|
- Alo, tôi xin nghe! Anh chị cần giúp gì? - Luật sư Vũ Ngọc Hà (Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai) vội vã nhấc máy ngay khi điện thoại vừa đổ hồi chuông thứ nhất. Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi liên tục như vậy. Thay vì chọn cách từ chối và hẹn gọi lại sau, anh Hà chỉ chăm chú lắng nghe, tốc ký vài gạch đầu dòng để nắm bắt sự việc, rồi từ tốn tư vấn, giải đáp cặn kẽ những thắc mắc cho đầu dây bên kia. “Nhà báo thông cảm, người lao động khi đã gọi đến đây tức là họ có chuyện cần kêu cứu, giúp đỡ. Nếu mình không nghe máy sẽ khiến họ lo lắng, bất an hơn”, anh Hà cười hiền hậu, lộ rõ những nếp nhăn nơi đuôi mắt của người đàn ông đã trạc ngũ tuần. Bọng mắt có phần thâm và sưng hơn nhiều người cùng trang lứa vì nhiều đêm “thức trắng” nghiên cứu hồ sơ. Thế nhưng, theo lời nhiều đồng nghiệp và người lao động nhận xét: “Anh Hà vẫn phong độ, gọi là “soái ca” của công nhân lao động đó!”. Nói về cơ duyên đến với nghề luật sư, anh Hà luôn xem đó như một “đặc ân” mà số phận đã sắp xếp cho mình. Thuở nhỏ, anh rất thích học các môn khoa học tự nhiên, như: Toán, Lý, Hóa… và luôn đứng trong nhóm đầu của lớp. Năm lên cấp 3, anh Hà vừa học văn hóa, vừa học nghề kỹ sư điện. Còn lại, các môn học thuộc khối C cũng như văn chương là thứ gì đó… mù tịt. “Bây (con) theo học làm luật sư bảo vệ công nhân nhé! - Cha tôi đã nói điều này khi tôi đang trong những ngày chuẩn bị thi vào đại học, theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư của mình. Đáng lẽ, phản ứng thông thường khi ấy là kịch liệt phản đối, vì học luật “nhiều chữ”, không hề dễ dàng với một thanh niên suốt 12 năm học chỉ quanh quẩn số và công thức như tôi. Thế nhưng, nhìn tập hồ sơ của Trường Đại học Luật mà cha đang cầm trên tay, tôi gật đầu đồng ý chẳng do dự”, luật sư Hà tâm sự. Cha của Luật sư Vũ Ngọc Hà là giám đốc đầu tiên của Trung tâm tư vấn pháp luật từ ngày thành lập. Ông cũng là người đầu tiên mở đường cho những vụ án bảo vệ công nhân trước tòa cũng như xây dựng lực lượng công nhân am hiểu pháp luật. Trong nhiều lần đi tìm công lý, bảo vệ công nhân, hay những lần đi cơ sở giảng dạy kiến thức pháp luật cho người lao động, anh Hà thường được đi cha đưa đi theo. Bản thân cũng học được nhiều điều bổ ích qua những lần như vậy. Hình ảnh những người công nhân hiền lành, chịu thương chịu khó, nhưng lại gặp phải sự trớ trêu, nghiệt ngã của số phận cứ thể trở nên gần gũi với cậu bé tên Hà tự khi nào. Có lẽ vì thế vậy mà anh chấp nhận làm “trái nghề”, học lại tự đầu các kiến thức phục vụ công việc mang tính bước ngoặt này. Anh bước vào nghề bằng những bước chân chập chững của “kẻ ngoại đạo”. Như bao người khác, ngày đầu mới về Trung tâm, anh Hà giống như “công nhân thử việc”. Ban đầu được phân công đánh máy, thảo đơn giúp cho các luật sư. Anh chính thức trở thành luật sư năm 23 tuổi. Quãng đời sinh viên, rồi sau này trải qua những ngày gần gũi, gắn bó, cùng “nằm gai nếm mật”, chứng kiến công nhân lao động làm việc cần mẫn, đã cho anh Hà một cái nhìn về sự tận hiến trong cuộc sống. “Nghề nghiệp cho tôi cái may mắn là được tiếp xúc với nhiều số phận, có những người được xem như khổ đến tận cùng. Chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi đến cảnh một công nhân tìm đến cầu cứu mình khi vẫn còn nằm trên cáng, vì bị