![]() |
|
“Từ bé, tôi đã được bố mẹ cho đi học múa. Những ngày đầu tiên chạm vào đôi giày múa, tôi lúc ấy chỉ là một cô bé nhỏ xíu, say mê những bước chân uyển chuyển và nhịp nhàng. Cứ thế học thôi và mơ về một ngày mình tỏa sáng trên sân khấu lớn”, NSND Đặng Thu Dung mở đầu cuộc trò chuyện, trong một không gian ấm áp và thân tình. Việc học múa của người con gái gốc Hà Nội được định hướng bằng con đường thi vào Trường Sân Khấu Điện ảnh. Vượt qua hơn 3.000 thí sinh cùng ba vòng tuyển chọn khắt khe, Đặng Thu Dung chính thức trở thành sinh viên của ngôi trường mơ ước. “Nhưng chẳng ai ngờ, thay vì tiếp tục theo đuổi múa - thứ đã ăn sâu trong tôi tự thuở bé, tôi lại rẽ sang một con đường khác, lặng lẽ và kỳ lạ hơn nhiều: múa rối. Những năm tháng sinh viên, tôi chứng kiến nhiều bạn bè đồng môn lần lượt rời trường, người vì mất niềm tin, người vì áp lực mưu sinh. Nhưng tôi vẫn ở lại, kiên định, dù chính bản thân tôi không hiểu nổi vì sao mình lại bị mê hoặc bởi những con rối tưởng chừng chỉ là khúc gỗ vô hồn kia. Có lẽ, sâu thẳm trong con người tôi, luôn tồn tại một khát khao phiêu lưu và thử thách bản thân”, NSND Đặng Thu Dung kể.
Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, khi múa rối nước vẫn được coi là lĩnh vực dành cho nam giới vì yêu cầu sức mạnh và sự dẻo dai, bà đã dám bước vào một thế giới đầy thử thách. Có người tiếc cho sắc vóc của hoa khôi Đặng Thu Dung, nếu lựa chọn sân khấu khác, bà có đủ thanh sắc, tài năng, và cả sự tự tin để tỏa sáng. Nhưng, thủy đình và những con rối đã “gọi” bà như một mối lương duyên gắn bó cả đời. Làm nghề múa rối, với nghệ sĩ Thu Dung là một cách dẫn nhập và khám phá về nông thôn, nông dân và rộng hơn là nền văn minh lúa nước. Bà hiểu thêm về nguồn gốc nghìn năm của múa rối nước, về cung cách giải trí gắn liền với yếu tố “nước” của cư dân Bắc Bộ xưa, về con đường của múa rối nước đi từ làng xã vào cung đình nhờ tinh thần sáng tạo. Các tích trò dân gian của múa rối nước đã tiếp thu chọn lọc những tinh túy của nghệ thuật Chèo, Tuồng để phát triển thêm nhiều lời ca, lời thoại.
Con rối, do bàn tay con người chế tác thủ công, có tròn có méo nhưng là hiện thân của cuộc sống, mang hồn cốt riêng của mỗi nhân vật. Bàn tay của NSND Đặng Thu Dung, trong hàng chục năm, đã điều khiển những con rối thuộc phường lao động bình dân có khuôn mặt hồn nhiên, hài hước; đến những con rối thuộc “tầng lớp trên” có nét nghiêm trang mũ áo đề huề; hoặc những con rối mô tả các con vật tinh nghịch, tươi vui khiến trẻ con thích thú. Thế nên, khi đã mê rối nước, người nghệ sĩ có thêm chiều kích khám phá về lịch sử đời sống tinh thần của người Việt xưa bên cạnh sự sáng tạo trong từng vở diễn mang hơi thở đương thời. Sau nhiều năm cống hiến, cái tên Đặng Thu Dung đã chạm tới niềm vinh quang của nghề biểu diễn múa rối nước. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) vào năm 2015.
