Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Câu chuyện dưới đây kể về những người thợ máy âm thầm làm việc để "giữ nhịp đập của trái tim buồng máy", vươn mình hoàn thành nhiệm vụ sau những chuyến hải trình dài.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Trên đoàn hải trình 13 với chủ đề “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với kíp thợ máy của tàu KN 390. Họ là những người học ngành 5, tốt nghiệp Đại học Hàng Hải, chuyên ngành máy tàu thủy, quê huyện miền biển Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Đào Doãn Hoàng, 29 tuổi, được phân công về một đơn vị quân đội rồi được điều chuyển sang Chi đội Kiểm ngư số 3, làm trưởng ngành máy của tàu Kiểm ngư KN - 390 hiện đại.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Đại hội Chi bộ tàu kiểm ngư 390 (nhiệm kỳ 2022-2025).

Từ đó, Hoàng và các đồng đội lênh đênh theo những chuyến tàu phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong đất liền ra thăm các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi chuyến tàu ra khơi đúng hải trình và an toàn tuyệt đối trở thành niềm vui chung không chỉ của các thành viên trên tàu mà còn là hạnh phúc của mỗi cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thợ máy trên tàu.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Kiểm ngư KN - 390 là một con tàu hiện đại, được ví như “Kình ngư trắng giữa biển xanh”.

Tàu kiểm ngư số hiệu KN-390 là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn do Tập đoàn Damen - Hà Lan thiết kế. Tàu có chiều dài 90,5m, chiều rộng lớn nhất là 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn. Trong điều kiện bình thường, tàu có tầm hoạt động liên tục 5.000 hải lý. Kiểm ngư KN - 390 là một con tàu được thiết kế và đóng mới rất hiện đại luôn cần khoảng 10 người thợ máy chia nhau ca kíp vận hành để bảo đảm an toàn tuyệt đối với phương châm "tàu là nhà, biển cả là quê hương".

Với nhiều tính năng ưu việt được trang bị, tàu kiểm ngư KN-390 là phương tiện tuần tra, thực thi pháp luật, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân vô cùng hiệu quả trên các vùng biển của Việt Nam, có mặt thường xuyên trên các vùng biển Việt Nam để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, thực thi pháp luật trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Ở các vị trí khác nhau trong buồng máy, các anh rất ít khi nói về mình, về công việc nặng nhọc hay áp lực mỗi ngày, trên mỗi khuôn mặt đều toát lên niềm vui và tự hào khi mỗi ngày trôi qua, mỗi chuyến hải trình lại được sống với đam mê, cống hiến hết mình cho những con tàu ra khơi an toàn.

Máy trưởng Đào Doãn Hoàng kể về niềm vui của người thợ máy tàu: Mỗi chuyến hải trình, dù ở dưới buồng máy nhưng chúng em vẫn được gặp gỡ rất nhiều người từ khắp mọi miền lên tàu để đến những đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Những tối buông neo, chúng em cũng giải trí bằng việc câu cá, câu mực dưới biển, được giao lưu với các đoàn công tác từ mọi nơi, nhất là những người đồng hương quê nhà của các thủy thủ trên tàu.

Trong hải trình 13 này, các thủy thủ, thợ máy được ca sĩ Phương Thanh, đạo diễn - NSƯT Trịnh Mai Nguyên và nhiều văn nghệ sĩ xuống tận buồng máy để hát và giao lưu cùng các thủy thủ, thợ máy và họ cũng hát tặng các ca sĩ nhiều bài hát về lính biển như "Khúc quân ca Trường Sa", "Bài ca người chiến sĩ Hải quân", "Lướt sóng ra khơi"…

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Những khúc ca về biển đảo và người lính được ca sĩ Phương Thanh (giữa) và mọi người cùng hát dưới buồng máy như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để các thủy thủ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thợ máy – điện trưởng Hồ Quý, sinh ra ở vùng đất gió lào Nghệ An đã có 35 năm làm nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật máy tàu, anh luôn vui vẻ hòa đồng và cảm thấy hạnh phúc vì trọn đời tận hiến cho công việc âm thầm, lặng lẽ mà không phải ai cũng biết được nhiệm vụ của các anh.

"Năm sau, tôi được nghỉ công tác và về đất liền với vợ con sau 36 năm làm việc. Tôi vui vì mình luôn tận tụy với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tôi luôn biết ơn người vợ ở quê đã tảo tần gánh vác công việc thay tôi chăm cha mẹ già, nuôi con thơ để tôi yên tâm công tác. Trở về đời thường, tôi mong sẽ bù đắp những thiệt thòi, vất vả phần nào cho người vợ đã nửa cuộc đời xa chồng".

