e magazine
11/07/2024 15:55
Những "đóa hoa đời" thầm nở giữa vùng cao Quảng Trị - Bài 1: Nữ thủ lĩnh ở Tà Lao

11/07/2024 15:55

Trong khu rừng rậm, bao phủ những thảm thực vật, sinh cảnh, thiên nhiên dày đặc của núi rừng Đakrông, tôi bỗng thấy dáng dấp người phụ nữ ấy hiện ra, khi e ấp, khi dũng mãnh. Trong hương rừng tinh khôi, cô ấy toát lên vẻ đẹp cuốn hút lạ thường. Thật thú vị, tên cô là Men. Hồ Thị Men, 38 tuổi, một nữ thủ lĩnh nơi rừng thẳm Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Những "đóa hoa đời" thầm nở giữa vùng cao Quảng Trị - Bài 1: Nữ thủ lĩnh ở Tà LaoNhững "đóa hoa đời" thầm nở giữa vùng cao Quảng Trị - Bài 1: Nữ thủ lĩnh ở Tà LaoNhững "đóa hoa đời" thầm nở giữa vùng cao Quảng Trị - Bài 1: Nữ thủ lĩnh ở Tà Lao

Một sáng sớm ngày hè cuối tháng 6/2024 tại Nhà văn hóa Cộng đồng thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, cuộc “giao ban” cuối tháng của những thành viên Tổ Bảo vệ rừng (BVR) cộng đồng thôn Tà Lao diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Ngoài 10 thành viên, gồm 7 nam, 3 nữ, cuộc họp có sự tham dự của hai nhân viên đến từ Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông.

Nữ Tổ trưởng Tổ BVR Hồ Thị Men chủ trì nghe báo cáo sơ bộ tình hình chung về công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn thôn. Tin vui được báo lên: gần 1.148ha với 5 loại rừng như rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phục hồi, rừng trung bình, rừng nghèo... ở tiểu khu 721 và 723 thuộc Khu BTTN Đakrông mà tổ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ đều bình yên.

Và như mọi khi, chị Men vạch ra một kế hoạch tuần tra, phân cho các thành viên tuyến, điểm tuần tra, bảo vệ rừng trong tháng tới. Thông thường mỗi ngày cứ 2 người một hướng, Tổ BVR cộng đồng Tà Lao đi tuần ở rất nhiều tiểu khu nhận khoán. Gần 1.200ha chia cho 10 con người, tức là 1 người “ôm” gần 120ha. Không phân biệt giới tính, tổ tuần tra đều đặn lên rừng, ở lại qua đêm. Ngoài cây rựa, chiếc võng, nồi niêu, đèn pin... và một ít lương thực mang theo quen thuộc, thời gian gần đây, “vũ khí” lợi hại mà Tổ BVR Cộng đồng Tà Lao được hướng dẫn sử dụng là... chiếc điện thoại thông minh – Smartphone.Bài 1. Nữ thủ lĩnh ở Tà LaoBài 1. Nữ thủ lĩnh ở Tà Lao

Trong thiết bị cầm tay hiện đại này, Khu BTTN Đakrông cài đặt cho họ một phần mềm – app “Công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra.”, một phần mềm chuyên dụng trong công tác tuần tra BVR. Phần mềm này tạm hiểu là dùng hệ thống định vị GPS, quá trình tuần người tuần tra sẽ cập nhật thông tin, dữ liệu, hiện trạng, diễn biến hiện trường vào phần mềm... Qua đó Khu BTTN Đakrông sẽ nắm được thông tin, phối hợp xử lý tình huống, điều phối hoạt động cũng như nắm bắt thông tin, cập nhật dữ liệu mới nhất từ hiện trường.

“Hiện trong tổ mới chỉ 2 – 3 người có Smartphone để mang theo lên rừng tuần tra. Số còn lại chưa có nên cũng chỉ dùng điện thoại “cục gạch”, hy vọng Khu BTTN Đakrông quan tâm hỗ trợ cho tổ để mọi người sử dụng.”, chị Men nói, rồi ra dấu cả tổ lên đường là nhiệm vụ.