Trái ngược với NSND Thu Dung, nghệ sĩ Thúy Lan bắt đầu sự nghiệp với những suy nghĩ đơn giản về nghề. Lúc ấy, Thúy Lan không phải là người có hứng thú với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Múa rối nước với những yêu cầu khắt khe, những con rối phải điều khiển khéo léo, lại phải hát chèo, hát tuồng – tất cả đều là những thử thách lớn với cô gái trẻ. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là người thầy, người bạn đồng nghiệp – anh Nguyễn Tiến Dũng, Thúy Lan đã nhận ra rằng nghề múa rối nước chính là con đường mà mình cần phải đi. Năm 2003, Thúy Lan bắt đầu theo học tại Nhà hát Múa rối Việt Nam và không lâu sau đó, cô đã gia nhập đội ngũ nghệ sĩ nơi đây. Cái nghề tưởng chừng đơn giản, nhưng thực ra lại vô cùng gian nan. Theo lời Thúy Lan, năm ấy, lớp của chị thi vào được 15 người, nhưng dần dần "rơi rụng" hết, đến nay chỉ còn khoảng 5 người theo nghề múa rối nước.
“Bản thân tôi rất may mắn khi có những tiền bối nhiệt tình với nghề nghiệp, với đàn em như anh Dũng. Nếu không có sự hướng dẫn, động viên của anh thì bản thân tôi chưa chắc đã có thể trụ lại với nghề như bây giờ” – Thúy Lan chia sẻ. Mỗi buổi tập luyện đều đặn hàng ngày, ngoài việc học múa, học diễn, học hát chèo, tuồng, Thúy Lan còn phải làm quen với những kỹ thuật điều khiển con rối, điều khiển cảm xúc của mình qua từng động tác. Không phải ai cũng có thể kiên trì với công việc này, nhưng Thúy Lan đã quyết tâm không bỏ cuộc và chính sự kiên nhẫn ấy đã đưa cô trở thành một trong những nghệ sĩ múa rối nước tài năng và tận tâm của Nhà hát Múa rối Việt Nam. |
|
Tổ chức sân khấu của nghệ thuật múa rối nước đòi hỏi người nghệ sĩ biểu diễn luôn ẩn mình để thực hiện các tuyệt kỹ, giúp các nhân vật rối hiện diện sinh động theo lớp lang vở diễn. “Chúng tôi cả đời dầm mình dưới nước, đứng sau tấm mành tre, nhường lại hào quang sân khấu cho những chú Tễu, con rồng, con phượng, Tôn Ngộ Không… Những tạo tác từ gỗ sung là chủ yếu, tô vẽ thêm bằng sơn mài bỗng di chuyển trên mặt nước, theo tiếng nhạc và lời thoại, kể một câu chuyện về đời sống, mang theo một thông điệp về lẽ sống khiến người xem ngạc nhiên và thích thú. Những con rối vô tri trở nên có hồn khi được người nghệ sĩ điều khiển liền mạch, linh hoạt”, NSND Thu Dung nói. Thông thường, mỗi vở diễn rối nước có vài chục phút nhưng người nghệ sĩ và ê-kíp phải luyện tập dày công mỗi ngày. Con rối, một mình nó không to và nặng, nhưng đi liền với bộ điều khiển có thể lên tới 10 - 15 kg. Cử động của mỗi con rối như di chuyển, vờn, đuổi mắt…nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng phía sau hậu trường là bao khổ công của nghệ sĩ. Họ phải cầm trịch, nâng đỡ, điều khiển liên tục để hoạt động của con rối thật ăn khớp và uyển chuyển.
