Sau khi biết thông tin về Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, cán bộ dân số đã từng rất vui mừng vì nghĩ mình sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100%. Tuy nhiên, khi Nghị định 05 được ký và ban hành thì hàng nghìn cán bộ dân số “chưng hửng” và “tủi thân” khi biết mình bị “loại” ra ngoài danh sách được thụ hưởng. |
Cán bộ dân số Phường 1, TP Đông Hà (Quảng Trị) đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân dân tháng 2/2022. |
ĐỀU LÀ VIÊN CHỨC Y TẾ, AI CŨNG ĐƯỢC TĂNG PHỤ CẤP LÊN 100% trừ... viên chức dân số!
Để ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn, sự hy sinh vất vả của các cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 15/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể, Nghị định 05 sửa đổi, bổ sung Khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Tại điểm a của Khoản 7 quy định: “Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm Y tế huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”. Áp dụng điểm a, Khoản 7, Điều 3, Nghị định 05, viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở được tăng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40% đến 70% lên 100% trong 2 năm, 2022 và 2023. Trong khi đó, đội ngũ viên chức y tế được giao phụ trách công tác dân số - KHHGĐ của Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã (được gọi là viên chức dân số) đang hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề 30%. |
Công việc thường ngày của cán bộ dân số tỉnh Quảng Trị. |
Như vậy, Nghị định 05 đã “bỏ qua” một lực lượng đông đảo là các viên chức dân số - thuộc hệ thống Y tế công lập – lực lượng mà trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đã được điều động, phân công tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn của phường, thành phố, và cả tỉnh như những cán bộ y tế khác cùng đơn vị. “Chúng tôi đã nghiêm chỉnh thực hiện theo các Quyết định điều động tham gia chống dịch từ việc trực chốt, trực ga, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, truy vết, giám sát, hậu cần, phục vụ tại các khu cách ly điều trị F0… Trên cả nước, nhiều anh chị em viên chức dân số được cấp Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Y tế vì “thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid 19” – Chị Nguyễn Thị Tâm - cán bộ dân số thuộc Trạm Y tế Phường 4, TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.
|
Chị Hồ Thị Lệ - viên chức dân số Phường 2, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đang lấy mẫu xét nghiệm Covod-19 cho người dân tháng 1/2022. |
“Bỏ quên” sự hiện diện của viên chức dân số
Cũng theo chị Nguyễn Thị Tâm, Nghị định 05/2023/NĐ-CP viết: “Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập”. Tại thời điểm ban hành Nghị định 56/2011/NĐ-CP, đội ngũ cán bộ dân số trên cả nước nói chung cũng như viên chức dân số thành phố và phường trên địa bàn tỉnh chưa trực thuộc đơn vị y tế cơ sở (mà đang trực thuộc UBND phường và UBND thành phố). Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình hợp nhất với Trung tâm Y tế quận/huyện/thành phố; cán bộ dân số xã/phường đã chuyển từ Ủy ban nhân dân xã/phường về Trạm Y tế xã/phường sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (Khóa 12) "về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Như vậy, cơ bản từ năm 2017 đến nay viên chức dân số mới công tác tại các cơ sở y tế công lập. Nếu Nghị định số 05/2023/NĐ-CP chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP từ năm 2011 thì chưa cập nhật việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ TW, do đó đã bỏ qua một nhóm lớn là cán bộ dân số tại các cơ sở y tế công lập. Nguồn video: Truyền hình Quốc hội |
Cán bộ dân số Trung tâm Y tế TP. Đông Hà đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 1/2022. |
“Nhập vào một nhà nhưng không phải là một nhà”
Trước đây, khi sáp nhập vào Trạm Y tế xã/phường, cán bộ dân số đã được hưởng mức phụ cấp công việc 30%. Cho đến khi sáp nhập thì mức phụ cấp này vẫn không thay đổi, trong khi, khối lượng công việc đã tăng lên nhiều lần so với trước. Cụ thể, năm 1993 Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khoá VII) về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, chỉ nêu 01 mục tiêu và 01 chỉ tiêu: "mỗi cặp vợ chồng có 2 con"; đến Nghị quyết số 21-NQ/ TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (khóa 12) “về công tác dân số trong tình hình mới” với chủ trương chuyển trọng tâm của công tác dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và phát triển đã đề ra 5 nhóm mục tiêu với 25 chỉ tiêu. “Gần 6 năm qua, cùng với ngành Y tế và toàn xã hội, cán bộ dân số đã làm nhiều việc để đưa Nghị quyết số 21 đi vào cuộc sống. Chúng tôi tập trung chăm sóc phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tuổi vị thành niên – thanh niên, người cao tuổi... Nói chung, công việc của các viên chức dân số cũng tập trung chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, không khác gì các cán bộ y tế khác. Trong khi đó, các cán bộ y tế khác được hưởng phụ cấp 40% - 70%, còn chúng tôi thì ngay từ đầu cho đến nay vẫn giữ nguyên mức 30%. Đây vốn đã là sự thiệt thòi, đến nay, Nghị quyết 05 còn “loại” chúng tôi ra thì mất công bằng. "Trên thực tế, rất nhiều người làm cùng một công việc, cùng một phòng ban nhưng nay có người được hưởng, người không được hưởng, khiến các viên chức dân số cảm thấy thiệt thòi, tủi phận, lãnh đạo thì ngại phân công công việc, đồng nghiệp thì không dám hỏi han vì sợ đụng đến nỗi buồn, khiến cho không khí làm việc không được như trước. Lãnh đạo đơn vị cũng rất quan tâm, đồng cảm với chúng tôi, nhưng Nghị quyết đã ban hành thì cũng đành chịu! Chính sách làm cho chúng ta hiểu là hiện vai trò của dân số chưa được coi trọng, còn phân biệt đối xử, nhập vào một nhà nhưng không phải là một nhà”, Chị Lê Thị Hải Lộc - Trưởng phòng Dân số, TTYT TP Đông Hà (Quảng Trị) nêu quan điểm. |
Chị Lê Thị Hải Lộc trong buổi nói chuyện chuyên đề "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ" vào tháng 7/2022. Ảnh: NVCC |
Với một chính sách mới, đặc biệt là chính sách tăng lương, phụ cấp thì trước và sau khi ban hành đều được háo hức chào đón trong niềm hân hoan. Nhưng với Nghị định 05/2023/NĐ-CP thực tế diễn ra lại khác, đa phần viên chức y tế vui, nhưng viên chức dân số lại buồn đến nỗi không nói nên lời, không thể lý giải nổi là tại sao mình đã cố gắng, hòa nhập và cùng làm việc, chống dịch Covid như mọi người trong đơn vị nhưng lại không được tăng phụ cấp. Anh Nông Văn Đông, Phòng Dân số, Truyền thông và Giáo dục sức khỏe - Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. |
Cán bộ dân số Trung tâm Y tế TP Đông Hà (Quảng Trị) thể hiện quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 trong đợt cao điểm chống dịch tháng 12/2021. |
Bài: Hồng Nhung Ảnh: TTYT Đông Hà Đồ họa: HN |