Tôi được theo chân họ, trực chỉ non xanh. Tôi được hướng dẫn một số kỹ năng đi rừng cơ bản, nhưng quan trọng nhất là không được đi quá xa họ và chú ý trượt ngã. Men theo những mỏm đá cheo leo của con suối chảy xuyên rừng già trong lòng Khu BTTN Đakrông đẹp như tranh vẽ có tên là Pa Cha, chúng tôi hướng lên non cao. Đi chừng 1 giờ, chúng tôi dừng lại, chia mũi tuần tra.

Bài 1. Nữ thủ lĩnh ở Tà Lao

Tôi được khuyên nên bám lại “trận địa”, theo chân thủ lĩnh Hồ Thị Men tuần tra khu vực thấp hơn, kẻo xảy ra những tình huống khó lường. Ở trong rừng tôi như con thỏ ngoan, theo chỉ dẫn của nữ thủ lĩnh Hồ Thị Men. Và như quy tắc của tổ khi tuần tra là im lặng, lắng nghe những âm thanh lạ nếu có. Chú ý quan sát trên lối đi để đảm bảo an toàn, chú ý những vị trí nghi ngờ những chiếc bẫy thú để tháo bẫy, ghi nhận, báo cáo... Chị Men thoăn thoắt những bước chân tựa như đã quá quen thuộc các lối đi. Không chỉ đôi tai, bước chân nhanh nhẹn, mà đôi mắt cũng phải tinh tường để quan sát chung quanh. Đó là “nghiệp vụ”, tố chất của những nhân viên tuần tra rừng. Dáng chị Men uyển chuyển, mềm mại như cánh hoa rừng. Nhưng có khi toát lên sự dũng mãnh, nhanh nhẹn, dứt khoát như một nữ tướng chỉ huy đội quân giữa rừng xanh.

Trên bước chân tuần tra, chị Men luôn nhắc tôi chú ý phía trên cao, nếu phát hiện có những đàn khỉ thì lập tức rời xa. Đồng thời phải quản lý túi xách, đồ đạt, máy ảnh, máy quay. Bởi những đàn khỉ sẵn sàng lao tới lấy cắp túi xách, tư trang để kiếm tìm đồ ăn. Có khi để xua đuổi con người chúng lăn đá từ trên núi xuống để bảo vệ môi trường sống của mình. “Tụi mình nhiều lần suýt vỡ đầu vì mấy đàn khỉ đấy. Chúng rất đáng yêu nhưng cũng rất dữ dằn.”, chị Men cười kể.

Hóa ra giữa rừng già điều đáng đề phòng không chỉ thú dữ, mà còn với những người bạn tinh nghịch này. Tôi có thêm một kỹ năng sau chuyến thâm nhập cấp tốc cùng với những người hùng ở Tà Lao.

Chị Men kể, thông thường mỗi nhóm có 2 người đi tuần. Cứ 3 ngày là một chuyến. Có khi họ tuần tra theo tổ của mình, nhưng cũng có khi phối hợp với các nhóm hộ bảo vệ rừng khác ở Tà Long tuần tra chung. Việc hợp tác tuần tra, tạo nên sức mạnh tập thể, hỗ trợ cho nhau xử lý tình huống. Riêng tổ chị Men các thành viên khi tuần tra tới đâu, diễn biến ra sao đều cập nhật thông tin qua app của Smartphone, hoặc dùng điện thoại “cục gạch” gọi điện báo cáo về cho chị Men. Căn cứ theo tình hình thực tiễn mà chị Men sẽ báo cáo với lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo Khu BTTN Đakrông để phối hợp xử lý.

Hôm nay là một ngày dài, nhưng vui vì không có gì bất thường. Tiếng chim rừng vẫn vang vọng. Hương rừng vẫn tỏa ngát trên lối tuần tra.

Ngoài chị Men, Tổ BVR cộng đồng thôn Tà Lao còn có 2 nữ đồng bào Vân Kiều là chị Hồ Thị Thế, chị Lê Thị Hải Tăng, trong đó chị Thế cũng là người gắn bó với tổ từ ngày đầu của 5 năm trước. Họ đều là phụ nữ trẻ thế hệ 8x, đã có chồng con, nhưng vì phải giữ rừng, bảo vệ non thiêng mà tham gia Tổ BVR cộng đồng. Theo quy tắc, các nhóm tuần tra thường phải ở lại đêm trên rừng và họ phải chuẩn bị những thứ cần thiết. 3 thành viên nữ cũng không ngoại lệ.

