Nước mắt chảy vào trong của những góa phụ mất chồng sau tai nạn mỏ đá |
Biết nghề khai thác đá là nguy hiểm nhưng gia đình công nhân Đinh Văn Lập không ngờ, tai họa từ đá lại gieo xuống gia đình mình nghiệt ngã đến thế. “Tôi đã thấy nhiều người chết, nhưng không ngờ lần này lại là con mình”. Bà Phạm Thị Liễu (60 tuổi), mẹ nạn nhân Đinh Văn Lập khóc không ra tiếng. Khi người ta đưa thi thể con trai bà từ mỏ đá tại phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) về quê, bà muốn tự tay vuốt đôi mắt, lau cho con đất và bụi đá, mồ hôi lẫn máu, để con trai yêu dấu lại đẹp đẽ như trong vòng tay của bà trong những ngày thơ ấu. Nhưng tập tục ở quê không cho người thân làm như vậy… Bà đã ngất đi khi đón con về theo lối không ngờ này. Anh Đinh Văn Lập (sinh năm 1987, quê ở xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tử vong trong vụ tai nạn ngày 7/11 tại mỏ đá của Công ty Cổ phần Khai thác đá và Sản xuất vật liệu xây dựng Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Mẹ anh – bà Phạm Thị Liễu còn chưa tin con trai bà không còn nữa và con dâu tuổi trẻ đã phải góa chồng như bà của mấy mươi năm trước. Bà nghĩ về dáng vẻ khỏe mạnh, vui vẻ của con trai mỗi khi đi làm xa về mà lòng không khỏi xót xa. |
hai phận đời góa phụ |
Bà làm dâu ở xã Đức Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đến 40 năm. Bà kể, dân ở đây cấy lúa chỉ đủ ăn, phần vì diện tích canh tác ít, lại là vùng chiêm trũng nước dâng ngập thối lúa, đất đai thì sỏi đá khô cằn. Chồng và các con bà nhiều lần tính đi làm thợ xây, phụ hồ, làm thuê. Nhưng công việc đó vất vả, bấp bênh, không hợp đồng, không bảo hiểm, thu nhập lại không bằng nghề khai thác đá. Công việc khoan đá thường được trả lương cao. Nhưng không phải ai cũng làm được nghề này bởi đặc biệt nguy hiểm. Nhưng nếu làm lao động phổ thông thu nhập chỉ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Còn làm phu đá thì có thể nhận tiền công hơn 10 triệu đồng/tháng trở lên. Vì nghề đá này mà bà cũng rơi vào cảnh góa chồng. Chồng bà là phu đá, mất vì bệnh bụi phổi. Một mình bà nuôi 6 đứa con từ khi còn trẻ. “Ở vùng đất mở mắt ra đã thấy núi này, đàn ông, đàn bà chủ yếu bám đá mà kiếm kế sinh nhai. Chỉ có làm đá mới có tiền để lo trang trải sinh hoạt gia đình, nhất là khi có người ốm đau” – bà Liễu kể. |
Đường dẫn vào hiện trường xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ngày 7/11 - Ảnh: T.H |
Anh Đinh Văn Lập - con trai bà lại theo nghề này. Bà biết rõ công việc là nguy hiểm nhưng không thể giúp con chọn công việc khác. Trong số các nhóm thợ vận tải, máy xúc, trạm nghiền... thì thợ khoan nổ mìn vất vả và chịu nhiều nguy hiểm nhất. Dù mùa đông hay mùa hè thì tấm lưng người thợ nổ mìn cũng đầm đìa mồ hôi. Con trai bà đã phải học leo núi, làm quen với độ cao. Khi đã thành thạo, thợ khoan đá mới có thể đem theo đồ nghề, từng phần của máy khoan, thuốc nổ lên đặt vào những vách núi cheo leo. "Mối nguy lớn nhất của thợ khoan là đá tụt từ trên xuống bất ngờ. Chỉ cần một hòn bằng nắm tay mà trúng đầu cũng chết. Gặp tai nạn thường là chết tức tưởi, chết không toàn thây. Chắc con tôi phải đau đớn lắm. Đá núi đã cướp đi chồng của tôi khi còn trẻ. Nay lại cướp của tôi một đứa con ngoan. Tôi quyết không cho đứa con út đi làm nghề đá nữa " - bà Liễu đau lòng nghĩ về con. |