tai nạn lao động nhưng doanh nghiệp lại bỏ mặc. Tôi sẽ chẳng thể nào quên được khoảnh khắc “khách hàng” của mình người nhằng nhịt vết băng bó, kêu khóc. Tôi hiểu trong mắt họ khi ấy, tôi là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Điều này càng khiến tôi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp đến cùng”, anh Hà chia sẻ. Tại Trung tâm Tư vấn Pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, có một luật sư khá đặc biệt, khi đồng hành với anh không chỉ có chiếc cặp da đã sờn màu, chồng tài liệu, hồ sơ “chất đống”, mà còn có đôi nạng gỗ cũng đã nhuốm màu thời gian. Đó là luật sư Lê Tấn Tý - đồng niên với Luật sư Vũ Ngọc Hà. Anh Tý xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó tại huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Năm lên 6 tuổi, bệnh sốt bại liệt đã khiến đôi chân của anh bị teo lại, mọi cách chạy chữa đều vô phương. Từ một cậu bé Tấn Tý nhanh nhẹn, luôn muốn chạy ra ngoài khám phá thế giới, giờ đây phải đi lại một cách khó khăn, lấy đôi nạng gỗ bầu bạn. Không lấy đó làm cản trở ý chí vươn lên, năm 18 tuổi, Tý nhìn vào đôi chân và bắt đầu lo cho tương lai của mình. “Tôi đã lựa chọn ngành luật bởi tôi nghĩ trong cuộc sống, pháp luật rất quan trọng, làm gì cũng “dính” đến luật và nghề đó tôi cũng ít phải dùng sức đôi chân nhiều”, luật sư Tý tâm sự. Năm đó, Tấn Tý xuất sắc thi đậu khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Trải qua những năm tháng miệt mài đèn sách, tốt nghiệp, anh về Đồng Nai tìm việc và cơ duyên đã đưa anh đến làm việc tại Trung tâm. Xòe tờ giấy A4 gấp tư lấy từ trong cặp, anh Tý cẩn thận đánh dấu thêm một vụ tranh chấp lao động mà anh vừa bảo vệ thành công, trầm ngâm: “Người lao động với trình độ còn giới hạn, sự am hiểu về pháp luật lao động còn thấp nên thường bị “ăn hiếp”. Trong khi đó, người sử dụng lao động có cả một bộ máy tham mưu giúp việc. Từ đó, khi xảy ra tranh chấp lao động thì người lao động không đủ sức để “đấu” với chủ”. Luật sư Tý cũng bước vào nghề với đôi chân không lành lặn như vậy. Dù đến với nghề bằng hình thức nào, trong điều kiện ra sao, nhưng ở họ vẫn sáng lên cái tâm hướng đến người lao động, đặc biệt là công nhân nghèo yếu thế. |
|
Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, mỗi công nhân sẽ có mỗi cảnh đời khác nhau và trong từng vụ án kiện tụng cũng vậy, không vụ nào giống vụ nào. Mỗi vụ việc đều có nguyên cớ của nó, nhất là trong điều kiện có sự không tương thích giữa pháp luật và đời sống. Vì thế, điều anh nghĩ đến đầu tiên khi tiếp cận hồ sơ vụ án chính là bối cảnh và nguyên nhân nảy sinh sự việc, các yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Với anh, người luật sư không chỉ nghiên cứu kỹ hồ sơ, mà còn phải biết “thích ứng trong từng hoàn cảnh” để bảo vệ người lao động một cách tốt nhất. Đặc biệt, khi khởi kiện ra tòa, điều quan trọng nhất là cần chứng cứ, đây là vấn đề mà người lao động luôn rơi vào thế yếu. Như trường hợp một nữ kế toán có nhà ở TP Hồ Chí Minh, nhưng làm việc cho một doanh nghiệp ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Một dạo, công ty này tuyển kế toán mới và muốn sa thải người lao động, nhưng lại không muốn giải quyết một quyền lợi nào cho họ. Như thường nhật, nữ kế toán đang mang thai và đứng chờ xe công ty đến đón đi làm. Chờ mãi không thấy, chị