“Họ không thua chi tụi mình mô. Đi rừng rất giỏi. Cũng từng đối mặt với những người từ nơi khác tới khai thác rừng trái phép, hoặc đặt bẫy chim, thú. Nhưng họ đã dũng cảm đến gặp thuyết phục để những người này rời đi. Mang cưa xuống núi không bao giờ quay lại.”, anh Hồ La Hai, người đàn ông Vân Kiều trong Tổ BVR cộng đồng Tà Lao, kể.

“Đẳng cấp” của Tổ BVR cộng đồng thôn Tà Lao không chỉ là quy tụ những người nhiệt huyết, có kỹ năng, sức khỏe tốt, mà còn có trình độ học vấn cao, như chị Thế chẳng hạn. Cô gái Vân Kiều sinh năm 1987 này đã lấy bằng cử nhân Luật hơn 15 năm trước. Bất ngờ nữa, chị Thế lại là phu nhân của một vị Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long đương nhiệm.

Chuyện đi từng trượt chân xây xát, bị thương ngoài da không hiểm nguy bằng đối mặt với những đối tượng xâm hại rừng. Nhiều lần chị Men, chị Thế đều gặp những tình huống đó. Nhưng bản lĩnh của những sơn nữ này nào khác gì cánh đàn ông, thậm chí còn mềm dẻo, khôn khéo hơn. Đặc biệt, có trình độ học vấn, kiến thức pháp luật như chị Thế là lợi thế vô song trong tiếp cận, thuyết phục đối phương nếu gặp những đối tượng xâm hại rừng.

“Mình thuyết phục vận động họ là chính. Họ cũng không làm hại gì mình nếu như mình biết cách nói, khuyên nhủ. Người quen trong thôn bản cũng như người lạ nơi khác tới. Tất nhiên cũng có những lần họ tỏ ra rất hung dữ, nhưng mình giải thích hợp tình hợp lý, họ cũng phải rời đi, không quay lại.”, chị Thế tâm sự.

Tôi hỏi vui đi tuần tra thường ngủ đêm giữa rừng sâu, chị có khiến chồng con, người thân lo lắng? Chị Thế cười, có lần chị gửi bé út hơn 1 tuổi cho bà nội cháu để đi tuần tra, ở lại luôn trên rừng. “Con chưa cai sữa mà cũng đã đi rừng rồi. Không đi rừng lại thấy nhớ rừng. Ai mà thoạt đầu chả sợ thú dữ, rắn rít, nhưng lâu dần thành quen. Không còn sợ nữa. Chồng mình cũng bảo thôi thì tham gia với bà con ngần ấy năm cũng được rồi, nghỉ ngơi để còn giữ gìn sức khỏe, chăm dạy con cái học hành, vì con còn nhỏ. Thế mà mình chưa thể dừng bước được.”, người con gái Vân Kiều kể.

Sinh ra trong gia đình 4 người con, Men là út. Học hết lớp 10, nhà nghèo khó nên Men nghỉ học. Men quay về với nương rẫy và đã quen với núi rừng từ nhỏ. Nhưng với bản tính ham học, sau này Men đã tiếp tục quay lại học bổ túc văn hóa cho hết cấp 3. Rồi nỗ lực phấn đấu và được kết nạp Đảng từ nhiều năm trước. Có trình độ học vấn khá ở thôn bản, nhiệt huyết, sức khỏe, chị Men được xã cử đi tập huấn, trang bị các kỹ năng, kiến thức về chăm sóc BVR, tạo tiền đề cho việc hình thành Tổ BVR cộng đồng Tà Lao năm 2019.

Tôi tò mò về cái tên của nữ thủ lĩnh Vân Kiều này, thì chị cười tươi, nhí nhảnh như thể chưa từng làm mẹ của 3 người con: “Xưa kia bố mẹ mình có nấu rượu, men dùng bằng lá. Tên mình chắc là để kỷ niệm một lần nào đó họ say rồi đẻ mình chăng? Mình không biết. Gần đây mình nghe con mình nói trong tiếng Anh, “men” là đàn ông? Mình rất giống đàn ông phải không? Thôi kệ, dẫu sao trước khi qua đời bố cũng để lại cho mình cái tên nghe... hay hay”.

