Ngày 13/3, lãnh đạo, cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa có mặt tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức lễ dâng hương hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma. |
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được đặt tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm những ngày này được trang hoàng cờ hoa phấp phới. Nhiều người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đã tìm đến tượng đài thắp nén hương tri ân. Trong giây phút xúc động và trang nghiêm, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam dẫn đầu đoàn dâng hương, cùng các đại biểu tưởng nhớ về sự kiện lịch sử cách đây 33 năm. Ngày 14/3/1988, thời điểm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo đá Gạc Ma thì bị quân địch tấn công khiến 3 tàu vận tải cùng 64 cán bộ chiến sĩ anh dũng hi sinh khi quyết giữ đảo. Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương. |
Lãnh đạo, cán bộ Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). |
Lặng lẽ trong dòng người, cựu binh Lê Minh Thoa (ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), một trong những người còn sống sót sau sự kiện năm 1988 ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa) đến thắp hương tưởng nhớ các đồng đội của mình. Trước cụm tượng đài, ông nhẹ nhàng đặt vòng hoa tươi thắm rồi đứng nghiêm trang, khuôn mặt đau đáu nỗi niềm. Nhiều năm đã trôi qua, ký ức về sự kiện 14/3 vẫn còn nguyên vẹn đối với cựu binh này. |
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam thắp hương tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để bảo vệ biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. |
Những năm tháng tuổi trẻ của ông ở đó, gắn với những người đồng đội với mục tiêu chung giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hướng ánh mắt lên các mộ phần, ông Thoa lẩm nhẩm gọi tên từng đồng đội. “Làm sao có thể quên được! Hàng đêm tôi vẫn mơ thấy những đồng đội của tôi chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Bởi thế, tôi đặt tên cho quán phở nhỏ của mình là “Phở Gạc Ma - Trường Sa”. Điều này không phải để câu khách kiếm tiền mà tôi chỉ muốn mọi người mãi nhớ về sự kiện Gạc Ma”, ông Thoa tâm sự. |
Ông Lê Minh Thoa (ngồi bên trái) gặp mặt các cựu binh khác trong ngày đến viếng tại Khu tưởng niệm Gạc Ma. |
Nỗi đau thương mất mát không chỉ hằn lên ký ức những người đồng chí, đồng đội mà còn quặn thắt trong tim những người thân các liệt sĩ. Vượt nhiều cây số bằng xe máy, mẹ con bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, ở phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) đem theo một số lễ vật tới Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp hương cho chồng bà và các đồng đội của chồng. 33 năm liệt sĩ Doanh nằm lại dưới lòng biển sâu là bấy nhiêu năm người vợ trẻ nơi quê nhà không nguôi đau xót. “Năm đó, khi nghe tin các chiến sĩ chiến đấu ở Gạc Ma đã anh dũng hy sinh. Tôi vẫn không tin chồng mình đã ngã xuống, rồi cứ chờ đợi, cứ trông ngóng mãi cho đến lúc đơn vị báo tin mất tích, nhưng rồi cũng chỉ mong là mất tích thôi, tự nhủ mình rồi anh sẽ về, sẽ về… mà đến nay đã 33 năm rồi”, bà Hà nghẹn ngào. Từ ngày có khu tưởng niệm, cứ đến ngày giỗ, lễ, Tết, mẹ con bà Hà lại đến đây thắp hương tưởng nhớ. Khu tưởng niệm như “ngôi nhà chung” của chồng bà Hà và các đồng đội. |
Ông Thoa và bà Hà ngắm lại từng khuôn mặt của các liệt sĩ trong không gian trưng bày.
Có mặt tại buổi dâng hương, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (người phát động chương trình xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma), cho biết dù quay trở lại đây nhiều lần nhưng lần nào cũng trào dâng lên cảm xúc khó tả. Những hi sinh của các chiến sĩ đánh dấu quyết tâm của quân đội, nhân dân bảo vệ biển đảo quê hương. Nhưng thân xác các anh vẫn nằm lại ở biển khơi. Mong muốn đưa thân xác các anh về với đất mẹ là động lực thôi thúc việc xây dựng Khu tưởng niệm. Cũng tại buổi tưởng niệm, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận đề nghị của LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa về việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, tôn tạo Khu tưởng niệm, nhất là khi tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giao thêm phần đất nối liền với Khu tưởng niệm. “Ý tưởng của chúng tôi sẽ xây dựng thêm một Trường Sa thu nhỏ để nhân dân Việt Nam nếu không có điều kiện thăm Trường Sa thì đến đây có thể hình dung một cách đầy đủ hơn về một quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, ông Hải cho biết. |
Xuân Hậu Đồ họa: Minh Hồng |
Cập nhật cuộc thi ảnh “Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp” tuần 4 năm 2021
Cuộc thi “Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp” năm 2021 đã thu hút được nhiều công nhân tham gia. Đây là một ... |
Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam ký kết thực hiện Chương trình "75 nghìn sáng kiến"
Chiều 13/3, tại Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam, đóng tại KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị ký kết ... |
Trẻ trung, năng động với đồng phục Công ty TNHH Công nghệ COSMOS 1
Với 2 màu trắng và xanh nước biển, đồng phục cho cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, tỉnh Phú ... |