e magazine
17/07/2021 10:00
Nữ công nhân đau đớn mất con thời đại dịch Covid-19

17/07/2021 10:00

Nỗi đau đớn của chị Nguyễn Thị Hợp (44 tuổi, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam) như cứa vào tim khi chị mất đi đứa con trai tuổi vừa 26, hiền lành và biết thương yêu cha mẹ.
Trước khi mất, con hôn tay mẹ 100 lần và nói “Con thương mẹ”

“Con tuổi trẻ quá, sao ông trời không để tôi chết thay con. Dù có phải bán nhà, ra đường ở mà con được sống, tôi cũng cam lòng ” - chị Nguyễn Thị Hợp (công nhân Công ty TNHH Hosiden Việt Nam) khóc nức nở bởi nỗi đau mất con.

Cha mẹ mất đã đau đớn, nhưng con cái mất lại càng đau đớn hơn. Nhà chỉ có một mình nó là con trai. Là người mang nặng đẻ đau, chăm bẵm con từ khi lọt lòng, giờ phải thấy con quằn quại giành giật sự sống, lòng người mẹ như tôi xót xa không tả hết được…” – nói đến đây, chị Nguyễn Thị Hợp đã chứa chan nước mắt.

35 ngày qua không còn con trai trên đời, chị Hợp ngơ ngẩn vì nhớ. Khi còn sống, ngày nào đi làm về chị cũng được thấy con tươi cười, hỏi han mẹ. Dù hoàn cảnh gia đình không lấy gì làm khá giả, nhưng ai nấy đều hạnh phúc.

Ngoài nhớ lại những giây phút gia đình quây quần, chị còn nhớ lời con trai nói thương mẹ, gọi mẹ ơi trong những cơn đau. Hay những ngày đi làm về, chị thấy con ngồi ở đầu giường và khóc gọi “Con đau lắm mẹ ơi”.

cha mẹ mất đã đau. Con mất càng đau đớn

Hơn 1 năm trước, gia đình chị nhận tin sét đánh: Con trai chị mắc bệnh ung thư tủy. Căn bệnh hiểm nghèo diễn biến âm thầm, không có triệu chứng.

“Một ngày, con nói đau khớp gối. Gia đình đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện, chữa trị nhưng không suy giảm. Con vẫn kêu đau thường xuyên. Khi chuyển lên Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) thì được chẩn đoán trong xương của con có khối u ác tính. Lúc đó, cả gia đình choáng váng. Tôi không tin nổi vào mắt, vào tai mình. Tôi đã khóc rất nhiều” – chị Hợp nhớ lại.

Hơn 1 năm qua, cả gia đình chị dồn tất cả sức lực và tiền của để chữa chạy cho con. Ai mách thuốc gì, ở đâu, bác sĩ nào giỏi, vợ chồng chị không ngại xa xôi, chi phí tốn kém để chạy chữa cho con. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, chồng chị làm đồng ruộng, thu nhập không ổn định, chị đi làm công nhân lương không cao, lại phải lo trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Khỏe mạnh còn phải tằn tiện, huống hồ con lại ốm đau.

Trước khi mất, con hôn tay mẹ 100 lần và nói “Con thương mẹ”

Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nơi chị Hợp làm việc. Ảnh: ST

Chị kể, những ngày chữa bệnh cho con là những ngày gia đình chị khó khăn nhất. Tiền bạc cạn kiệt lại có thể kiếm ra. Nhưng khó khăn hơn cả là phải đối mặt với nỗi đau giày vò con hằng ngày, hằng giờ. Đã có lúc, bệnh tình của con trai chị tiến triển, lóe lên tia hi vọng. Đó là khi con trai chị được thay đôi chân mới.

“Đoạn xương dài 25cm từ đầu gối trở xuống bị u ác tính hủy hoại. Với tình trạng bệnh đó, bác sĩ nói chỉ có hai phương án lựa chọn đó là cắt chân hoặc thay chân để giữ được mạng sống. Con đã khóc rất nhiều và không muốn sống nếu thiếu đôi chân. Vợ chồng tôi đã cố vay mượn, dồn góp để làm phẫu thuật thay chân cho con.

Sau khi thay chân, cả nhà phấn khởi nghĩ rằng con sẽ khỏi. Nhưng không ngờ, bệnh u tủy đã di căn khắp cơ thể. Chỉ 3 tháng sau khi thay chân, con phải truyền hóa chất. Đôi chân teo tóp chỉ còn xương. Nhìn con xanh xao, quằn quại trên giường bệnh với những cơn đau, lòng tôi đau như cắt. Con bị bại liệt, chỉ còn bộ não là tỉnh táo. Có những ngày, đi làm mà rơi nước mắt vì nghĩ đến con” – chị Hợp tâm sự.

Trước khi mất, con hôn tay mẹ 100 lần và nói “Con thương mẹ”

Công ty TNHH Hosiden Việt Nam từng là ổ dịch trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

Từ khi kết hôn đến nay, cuộc sống của hai anh chị chưa khi nào nhàn hạ. Bố mẹ chồng mất đi, ông bà ngoại già yếu, khi sinh con một trai, một gái, hai vợ chồng phải vừa trông con, vừa làm việc.

Cô con gái sinh năm 1998 đã lập gia đình. Cậu con trai sinh năm 1995 vẫn ở cùng bố mẹ. Ngay từ nhỏ, con trai đã thân thiết, yêu quý mẹ.