Trước khi chị Hồ Thị Men đảm nhận chức Tổ trưởng Tổ BVR cộng đồng thôn Tà Lao, người trong thôn rất biết ơn chị với vai trò là một “cô đỡ” kiêm cán bộ y tế thôn bản. “Không có chị Men lúc ấy, chắc mẹ con mình giờ khó sống sót”, chị Hồ Thị Cát, người mẹ của bé gái lọt lòng cách đây 19 năm, bây giờ là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Nông lâm Huế, kể.

Chị Men là một trong 500 học viên đầu tiên của dự án 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc do Bệnh viện Từ Dũ mở từ tháng 9/2005-1/2006. Trở về thôn Tà Lao chưa kịp khoe tấm Giấy chứng nhận có chữ ký của vị bác sĩ nổi tiếng Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chị Men đã gặp ngay ca sinh tại nhà đầu tiên.

Đêm hôm ấy sản phụ Hồ Thị Cát, người cùng thôn, chuyển dạ sinh con lúc 1 giờ khuya. Sau khi có người chạy tới nhà cầu cứu, chị Men mang cái túi “đặc dụng” trang cấp có dụng cụ y tế mới toanh, xé toang màn đêm chạy đi cứu người. “Mình chạy tới nơi thì đó là ca đẻ bọc. Học thì có học mà run vẫn cứ run. Rồi mình cũng đưa được bé ra ngoài. Nhưng nó nằm im thin thít. Mình nhớ lại bài học của cô thầy, nghĩ là bé bị ngạt. Mình đưa miệng vào hút hết chất nhờn trong mũi, miệng của bé. Rồi mình lấy tay vỗ vỗ vào lưng. Bé khóc. Mẹ bé khóc. Mình vui.”, chị Men nhớ lại.

Từ bấy đến nay cũng nhiều đứa bé khác đã được chào đời trên tay người phụ nữ trẻ của bản làng Tà Lao này. Mới hai năm trước thôi, còn có sản phụ trong thôn không kịp đi đến trạm y tế sinh, sinh tại nhà, chị Men cũng chạy đến đỡ. Cả mẹ và bé đều an toàn. Chị Men lại trở về với núi rừng, nương rẫy.

Chồng chị Men hiện làm cán bộ UBND xã Tà Long. Ngôi nhà sàn đơn sơ của vợ chồng chị Men ngập tràn bằng khen của các cơ quan huyện, xã tặng người phụ nữ này. Chị Men treo một số lên bức tường gỗ cũ, phần còn lại chúng nằm trong tủ, hoặc dưới gầm tủ làm bạn với bụi bặm. Tôi đếm sơ số bên ngoài cũng vài ba chục tấm. Tôi trách khéo sao chị làm biếng, không treo lên, nhỡ có khách mà khoe. “Nhà mấy khi có khách mô. Mà mình có hơn 1 hecta rừng keo, một đàn heo, gà và 3 người con. Cả 3 đều đang đi học, trong đó có đứa đang học đại học trong Huế. Nhọc và bận lắm đó.”, chị Men nở nụ cười phân trần.

Khu BTTN Đakrông được thành lập theo Quyết định số 768/QĐ-UB ngày 09/4/2001 của UBND tỉnh Quảng Trị, nằm trên địa bàn huyện Đakrông với diện tích 37.681 ha. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn 7 xã gồm Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung (huyện Đakrông).

Cùng với Khu BTTN Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế giáp ranh, Khu bảo tồn này là nơi còn giữ lại diện tích rừng thường xanh đất thấp lớn nhất miền Trung. Đây là khu vực ghi nhận các loài chim đang bị đe dọa toàn cầu, các loài có vùng phân bố giới hạn nên vùng Đakrông đã được công nhận là một trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Khu BTTN Đakrông còn là vùng quan trọng đối với việc bảo tồn các loài thú, nhiều loài quý hiếm như: Voọc chà vá, Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Vượn đen má hung. Đặc biệt, hai loài thú mới là Sao la và Mang lớn đã được phát hiện trong khu vực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, một trong những khó khăn hiện nay là các tuyến đường tuần tra chưa được đầu tư xây dựng. Chủ yếu các tuyến bám theo lối mòn cũ, nhiều đoạn phải vượt sông suối, vì vậy công tác tuần tra tốn rất nhiều thời gian và công sức; mỗi chuyến tuần tra của các cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng phải mất cả tuần.

