đội vận động được khoản hỗ trợ 50.000 USD từ ông Muhammad Yunus (người Bangladesh) – người từng đạt giải Nobel Hòa bình.

Ông Yunus là người sáng lập Ngân hàng Grameen, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người nghèo trên thế giới qua mô hình cung cấp tín dụng nhỏ cho những người không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống. Chính ông là người đã tài trợ cho CEP trong giai đoạn đầu và cung cấp nguồn lực quý báu để giúp tổ chức này phát triển. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kinh phí, ông Yunus còn cử các chuyên gia của Ngân hàng Grameen đến Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo và tập huấn cho cán bộ Công đoàn, từ đó giúp CEP xây dựng và hoàn thiện các mô hình cho vay vốn, phát triển dịch vụ tài chính phục vụ cho công nhân nghèo.

Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ
Ông Đặng Ngọc Tùng trong một lần thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động khi còn giữ chức vụ Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, với tầm nhìn xa trông rộng và sự quyết tâm, đã kết nối được những nguồn lực quý giá này, mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng công nhân nghèo. Dưới sự dẫn dắt của ông, CEP đã bắt đầu nhận được sự tín nhiệm từ công nhân lao động và mở rộng mạng lưới cho vay vốn, giúp hàng nghìn công nhân cải thiện đời sống, thoát khỏi cạm bẫy tín dụng đen và tiếp cận nguồn tài chính lành mạnh. Nhờ có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ ông Yunus cùng những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ CEP, tổ chức này đã dần trở thành một trong những mô hình tín dụng vi mô thành công nhất ở Việt Nam.

Sang thập niên 1990, sau công cuộc đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm điểm thu hút đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế. Các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên nhanh chóng: Tân Thuận, Linh Trung, Sóng Thần, Bình Tân, Tây Bắc Củ Chi... hàng trăm nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ ra đời, thu hút hàng triệu lao động nhập cư.

Kinh tế phát triển mạnh mẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, tranh chấp tiền lương, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, vấn đề đình công tự phát... Công đoàn đối mặt với yêu cầu mới: không chỉ vận động, giáo dục mà còn phải bảo vệ quyền lợi người lao động trước nền kinh tế thị trường đầy cạnh tranh.

Giữa bối cảnh ấy, ông Đặng Ngọc Tùng luôn sâu sát cơ sở, thấu hiểu tâm tư công nhân, kiên trì đối thoại với giới chủ, và luôn giữ vững nguyên tắc: quyền lợi người lao động phải được tôn trọng.

Ông cùng các đồng nghiệp tiên phong xây dựng nhiều mô hình mới: Tổ chức đối thoại định kỳ giữa công nhân và ban giám đốc; thành lập công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp FDI; hướng dẫn công nhân kiến thức pháp luật lao động, tạo thế chủ động trong tranh chấp; thương lượng tập thể để đạt thỏa ước lao động có lợi cho công nhân...

Ông kể: "Đây là giai đoạn công đoàn phải tự làm mới mình. Phải học cách thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động, thành lập công đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh".

Nhiều cuộc đối thoại với chủ doanh nghiệp đã diễn ra mà kết quả ban đầu không phải lúc nào cũng như ý. Nhưng với sự kiên trì, kiên quyết bảo vệ quyền lợi công nhân trên cơ sở pháp luật, công đoàn dần khẳng định được vai trò của mình trong nền kinh tế mới.

Đưa Công đoàn vươn xa thời hội nhập

Những thành công tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ông tiến xa hơn. Năm 2006, ông Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây là thời kỳ tổ chức Công đoàn đối mặt với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, khi Việt Nam gia nhập WTO, mở cửa mạnh mẽ với thế giới.

Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ
Ông Đặng Ngọc Tùng trao vé xe và quà Tết cho công nhân tại Chương trình "Tết Sum vầy" 2015. Ảnh: V.D

Ông đã cùng tập thể lãnh đạo Tổng Liên đoàn thúc đẩy hàng loạt chương trình lớn, như: Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn nhằm phù hợp hơn với bối cảnh mới; phát triển mạnh mẽ các nghiệp đoàn nghề cá, công đoàn cơ sở trong khu vực lao động phi chính thức; đẩy mạnh các chương trình phúc lợi đoàn viên như nhà ở cho công nhân, hỗ trợ vay vốn, chăm lo Tết cho người lao động nghèo…

Cũng từ đây, ông đưa những kinh nghiệm thực tiễn ở miền Nam áp dụng vào tầm quốc gia: tập trung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, tăng cường thương lượng tập thể, cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Dưới thời ông, nhiều chương trình thiết thực ra đời, như: “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ nhà ở cho công nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; các đề án chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho công nhân khu công nghiệp...

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, làm cho Công đoàn Việt Nam xứng đáng là “người đại diện chân chính của người lao động” trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Một dấu ấn khác là việc mở rộng quan hệ quốc tế của Công đoàn Việt Nam, chủ động tham gia các diễn đàn lao động khu vực và thế giới, khẳng định vị thế tổ chức công đoàn trong tiến trình hội nhập.

Ông Đặng Ngọc Tùng: Nửa thế kỷ giữ
Ông Đặng Ngọc Tùng trong một lần thăm các chiến sĩ ở Trường Sa. Ảnh: P.V

Giữa bao bề bộn của những núi công việc, có một điều luôn đau đáu trong tâm trí ông – đó là ký ức không thể nguôi về 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Với ông, đó không chỉ là sự hy sinh của những người lính, mà còn là một vết thương chưa lành trong lòng dân tộc, cần được tri ân xứng đáng.

Chính trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng đã khởi xướng ý tưởng và vận động nguồn lực để xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa – một công trình tâm huyết, mang tầm vóc lịch sử và giá trị nhân văn sâu sắc.

Ông trực tiếp chỉ đạo, theo dõi từng bước triển khai – từ quy hoạch, kiến trúc đến huy động sự đóng góp của hàng triệu đoàn viên, người lao động cả nước. Với ông, mỗi viên gạch, mỗi cây xanh tại khu tưởng niệm là kết tinh của lòng yêu nước, là biểu tượng cho sự gắn kết giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa thế hệ hôm nay và những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.

Đến nay, công trình đã trở thành một địa chỉ đỏ, nơi nhắc nhở lớp trẻ về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và lòng biết ơn sâu nặng với những người đã hiến dâng tuổi xuân nơi đầu sóng ngọn gió. “Công đoàn không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của người lao động hôm nay, mà còn phải góp phần gìn giữ ký ức lịch sử và vun đắp tinh thần yêu nước cho mai sau”, ông từng nói, giản dị nhưng đầy hàm nghĩa.

Giờ đây, dù đã rời cương vị công tác, ông Đặng Ngọc Tùng vẫn luôn giữ trọn tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với tổ chức Công đoàn – nơi ông đã gửi trọn cả đời mình. Trong những buổi trò chuyện cùng đồng nghiệp, lớp cán bộ trẻ hay các đoàn viên công đoàn mới, ông vẫn miệt mài chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở những trăn trở, tâm huyết để công đoàn thực sự là điểm tựa vững chắc cho người lao động trong thời đại mới.

Ông bảo: "Cuộc sống công nhân bây giờ đã khá hơn rất nhiều, nhưng thách thức cũng lớn hơn. Công đoàn phải luôn nhạy bén, mạnh mẽ và sáng tạo hơn nữa để không ai bị bỏ lại phía sau". Có lẽ, điều đẹp nhất còn đọng lại nơi mái tóc bạc phơ ấy không chỉ là dấu vết của thời gian, mà còn là trái tim chưa từng ngơi nghỉ vì người lao động.

Trong căn phòng nhỏ đầy ắp sách và tài liệu công đoàn, ông ngồi trầm ngâm: "Nửa thế kỷ trôi qua, tổ chức Công đoàn đã trưởng thành vượt bậc. Nhưng thách thức cũng không ít. Tôi chỉ mong thế hệ cán bộ Công đoàn hôm nay giữ vững tâm huyết, kiên trì bảo vệ người lao động bằng trái tim chân thành nhất".

