Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người
Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Khẳng định rằng, quyền có quốc tịch là một quyền con người quan trọng. Việc Chủ tịch nước ta cho phép những người Lào di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với người Lào di cư, mà còn ghi dấu ấn quan trọng đối với quan hệ truyền thống đặc biệt, hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Mặt khác, việc cho phép người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân văn, thái độ thực hiện nghiêm cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Một trong những địa phương có đông đảo người Lào sống lâu năm tại khu vực biên giới Việt Nam được nhập quốc tịch trong thời gian qua là huyện A Lưới, thành phố Huế. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Huế khẳng định: “Trước đây, người Lào di cư tự do qua A Lưới sống rải rác ở các xã biên giới, trong đó nhiều nhất ở Quảng Nhâm, Hồng Vân, A Roàng. Đến nay, vùng biên A Lưới đã cơ bản kiểm soát được tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú.

Chính sách Nhà nước cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người di cư tự do và kết hôn không giá thú thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn cao đẹp của Đảng và Nhà nước ta, là mốc son đậm nghĩa tình gắn bó trong tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Nhờ thế nên nhiều công dân Lào sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam đã có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn. Nhờ vậy mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại tuyến biên giới Huế và Salavan, Sê Kông của nước bạn Lào cũng ổn định hơn”.

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tuyên truyền vận động bầu cử cho các công dân mới ở xã A Dơi, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.

Theo gợi ý của ông Nguyễn Văn Hưng, chúng tôi đến với xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, nơi có gần 100 người được nhập quốc tịch Việt Nam. Sau khi bà con nhận quyết định nhập quốc tịch, Hội đồng giáo dục pháp luật huyện phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung giúp cho bà con nắm rõ mình được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam.

Các địa phương cũng vận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ bà con nhà ở, đất sản xuất, cấp cây, con giống và hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn sản xuất. Cùng với đó, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới như cấp bảo hiểm y tế, giấy khai sinh cho trẻ em, hoàn thiện hồ sơ học bạ … cũng được tiến hành đồng thời, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất bà con có thể có điều kiện xây dựng cuộc sống mới. Giờ thì xã Quảng Nhâm sắp về đích nông thôn mới, và những hộ gia đình có người thân mới nhập quốc tịch gần đây đều là những hạt nhân tích cực trong “cuộc đua” làm “sáng bản, đẹp mường” ấy.

Trở lại với câu chuyện của thôn A Dơi Đớ những ngày này, sẽ có nhiều người bất ngờ khi thấy “vùng lìa”, “bản xâm cư” năm xưa đã trở thành thôn văn hóa với những hàng cột điện tỏa sáng các con đường liên thôn được đổ bê tông phẳng phiu. Nhiều căn nhà “mái ấm biên cương” được xây sửa hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ đã trở thành mái ấm cho các hộ gia đình. Các trại gia súc, gia cầm đang chuẩn bị đến xuất chuồng hứa hẹn mang lại khoản thu đủ để mua xe máy mới, chuẩn bị cho trẻ đến trường vào năm học mới…

Và dưới những ngọn đèn đường, sau 8h tối từ các ngôi nhà lại có tiếng phụ nữ gọi nhau lên lớp học tiếng Việt do Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị tổ chức. Người ít tuổi nhất mới 25, người nhiều đã ngót 50, hầu hết họ sinh ra lớn lên ở Lào, quay về Việt Nam cũng chỉ quanh quẩn lên nương, vào rừng để lo cuộc sống nên không biết đọc, biết viết tiếng Việt. Giờ thì thoả ước nguyện biết đọc, biết viết để tự tin tham gia các hoạt động cộng đồng cùng phụ nữ các thôn xa, bản gần.

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Công an thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Tén Tằn xuống từng hộ dân để tuyên truyền. Ảnh: Tư liệu.

Có thể nói, trong hành trình đến với no ấm và phẩm giá con người của 4.414 người dân nơi biên giới Việt Nam - Lào, không thể không nhắc đến vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp các tỉnh biên giới - những người đã lặng thầm rà soát, xác minh, xử lý từng hồ sơ, từng phận người với tinh thần nhân văn và trách nhiệm. Chính họ đã biến những quy định khô khan của pháp luật thành hành động thiết thực, góp phần mang lại quốc tịch, danh phận và trên hết là niềm tin vào công lý cho hàng ngàn người.

Từ những thôn bản heo hút nơi rừng sâu Quảng Trị, Huế, Kon Tum, Quảng Nam cho đến những mái nhà đơn sơ ở Thanh Hóa, Điện Biên..., cuộc sống no ấm đã đến. Trẻ em được đi học như bao đứa trẻ khác, người lớn được tiếp cận các chính sách y tế, an sinh, được góp tiếng nói trong cộng đồng và xã hội. Họ đã vượt qua mặc cảm, xóa bỏ ranh giới vô hình giữa hai bờ quốc tịch để đứng vững trên chính mảnh đất mình gắn bó một đời để gây dựng tương lai.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng biên giới về hộ tịch, quốc tịch, trong thời gian qua Sở Tư pháp các tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham mưu giải quyết việc nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch cho người dân di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Khi chúng tôi lên A Lưới, cũng là đợt công tác cao điểm mà các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn tất bật triển khai song song hai nhiệm vụ là vừa tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, vừa tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân, giúp đồng bào Pa Kô, Vân Kiều trên địa bàn thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng này. Họ cũng đặc biệt chú trọng đến việc quản lí, sửa chữa, cập nhật dữ liệu dân cư và tích cực tuyên truyền về nội dung Hiến pháp sửa đổi cũng như hướng dẫn cài đặt phần mềm trên điện thoại, lấy ý kiến bình chọn cho những công dân mới nhập quốc tịch thời gian vừa qua.

