e magazine
13/08/2021 17:22
Những lao động thiếu đói giữa đại dịch

13/08/2021 17:22

Hà Nội giãn cách xã hội do Covid-19, nhiều lao động tự do mất việc làm, ai ở đâu ở yên đấy. Không ít người hiện rơi vào tình trạng thiếu đói, luôn thấp thỏm về những ngày sắp tới.
Những lao động lo thiếu đói giữa đại dịch

Những lao động thiếu đói giữa đại dịch

Hà Nội giãn cách xã hội do Covid-19, nhiều lao động tự do mất việc làm, ai ở đâu ở yên đấy. Không ít người hiện rơi vào tình trạng thiếu đói, luôn thấp thỏm về những ngày sắp tới.

Chỉ mong có đủ thức ăn sống qua đợt giãn cách

Quý bỏ dở bát cơm rồi đứng dậy, tha thẩn đi lại ngoài sân. Những người còn lại vẫn quây tròn quanh chiếc mâm giữa lán trại, cố ăn cho qua bữa.

Họ lần lượt buông đũa khi đĩa rau vơi quá nửa. Chỗ rau được mót ở khoảnh vườn của chủ nhà từ sáng để đem luộc là thứ đáng kể nhất trong mâm cơm trưa 12/8 của 6 lao động, bên cạnh bát mắm ớt.

Nhiều ngày nay, bữa ăn của những người đàn ông dân tộc Thái quanh đi quẩn lại chỉ có mì tôm, rau luộc và cơm trắng.

Tiếng loa phát thanh đầu thôn Nhuế oang oang thông báo truy vết liên quan các ca F0 trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Dường như không ai để ý bởi 3 tuần nay họ vẫn ở yên một chỗ, không tiếp xúc với bên ngoài.

Những lao động lo thiếu đói giữa đại dịch

Bữa cơm mùa dịch của những lao động tự do

“Chẳng ai dám ra khỏi cổng. Nhỡ công an bắt thì lấy tiền đâu ra mà đóng phạt? Thỉnh thoảng chị chủ lọ mọ xin được tí gì thì anh em ăn, không thì thôi”, Quý nói và cho biết trước mắt chỉ mong có đủ thức ăn để sống qua đợt giãn cách.

Người đàn ông 28 tuổi, có thâm niên hơn chục năm trong nghề phụ hồ nói thêm: “Bọn em ăn ngày 2 bữa, mỗi bữa thổi 2-3 bát gạo. Dầu ăn hết từ hôm qua, mắm chỉ đủ chấm 1-2 bữa nữa, có gói bột canh là còn nhiều”.

Bươn chải khắp trong Nam, ngoài Bắc từ khi học hết cấp 2, có lúc bị chủ quỵt lương tới 5-6 tháng nhưng Lường Văn Quý nói rằng chưa bao giờ thiếu đói như lúc này.

Hôm 18/7, sau cuộc điện thoại với mối quen để nhận việc, Quý từ biệt vợ và đứa con trai 2 tuổi, bắt xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội.

Trên quãng đường gần 400 cây số, anh dặn lòng cố gắng làm lụng gửi tiền về quê cho vợ con đỡ khổ. Anh còn nhẩm tính mỗi tháng sẽ để ra 831 nghìn để trả góp chiếc xe Win mua từ tháng 9 năm ngoái.

Ai ngờ, làm được mấy hôm, chưa kịp gửi cho vợ đồng nào thì Hà Nội giãn cách, Quý và mấy anh em đồng hương mất việc. Những đồng tiền công phụ hồ hết veo sau mấy buổi chợ trong tuần đầu giãn cách.

Những lao động lo thiếu đói giữa đại dịch

Lường Văn Quý ở yên một chỗ trong những ngày giãn cách xã hội

“Không ai còn tiền, lại không dám ra ngoài xin người ta”, Quý cho hay, 6 anh em chỉ biết ăn tạm bợ xong cắm đầu vào điện thoại rồi ngủ.

“Biết làm thế nào bây giờ. Bọn em không biết cầu cứu ai”, Lường Văn Xuân (SN 2002) nói thêm vào. Anh là một trong hai thanh niên trẻ trong nhóm, chưa lấy vợ.

Bốn người còn lại đều là lao động chính, xuống Hà Nội kiếm tiền nuôi vợ con ở quê. Bây giờ, tất cả chỉ mong ước được “đủ ăn đủ uống”.