Đường vào nhà nạn nhân Đinh Văn Lập ở xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: T.H |
Lời hẹn hai ngày nữa sẽ trở về... |
“Lần cuối gọi điện, anh ấy hẹn 2 ngày nữa sẽ về. Do công việc tại mỏ đá còn dở dang nên lần này anh ấy về nhà chậm hơn. Em vẫn khấp khởi chờ chồng về để bàn tính sắm sửa cho căn nhà mới. Sắp Tết rồi. Hai đứa nhỏ vui sướng vì nghe tin bố sắp về. Nhưng lần này trở về, anh ấy không toàn vẹn và không nói được với em câu nào nữa”. Nói đến đây, chị Lưu Thị Lê (30 tuổi, vợ anh Đinh Văn Lập) mắt đỏ hoe. Kết hôn được 10 năm, nhưng thời gian hai vợ chồng anh Đinh Văn Lập và chị Lưu Thị Lê sống bên nhau chỉ vẻn vẹn 6 tháng. Với mong muốn thoát nghèo, anh Lập từng lăn lộn sang Liên bang Nga kiếm việc làm. Được vài tháng, anh phải về nước do thu nhập bấp bênh. Rồi anh vào Cà Mau làm thợ nổ mìn khai thác đá. Trở lại miền Bắc, anh Đinh Văn Lập vẫn quyết tâm theo nghề này dù nguy hiểm. Nhiều lần, chị khuyên nhủ anh bỏ nghề bởi thu nhập có cao so với nhiều người nhưng công việc rủi ro quá. Việc anh đi xa biền biệt khiến thiếu thốn tình cảm gia đình. Hai con nhỏ vắng hơi cha. Những món quà anh thường xuyên gửi về cho con chỉ phần nào làm vơi đi thương nhớ. |
“Anh ấy không muốn em đi làm công nhân vì bản thân mình đã đi biền biệt. Anh ấy sợ các con thiệt thòi. Em ở nhà chỉ nhận may gia công, thu nhập hàng tháng nhiều nhất chỉ được 3 triệu đồng. Công việc cũng bấp bênh, không bảo hiểm. Sinh hoạt gia đình chủ yếu trông vào đồng lương của anh ấy” - chị Lê cho biết. Suốt 10 năm từ ngày anh Lập đi làm thợ nổ mìn, đêm nào chị Lê cũng thấp thỏm không yên. Hằng đêm, chị đều nhắn tin hỏi han chồng. Mỗi lần nhận được tin trả lời, chị mới tin là chồng mình còn sống và yên tâm đi ngủ. “Căn nhà này là do hai vợ chồng em gom góp trong 10 năm mới xây dựng nên. Nhưng thời gian anh ấy sống ở nhà đếm trên đầu ngón tay. Anh ấy hiền lành lắm, đi làm nhưng vẫn chăm lo cho vợ từng tí một. Anh chưa được nghỉ ngơi ngày nào thì đã mất. Em vẫn nghe câu nói "đồng tiền phu đá đổi bằng mồ hôi và máu". Nhưng không ngờ chồng em lại yểu mệnh. Và em phải làm góa phụ sớm thế này” – chị Lưu Thị Lê khóc nghẹn... |
Căn nhà của vợ chồng anh Đinh Văn Lập - chị Lưu Thị Lê ở quê nhà. Ảnh: T.H |
Anh Đinh Văn Lập ra đi. Trong căn nhà trống vắng chỉ còn hai người đàn bà lẻ bóng nương tựa vào nhau. Đó là mẹ và vợ anh. Họ dường như không còn nước mắt để khóc. Họ phải dựa vào nhau để thay anh chăm lo cho hai đứa con trai chưa đầy 10 tuổi. Phía sau những ngọn núi đá cứng lạnh, những người phụ nữ như bà Phạm Thị Liễu, chị Lưu Thị Lê phải khóc chồng, khóc con ở lưng chừng cuộc đời. Ở cái tuổi mà già cần cậy con và vợ cậy nhờ chồng. Xã Đức Long - quê của họ có 4 mỏ đá. Các điểm mỏ ngày đêm rầm rập, đinh tai nhức óc tiếng khoan, tiếng máy nghiền, tiếng mìn nổ, đá lăn... Trong tiếng đá lở có tiếng khóc thầm của những người góa phụ. Trong giấc mơ thoát nghèo của họ vẫn còn đè nặng máu và nước mắt của chồng con mình. Cả tương lai dài còn ở phía trước. Hai người phụ nữ góa chồng như hai ngọn đèn mong manh trong cuộc đời còn nhiều lo toan này.
|
Duy Minh - Hạ An Đồ họa: Duy Minh |