Những ngày trời lạnh dưới 10 độ, nghệ sĩ múa rối nước vẫn phải ra sân khấu biểu diễn, dầm mình dưới dòng nước buốt cắt da cắt thịt. Sau mỗi buổi diễn, không ai có thể đứng lên nổi vì cơ thể cứng đơ vì lạnh, tay chân như bị cóng. "Thời khó khăn nhất, không có thiết bị bảo hộ tốt như bây giờ, da chân, da tay tôi bong tróc, nứt nẻ, thậm chí còn bị viêm nhiễm,” NSND Thu Dung nhớ lại. Kiên trì bám nghề từ những thuở đầu gian khó, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, thời điểm chưa có điều kiện hoặc cần gấp, trong quá trình tập luyện, các nghệ sĩ phải uống nước mắm để làm ấm cơ thể. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, uống nước mắm sẽ cung cấp dinh dưỡng để cơ thể không mỏi mệt, đồng thời giúp nhịp tim gia tăng nhằm giải phóng áp lực đó khi ngâm mình lâu dưới nước. “Để có được vở diễn trong 1 tiếng, các nghệ sĩ phải cùng nhau tập từ 2-3 tháng. Có những con rối cần đến 5 người mới có thể điều khiển. Vì vậy, việc hợp luyện cần kiên trì. Dưới nước lâu như vậy, chúng tôi sau này đã chủ động hơn, chuẩn bị trà gừng, nước đường ấm để phục vụ công tác luyện tập. Nhiều lúc nhìn mà thương anh em, nhưng không như vậy, không thể có tác phẩm hay được”, NSND Tiến Dũng tâm sự. Ngày đông là vậy, trong những ngày hè, đeo bộ bảo hộ cao su dầm mình dưới nước, cơ thể họ như bị “đốt cháy” giữa hai tầng nóng bức: từ bên ngoài là ánh đèn sân khấu, từ bên trong là sức nóng của chính mình. Chuyện sốt, viêm phế quản, cảm lạnh, mất tiếng sau những lần diễn 2-3 suất/ngày dường như đã trở thành “chuyện thường ở huyện” với những nghệ sĩ múa rối nước. Để có thể che đi các thanh gỗ điều khiển rối, nước ở thủy đình buộc phải có đủ độ đục. Màu xanh đục đặc trưng trong mỗi vở diễn được tạo ra bởi một loại hóa chất đặc biệt. Khi làm việc dưới môi trường ngâm hóa chất này lâu, các nghệ sĩ thường mắc phải một số bệnh da liễu.
Nghệ sĩ Thúy Lan tâm sự: “Đặc trưng của nghề rối nước luôn phải đối diện với những vấn đề về xương khớp vì thường phải cúi người lâu, vừa mang vác đạo cụ nặng, vừa diễn xuất theo nhịp điệu âm nhạc, cơ thể phải vặn vẹo liên tục, đặc biệt là những động tác cường độ cao. Ngoài ra, còn có các bệnh về đường hô hấp khi thường xuyên làm việc trong môi trường nước ẩm và lạnh”. Những nghệ sĩ dần chọn cách “sống chung” với cơn đau nhói ở lưng, lan xuống chân môi khi trái gió trở trời. Bám nghề, đôi tay chằng chịt những vết nứt nẻ, lở loét vẫn kiên trì bám trụ với dây rối và đạo cụ, dù không ít lần bị bỏng khi tia lửa từ miệng rồng phun ra bất ngờ bắn vào. “Lúc làm nghề “say” lắm, có biết mệt, biết khổ là gì đâu. Nhưng tuổi nghề không lâu, đến tầm tuổi 30 trở đi sẽ dần thấm những cơn đau thấu xương, khả năng làm việc cũng theo đó mà giảm dần”, NSND Thu Dung tâm sự.
Đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng họ vẫn chỉ ẩn mình sau tấm màn tre, không ai nhìn thấy dung mạo thật, không ai biết tên thật. Hai, ba thập kỷ âm thầm lăn lộn, họ vẫn kiên trì đóng góp công sức của mình cho nghệ thuật mà không lời ca thán, hết mình truyền tải cảm xúc cho khán giả, thể hiện câu chuyện qua từng cử động của con rối. “Về hưu rồi mang theo trong người đủ loại bệnh tật, nhưng hỏi chọn lại có làm nghề này không, tôi chắc chắn vẫn sẽ nói “Có!”. Chẳng phải vì danh hiệu gì đâu, mà vì mình quá yêu từng thứ gắn bó với mình, từng con rối, từng sợi dây, thậm chí quen rồi là “yêu” cả những cơn đau ấy chứ”, NSND Thu Dung hài hước tâm sự. |
|
Mặc dù là một nghệ sĩ tài năng và có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, mức thu nhập của Thúy Lan lại khá khiêm tốn. Chị chia sẻ rằng, dù đã dành hết tâm huyết với nghề, nhưng lương của một nghệ sĩ múa rối nước chỉ đủ để trang trải cuộc sống cơ bản. Chính vì vậy, Thúy Lan đã phải tìm kiếm thêm công việc ngoài nghề, bán hàng online để trang trải cho cuộc sống của mẹ con chị. Với sự yêu nghề, tình yêu dành cho con trai và sự ủng hộ của gia đình, chị luôn tìm thấy động lực để bước tiếp. “Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, tôi vẫn sẽ không từ bỏ nghề múa rối nước. Vì nó đã ăn sâu vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi", Thúy Lan tâm sự. Chị Lan cũng chia sẻ thêm: “Là người mẹ đơn thân, nhà chỉ có một mẹ, một con trai. Khi còn nhỏ, con trai bị ốm, sốt, tôi cùng bà ngoại chăm sóc, thức thâu đêm, thế nhưng chị không bao giờ dám nghỉ các suất diễn. Dù mệt, tôi vẫn cố gắng tham gia để kiếm thêm thu nhập, đồng thời để cống hiến với nghề nghiệp”. Đứng trước những khó khăn trong cuộc sống, Thúy Lan đã từng phải rời bỏ nghề múa rối nước trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi lưu diễn ở Nga về, chị nhận ra rằng chỉ có nghệ thuật múa rối nước mới là nơi chị thuộc về. Nỗi nhớ nghề cứ theo đuổi Thúy Lan, thôi thúc cô trở lại với công việc mà mình đã gắn bó. Và khi trở lại, chị được đón nhận với sự nhiệt tình của đồng nghiệp và bạn bè trong Nhà hát Múa rối Việt Nam. Cũng có nhiều nghệ sĩ múa rối nước khác, vì mải mê chạy theo đam mê, hết mình vì nghệ thuật mà đánh mất hạnh phúc gia đình. Để sau này khi lùi lại sau ánh đèn, họ chỉ còn là những trái tim đơn độc. “Tiếc cho mình, cho đồng nghiệp và cho nghề. Nhưng không phải lúc nào mình cũng có thể đạt được mọi điều trong cuộc sống. Chúng tôi lại động viên, dìu dắt nhau qua nỗi nhọc nhằn”, nghệ sĩ Thúy Lan trải lòng. Cũng như nghệ sĩ Thúy Lan, NSND Đặng Thu Dung đã thầm lặng hy sinh cho nghệ thuật múa rối nước, không chỉ dừng lại ở sức khỏe, mà còn là cả tuổi thanh xuân và niềm hạnh phúc giản dị của một người mẹ, người vợ. Bà từng trải qua không ít “chao đảo” trong gia đình khi chồng bà, vì xót xa trước công việc quá vất vả mà thu nhập lại chẳng được là bao, đã khuyên bà từ bỏ sân khấu để chuyển sang kinh doanh hoặc nghề khác đỡ cực hơn. Khi được hỏi về mức thu nhập, NSND Thu Dung đã cười rằng: “Chúng tôi không dám nói ra những con số thời đó, sợ “bị” người ta thương. Ngày đó và có thể là cả bây giờ, ai may mắn có nền tảng kinh tế tốt thì trụ được với nghề; cũng nhiều người vì gánh nặng mưu sinh, cơm áo gạo tiền mà rời bỏ sân khấu. Không trách được, đáng thương nhiều hơn đáng trách”.
