Điều mong mỏi hơn cả một phiên tòa

Hôm nay tiếp viên Nguyễn Thị Bích Hường 124 - tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã chính thức bước vào phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Với cô, mong ước lớn nhất lúc này không chỉ là lẽ công bằng mà còn là sức khỏe đã bị tước đoạt và những ước mơ dang dở...

Nguyễn Thị Bích Hường sau nhiều cuộc phẫu thuật phức tạp đã được Công an xác nhận thương tật là 79%. Còn bảo hiểm xã hội giám định thương tật kết luận Bích Hường bị thương tật tỷ lệ 75% vĩnh viễn.

“Lúc bị xe chèn qua, em tưởng như mình đã chết. Em tỉnh táo từ đầu đến cuối và bị mất máu quá nhiều. Nhưng lúc đó em vẫn lạc quan và nghĩ rằng mình chỉ bị trật khớp, gãy xương và sẽ lại hồi phục nhanh. Nhưng khi bác sĩ nói tình trạng của em bị gẫy chân trái, vỡ xương chậu, xương đùi, trật khớp bàn chân, rách phần thái dương... Sau ca phẫu thuật đầu tiên có thể sẽ phải điều trị chuyên sâu rất dài ngày. Em đã run sợ thực sự. Em không ngờ hậu quả lại nặng nề đến thế. Từ khi xảy ra tai nạn đến nay, sức khỏe của em rất yếu. Có lẽ em chỉ còn giọng nói là khỏe mạnh” - Hường rùng mình nhớ lại giây phút kinh hoàng.

Hiện trường kinh hoàng của vụ tai nạn

Ảnh: ST

Điều mong mỏi hơn cả một phiên tòa

Gần một năm qua, Hường chủ yếu nằm bất động ở bệnh viện hoặc nhà và phải chịu những cơn đau thấu xương.

Đến nay, Hường trải qua 4 ca phẫu thuật và vẫn chưa dừng lại. Tai nạn làm đứt dây thần kinh hông khiến chân trái của Hường không còn cảm giác. Mới đây nhất, gần đến phiên tòa, Hường còn phải thực hiện phẫu thuật chuyển gân, khiến cô phải bó bột ở chân.

“Mỗi lần cựa mình là đau ghê gớm. Nhưng cứ nghĩ đến những ngày tháng phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt của bản thân phải nhờ vào mẹ, người thân. Con nhỏ em không thể bế bồng. Em đã cắn răng rèn luyện. Sau mấy lần phẫu thuật và cố gắng tập luyện, em đã tự đứng lên và di chuyển được những bước khó khăn bằng nạng. Em đã có thể tự lo sinh hoạt cá nhân mặc dù không dễ dàng” – Nguyễn Thị Bích Hường chia sẻ với chúng tôi.

Điều mong mỏi hơn cả một phiên tòa

Nguyễn Thị Bích Hường những ngày đầu nằm trong bệnh viện. Ảnh: Nguyễn Nga

Suốt thời gian qua, nỗi buồn thường xuyên day dứt trong tâm trí Hường.

“Trước em làm tiếp viên thường xuyên đi bay. Làm việc có vất vả nhưng đổi lại là những niềm vui bên đồng nghiệp. Em hạnh phúc khi nhận được tiền công, tiền lương bằng sức lao động của mình. Nhưng nay, với tỷ lệ thương tật 75% vĩnh viễn, em ngồi nhà và nhận trợ cấp 1,7 triệu đồng/tháng do Bảo hiểm xã hội chi trả. Em đang khỏe mạnh, tự do làm việc và sống cuộc sống mình thích, giờ phải ngồi một chỗ và chịu đau đớn quanh năm thế này. Những cơn đau day dứt trong cơ thể từng phút, từng giờ như chặt chân. Nhất là ở vùng mổ, vùng nẹp...” - Hường buồn rầu nói.

Gánh chịu nỗi đau thể chất và tinh thần, Hường còn phải chi trả những khoản chi phí điều trị tốn kém. Những ca mổ ở bệnh viện đã vượt quá hạn mức và Hường sẽ còn phải trải qua quá trình điều trị lâu dài mới phần nào khôi phục lại sức khỏe.

Nguyễn Thị Bích Hường khi chưa bị tai nạn

Ảnh: ST

Điều mong mỏi hơn cả một phiên tòa

Mỗi lần nhìn thấy con, Hường rất xót xa: “Từ lúc bị tai nạn, em chỉ được nhìn con mà không ôm ấp được”.

Hường bị tai nạn khi con gái mới hơn 1 tuổi. Hường chỉ có thể ngắm nhìn con vì chỉ cần ôm con vào lòng, vết thương trên cơ thể khiến Hường nhăn nhó vì đau đớn.

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Anh - mẹ ruột vừa chăm sóc Hường, vừa thay Hường chăm sóc con nhỏ. Bà kể, nhìn thấy con gái nằm liệt giường, rồi nỗ lực để đứng dậy được, thấy con đau quằn quại sau mỗi lần phẫu thuật, bà rất đau lòng. Nhất là với sức khỏe hiện tại, con gái bà có thể không thể tiếp tục thực hiện ước mơ đi bay được nữa.

Điều mong mỏi hơn cả một phiên tòa

Đoàn Tiếp viên và Công đoàn Đoàn Tiếp viên luôn động viên, chia sẻ với Nguyễn Thị Bích Hường

Ảnh: ST

Động viên, giúp đỡ Nguyễn Thị Bích Hường vượt qua khó khăn, ông Lê Đức Thiện - Liên đội trưởng Liên đội 2, Đoàn Tiếp viên (Vietnam Airlines) cho biết: Với mong muốn được chia sẻ phần nào thiệt thòi mà Hường phải gánh chịu, Công đoàn, Đoàn Tiếp viên đã thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ với Hường. Đơn vị cũng đề nghị lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam xem xét trường hợp của Nguyễn Thị Bích Hường để cô được tiếp tục bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.

Sẽ còn hành trình rất dài để hai mẹ con Nguyễn Thị Bích Hường tiếp tục sống. Cuộc sống, công việc chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn khi sức khỏe của cô bị tước đoạt bởi một hành vi bất chấp pháp luật.

Đối với một phụ nữ trẻ như Hường, ngoài lẽ công bằng cần được thực hiện, đó còn là tuổi thanh xuân quý giá không dễ gì bù đắp.

Mới đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Phú Nhuận đã hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Cáo trạng số 62/CT-VKS.PN ngày 9/10/2020). Theo cáo trạng, do không làm chủ tốc độ, xe của Phong đã lao sang trái làn đường ngược chiều tông vào xe máy do ông Lê Mạnh Thường (tài xế Grab) chở Nguyễn Thị Bích Hường đang đi trên chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến ông Thường chết, còn Nguyễn Thị Bích Hường bị thương nặng.

Bài viết: Duy Minh

Ảnh: Duy Minh