e magazine
27/01/2023 07:28
Nữ công nhân chăm con bại não đón Tết trong nước mắt

27/01/2023 07:28

Nhiều cái Tết qua, chị Hứa Thị Tài (công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam) không khỏi ứa nước mắt khi ai đó hỏi thăm về sức khỏe của con trai lớn không may mắc bệnh bại não, tiểu đường.

Nữ công nhân chăm con bại não, tiểu đường đón Tết trong nước mắt

Nhiều cái Tết qua, chị Hứa Thị Tài (công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam) không khỏi ứa nước mắt khi ai đó hỏi thăm về sức khỏe của con trai lớn không may mắc bệnh bại não, tiểu đường.

Nữ công nhân chăm con bại não, tiểu đường đón Tết trong nước mắt

Chị Hứa Thị Tài - công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam. Ảnh: THC

Mẹ học thuộc cuốn sách, con mới được xuất viện

Vợ chồng chị Hứa Thị Tài (24 tuổi), công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam có hai con 8 tuổi và 3 tuổi. Trong đó, con trai lớn (8 tuổi) của anh chị không may mắc bệnh bại não, hiện đã biến chuyển thành động kinh. Nguy hiểm nữa là, cháu còn mắc bệnh tiểu đường.

“Chúng tôi phát hiện con mắc bệnh khi mới 14 tháng tuổi. Bỗng nhiên, con uống nước nhiều, đi tiểu nhiều... Sau đó, chúng tôi đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam làm xét nghiệm thì phát hiện lượng đường trong nước tiểu rất cao. Bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong hơn 20 ngày. Đó là khoảng thời gian tôi vừa phải nghỉ làm, vừa mang thai đứa con thứ hai và phải “trực chiến” để chăm sóc con bệnh tật. Điều khó khăn nhất là tôi phải học thuộc cuốn sách dày cũng như hướng dẫn của y, bác sĩ nhằm chăm sóc con tốt như một điều dưỡng thực thụ” - chị Hứa Thị Tài kể.

Những ngày đó, chị Tài phải xin Công ty cho nghỉ làm để vào viện chăm sóc con. Trong lúc mang thai, cộng thêm những khó khăn trong việc chăm sóc con, chị đã bị sốc tâm lý. Để đọc và hiểu về căn bệnh của con, chị đã vô cùng vất vả.

Nữ công nhân chăm con bại não, tiểu đường đón Tết trong nước mắt

Chị Hứa Thị Tài và các công nhân có hoàn cảnh khó khăn cảm nhận sự ấm áp khi được đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Nguyễn Đình Khang hỏi thăm tình hình tiền lương, thưởng Tết. Ảnh: KIM THOA

“Chồng em thì phải đi làm kiếm tiền trả viện phí nên không đỡ đần gì được. Chỉ có hai mẹ con ở lại bệnh viện. Ban đầu, em chưa hiểu về bệnh tiểu đường, nguyên nhân gây bệnh. Chăm sóc bệnh nhi tiểu đường phải biết xử lý tình huống hạ đường hay tăng đường. Bác sĩ còn hướng dẫn, giảng giải cặn kẽ cho em kỹ thuật tiêm, truyền cho bé. Bác sĩ cấp cho em một cuốn sách vừa to, vừa dày và yêu cầu em học thuộc. Nhưng để ghi nhớ tất cả những nội dung của một cuốn sách như vậy, với một công nhân như em là rất khó. Do vậy, trong thời gian này, em chỉ tập trung học thuộc lòng các nội dung chính.

Đến khi nào bác sĩ hỏi các câu hỏi, em trả lời được thì nghĩa là có khả năng chăm sóc con. Lúc ấy, bé mới được xuất viện. Những ngày đầu bỡ ngỡ, em cảm thấy bất lực. Nhưng tình thương con vô bờ giúp em quyết tâm đọc sách, chăm sóc con thật tốt” - chị Tài cho biết.

Mỗi khi đặt con nằm ngủ, chị Tài lại mở sách y khoa ra đọc, gạch chân những nội dung chưa hiểu để hỏi bác sĩ.

Hoàn cảnh chị Tài vốn rất khó khăn. Hai vợ chồng cưới nhau, xây dựng gia đình cũng từ đôi bàn tay trắng. Tích lũy chưa được bao nhiêu thì con mắc bệnh. Thu nhập hằng tháng của chị Tài là hơn 6 triệu đồng. Tiền lương của chồng chị cao hơn một chút. Mỗi lần con nằm viện là tiền lương mấy tháng của anh chị hết sạch.

“Bé nhập viện thì được bảo hiểm chi trả 80% phí điều trị. Nhưng hằng tháng, bé phải khám lại, kiểm tra với chi phí rất tốn kém. Tiền thuốc, tiền xét nghiệm mỗi đợt khoảng 2 triệu đồng. Có lúc, bé phải làm xét nghiệm đặc biệt với chi phí 24 triệu đồng/lần. Phải làm những xét nghiệm đắt đỏ như vậy để biết cụ thể nguyên nhân mắc bệnh của bé” - chị Tài tâm sự.