Ông nói thêm, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng: "Không phải lúc nào công đoàn cũng được thuận lợi. Nhưng chỉ cần còn một người công nhân cần bảo vệ, còn một quyền lợi cần đấu tranh, thì công đoàn còn phải tiếp tục bước tới".

50 năm – một đời người, cũng là nửa thế kỷ bền bỉ của tổ chức Công đoàn Việt Nam từ ngày đầu đất nước thống nhất. Hành trình ấy in đậm dấu chân của những người như ông Đặng Ngọc Tùng – lặng lẽ, tận tụy, suốt đời gắn bó với màu áo xanh vì sự nghiệp của giai cấp công nhân...

Xin kết lại bài viết bằng 4 câu thơ của chính tác giả viết về nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng:

“Ngày xưa áo vải bạc màu

Xắn tay lo chuyện đồng bào, công nhân

Nhà đầu tư khóc, chủ băn khoăn

Gặp ông Tùng... cũng hóa thân thiện liền!”

Tin mới hơn

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bình tĩnh và tin tưởng vào công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết liệt thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy. Không đơn thuần là một kỳ họp định kỳ, hội nghị lần này thực sự là điểm “bản lề” về tư duy, nhận thức và hành động của tổ chức Công đoàn.
Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Hướng dẫn mới về công đoàn xã và công đoàn đặc khu

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai về công đoàn xã, công đoàn đặc khu cụ thể như sau:
Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Truyền thông cho đoàn viên, người lao động là quá trình dẫn dắt cảm xúc và xây dựng niềm tin

Bài nghiên cứu phân tích sự thay đổi trong hành vi tiếp cận thông tin của người lao động ngành Dệt May trong bối cảnh chuyển đổi số. Trên cơ sở phỏng vấn sâu, nhóm tác giả chỉ ra hiệu quả, rào cản và đề xuất giải pháp nâng cao truyền thông nội bộ. Truyền thông không chỉ là cung cấp thông tin, mà còn là quá trình tạo niềm tin và gắn kết người lao động với doanh nghiệp, công đoàn.

Tin tức khác

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Đón đọc Tạp chí Lao động và Công đoàn số tháng 6/2025

Tạp chí Lao động và Công đoàn tháng 6 với 100 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 10/6/2025 đến các cấp công đoàn trên toàn quốc.
Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Tháng Công nhân ở Huế: Lan tỏa trách nhiệm, đồng hành cùng người lao động

Trong Tháng Công nhân 2025, các cấp công đoàn thành phố Huế đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, chia sẻ và đồng hành với đoàn viên, người lao động, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 5 khép lại bằng nhiều câu chuyện cảm động, thể hiện tinh thần nhân ái và sự gắn kết giữa tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động được lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi thư chúc mừng nhân 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - gửi thư chúc mừng các cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đang công tác tại các cơ quan báo chí của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Tạp chí Lao động và Công đoàn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Cuộc thi "Suy nghĩ hay, hành động đẹp": Khắc họa chân dung người lao động Thủ đô thời đại mới

Hơn 1.000 tác phẩm báo chí, video clip, ảnh nghệ thuật gửi về dự thi. Mỗi dòng chữ, mỗi khuôn hình, mỗi khuôn mặt hiện lên đều là một mảnh ghép sinh động cho bức tranh rộng lớn về công nhân lao động Thủ đô trong hành trình kiến tạo Hà Nội văn minh, hiện đại.
Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân ở Quảng Trị: Chia sẻ khó khăn, đồng hành vì người lao động

Tháng Công nhân năm 2025 ở Quảng Trị vừa khép lại với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, nhiều đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chăm lo chu đáo về vật chất cũng như tinh thần, tạo động lực để họ thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là đơn vị dự toán cấp I trong hệ thống tài chính công đoàn

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7, khóa XIII, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong quản lý tài chính.
Xem thêm