e magazine
30/09/2022 10:48
Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng Đề án vị trí việc làm của các Nhà Văn hóa Lao động

30/09/2022 10:48

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, các Cung Văn hóa, Nhà Văn hóa Lao động cần thực hiện đầy đủ 5 nội dung khi xây dựng Đề án vị trí việc làm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng Đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

Xây dựng Đề án vị trí việc làm là một trong những việc cần thiết để sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động (gọi chung là Nhà Văn hóa Lao động). Quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm cần căn cứ vào cơ sở chính trị (chủ trương, nghị quyết của Đảng) và cơ sở pháp lý" - đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Hệ thống Công đoàn hiện có 51 thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó có 30 Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Lao động cấp tỉnh; 4 Trung tâm Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Công nhân khu công nghiệp; 17 Nhà Văn hóa Lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, các Nhà Văn hóa Lao động đã thực hiện được các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, một số hoạt động để thu hút số lượng CNVCLĐ tham gia; thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng hạt nhân, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cơ sở còn hạn chế.

Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

CNVCLĐ sinh hoạt, tập luyện thể thao tại Cung Văn hóa Lao động. Ảnh: NAM DƯƠNG

Cơ sở chính trị và pháp lý

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cung văn hóa, Nhà Văn hóa Lao động (gọi chung là Nhà Văn hóa Lao động), Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức, sắp xếp lại Nhà Văn hóa Lao động. Trong Đề án tổ chức, sắp xếp lại Nhà Văn hóa Lao động có 2 đề án bộ phận là Đề án vị trí việc làm và Đề án tự chủ.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn chung, bộ máy tổ chức của các Nhà Văn hóa Lao động gặp khó khăn về biên chế, cán bộ phần lớn là kiêm nhiệm. Ở một số địa phương, Nhà Văn hóa Lao động được thành lập từ rất lâu khi hệ thống các văn bản pháp luật chưa đồng bộ và cụ thể. Yêu cầu trong bối cảnh mới phải sắp xếp, tổ chức lại các Nhà Văn hóa Lao động theo hướng chuyên nghiệp và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình: Phục vụ công nhân lao động, nếu có dư địa thì mở rộng phục vụ cộng đồng dân cư.

Trước hết, việc xây dựng vị trí việc làm cần quán triệt tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường xã hội hóa và tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cấp của ngân sách nhà nước. Các Nhà Văn hóa Lao động thuộc tổ chức Công đoàn là đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này.

Đồng thời căn cứ vào Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tinh thần của Nghị quyết yêu cầu các đơn vị phải tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế (được hiểu là biên chế sử dụng ngân sách nhà nước).

Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

Ngày 27/6/2020, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi làm việc với LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh và LĐLĐ tỉnh Bình Dương về việc kiểm tra thực hiện các đề án của Thủ tướng Chính phủ và kiểm tra, sắp xếp tổ chức lại Nhà Văn hóa Lao động của tổ chức Công đoàn. Ảnh: NAM DƯƠNG

Trong quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm, các Nhà Văn hóa Lao động cần thực hiện đúng 5 nội dung:

Một là, căn cứ đầy đủ vào cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý.

Hai là, bám sát các căn cứ xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. Để xây dựng Đề án vị trí việc làm cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Nhà Văn hóa Lao động; mức độ phức tạp, tính chất công việc.

Ba là, thực hiện đúng quy trình xây dựng Đề án vị trí việc làm nêu tại Công văn 1910-CV/BTCTW ngày 11/10/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng vị trí việc làm viên chức. Theo Công văn 1910, xây dựng Đề án vị trí việc làm hoàn chỉnh (gồm tên, bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm) được tiến hành theo 6 bước. Nếu hoàn thiện đầy đủ theo các bước này thì coi như hồn cốt của Đề án vị trí việc làm đã được xác định. Khi Đề án vị trí việc làm được phê duyệt cần phân loại các danh mục vị trí việc làm, trong đó có các cơ cấu viên chức. Cơ cấu viên chức phụ thuộc vào danh mục vị trí việc làm, mức độ phức tạp và tính chất công việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (do Bộ, cơ quan ngành Bộ hoặc tương đương ban hành). Thực chất, khung năng lực chính là tiêu chuẩn vị trí việc làm cũng là tiêu chuẩn tuyển dụng, xếp vào ngạch bậc của viên chức.

Bốn là, theo quy định của pháp luật, đơn vị đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư ở mức cao nhất (tự chủ hoàn toàn) có quyền tự quyết vị trí việc làm. Còn các đơn vị tự chủ chi thường xuyên nhóm 2, 3, 4 do cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thẩm định Đề án vị trí việc làm.

Năm là về thẩm quyền phê duyệt Đề án vị trí việc làm, căn cứ Điều 9, Quy định số 212-NQ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Quy định về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; Nghị định 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội thì do Tỉnh ủy quyết định, cơ quan thẩm định do Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự UBND tỉnh.

Đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, quá trình xây dựng Đề án vị trí việc làm cần bám sát Nghị định số 106/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ và Hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm ban hành kèm theo Công văn số 1910-CV/BTCTW ngày 11/10/2021. Trong đó, cần xác định được chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà Văn hóa Lao động theo hướng tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư (nhóm 1) hay nhóm 2, 3, 4. Từ đó mới hình thành các vị trí việc làm. Đề án vị trí việc làm cũng chính là cơ sở xây dựng phương án tự chủ của các Nhà Văn hóa Lao động.

Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

Nhiều cơ sở vật chất của Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh không được đầu tư xây dựng mới mà chỉ được cải tạo, sửa chữa nhỏ. Ảnh: CVH

Song song với đó, các Nhà Văn hóa Lao động phải xây dựng tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định 120 đặc biệt nhấn mạnh nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với đặc thù hoạt động. Về số lượng nhân sự, Nghị định 120 nêu rõ cơ cấu tối thiểu của đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo 15 người. Bên cạnh đó, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015) nêu rõ có tối thiểu 65% trong số đó có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. Như vậy là, quy định pháp luật nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng của cơ cấu viên chức theo hướng đáp ứng chuyên môn nghiệp vụ của các Nhà Văn hóa Lao động, không bố trí người không có chuyên môn làm việc.

Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

Cung Văn hóa Lao động Việt - Tiệp được đánh giá là một đơn vị hoạt động hiệu quả. Ảnh: CVH

"Nhìn chung lại, các Nhà Văn hóa Lao động cần xây dựng Đề án vị trí việc làm đáp ứng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó xác định được Danh mục vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí dựa trên cơ sở khoa học. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm nói riêng, Đề án sắp xếp, tổ chức lại các Nhà Văn hóa Lao động nói chung nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới".

Những vấn đề cốt lõi khi xây dựng đề án vị trí việc làm của các nhà văn hóa lao động

Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức "Hội nghị giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động". Ảnh: THU NGÂN

HÀ VY

Ảnh: N.D - C.V.H - T.N

Xem phiên bản di động