Những người níu giữ gốm Phước Tích

“Thời xưa em xem tivi trắng đen, đến bây giờ thì tivi gì rồi mà mình cứ theo cái cũ”, Hiền đưa ra so sánh. “Những người mê, thích gốm truyền thống nhiều lúc họ chỉ muốn hoài niệm thôi”.

Anh Lương Thanh Hiền, 50 tuổi, bỏ nghề kim hoàn đã gắn bó gần 20 năm để quay về làng cổ Phước Tích, Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế làm gốm, chỉ vì lý do duy nhất: “Là người làng và mê gốm”.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

"Chiều 30 anh không đi Tết.

Sáng mồng 1 anh chẳng đáo tế bàn thờ.

Hiếu trung chi anh đến để em đợi em chờ".

Người nam đáp lại:

"Chiều 29 còn chợ Cần, chợ Kệ.

Sáng 30 còn Thủ Lễ, Hà Lam.

Rạng mồng 1 mới ngược phá Tam Giang.

Hiếu trung bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi".

Ông Lê Trọng Diễn (74 tuổi), người có thâm niên làm gốm Phước Tích mở đầu câu chuyện bằng những câu đối đáp của đôi nam nữ. Những câu hò trên nói đến một thời thịnh hành, vàng son của gốm Phước Tích. Người nam yêu cô gái, nhưng đến những ngày cận Tết vì hàng đi trăm nơi trăm ngả khiến anh không có thời gian lo cho gia đình, cho người thương.

“Đi buôn bán đến rạng mồng 1 Tết mới về thì thời gian đâu cho việc nhà, việc làng”, ông Diễn giải thích.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Ông Lê Trọng Diễn say sưa kể về làng gốm Phước Tích.

Một số tài liệu và phả hệ của các dòng họ, làng Phước Tích được lập vào năm 1470, thời Hồng Đức với nghề truyền thống là làm gốm. Phước Tích không có gì ngoài gốm. Một vùng quê nằm bên sông Ô Lâu nhưng người dân nơi này không ai làm nông. Gốm gắn liền với đời sống của người dân: dựng được nhà nhờ gốm, con cái ăn học thành tài nhờ gốm.

Thời chưa có vật dụng gì khác để đựng, gốm Phước Tích hiện diện khắp trong đời sống sinh hoạt của tất cả các gia đình trong và ngoài tỉnh. Từ khi ra đời rồi đến tận 1966, lửa lò chưa bao giờ tắt ở làng nghề này.

Thời hưng thịnh, làng có đến 13 lò nung gốm. Phiên này ra, phiên khác lại sắp xếp vào nung tiếp. Mỗi phiên nung kéo dài 10 ngày, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc cấm không được nung phiên sau.

“Liên tục như vậy, mỗi phiên cả 1.000 sản phẩm, nhưng không đáp ứng đủ cho thị trường”, ông Diễn nhớ lại lời cha kể và sau này khi ông bắt đầu làm gốm rồi chứng kiến.

Gốm Phước Tích được nhiều nơi ưa chuộng bởi chất lượng và màu sắc. Mỗi sản phẩm đều có một màu riêng biệt. Trong nghề họ gọi đó là “hỏa biến”, cái này do khi nung mà ra. Cũng là trà, nước đó nhưng khi pha từ bình của gốm Phước Tích thì ngon hơn.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Những “bảo vật” của ông Diễn.

Nhờ chất lượng, làng nghề này đã từng được nhà vua chọn để làm om dùng vào việc nấu cơm, gọi là: ngọc om ngự dụng. Nhiều người vẫn hay gọi tắt “om ngự”.

Ông Diễn nói rằng vua ban lệnh làm 100 cái thì không ai dám làm 101 cái, nếu phạm thượng thì bị xử phạt nặng. Đất dùng cho “om ngự” phải là đất sét đen và do những nghệ nhân tài giỏi làm.

Om dùng để nấu với một loại gạo đặc sản của làng An Cựu xưa cho vua dùng. Bây giờ trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu nói: Om Phước Tích nấu gạo de An Cựu.

Phước Tích trước đây người ta hay gọi là làng Kẻ Đột. Ông Diễn giải nghĩa, người ta gọi như vậy vì ngoài Bắc có “Kẻ Chợ” ý nói đến vùng đất buôn bán sầm uất nên đặt là vậy. Những năm tháng còn vàng son, những sản phẩm ở Phước Tích bán rất chạy nên họ cũng dùng tên là làng “Kẻ Đột”. Đột là một sản phẩm dùng trong gia đình xưa mà người dân Phước Tích làm ra.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Năm 1967, là thời khắc đánh dấu một quá trình của gốm Phước Tích. Chiến tranh nổ ra ác liệt, người dân phải bỏ xứ, tản mát về các làng quê khác tránh bom đạn. Bố mẹ ông Diễn gùi gánh, đem con đi lánh nạn. Khi đến vùng đất khác, tạm yên ổn bố ông lại dựng lò làm gốm phục vụ người dân. Gốm Phước Tích tiếp tục đỏ lửa nhưng không bằng thời gian trước.

Khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, gia đình ông Diễn cùng người làng lũ lượt kéo nhau về lại quê. Quay về, họ chưa dám bắt tay vào làm gốm nhưng cũng chẳng biết làm nghề gì khác.

Một buổi tối năm 1976, tại nhà ông Diễn, ông cùng với bốn người khác họp bàn về chuyện đỏ lửa lại làng gốm. Cuộc họp diễn ra trong ánh đèn dầu. Mọi người nhanh chóng tìm được tiếng nói chung.

“Phải đỏ lửa lại làng nghề, không có gốm, không có Phước Tích”, ông Diễn vẫn nhớ như in câu nói mà cả mấy anh em thống nhất với nhau.

Sáng hôm sau, khi thông báo về việc tái thiết lại làng gốm, người dân nghe tin họ rất vui mừng, ai cũng sẵn sàng để đóng góp tiền của dựng lại lò.

“Người 2 đồng, người 5 đồng đóng vào như cổ phần để phục hồi nghề”, ông Diễn kể. Việc phục hồi được gốm cũng nhờ trong làng lúc đó còn rất nhiều tay nghề tốt. Sản phẩm làm ra cũng như xưa với các vật dụng phục vụ trong đời sống sinh hoạt. Cả làng tập trung lại làm chung, theo hình thức khoán.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Việc phục hồi làng nghề chưa đi được bao xa, 13 năm sau gốm Phước Tích lại một lần nữa tắt lò. Nguyên nhân được ông Diễn cho rằng do không thay đổi mẫu mã, khó tiếp cận thị trường khi người tiêu dùng đã có nhiều sự lựa chọn hơn.

“Từ 1470 đến 1967, gốm Phước Tích chưa bao giờ thay đổi mẫu mã. Có cải tiến nhưng không đáng kể. Đó là một lý do khiến gốm bị đi xuống và không tồn tại được”, ông Diễn nói.

Đến giờ này, ông vẫn giữ quan điểm lý do đầu tiên khiến gốm không trụ vững là do không cải tiến, nếu thay đổi thì thị trường sẽ chấp nhận.

10/4/1989, thông báo về việc giải thể Hợp tác xã gốm Phước Tích được phát đi. Khi tắt lửa lần hai, ông Diễn và những người trước đó đi đầu trong việc tái thiết đã không còn mặn mà khuyến khích người dân gắn bó.

“Cũng buồn thật vì mình quá tường tận về gốm, đi qua biết bao sự thăng trầm của gốm, nhưng đành chấp nhận”, ông Diễn nói, giọng trầm xuống.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Một đêm cách đây gần hai thập kỷ, Hiền quyết định bỏ nghề kim hoàn, đi tìm hiểu học làm gốm. Quyết định bỏ một nghề đã theo mình 20 năm, anh không một chút đắn đo.

“Tôi tự quyết luôn, không mất thời gian, không ai ngăn cản được”, Lương Thanh Hiền nói.

Người đàn ông quay về làng, tiếp nối nghề của cha ông bởi suy nghĩ: “Cũng là một cục đất, họ làm giàu bằng cái nguyên liệu đó được, nhưng tại sao mình là một cái nôi, một làng nghề nổi tiếng thì không làm được. Lỗi mai một là do ai?”. Anh đặt ra câu hỏi rồi tự trả lời “Phải nói thật, ông cha mình không có một người để chuyển đổi. Trong một thế hệ giao mùa đó, không ai thay đổi, ngày xưa thì rất thô sơ, chủ yếu làm ra om, trách, lu… chuốt lên nó méo mó. Những cái đó giờ có hợp với thị hiếu khách hàng hay không?”.

Nghệ nhân trải lòng, vì mê gốm nên tự bỏ ra làm hết. Anh suy nghĩ, tại vì sao tất cả các làng nghề khác họ phát triển, còn cha ông mình thì cứ bổn cũ soạn lại. Đời ông cha làm ra cái om, cái lu đến đời con cháu, chắt cũng cứ làm ra sản phẩm y như vậy thì tiêu thụ cho ai.

