
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025).
Tại chương trình, có 50 gương đoàn viên tiêu biểu trong phong trào tự học được vinh danh.
“Họ là những tấm gương sáng từ phong trào tự học trong đoàn viên, người lao động ở các cấp công đoàn”, ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
![]() |
Tỉnh Lâm Đồng xét chọn, tôn vinh và trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong phong trào tự học. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Từ mẻ nghệ quê nhà đến top TikTok Shop
Chị Dương Thị Tuyết Nhung – nhà sáng lập thương hiệu “Thuận Thiên” – chia sẻ hành trình khởi nghiệp đầy nghị lực từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo. Hơn 8 năm trước, hành trang của chị chỉ là những mẻ nghệ đỏ quê nhà và một chiếc xe máy cũ. Vậy nhưng từ đó, chị đã xây dựng nên thương hiệu “Thuận Thiên” với hai dòng sản phẩm chủ lực: tinh bột nghệ nguyên chất và viên tinh nghệ mật ong – sữa ong chúa.
Chị Nhung kể, suốt quá trình khởi nghiệp, chị vừa làm vừa học. Kiến thức đến từ sách báo, từ internet và thực tiễn mỗi ngày. Chị bắt đầu bằng những mẻ sản phẩm thủ công, tự tay vo viên từng viên nghệ. Dần dần, chị đầu tư máy móc để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Không chỉ sản xuất, chị Nhung còn chủ động học hỏi trong khâu tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm. Từ chỗ chỉ bán ở chợ truyền thống, chị chuyển sang nền tảng số: tự quay video, làm nội dung trên TikTok, giới thiệu sản phẩm trên Facebook, Shopee… nhanh chóng hòa nhập với làn sóng thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số.
“Tôi tiếp tục học hỏi, kết hợp bột nghệ với những nông sản khác ở địa phương như trà xanh, sữa ong chúa để tạo ra nhiều vị mới lạ, được khách hàng quan tâm, ưa chuộng”, chị Nhung chia sẻ.
![]() |
Chị Dương Thị Tuyết Nhung – nhà sáng lập thương hiệu “Thuận Thiên” thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được trao tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Nhờ tinh thần học hỏi không ngừng và sự sáng tạo trong lao động, chị Dương Thị Tuyết Nhung đã đưa sản phẩm mang thương hiệu “Thuận Thiên” lọt vào top 5 sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop.
Tính đến nay, “Thuận Thiên” đã ghi nhận hơn 300.000 lượt mua, được người tiêu dùng đánh giá trung bình 4,9/5 sao, đạt doanh thu hơn 7 tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, mô hình của chị đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động địa phương.
Năm 2024, chị Dương Thị Tuyết Nhung vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lương Định Của – một trong những giải thưởng uy tín về khởi nghiệp nông nghiệp.
Người lan tỏa văn hóa học tập trong doanh nghiệp
Với chị Nguyễn Thị Linh Phương – Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng – việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và công tác Công đoàn không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm huyết.
Chị luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn để tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo và Công đoàn, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống người lao động. Đồng thời, chị tích cực tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong công ty nhằm nâng cao tay nghề, chuyên môn và lan tỏa văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Không chỉ chú trọng phát triển đội ngũ, chị Phương còn không ngừng đầu tư vào việc học tập, nâng cao năng lực cá nhân. Bên cạnh các khóa đào tạo nội bộ, chị chủ động tìm kiếm và theo học các chương trình chuyên sâu.
Năm 2022, chị đã hoàn thành khóa học và nhận chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên đại học, cao đẳng – một bước chuẩn bị quan trọng để chị có thể phục vụ công việc hiệu quả hơn, đồng thời truyền đạt kiến thức, kỹ năng một cách bài bản cho đồng nghiệp.
Thầy giáo vùng cao và hành trình xây dựng "gia đình học tập"
Còn với thầy giáo Trần Đình Hiếu – giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Đạ Huoai – câu chuyện mà thầy chia sẻ lại gắn liền với hành trình học tập đầy nỗ lực của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, cậu học trò Hiếu vẫn được cha mẹ tần tảo nuôi ăn học đến hết lớp 12.