Bệnh tật của con, cộng thêm lo lắng về tài chính khiến chị từng rơi vào trầm cảm. Chị nhọc nhằn kể về từng ngày chăm sóc con tại nhà. Bệnh tiểu đường ở trẻ nhỏ vốn đã khó kiểm soát, bé lại mắc thêm bệnh bại não. Điều trị ở nhà, mỗi ngày chị phải nhớ tiêm 4 lần thuốc tiểu đường, thử máu 5 lần, uống thuốc điều trị bệnh động kinh… Riêng chi phí mua que thử máu 10.000 đồng/lần. Mục đích là để thường xuyên theo dõi, kiểm soát lượng đường trong máu, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bé trong ngày. Ngoài chữa bệnh tiểu đường, hiện taị, bé vẫn phải uống thuốc chữa bệnh thần kinh.

Nữ công nhân chăm con bại não, tiểu đường đón Tết trong nước mắt

Nói đến tình trạng sức khỏe của con, chị Tài lại không giấu được nước mắt. Ảnh: THC

mấy cái Tết chưa được về quê thăm cha mẹ

“Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em rất khó theo dõi, kiểm soát. Do vậy, tôi phải thường xuyên túc trực, theo dõi tình trạng bệnh tật của con cả ngày lẫn đêm. Bé có thể trạng yếu, hễ ai chạy qua bé là đã khiến bé có thể bị ngã.

Bị bại não, bé vẫn nhận biết được tình cảm của bố mẹ và người thân, biết thể hiện cử chỉ yêu thương với mọi người. Chỉ có điều, khả năng ghi nhớ hạn chế nên con không thể theo học được như các bạn. Tất cả đồ ăn có đường như bánh kẹo nước ngọt, kem, hoa quả bạn đều phải hết sức kiêng dè. Thương con, thi thoảng em cho nếm một chút ít để thưởng thức hương vị. Cũng vì không tiếp xúc, chạy nhảy được như các bạn nên con em chậm nói, phát âm chưa rõ tiếng. Vợ chồng em phải cho con đi học lớp tập nói với chi phí 100.000 đồng/tiếng, rất tốn kém. Chỉ một câu nói mà bạn ấy rành rọt nhất là “con yêu mẹ”. Vậy nên nhiều cái Tết qua, mẹ con em không đi đâu, chỉ loanh quanh ở nhà” - chị Tài kể.

Nữ công nhân chăm con bại não, tiểu đường đón Tết trong nước mắt

Gia đình của chị Hứa Thị Tài. Ảnh: NVCC

Suốt 7 năm qua, hai vợ chồng chị không tích lũy được đồng nào. Riêng chi phí sinh hoạt, thuốc thang của con trai lớn đã lên đến 15 triệu đồng/tháng. Khoản tiền nho nhỏ còn lại từ tiền lương của hai vợ chồng dùng để trang trải chi tiêu cho cả nhà. 3 năm nay, gia đình chị Tài không về quê ngoại chúc Tết. Mấy năm vừa rồi là do dịch Covid-19 bùng phát. Đến bây giờ là do phải tập trung kinh phí chạy chữa cho con, mỗi lần bắt xe về quê lại thêm tốn kém. Số tiền mà Công ty, Công đoàn hỗ trợ dịp Tết, chị Tài cũng phải dành dụm để mua quần áo mới cho các con.

Những lần đi viện, thường chỉ có hai mẹ con bồng bế, chăm sóc nhau. Hai vợ chồng chị phân công nhau chăm sóc hai con. Chồng chị vừa đi làm, vừa tập trung chăm sóc bạn nhỏ. Còn chị tập trung chăm sóc con trai lớn. Mỗi lần nghe con trai lớn hỏi: Vì sao con phải tiêm nhiều thế, uống thuốc nhiều vậy mà không khỏi; vì sao con bị bệnh thần kinh? là chị Tài lại đau lòng như thắt.

“Tết đến, mọi người đến thăm hỏi, em chỉ khóc không cất thành lời. May mắn, Công ty, Công đoàn luôn tạo điều kiện tối đa cho em được nghỉ những ngày con đau ốm, phải đi khám bệnh hay nằm viện. Mỗi phần quà Công ty, Công đoàn dành tặng cho em và gia đình đều trân quý và có ý nghĩa, giúp em có thêm điều kiện ổn định cuộc sống" - chị Tài xúc động nói.

Chia sẻ với khó khăn của chị Tài, Công ty và Công đoàn luôn tạo điều kiện tối đa để chị Tài yên tâm chăm sóc con mắc bệnh, có công việc và thu nhập ổn định trang trải sinh hoạt. Vào các dịp lễ, Tết trong năm, Công ty và Công đoàn luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm lo, thể hiện qua những phần quà và sự động viên dành cho chị cũng như gia đình. Dịp tết Nguyên đán năm nay, Công đoàn Công ty đã đề xuất lên công đoàn cấp trên để chị Tài được Tổng LĐLĐ Việt Nam xét và hỗ trợ phần quà ý nghĩa".

Công đoàn Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam

Bài: HÀ VY

Xem phiên bản di động