Đầu năm 2003, anh Hiền cùng 4 người khác trong làng khăn gói ra gốm Bát Tràng, Hà Nội học nghề. Ngày lên đường, ngoài vài bộ quần áo, chút ít tiền lận lưng, một lời hứa giúp đỡ từ chính quyền, họ đi với tâm thế không để gốm Phước Tích phải tắt lửa suốt đời.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Anh Lương Thanh Hiền chia sẻ về hành trình đến với gốm.

Chuyến đi của 5 thanh niên khi ấy không tránh khỏi những bất trắc, mông lung. Trong đầu họ, đôi lúc đã lóe lên một vài suy nghĩ bi quan. Nhưng họ đã động viên nhau, cố gắng vượt qua để về làng gầy dựng lại cơ nghiệp cha ông.

Chuyến xe đưa Hiền và những thanh niên đổ xuống làng nghề gốm Bát Tràng, trước mắt họ là những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Hiền nghĩ thoáng qua, liệu mình có làm được như vậy không? Liệu mình có xoay chuyển được làng gốm đã tắt lửa gần hai thập kỷ? Liệu thị trường có chấp nhận sản phẩm của mình?

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, nhưng Hiền biết, nếu anh không làm thì làng nghề gốm Phước Tích rất dễ bị vùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng sau này, khi sản phẩm đã được đón nhận, Hiền lại nói với sự khiêm tốn “nếu anh không làm thì chắc cũng có người khác”.

Họ bắt tay vào học nghề, xem người ta làm gốm như thế nào mà luôn được thị trường đón nhận. Kỹ thuật nung bằng gas ra sao.

“Nói thật, ra đó tôi chỉ học về cách thức, kỹ thuật. Xem họ làm rồi mình nghĩ, gốm Phước Tích cũng phải thay đổi, không thể cứ ngồi bàn xoay mà chuốt mãi được. Phải đúc khuôn, cho ra sản phẩm gốm mới, đa dạng sản phẩm hơn”, Lương Thanh Hiền nhớ lại.

Hiền hy vọng khi khách hàng tìm đến Phước Tích, họ muốn đặt mặt hàng gì anh cũng sẽ đáp ứng được. Khách muốn lư xông trầm, anh sẽ làm được. Khách muốn bình hoa kiểu cách, đắp rồng, hoa lá anh cũng sẽ thực hiện đẹp. Khách muốn bình trà đẹp hơn, anh sẽ làm ra được bình trà. Nghệ nhân trẻ không muốn khách đặt hàng này hàng kia mà mình chịu bó tay “như vậy thì không đi đường dài được”.

“Thay đổi. Phải luôn luôn thay đổi”, đó là hướng đi mà Hiền vạch ra.

Festival Huế 2006, những sản phẩm gốm của anh được đem vào trưng bày tại các gian hàng triển lãm, thu hút khách. Nhiều người đón nhận, mua và đặt hàng. Hiền nghĩ, vậy là gốm của mình đã được đón nhận.

“Sống rồi”, nghệ nhân trẻ nghĩ thầm, dẫu đường đi phía trước vẫn còn dài và gian nan.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Hai năm đi đi về về, bao nhiều vốn liếng tích góp anh bỏ vào những ngày tháng học nghề rồi về làng dựng lại cơ nghiệp. Xưởng gốm gần hai thập kỷ nguội lò chỉ còn lại những trụ cột bê tông bong tróc, xuống cấp. Hiền bỏ tiền vào sửa sang, lợp lại mái, đổ lại nền. Một dự án đã hỗ trợ anh dựng lò nung bằng gas.

Quá trình làm gốm chưa đến đâu, 4 người đi học cùng anh đã lần lữa bỏ nghề. Hiền tự động viên mình cố gắng bám trụ lại. Người làng Phước Tích ngày ngày đi qua về vẫn ngoái vào nhìn xem chàng trai đang làm gì với nghề gốm. Nhiều người khen, và cũng có người chê khi thấy anh bám trụ với nghề. Nhưng anh Hiền không có thời gian để ý đến những lời đó.

“Ai khen ai chê kệ, mình có quyết tâm thì cứ làm thôi. Sản phầm làm ra được khách hàng đón nhận, đó sẽ là câu trả lời cho mọi người”, anh Hiền tâm niệm.

Gốm Phước Tích có tiếng cũng vì có tuổi đời lâu năm. Nhưng, thứ làm nên tên tuổi gốm này là chất đất vì sự dẻo dai, mềm mại dễ tạo hình. Để lấy được thứ đất đem về làm gốm không phải dễ. Muốn có đất ưng ý, anh Hiền phải đi về những đồng ruộng cách làng hơn 12km, đào đất lên nhào nặn xem đúng chất đất như ý mình hay chưa. Khi đã thỏa lòng, anh bắt đầu tìm đến chủ đất, đền bù hoa màu nếu đang vụ sản xuất sau đó thuê xe về đào xúc.