“Thương từ lúc sinh con ra, rồi con biết đi, biết chạy, biết gọi mẹ ơi. Những ngày nắng, ngày mưa, mẹ con chở nhau đi học. Có lúc con ốm, rồi con lại khỏi. Nhưng lần này con không vượt qua được. Dù tự an ủi rằng mình đã làm hết cách để cứu con, nhưng cuối cùng con vẫn phải ra đi, đó là nỗi đau đớn nhất của người làm mẹ, không tả hết được” – chị Hợp rưng rưng nước mắt nói.

Mấy tháng anh chị chăm sóc con cũng là thời gian Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19. Chị phải xin công ty cho nghỉ làm không lương để chăm con. Chồng chị cũng gác lại ruộng đồng, cùng chị lo chữa chạy cho con. Đây là những ngày tháng cuối cùng anh chị còn được ở bên con.

“Mình đã nghĩ, sao ông trời không để mình được chết thay con. Dù con bị liệt, đến nuốt còn khó khăn nhưng vẫn gắng gượng ăn chút sữa, chút cháo cho mẹ an lòng. Mình cảm nhận được con đã cố gắng sống thêm với mình chút nữa. Nhớ nhất là khi sắp mất, con thơm vào tay mẹ 100 lần, ôm mẹ thật chặt và nói “Con sẽ nhớ mẹ. Con ở bên kia thế giới, có chuyện gì mẹ thắp nén nhang gọi con về” – chị Hợp lau nước mắt nói.

Từ khi con trai mất, căn nhà trở nên trống trải, chỉ còn hai vợ chồng chị với 4 bức tường. Đêm nào đặt lưng nằm xuống, chị cũng mơ thấy con ôm mình thật chặt. Con nói như khi còn sống: “Con thương mẹ nhưng con không biết làm thế nào được”.

hoàn cảnh người lao động rất đáng thương

Từ ngày phải buông tay con, chị Hợp nghĩ ngợi nhiều nên sức khỏe suy sụp, phải nhập viện điều trị. Nhưng tiền bạc có bao nhiêu đã dồn vào chữa chạy cho con.

Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trở thành ổ dịch với hàng nghìn ca mắc Covid-19, phải ngừng hoạt động một thời gian. Công ty cố gắng tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đến hết tháng 6/2021. Đi viện vào thời điểm này, chị không có bảo hiểm nên rất tốn kém. Nằm viện chi phí tốn kém, lại phải thêm tiền ăn hằng ngày, chị chọn cách về nhà chữa bệnh. Cũng do sức khỏe yếu nên chị chưa đăng ký đi làm trở lại được mặc dù công ty, công đoàn hết sức tạo điều kiện.

Chị kể, cũng may mắn được Công ty tạo điều kiện cho chị nghỉ chăm sóc con trong thời gian chữa chạy. Cuộc đời chị chưa hết gian khó. Bao năm qua, nhờ đồng lương và công việc ổn định mà chị có tiền trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con ăn học. Ngoài ra, chị còn tranh thủ cấy thêm lúa lấy thóc ăn. Mấy năm nay, cuộc sống cũng tạm đủ, con dần khôn lớn, nhà không phải bán thóc lấy tiền tiêu. Ngỡ đến lúc được lo dựng vợ, gả chồng cho con thì số phận lại nghiệt ngã thế này. Chị ước, nếu bán nhà, ra đường ở mà cứu được con thì vợ chồng chị cũng sẵn lòng.

Trước khi mất, con hôn tay mẹ 100 lần và nói “Con thương mẹ”
Thương con, chị Hợp nhiều ngày đêm không ngủ, sức khỏe suy giảm

Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam chia sẻ với chúng tôi: “Dịch bệnh diễn biến khó lường khiến hàng nghìn người lao động của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam càng khó khăn hơn. Có những câu chuyện hết sức đau lòng về người lao động đã xảy ra trong dịch bệnh. Nhưng thương xót nhất là trường hợp chị Đào Thị Minh (quê ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và chị Nguyễn Thị Hợp (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Không chỉ khó khăn do dịch bệnh, các chị còn phải trải qua nỗi đau mất mát không bù đắp được.

Trước khó khăn của người lao động, Công đoàn đã làm hết sức mình, thương lượng với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động đến tháng 6/2021. Đó là cả một sự cố gắng lớn của doanh nghiệp. Với những trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đột xuất như trên, Công đoàn đều thăm hỏi, động viên và vận động đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp chung tay ủng hộ với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều. Công đoàn Công ty cũng lập danh sách công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đề xuất Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và LĐLĐ tỉnh Bắc Giang hỗ trợ”.

Vất vả lấy mẫu xét nghiệm hơn 3.000 công nhân công ty có ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng Vất vả lấy mẫu xét nghiệm hơn 3.000 công nhân công ty có ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng
Đà Nẵng: Tiếp tục ghi nhận thêm 14 ca mắc mới tại công ty hơn 4.000 công nhân Đà Nẵng: Tiếp tục ghi nhận thêm 14 ca mắc mới tại công ty hơn 4.000 công nhân
Khi giúp đỡ người khác, đừng quên giữ lại phẩm giá cho họ Khi giúp đỡ người khác, đừng quên giữ lại phẩm giá cho họ

Bài viết: Duy Minh

Xem phiên bản di động