Thế rồi, bà đã thuyết phục gia đình bằng chính sự kiên nhẫn và chăm chỉ của mình. Bà luôn thu vén việc nhà, tranh thủ làm thêm công việc trang điểm cô dâu, và hơn hết là vẫn cống hiến trọn vẹn cho múa rối nước. Và “gái có công, chồng chẳng phụ”, khi chồng càng thấu hiểu và sẵn sàng gánh vác kinh tế gia đình, để bà yên tâm theo đuổi nghiệp diễn. Bà mỉm cười nói: “Và có lẽ, chính ngọn lửa đam mê không bao giờ tắt của tôi đã giữ ấm không chỉ sân khấu múa rối nước, mà còn cả mái ấm gia đình”. Trong câu chuyện của bà, có những nỗi niềm ngậm ngùi khi nhắc đến hạnh phúc gia đình của nhiều đồng nghiệp khác. Với nghề múa rối nước, sự hào quang trên sân khấu thường không đi kèm với sự đủ đầy trong cuộc sống. Nghệ sĩ dành hết tâm huyết cho nghề, nhưng thu nhập ít ỏi khiến giấc mơ giữ gìn tổ ấm thường tan vỡ như những bong bóng nước. Bao người yêu nghề đến cháy bỏng đã phải rời bỏ vì không thể gánh nổi gánh nặng cơm áo. “Tôi thương những bạn trẻ chọn múa rối nước. Đa số họ từ quê ra Hà Nội, bắt đầu từ con số không, làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và theo đuổi đam mê. Khó khăn không thể kể hết, từ việc tìm chỗ ở cho đến việc làm sao để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống, rồi còn lo liệu cho những buổi tập luyện, biểu diễn,” bà chia sẻ. Những bạn trẻ ấy, như bà thuở mới vào nghề, phải dồn hết sức lực vào từng buổi tập luyện từng vở diễn, để không chỉ trau dồi tài năng mà còn lo toan cho cuộc sống mưu sinh.
NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện tại, Nhà hát Múa rối Việt Nam có hơn 60 biên chế. Trong đó, lực lượng biểu diễn chính chỉ còn hơn 30 nghệ sĩ. Còn lại bao gồm nhân sự hợp đồng là các nghệ sĩ trẻ vừa ra trường và các bộ phận hậu cần, như: tạo hình con rối, hành chính,... Nỗi lo về những thế hệ kế cận, nối nghề vẫn luôn thường trực trong tâm can mỗi người nghệ sĩ gạo cội, những người dành trọn thanh xuân để yêu lấy con rối… |
|
NSND Đặng Thu Dung và các đồng nghiệp tại Nhà hát Múa rối Việt Nam đã cùng nhau biểu diễn thành công hàng trăm vở trên sân khấu trong và ngoài nước. Nhưng có một kỉ niệm về chuyến lưu diễn tại Paris (Pháp) mà bà luôn ghi lòng tạc dạ. Chuyện là, đoàn sang Pháp, với những háo hức mang theo những tiết mục đặc sắc nhất của rối nước Việt Nam để giới thiệu với khán giả châu Âu. Thế nhưng, Pháp lúc ấy đang chìm trong giá rét của mùa đông, với nhiệt độ xuống thấp, nước dưới dòng sông Seine chỉ còn vài độ C, lạnh buốt như nước đá. Đây là điều kiện mà các nghệ sĩ múa rối nước chưa từng trải qua. Các nghệ sĩ đứng ngâm mình trong nước suốt nhiều giờ liền để điều khiển những con rối, lạnh đến thấu xương, khiến cơ thể họ run rẩy, môi tái nhợt và hơi thở dường như đông cứng. Dù lạnh đến mức máu như ngừng chảy trong huyết quản, họ vẫn cố gắng hoàn thành từng động tác, từng cử chỉ của con rối một cách trọn vẹn nhất. Khoảnh khắc kết thúc vở diễn, khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô là phần thưởng lớn nhất cho mọi nỗ lực của đoàn. Những người nghệ sĩ run rẩy bước ra chào, cố gắng nở nụ cười tươi trên môi dù cơ thể như muốn khuỵu xuống vì kiệt sức. Nhưng ngay sau khi lui vào cánh gà, tất cả đều ngã quỵ vì không chịu nổi cái lạnh. Sau buổi biểu diễn ấy, nhiều thành viên trong đoàn lần lượt đổ bệnh, nhưng không ai hối tiếc vì đã cống hiến hết mình để mang đến cho khán giả quốc tế một màn trình diễn trọn vẹn.