Thi không đỗ đại học, anh quyết định theo người thân vào Lâm Đồng lập nghiệp từ cuối năm 1989. Chính tại mảnh đất mới này, chàng trai nghèo năm nào đã bén duyên với nghề dạy học – một lựa chọn định hình con đường sự nghiệp và cuộc đời của anh sau này.
“Tôi quyết tâm thi vào Trường Trung học sư phạm Đà Lạt để theo nghề dạy học, nghề mà cả gia đình tôi trước đó chưa ai giám nghĩ tới”, thầy giáo Trần Đình Hiếu chia sẻ.
![]() |
Thầy giáo Trần Đình Hiếu - Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ câu chuyện về sự học của mình cùng các thành viên trong gia đình. Ảnh: Đỗ Lâm |
Thầy giáo Trần Đình Hiếu cho biết, sau khi tốt nghiệp, thầy trở lại huyện Đạ Huoai công tác và được phân công giảng dạy tại nhiều trường thuộc khu vực khó khăn của huyện.
Trong quá trình công tác và lập gia đình tại đây, thầy luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời san sẻ công việc gia đình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho vợ con.
Không dừng lại ở đó, thầy Hiếu luôn ý thức tự học, tự rèn luyện. Ngoài việc chủ động nghiên cứu, nâng cao nghiệp vụ, thầy còn tích cực học tập lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong ngành giáo dục.
Chia sẻ về hành trình học tập của mình, thầy nói: “Khi tuổi càng cao, việc học tập nâng cao trình độ của bản thân càng khó, nhưng tôi nghĩ việc học không chỉ cho mình mà còn làm gương cho đồng nghiệp và con cái”.
Từ suy nghĩ ấy, thầy giáo Trần Đình Hiếu không ngừng phấn đấu, vừa công tác, vừa học tập, lần lượt hoàn thành các bậc học cao đẳng, đại học và chương trình bồi dưỡng quản lý giáo dục. “Với tôi, đây quả là một kỳ tích mà chính tôi cũng không nghĩ mình đã vượt qua”, thầy xúc động chia sẻ.
Tấm gương của thầy cũng lan tỏa trong chính gia đình nhỏ của mình. Noi gương chồng, vợ thầy - cũng là một giáo viên - vừa giảng dạy, vừa chăm sóc gia đình, vừa theo học để nâng trình độ từ trung cấp lên đại học sư phạm.
Người con trai lớn của thầy đã nỗ lực giành học bổng toàn phần 5 năm du học tại Hoa Kỳ và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Toán học. Người con gái cũng nối tiếp truyền thống hiếu học của gia đình, đỗ tiến sĩ ngành Kinh tế tại Mỹ với học bổng toàn phần danh giá.
Với vai trò là trụ cột và người truyền cảm hứng trong “gia đình học tập”, thầy giáo Trần Đình Hiếu đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu "Học không bao giờ cùng" – một sự ghi nhận xứng đáng cho quá trình nỗ lực bền bỉ không ngừng nghỉ của người thầy vùng cao.
![]() |
Tỉnh Lâm Đồng xét chọn, tôn vinh và trao học bổng “học không bao giờ cùng” cho đoàn viên, người lao động tiêu biểu trong phong trào tự học. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời ở Lâm Đồng
Phát biểu tại lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2025, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng – cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần học tập suốt đời.
Ông nhấn mạnh, học tập thường xuyên, học tập suốt đời chính là chìa khóa để phát triển, nhất là trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế. “Tinh thần tự học, ý chí vượt khó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta noi theo”, ông Ngọc khẳng định.
Năm nay, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn và các địa phương xét chọn và vinh danh 50 gương tiêu biểu trong phong trào tự học. “Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là tinh thần vượt khó, không ngừng học tập để chạm tới ước mơ của mình”, ông Ngọc chia sẻ.
Theo ông, những tấm gương này – từ công nhân lao động đến cán bộ, công chức – sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “Học không bao giờ cùng” trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở Lâm Đồng.
Video thầy giáo Păng Ting Manh - Trường THCS Đưng K'nớ, huyện Lạc Dương, người được trao học bổng "Học không bao giờ cùng".
Tin mới hơn

Tại sao công nhân hay bị mất ngủ?

Lợi ích kép từ tăng thuế thuốc lá: Cơ hội vàng để bảo vệ sức khỏe và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Những bàn chân công đoàn chưa dừng bước
Tin tức khác

Những “đóa hoa Tháng 5” ở Lâm Đồng

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 2: Khi pháp luật “chạm” tới từng phận người

60% công nhân Thủ đô sống chật chội, tạm bợ: Nhà ở xã hội cần bước ngoặt mới

Niềm vui khi được là công dân Việt Nam - Kỳ 1: Hành trình từ bóng tối ra ánh sáng

Tiếp cận thông tin - “chìa khóa” phát triển bền vững của người lao động Dệt May Việt Nam