Dẫu không vui nhưng cũng nên nhắc lại bài học đắt giá cách nay vài năm. Đó là việc khai thác rừng trái phép xảy ra tại Khu BTTN Đakrông đã khiến một số cán bộ, lãnh đạo kiểm lâm sở tại chịu kỷ luật, mất chức. Và mới hồi tháng 4 năm ngoái thôi, vấn nạn chặt phá rừng tự nhiên vẫn được ghi nhận xảy ra tại tiểu khu 727, 728, 738 thuộc xã Tà Long (rừng do cộng đồng thôn Ly Tôn quản lý). Rừng Tà Long thật sự luôn tiềm ẩn những mối đe dọa và để chống lại những mối nguy hiểm này cần phát huy mô hình quản lý, BVR dựa vào cộng đồng.

5 năm là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để dấu giày của 10 thành viên Tổ BVR cộng đồng Tà Lao trải rộng trên nhiều cánh rừng của Khu BTTN Đakrông. Cùng với các nhóm hộ gia đình, nơi nào có bước chân của tổ BVR cộng đồng, nơi ấy nạn phá rừng, săn bắt chim thú bị đẩy lùi. “Thú thật là cũng có những thành viên thuộc diện “giải giáp quy hàng”, rồi tự nguyện đầu quân cho Tổ BVR cộng đồng, rất tích cực, đáng biểu dương trong công tác BVR.”, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Khu BTTN Đakrông, chia sẻ bộc bạch.

Còn ông Hoàng Văn Chiến, Phó Giám đốc Khu BTTN Đakrông tỏ ra tâm đắc khi nhắc đến công tác BVR dựa vào cộng đồng. Theo vị này, trong số đó nổi bật là Tổ BVR cộng đồng ở thôn Tà Lao, xã Tà Long. “Ở tổ đấy có 3 chị em phụ nữ người Vân Kiều tham gia rất nhiệt huyết. Cái hay của chị em không chỉ là năng nổ tham gia tuần tra BVR, mà còn vận động được cộng đồng địa phương, huy động được đoàn, hội trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng về công tác BVR, bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó hạn chế rất nhiều các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.”, ông Chiến hào hứng kể.

Liên quan đến chế độ, chính sách, kinh phí cấp cho Tổ BVR cộng đồng nói chung, ông Chiến cho hay là hiện các thành viên BVR cộng đồng được hưởng kinh phí từ nguồn chi trả carbon, nguồn thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), với một suất khoán BVR bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/1 tháng.

“Trước khi có các Tổ BVR cộng đồng thì tình trạng xâm canh xâm lấn, săn bắt động vật rừng diễn ra liên tục, căng lắm. Bình quân Khu Bảo tồn chúng tôi xử lý 30-40 vụ/năm. Tuy nhiên sau khi các tổ này được thành lập thì các vụ xâm hại rừng, vi phạm giảm nhiều. Như năm 2022 thì số vụ xâm hại, vi phạm chỉ còn 4 vụ. Riêng khai thác rừng hầu như không có. Sở dĩ các Tổ BVR cộng đồng phát huy hiệu quả tôi cho rằng là cơ chế, quyền lợi, trách nhiệm rất rõ ràng. Người dân có thêm nguồn thu nhập, đời sống tương đối ổn định, cảm nhận rõ rệt những giá trị bền vững một khi rừng được bảo vệ, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học được phát huy.”, ông Chiến nói thêm.

Đó là những cán bộ của Trạm Y tế xã A Vao, huyện Đakrông. Từ bác sĩ trưởng trạm, cán bộ y tế trạm, đến cô y tế thôn bản. Cả đời dường như họ chỉ biết tận hiến cho cộng đồng, vì nhân dân A Vao, nơi rẻo cao khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Trị.

Xem phiên bản di động