gọi điện cho tài xế thì được trả lời rằng công ty “ra lệnh” không được đón. Sau đó, nữ kế toán đã tự đi xe máy hàng chục km để đến công ty, nhưng bảo vệ không cho vào với lý do tương tự. Sức cùng lực kiệt, chị tìm đến Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Liên đoàn lao động tỉnh để cầu cứu. “Khi người lao động bị công ty đơn phương cho nghỉ việc, họ sẽ được pháp luật bảo vệ và chủ sử dụng lao động phải thực hiện các điều khoản giải quyết quyền lợi cho họ theo quy định của pháp luật. Nhưng điều kiện cần và đủ là người lao động phải có chứng cứ, đó là quyết định cho thôi việc của công ty. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cố tình không cho người lao động vào công ty làm việc, cũng không ra quyết định thôi việc, họ muốn đổ lỗi rằng: “Người lao động tự ý thôi việc”, từ đó, không giải quyết các chế độ cũng như quyền lợi cho họ. Chúng tôi đến hỗ trợ quay phim lúc bảo vệ không cho chị ấy vào công ty. Ngoài ra, Trung tâm đã làm gửi doanh nghiệp đề nghị cho biết về quan hệ lao động giữa hai bên (còn hay nghỉ làm, vì sao nghỉ?...). Văn bản này cũng được gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, để tránh trường hợp công ty viện lý do không nhận được văn bản. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đã “ngó lơ” và không phản hồi bất cứ thông tin nào. Sau đó, chúng tôi hỗ trợ người lao động khởi kiện doanh nghiệp ra tòa”, luật sư Hà thông tin. Bằng những nỗ lực không ngừng, trải qua thời gian kéo dài hơn 60 tháng, những chứng cứ Trung tâm đưa ra đã hoàn toàn thuyết phục Hội động xét xử. Qua đó, tòa tuyên: Doanh nghiệp đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, buộc phải bồi thường toàn bộ tiền lương cho người lao động trong thời gian không có việc làm, và truy đóng BHXH tương ứng với mốc thời gian này với tổng số tiền trên 600 triệu đồng. “Ngày tòa tuyên án, người lao động đã khóc, tôi cũng khóc, cả hai ôm chầm lấy nhau vì hạnh phúc”, anh Hà nhớ lại, đôi mắt chợt nhòa đi. Một vị “khách” đặc biệt khác khiến anh Hà nhớ mãi đó là ông Pablo làm việc tại Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Steel Việt. Tháng 10/2009, công ty bất ngờ cho ông Pablo thôi việc dù ông không vi phạm lỗi gì trong suốt quá trình làm việc. Không đồng tình với quyết định này, ông Pablo đã tìm đến Trung tâm để nhờ trợ giúp. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tại phiên tòa phúc thẩm vào cuối năm 2018, TAND tỉnh đã tuyên hủy thông báo chấm dứt HĐLĐ của Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam đối với ông Pablo, đồng thời buộc công ty thanh toán cho ông Pablo số tiền hơn 583 triệu đồng. Đây là số tiền mà ông Pablo được bồi thường cộng với khoản tiền hơn 1,2 tỷ đồng mà TAND TP Biên Hòa đã tuyên buộc công ty phải chi trả cho ông Pablo vào năm 2014 do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Khi thắng kiện, ông Pablo đã tìm gặp đồng chí Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, đưa 5 ngón tay rồi chỉ vào đôi giày mình đang đi. "Suốt 10 năm, tôi đã đi hết 5 đôi giày trên hành trình đòi quyền lợi. Ở đó, luật sư Hà luôn sát cánh cùng tôi, vừa phiên dịch vừa tranh luận tại tòa. Ông ấy chính là ân nhân của tôi", ông Pablo chia sẻ. “Luật sư là người thường xuyên phải tiếp xúc với những bất công trong xã hội, gặp nhiều loại người cũng