Hỏi về người vợ ở nhà đã chia sẻ, cảm thông thế nào cho nghề nghiệp của mình, anh Hồ Quý nói: "Có gì đâu, vợ tôi quen rồi các anh ạ". Đó là "quen" từ việc anh xa nhà đằng đẵng, "quen" việc tự mình nuôi dạy con cái, "quen" việc chăm sóc bố mẹ hai bên và quen cả việc xa chồng thường xuyên và vô vàn thứ phải "quen" nữa trong cuộc sống thường ngày.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

"Nếu không có những người vợ đảm đang như thế, chắc tôi và anh em làm việc trên tàu khó mà yên tâm công tác, nhất là với các thợ máy trẻ bây giờ", anh Hồ Quý (đeo kính đứng giữa) trải lòng.

Trên những chuyến tàu, mỗi lần gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư, các anh say sóng đến tối tăm mặt mũi, nhưng đến ca trực các anh vẫn phải vào ca làm việc. Ngày qua ngày, cứ vào ca làm việc rồi lại nghỉ hết ca, cứ thế xoay vòng, nếu hôm nào phải làm tăng ca thì đó là việc bất đắc dĩ.

Những hôm gặp gió mùa, biển động, sóng đánh trùm lên cả boong tàu, ai cũng quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào. Say xe thì chỉ vài giờ lúc chạy xe, chứ đi biển thì có khi say sóng triền miên ngày này qua ngày khác theo hải trình đến khi nào không say được nữa mới thôi. Mặc dù say thì các anh vẫn phải làm việc bình thường, vẫn phải ăn uống để lấy sức làm việc. Thậm chí có những chuyến đi quá dài thì khi đặt chân lên đất liền có cảm giác chòng chành, khó chịu mà những người thủy thủ như các anh nói vui là say đất.

Làm nghề thủy thủ, điều khiển những con tàu vất vả là thế nhưng để trở thành một sỹ quan, thuyền viên đâu phải dễ dàng. Phải học tập và rèn luyện sức khỏe bản thân từ thời gian ngồi trên giảng đường đại học. Quá trình làm việc phải trải qua tuần tự các chức vụ thuyền phó 3, phó 2, phó 1 rồi cuối cùng mới được làm thuyền trưởng hay thợ máy 3, máy 2, máy 1 rồi mới đến máy trưởng…

Người thủy thủ còn phải tranh thủ thời gian trên bờ để đi học các lớp y sơ cứu để tự chăm sóc sức khỏe cho mình mỗi khi đi tàu.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Đây là chia sẻ rất thật lòng, chân thành của nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật máy tàu nói chung và máy trưởng Đào Doãn Hoàng nói riêng khi đúc kết ngắn gọn về công việc thầm lặng của mình.

Với nụ cười hiền lành khác hẳn con người khô cứng như chuyên ngành kỹ thuật được học ở trường đại học, Đào Doãn Hoàng ít nói về bản thân mà kể về việc chung của cả nhóm như đều có đam mê máy móc, thiết bị cơ khí từ nhỏ đã nuôi dưỡng giấc mơ đó khi thi vào trường đại học để rồi ra trường được làm đúng sở trưởng, niềm yêu thích của mình.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

"Em và nhiều người đã may mắn được theo đuổi đam mê máy móc kỹ thuật và làm đúng chuyên môn, sở thích. Nhất là luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình và đồng nghiệp đối với sự lựa chọn của mình là trở thành sĩ quan máy tàu biển", Hoàng (ngoài cùng bên phải) chia sẻ.

Là lính trẻ mới "gia nhập" đội thợ máy của tàu KN - 390, Chi đội Kiểm ngư số 3 sau khi tốt nghiệp đại học ngành cơ điện, Nguyễn Hữu Thắng, 25 tuổi, quê huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thấy mình rắn rỏi, trưởng thành hơn sau nhiều chuyến hải trình an toàn cùng đồng đội đi biển dài ngày.

Là người trẻ, anh được giao nhiều công việc để thử thách và tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, sau những giờ làm việc, anh cũng mạnh dạn giao lưu văn nghệ với nhiều văn nghệ sĩ, thành viên trên tàu mỗi lần tàu buông neo, lên đảo.

Thân hình vạm vỡ, điển trai pha chút nắng gió của biển khơi khiến cho chàng thợ máy trẻ luôn là tâm điểm của mỗi buổi giao lưu với các đoàn công tác ra thăm đảo.