Thượng tá Lê Xuân Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ: “Nhân dân trên địa bàn hầu hết đều có hiểu biết hạn chế về Hiến pháp, nên đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh thôn bản, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, họp thôn, bản bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Pa Kô. Qua đó vận động, hướng dẫn đồng bào thực hiện góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với cán bộ tư pháp xã chuẩn bị tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ của bà con, hướng đến mục tiêu xây dựng một bản Hiến pháp phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó, kết quả đạt được rất khả quan, ai cũng ý thức rõ việc tham gia góp ý là quyền lợi, nghĩa vụ thiêng liêng của mình.”

Không khí ở A Lưới gợi nhớ cho chúng tôi về chuyến công tác vận động, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đó cũng là lần đầu tiên hàng nghìn công dân mới trên tuyến biên giới Việt Nam Lào được thực hiện quyền công dân của mình. Từ những bản “xâm cư” trước đây, những người đủ độ tuổi tham gia bầu cử đều háo hức chuẩn bị đến trung tâm xã từ rất sớm.

Trước đó, bà con dã được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện các giấy tờ cần thiết và đều trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bầu cử theo luật pháp Việt Nam. Bà con vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri. Nhiều già làng tuổi đã 70, 80 vẫn bảo bảo con cháu chở ra khu vực bầu cử để bỏ phiếu, coi như một đời lang bạt đầu rừng xó núi cũng được một lần vui, được đại diện cho chính mình.

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

BĐBP tuyên truyền, hướng dẫn cho đồng bào Bru-Vân Kiều trên biên giới Việt Nam – Lào góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 trên ứng dụng VneID. Ảnh: Tư liệu.

Trung tá Phan Hồng Khoái, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Mường Lát nhớ lại, thời điểm tiến hành các hoạt động phục vụ bầu cử, các đơn vị trên địa bàn gần như “quay cuồng” với nhiệm vụ tăng cường công tác quản lý hành chính dân cư. Do nhận thức của bà con không đồng đều, lại nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn rộng, phân tán, nên Ban Chỉ huy Công an huyện chỉ đạo Công an các xã biên giới, phối hợp với Đồn Biên phòng và cơ quan Tư pháp phụ trách các điểm bầu cử đến các bản xác nhận cấp thẻ cử tri cho cư dân biên giới.

Đối với các hộ có người mới được nhập quốc tịch, phân công cán bộ xuống tận nhà để phát tờ rơi, tuyên truyền để họ hiểu hơn về công tác bầu cử của Việt Nam. Hầu hết các công dân này để rất nghiêm túc lắng nghe, tìm hiểu và cảm thấy vinh dự khi được tham gia sự kiện trọng đại của cả nước. Những lá phiếu bầu cử mà họ cầm trên tay không chỉ đại diện cho một quyền lợi chính trị, mà còn là minh chứng cho một hành trình đấu tranh âm thầm, bền bỉ để được công nhận và hòa nhập.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Ke, sinh năm 1972 (tên tiếng Lào là Say Phon, đến từ bản Piềng Khạy, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào). Anh cho biết, sau khi vợ đầu mất, năm 2003, anh lấy vợ Việt Nam là chị Lộc Thị Yến, sinh năm 1975, người Khơ Mú ở xã Quang Chiểu. Sau 2 năm sống ở Lào, do bố vợ già yếu, nên hai vợ chồng anh ở lại Mường Lát để tiện chăm sóc bố. Anh cũng mang theo hai đứa con của vợ trước về Việt Nam.

“Năm 2019, tôi và cùng 2 người con của người vợ trước được chính quyền đã tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Vậy là đợt bầu cử năm 2021, ba bố tôi anh lần đầu tiên tham gia bầu cử, tôi phấn khởi, huy động cả nhà đến tham gia phục vụ trang trí tại điểm bầu cử của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát”.

Niềm vui của anh Lương Văn Ke cũng là niềm vui của bao người. “Miềng (mình) sống ở Việt Nam khi còn là thanh niên, giờ đã có cháu gọi bằng ông nội nhưng chưa tham gia bầu cử lần nào. Năm 2018, 119 người của xã A Dơi được nhập quốc tịch, năm 2021 là lần đầu tiên cả thôn được đi bầu cử. Phấn khởi và tò mò nên khi rảnh rỗi, bà con đến Đồn Biên phòng Ba Tầng và Ủy ban xã A Dơi để nghe nhạc, nghe loa tuyên truyền và xem ảnh của các đại biểu.

Thực ra miềng cũng không biết nhiều chữ, không đọc được tiểu sử, phải hỏi các chú Biên phòng, nhưng vẫn vui cái bụng lắm!” - già Hồ Văn Tiêng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đã kể về giờ phút chính tay mình bỏ lá phiếu vào thùng bằng một gương mặt bừng sáng và nụ cười mà chúng tôi sẽ mãi không quên.

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

Những tấm thẻ cử tri, những quyết định nhập quốc tịch, hay tờ giấy đăng ký kết hôn tưởng, tấm thẻ căn cước công dân hay việc tham gia bầu cử, tham gia ý kiến với Hiến pháp… là những điều bình thường với bao người, nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt đối với những con người đã từng sống bên lề pháp lý và xã hội. Đó không chỉ là sự công nhận về mặt hành chính, mà còn là sự khẳng định danh tính, quyền lợi và phẩm giá con người.

Hành trình trở thành công dân Việt Nam của họ không chỉ là câu chuyện về chính sách nhân văn mà còn là minh chứng cho nỗ lực kiên trì của Đảng, Nhà nước ta trong việc không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là ở những vùng biên cương xa xôi, thầm lặng.

Bài viết: Vân Anh - Ngô Khiêm

Đồ họa: Trường Giang