như chứng kiến biết bao nỗi đau của người khác. Do vậy, người làm nghề luật phải biết đau nỗi đau của người khác thì mới thấu hiểu được nguyên nhân và lý giải được bản chất của sự việc”, anh Hà nói. Còn với luật sư Lê Tấn Tý, vụ án đầu tiên mà tổ chức Công đoàn Đồng Nai thay mặt công nhân, đứng ra khởi kiện giới chủ mà anh nhận là vụ án: Liên đoàn lao động thị xã (nay là thành phố) Long Khánh, lần đầu tiên trong cả nước đại diện cho tập thể người lao động đứng ra khởi kiện Cty H (100% vốn đầu tư nước ngoài) vì không đóng BHXH, BHYT cho người lao động vào năm 2008. Lúc ấy, anh được cấp trên giao nhiệm vụ thu thập chứng cứ, xây dựng phương án khởi kiện công ty và bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong suốt quá trình tòa thụ lý, giải quyết vụ kiện. Ngày xét xử, trước phiên tòa, luật sư Tý bồn chồn, lo lắng không yên vì đây là lần đầu anh thực hiện nhiệm vụ. Nghĩ đến những người lao động phía sau dồn toàn bộ hy vọng về mình, luật sư Tý như được tiếp thêm động lực, thể hiện những chứng cứ xác đáng nhất thuyết phục Hội đồng xét xử, phản biện lại giới chủ. Kết quả, người lao động đã thắng kiện, TAND tỉnh Đồng Nai đã buộc công ty H phải đóng 1,4 tỷ đồng về khoản BHXH, BHYT cho người lao động. Anh Tý tâm sự: “Đi vào nghề luật sư như đi vào một ma trận, không có điểm đầu, không có điểm cuối, đâu đâu cũng là đối tác, đâu đâu cũng là đối thủ. Anh và các đồng nghiệp rất nhiều lần xả thân vì công nhân, bỏ tiền túi ra làm việc cho họ. Nhưng ngoài những người ủng hộ, đánh giá cao, cũng còn vô khối người hết sức hoài nghi, không hiểu luật sư có động cơ gì phía sau?”. Đến nay, cả Luật sư Vũ Ngọc Hà và Luật sư Lê Tấn Tý đã tham gia bảo vệ rất nhiều vụ án lao động, với tư cách luật sư của Trung tâm Tư vấn Pháp luật và hiện nay là tư cách của tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi người lao động theo quy định luật tố tụng mới. Ngoài đòi được quyền lợi cho người lao động, họ còn muốn thể hiện cho phía sử dụng lao động thấy được thiện chí giải quyết vấn đề. Đó không chỉ đơn giản chỉ vì quyền lợi của người lao động, mà còn tỏ rõ quan điểm muốn xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, giúp hai bên cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc để phát triển. |
|
Hơn 15 năm gắn bó với người lao động, hầu hết các cuộc gọi tới cho anh Hà, ngoài công nhân ở Đồng Nai, còn có cả Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ tư vấn “đủ thứ việc”. Từ các chế độ BHXH, BHYT tới các thủ tục xin nghỉ việc, hoặc chỉ đơn giản là gọi điện thoại khóc, giãi bày về mới bị công ty đuổi việc và nhờ anh… “tâm sự”. Người lao động khi đến Trung tâm sẽ có hai trường hợp. Nếu là đoàn viên công đoàn thì được miễn toàn bộ chi phí, còn nếu chưa là đoàn viên công đoàn thì phải nộp phí. “Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, gần như không có trường hợp bị thu phí, bởi đơn giản công nhân lao động khi đến đây thì họ đã… kiệt quệ về mọi mặt rồi. Họ bị chèn ép về quyền lợi, rơi vào cảnh vô cùng khó khăn thì mới cầu cứu tới mình”, anh Hà thông tin. Anh Vũ Văn Miền là công nhân tại một doanh nghiệp ở Biên Hòa. Nói anh có nhà là nói theo kiểu “sống có nhà thác có mồ”; còn nơi cư ngụ của anh chỉ là căn lều được dựng tạm bợ nằm heo hút trên một khu đất vắng. Nhà đã nghèo, lại “mắc cái eo”. Một