"Mỗi hải trình an toàn luôn là một trải nghiệm đẹp với em bởi được học hỏi rất nhiều từ các thủy thủ trên tàu, từ các thế hệ đi trước từ cách sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc, sự hòa đồng vui vẻ và trên hết đó là "Tổ quốc nhìn từ biển" thật tuyệt vời mà bất cứ ai đã trải nghiệm đều thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", lính trẻ Nguyễn Hữu Thắng tâm sự.

Trong kíp trực hôm ấy trên tàu KN - 390, hỏi về niềm vui của những thợ máy, người giữ "nhịp đập trái tim" trên những con tàu là gì, ai cũng nói "tiếng máy nổ giòn, tàu chạy bon bon, giấc ngủ mới ngon".

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Nỗ lực rèn luyện, làm chủ công nghệ

Nói về các trưởng máy, nhân viên máy tàu trong Chi đội của mình, anh Vũ Đức Giang, Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư số 3, cho biết: Những năm qua, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đơn vị đã được tăng cường thêm nhiều tàu thuyền mới, trang bị hiện đại với đặc thù là đơn vị thường xuyên duy trì lực lượng tàu hoạt động dài ngày trên biển, nên việc huấn luyện và bảo đảm công tác kỹ thuật đồng bộ là nội dung rất quan trọng của Chi đội.

Theo anh Vũ Đức Giang, đối với ngành cơ điện trên tàu, nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống động lực được coi là "trái tim con tàu", luôn được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều đó, cán bộ và nhân viên phải luôn cố gắng và làm việc đầy thầm lặng nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Người đi biển như các anh, vất vả lắm, khó khăn cũng nhiều, mà nỗi nhớ khi xa gia đình lại càng chẳng mấy khi vơi. Thế nhưng, các anh vẫn chọn cho mình con đường đó vì nó đã trở thành cuộc sống thứ hai mà các anh không thể nào rời xa được. Đối với các anh, niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất là sau mỗi chuyến hải trình, trở về mái nhà thân thương, được nhìn thấy niềm vui mừng của vợ, tiếng hò reo tíu tít của các con, cùng những cái ôm, hôn đong đầy yêu thương, mong nhớ.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Các tàu Kiểm ngư và tàu tuần tra hiện đại có khối lượng trang bị ngành động lực nhiều, phức tạp nên các cán bộ, nhân viên kỹ thuật phải luôn cố gắng đầu tư thời gian và công sức để nghiên cứu, huấn luyện, làm chủ trang bị kỹ thuật trên tàu nhằm đáp ứng công việc ngày càng hiện đại, nặng nề.

"Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, cán bộ và nhân viên ngành cơ điện tàu thủy đã khẳng định được trình độ, năng lực và phẩm chất của mình, luôn đáp ứng sự tin tưởng của các cấp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", anh Vũ Đức Giang cho biết.

Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân (đứng giữa) đánh giá cao các cán bộ, nhân viên kỹ thuật máy tàu nói chung và những nhân viên phục vụ trên các tàu Hải quân và Kiểm ngư nói riêng.

Họ tận hiến cho công việc và luôn động viên gia đình, vợ con thay mình làm con đẻ chăm sóc bố mẹ, làm cha nuôi dạy con cái ở đất liền. Họ luôn có ý chí quyết tâm vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nỗ lực rèn luyện không ngừng trong chuyên môn để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Những đóng góp này luôn được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương, động viên khen thưởng kịp thời.

"Các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật máy tàu luôn giữ cho con tàu vượt sóng an toàn nhưng họ lại âm thầm làm việc ở phía dưới khoang tàu với trách nhiệm cao nhất để cho mỗi hải trình đều tốt đẹp", Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang chia sẻ.

Mỗi khi nói đến đời người thủy thủ, nhiều người vẫn tưởng rằng đó là một cuộc sống tự do, phiêu bạt nay đây mai đó. Nhưng thực sự, với nhiều thuyền viên, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc “bán” cả tuổi trẻ của mình cho biển cả mênh mông...


Những người giữ nhịp đập trái tim của "Kình ngư trắng giữa biển xanh"

Chúng ta băn khoăn, trên tàu biển Việt Nam có bao nhiêu chức danh thợ máy?