Bữa ngon nhất có cá kho, rau dưa... đã cách đây hơn chục ngày

Trong một lán trại xập xệ ở đường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, 10 lao động tự do người dân tộc Thái quê Sơn La cũng đang chật vật xoay xở mong qua những cơn đói.

Trước kia, họ chủ yếu đi trộn bê tông tại các công trình dân dụng nhưng hơn 3 tháng nay, người chủ thầu bị bệnh, phải nằm viện, những lao động này chuyển sang làm cửu vạn.

Những lao động lo thiếu đói giữa đại dịch

Nơi ở của nhóm lao động tự do thuộc phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Bất chấp lời khuyên nên về quê, họ vẫn nấn ná ở lại kiếm ăn độ nhật để chờ cơ hội nhưng đến 24/7, khi Hà Nội giãn cách toàn thành phố, họ chính thức “treo niêu”.

“Phường cho giấy đi chợ, 3 ngày đi một lần nhưng hơn 1 tuần nay chúng tôi hết tiền, chẳng ai buồn ra ngoài. Cũng may là còn ít mì tôm để ăn cầm cự qua ngày”, anh Lường Văn Thanh (35 tuổi), quê xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nói.

Hằng ngày, anh Thanh gọi điện cho vợ, kể chuyện “ai ở đâu ở yên đấy”. Vợ anh quanh năm cày cuốc ở quê, nuôi một con bò và hai đứa con đang tuổi đi học, chẳng thể hình dung hết hoàn cảnh lay lắt của chồng và những người đồng hương lúc này.

“Năm nay nước không về, ruộng nương hạn hán, không được hạt lúa nào. Tôi đi làm 6 tháng nay chưa về quê, được đồng nào thì ra bưu điện gửi về cho vợ mắm muối nuôi con”, anh Thanh trải lòng.

“Mình phải nói là không đi làm được chứ vợ không biết lại tưởng mình không gửi tiền về đong gạo nuôi con thì cũng chết. Đến bữa thấy tôi ăn mì tôm, vợ bảo ăn uống thế thì chết, mấy nữa sao có sức đi làm nhưng tôi biết ăn gì khác ngoài mì tôm”, anh nói.

Những lao động lo thiếu đói giữa đại dịch

Những lao động mất việc làm tuân thủ quy định giãn cách nhưng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm

Hôm 9/8, thùng gạo nhìn thấy đáy, mì tôm hết sạch, anh Thanh đánh liều gọi cho chủ thầu kêu cứu. Ở trong bệnh viện, người này viết đơn xin cứu trợ, gửi tới UBND phường Đức Thắng.

“Các cháu là người vùng núi cao Sơn La, do dịch bệnh không đi làm được nên lâm vào cảnh đói, hết tiền ăn. Tôi đã cố gắng hỗ trợ nhưng chỉ được phần nào. Xin các cấp các ngành cứu trợ để các cháu có bữa ăn, thực hiện tốt việc cách ly tại nhà”, bà Khanh - chủ thầu viết trong đơn.

“Tôi thuê mảnh vườn của người ta rồi dựng tạm cái lán cho các cháu ở mấy năm nay, hồi còn khoẻ thì nhận việc cho các cháu làm, trả công theo ngày, nghỉ thì không có công. Mấy tháng nay tôi đi viện điều trị bệnh phổi, bỏ rơi các cháu phải đi làm linh tinh. Tôi bảo các cháu về quê thì chúng bảo chờ cô đi viện về, bây giờ kẹt lại thế này, tiền không có, tôi chỉ biết cầu mong các mạnh thường quân giúp đỡ cho họ sống được qua đợt dịch”, bà Khanh nói.

Sau lá đơn của bà Khanh, nhóm lao động tự do được chính quyền địa phương hỗ trợ 50 quả trứng, chục cân gạo, 5 gói phở và 5 gói lạc.

“Bữa tươm tất nhất cách đây đã hơn chục ngày, có cá khô, rau dưa. Hôm qua anh em mới lại được ăn bữa cơm ngon, có trứng và lạc rang”, anh Thanh nói và cho biết hiện trứng còn 20 quả, dầu ăn, mắm muối sắp hết.

Người đàn ông buồn bã nói: “Anh em phải chia ra, ăn nhiều nó lại hết, bữa sau biết lấy gì ăn”.

Ý YÊN

Xem phiên bản di động