bữa, trong lúc đi bộ từ nơi làm việc ra nhà ăn để ăn trưa (giữa ca), anh không may trượt té ngã bị gãy tay. Doanh nghiệp không công nhận đó là tai nạn lao động, mà chỉ là sự cố theo kiểu xui rủi, “trời kêu ai nấy dạ”. Ngày đến nhà anh Miền để tìm hiểu thêm vụ việc, thấy hoàn cảnh quá thương tâm, xem lại còn chút đỉnh tiền trong túi, anh Hà chẳng ngần ngại góp nốt tặng lại cho “khách hàng” của mình. “Đến hôm sau mới sực nhớ còn hóa đơn tiền điện, nước ở nhà chưa thanh toán. Xá gì, thiếu đâu ta mượn bạn bè, có lương gửi lại, ai cần giúp mình vẫn phải giúp trước chứ”, anh Hà cười thiện lương. Ngày ra tòa, bằng những phân tích sắc bén, anh đã thuyết phục Hội đồng xét xử tuyên đó là vụ tai nạn lao động và yêu cầu doanh nghiệp phải giải quyết các chế độ, quyền lợi cho anh Miền theo đúng quy định pháp luật. Đêm hôm đó, anh Miền được ngủ một giấc say sưa cùng người thân sau nhiều tháng ròng rã đòi quyền lợi. “Tôi đã có một giấc ngủ ngon như chưa từng có việc gì xảy ra. Thế nhưng, để có được kết quả tốt đẹp này thì chính luật sư lại là người mất ngủ… Anh ấy luôn trăn trở với những câu hỏi, để tìm lời giải qua những chứng cứ, dù là chi tiết nhỏ nhất. Có hôm đã quá 12 giờ khuya, tôi gọi điện anh ấy vẫn còn thức”, anh Miền chia sẻ. Cuộc đời làm nghề của luật sư Lê Tấn Tý cũng không tránh được những tình huống khó xử, dù không muốn tham gia nhưng vẫn phải thực hiện cho tròn trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Một ví dụ điển hình là khi phải đối đầu, tranh cãi trực tiếp với một số bạn bè luật sư đồng nghiệp của mình. Những tình huống như vậy thường xuyên xuất hiện trong quá trình hành nghề của luật sư, không chỉ là giữa thầy và trò, mà còn giữa các đồng nghiệp với nhau, bạn học hoặc hy hữu hơn là những người thân trong gia đình. “Có những người bạn vừa mới tối qua còn ngồi cụng nhau ly bia, nhưng sáng ra đã phải tranh cãi kịch liệt ở tòa. Nghề luật là vậy đó, vui nhiều và cũng buồn nhiều lắm. Làm nghề này, anh em chúng tôi xác định là đã mang cái nghiệp vào thân, không trách trời gần trời xa, chúng tôi sẵn sàng đối mặt, dù là những khó khăn lớn hơn nằm ẩn khuất đâu đó”, vẫn lời anh Tý. Với anh Hà, anh Tý, hỗ trợ pháp lý cho công nhân là chọn con đường tốt nhất cho họ, chứ không phải xúi công nhân vào bụi rậm!. Như anh Hà là người nhập cư từ ngoài Bắc vào Đồng Nai, đã từng gặp và trải qua những nỗi bất bình trong cuộc sống, nên anh rất hiểu và đồng cảm với những phận đời công nhân ngụ cư. Có hoàn cảnh éo le, chồng bị tai nạn lao động, vợ mang bầu lại thất nghiệp, mẹ già cao tuổi lại chật vật chăm gia đình người con… Nhìn những cảnh ấy, anh tự nhủ, dù kiện tụng có khó đến đâu cũng phải làm. Nhưng cũng có trường hợp, công nhân sai, lại muốn đi kiện thì anh khuyên nên dừng lại, kiếm việc khác mà làm, đừng theo kiện vô ích!. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Hà hay anh Tý đã từng được các doanh nghiệp mời về làm việc với mức lương hậu hĩnh tới cả nghìn đô. Nhưng họ đã bỏ qua cơ hội đó và hướng đi riêng cho mình. Với họ, niềm hạnh phúc của bản thân đơn giản là khi nhìn thấy người lao động được hạnh phúc dù đôi khi chính họ vẫn phải vùi đầu trong nỗi lo cơm áo gạo tiền. Như luật sư Tý dù bị tật nguyền, nhưng anh quyết tâm dành cả đời để giúp người lao động yếu thế tự đứng vững trên đôi chân của mình…. |
|