Điều 3 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Chức danh thuyền viên

1. Chức danh của thuyền viên trên tàu biển Việt Nam bao gồm: Thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai, sỹ quan boong (phó hai, phó ba), sỹ quan máy (máy ba, máy tư), thuyền phó hành khách, sỹ quan thông tin vô tuyến, sỹ quan kỹ thuật điện, sỹ quan an ninh tàu biển, sỹ quan máy lạnh, thủy thủ trưởng, thủy thủ phó, thủy thủ trực ca (AB, OS), thợ máy chính, thợ máy trực ca (AB, Oiler), thợ kỹ thuật điện, nhân viên thông tin vô tuyến, quản trị, bác sỹ hoặc nhân viên y tế, bếp trưởng, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ, thợ máy lạnh, thợ bơm.

Tùy thuộc vào loại tàu, đặc tính kỹ thuật và mục đích sử dụng, chủ tàu bố trí các chức danh phù hợp với định biên của tàu.

2. Đối với các chức danh không quy định cụ thể tại khoản 1 Điều này, thì chủ tàu căn cứ vào điều kiện kỹ thuật và mục đích sử dụng của tàu để bố trí các chức danh và quy định nhiệm vụ theo chức danh đó.

Như vậy, theo quy định trên, trên tàu biển Việt Nam có các chức danh thợ máy sau:

- Thợ máy chính;

- Thợ máy trực ca (AB; Oiler);

- Thợ máy lạnh;

Thợ máy chính trên tàu biển Việt Nam có những nhiệm vụ nào?

Điều 20 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Nhiệm vụ của thợ máy chính

Thợ máy chính chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy hai. Thợ máy chính có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc thiết bị theo yêu cầu và hướng dẫn của máy trưởng và các sỹ quan máy.

2. Quản lý và sử dụng thành thạo các máy công cụ và đồ nghề sửa chữa được trang bị cho bộ phận máy.

3. Thực hiện chế độ vệ sinh công nghiệp đối với máy móc thiết bị bộ phận máy.

4. Khi cần thiết, thực hiện nhiệm vụ trực ca của thợ máy theo sự phân công của máy trưởng.

Nhiệm vụ của thợ máy trực ca AB và thợ máy trực ca Oiler gồm những công việc nào?

Điều 21 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Nhiệm vụ của thợ máy

Thợ máy bao gồm: Thợ máy trực ca AB và thợ máy trực ca Oiler, chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy hai và sự phân công trực tiếp của sỹ quan máy trực ca.

1. Thợ máy trực ca Oiler có nhiệm vụ sau đây:

a) Thực hiện các công việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc thiết bị, vệ sinh buồng máy, nơi làm việc, tiếp nhận phụ tùng, vật tư theo sự phân công của máy hai;

b) Sử dụng máy móc, thiết bị cứu hỏa, cứu sinh, phòng độc, chống nóng, chống khói, lọc nước biển, dầu mỡ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do máy hai phân công.

2. Thợ máy trực ca AB có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của thợ máy trực ca Oiler và nhiệm vụ trực ca, chấp hành mệnh lệnh của sỹ quan máy trực ca.

Và theo Điều 37 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT có quy định như sau:

Nhiệm vụ của thợ máy trực ca

1. Thợ máy trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan máy trực ca; việc nhận và giao ca do sỹ quan máy trực ca quyết định.

2. Thợ máy trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Nắm vững tình trạng kỹ thuật và chế độ làm việc của máy móc, thiết bị ở buồng máy;

b) Tiếp nhận từ thợ máy giao ca tình hình hoạt động của máy móc, thiết bị và các khuyến nghị, mệnh lệnh của ca trước còn phải thực hiện; báo cho sỹ quan máy trực ca về việc nhận ca của mình;

c) Khi trực ca, thợ máy phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của các máy móc, thiết bị được giao; thực hiện đúng quy trình vận hành máy móc, thiết bị và vệ sinh công nghiệp ở buồng máy;

d) Khi phát hiện có hiện tượng máy móc hoạt động không bình thường hoặc những hỏng hóc của máy móc, thiết bị phải kịp thời có biện pháp thích hợp để xử lý và báo cho sỹ quan trực ca máy biết để có biện pháp khắc phục.

Thợ máy lạnh trên tàu biển Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ nào?

Điều 29 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định như sau:

Thợ máy lạnh chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của sỹ quan máy lạnh. Thợ máy lạnh có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo quản, bảo dưỡng, vận hành các máy móc, thiết bị của hệ thống làm lạnh trên tàu như hầm hàng, kho thực phẩm, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống làm mát và hệ thống khác theo đúng quy trình, quy phạm.

2. Sửa chữa máy móc, thiết bị làm lạnh của tàu theo sự phân công và hướng dẫn của sỹ quan máy lạnh hoặc máy hai.