“Có khi đất nằm cách chừng 0,5 mét, nhưng cũng có chỗ đất làm gốm nằm sâu 2-3 mét. Muốn lấy được đất phải có nghề, không quen, không rành lấy về không làm gốm được”, anh Hiền nói.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Du khách tham quan, mua gốm ở cơ sở sản xuất của anh Hiền.

Một khối đất đem về đến xưởng đôi khi có giá 7 đến 10 triệu đồng/khối. Nhưng anh Hiền vẫn xem đây là thứ nguyên liệu rẻ và dễ dàng sáng tạo ra mọi thứ nếu mình có tâm huyết, sự kiên trì và chút năng khiếu.

Từng làm kim hoàn nên anh hiểu giá trị của sản phẩm làm ra từ đất. Anh bảo, trước đây làm một chiếc nhẫn, giá công chủ trả cho anh 500-600 nghìn đồng nhưng khi dũa chỉ cần sơ suất và không thu hồi lại được lượng vàng rơi ra thì xem như công cóc.

“Nhiều lúc trời nắng nóng mình không dám mở quạt vì sợ bay bụi vàng”, anh nói “Với nghề gốm, từ một cục đất vô tri, mình thổi hồn vào đó để ra một sản phẩm giá trị thì không có nghề gì sánh bằng”.

Nhưng không phải ai cũng làm được gốm, nhất là gốm mới với các họa tiết trang trí nếu không hiểu được đất. Nhiều người từ các trường Đại học Nghệ thuật tìm về Phước Tích nghiên cứu làm gốm, ban đầu họ tưởng dễ nhưng khi bắt tay vào làm, đắp các chi tiết, con rồng, hoa lá cành lên sản phẩm đều thất bại.

Những người níu giữ gốm Phước Tích

Anh Hiền bên sản phẩm của mình.

“Phải hiểu được nguyên lý của đất, khi ra khuôn thì lúc nào phù hợp để đắp họa tiết, lúc nào không nên đắp. Đắp muộn thì khi nung nó sẽ nứt nẻ ngay. Cứ tưởng học cao, học nhiều thì ưa gì làm đó thì thất bại ngay. Một số người đã làm và thất bại”, nghệ nhân trẻ chia sẻ.

Anh Hiền nói rằng, chất gốm Phước Tích đi đâu họ cũng mê. Ba yếu tố quyết định để ra được sản phẩm bền, đẹp: nhất xương (tức là đất), nhì gia (gia công, là làm ra đẹp, tinh tế), thứ 3 giặt lò (nung lò).

Những người níu giữ gốm Phước TíchNhững người níu giữ gốm Phước Tích

Nghệ nhân cẩn thận trong từng công đoạn

Một cục đất nếu người tài giỏi, làm ra sản phẩm bán tiền triệu; người vụng về làm ra bán 5-7 chục nghìn, cũng có người không biết gì, bắt ra sản phẩm bán chẳng ai mua. Anh Hiền cho rằng yếu tố con người cũng quan trọng, phải biết tư duy vào trong sản phẩm.

Người làng kể lại rằng, ngày xưa làm nghề hầu như không ai truyền cho người khác làng, nhưng bây giờ Phước Tích thì con em ăn học thành tài nên đi xa lập nghiệp cả, không ai theo nghề gốm.

“Làm gốm thấy thì sướng, ngồi trong im trong mát nhưng thật ra nó cực lắm, mình phải hiểu cục đất đi lấy từ đâu về, lấy đất ra sao”, anh Hiền nói rồi chia sẻ thêm: “Khi mình làm ra mà có người mua là vui, chứ nói về tham vọng thế này thế khác thì nhiều thứ lắm, khó nói”.

Phước Tích giờ không còn ai làm gốm truyền thống nữa. Ông Diễn thì vẫn duy trì làm vài sản phẩm, đun bằng lò củi để khỏi nhớ nghề. Ngôi nhà rường cổ được ông dùng làm nơi trưng bày các hiện vật về gốm xưa, như một minh chứng cho con cháu về sau.

Đứa cháu nội năm nay học lớp 6, và cô con dâu thứ những ngày nghỉ hay về quê, theo ông học chuốt gốm. Người con dâu là giáo viên hứa sau này về hưu sẽ nối nghiệp ông làm gốm. Nhưng năm nay, cô giáo chỉ mới bước vào tuổi 37!

Phóng sự của: NGUYỄN ĐẮC THÀNH - NGUYỄN TUẤN HIỆP

Ảnh, Video: NGUYỄN TUẤN HIỆP

Đồ họa: HOÀNG LINH