Còn với NSND Nguyễn Tiến Dũng, hào quang lớn nhất mà nghề đem lại cho anh chính là khoảnh khắc những khán giả là kiều bào ta ở nước ngoài chẳng màng quần áo ướt, bẩn mà nhào tới ôm chầm lấy những nghệ sĩ sau mỗi tiết mục ở những chuyến lưu diễn. “Họ khóc vì tự hào khi thấy văn hóa Việt được tán dương ở quốc tế; khóc vì được sống trong không gian của làng quê Việt sau nhiều năm đằng đẵng tha hương và khóc vì thương chúng tôi sau nhiều giờ liền ngâm mình dưới nước. Nỗi nhớ nhà, rồi tình thương đồng bào cứ thế gắn kết chúng tôi, mếu máo như những đứa trẻ”, NSND Tiến Dũng tâm sự. Ở một khía cạnh khác, NSND Đặng Thu Dung cho rằng, tinh thần biểu diễn quốc tế chính là biểu hiện của khát khao của một thế hệ nghệ sĩ đã dấn thân mạnh mẽ để đưa múa rối nước chinh phục du khách quốc tế. Chính sự độc đáo của loại hình nghệ thuật này đã khiến nó vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Những câu chuyện mộc mạc, dân dã về làng quê Việt Nam, về cuộc sống lao động, về lịch sử và truyền thuyết của dân tộc được kể bằng những con rối gỗ, trên mặt nước, dưới ánh sáng huyền ảo, đã tạo ra một thế giới kỳ diệu. Trong mắt khán giả quốc tế, múa rối nước không chỉ là một loại hình giải trí, mà còn là sứ giả của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, những yếu tố kỹ thuật của múa rối nước, từ cách điều khiển con rối phức tạp đến việc sử dụng mặt nước làm sân khấu, đều khiến khán giả tò mò và cực kì muốn khám phá, am hiểu. Không ít du khách sau khi thưởng thức múa rối nước đã bày tỏ sự thán phục và xúc động. Họ nhìn thấy trong từng động tác của con rối không chỉ là sự khéo léo của giữa kỹ năng, sự sáng tạo mà còn là tâm hồn của người nghệ sĩ.
NSND Đặng Thu Dung luôn mang trong mình một mong ước sâu sắc dành cho thế hệ nghệ sĩ trẻ: giữ vững ngọn lửa đam mê đối với múa rối nước và họ sống được bằng nghề. Với bà, múa rối nước không chỉ là một nghề với những động tác điêu luyện để những con rối biết chuyển động, mà cốt lõi là những câu chuyện dân gian sống động, là nhịp đập của văn hóa dân tộc được truyền tải qua từng cử chỉ, từng âm thanh. Đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, giữa những giá trị xưa cũ với nhịp sống hiện đại. Chính vì vậy, bà muốn thế hệ nghệ sĩ trẻ không chỉ rèn luyện kỹ năng diễn xuất, mà còn phải đào sâu vào bản sắc văn hóa, hiểu rằng mỗi lần múa rối là một lần họ kể lại câu chuyện của dân tộc mình. Bà luôn tin tưởng rằng, nếu các nghệ sĩ trẻ kiên định và không ngừng tin tưởng vào nghề, họ sẽ khám phá được giá trị sâu sắc của nghệ thuật múa rối nước. Mỗi giọt mồ hôi rơi, mỗi vết thương, mỗi giờ luyện tập đầy nhọc nhằn chính là những hạt giống được gieo trồng cho tương lai, giúp họ vượt qua mọi thử thách để gìn giữ và phát huy hồn cốt của nghệ thuật dân tộc. Con đường này không hề dễ dàng, nhưng chính những gian truân ấy lại làm nên niềm tự hào và ý nghĩa sâu sắc. Và một ngày không xa, mỗi thủy đình sẽ kể những câu chuyện mới chứa đựng tình yêu, niềm tin và khát vọng, để nghệ thuật múa rối nước lan tỏa và vang danh. Những người như NSND Thu Dung, nghệ sĩ Thúy Lan chỉ là những mảnh ghép trong bức tranh đa sắc về những nghệ sĩ múa rối nước tài năng mà thầm lặng. Dù cuộc sống còn nhiều thử thách, nhưng họ luôn khẳng định rằng mình chưa bao giờ hối hận về con đường đã chọn. Và với niềm đam mê vô tận, họ vẫn sẽ tiếp tục “dầm mình dưới nước”, dù là bằng hình thức nào, để mang lại tiếng cười cho khán giả và làm đẹp thêm nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
|