Những điều ít biết giữa đại ngàn Sông Thanh

Chúng tôi mất hơn 3 giờ lội bộ trong rừng, nhiều đoạn dốc núi dựng đứng để đến được điểm đóng quân của Tổ bảo vệ rừng Khe Tà Vạt thuộc VQG Sông Thanh (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Đoạn đường mà chúng tôi vượt qua để đến điểm chốt ở khe Tà Vạt chỉ gói gọn: đi thuyền dọc lòng sông Bung chừng 40 phút, vượt con dốc “dằn mặt” cho đến khi bắp chân co rút lại, đi dọc bờ suối chừng hơn 1 tiếng nữa thì tới!

Cái lán dừng chân của tổ kiểm soát nằm bên bờ khe Vinh (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) được dựng lên từng những cây cột cũ. Tấm bạt mỏng phủ lên để che nắng che mưa. Võng là giường để 10 cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh ngả lưng sau những phiên chốt trực. “Tổng cộng có 21 chốt, mỗi chốt có 10 người. Hằng ngày, sẽ chia ra 3 tốp tuần tra khoảng chừng 2000 ha của tiểu khu 337, 338, một người ở lại phụ trách nấu nướng”, anh Võ Văn Nhất - cán bộ dẫn đường cho chúng tôi giải thích. Trái với vẻ ngoài thư sinh, anh Nhất là một người đi rừng rất giỏi, đôi chân dường như chưa bao giờ biết mỏi.

Phiên trực bắt đầu từ 7 giờ, đến 17 giờ quay về lán trại để nghỉ ngơi. Bữa trưa, họ ăn giữa rừng. Thường thì gói mì tôm sống, “sang” hơn có thể là phong lương khô hay đùm cơm nắm. Mỗi tuần sẽ có hai người mới lên thay, cứ thế xoay vòng. Ban Quản lý VQG Sông Thanh có 240 cán bộ, thì đã có 210 người chỉ ăn lán, ngủ rừng, còn lại 30 người ở dưới văn phòng để lo chuyện hậu cần.

Brol Đàn (32 tuổi) chỉ tay về phía ngọn núi sau lưng trại giới thiệu: “Nếu muốn liên lạc về gia đình thì phải leo lên cái dốc 5 tầng đó. Phía trên có một cái chòi nhỏ tụi em dựng để đứng mỗi khi lên gọi điện về nhà hay cấp báo chuyện gì cho cơ quan. Chỉ duy nhất ở đó có sóng. Những lần đội tuyển Việt Nam đá banh, anh em đều lên đó, xúm nhau vào một cái điện thoại rồi xem. Giữa chừng, hết dung lượng, lại tụt xuống dốc về ngủ”. Nói rồi Đàn cười, đôi tay thoăn thoắt bắt cặp vịt đi về phía bếp. Nhìn theo phía Đàn chỉ, tất cả mọi ham muốn về một chút sóng điện thoại tắt lịm. Con dốc dựng đứng, dài gần 700m, hun hút giữa rừng già.

Thức ăn dọn ra mời khách là món vịt kho gừng, nồi canh rau xanh ngắt do đội nuôi trồng được. Một ít rượu được rót vào ca, dùng “cho dễ ngủ, chứ đêm xuống lạnh ngắt, nằm trên võng gió lùa tứ phía, ngủ chi được? Gọi là giải mỏi sau một ngày đi rừng mệt mỏi thôi”, một cán bộ ở lán thì thầm. Chỗ rượu này được để dành dùng cho 2 tuần, cay nồng, ấm nóng.

“Đã xác định là cuộc chiến lâu dài thì phải tự cung tự cấp. Chứ đường sá xa xôi quá, không đảm bảo lương thực cho anh em cải thiện thì sức đâu đi tuần? Thứ nữa, là bọn làm vàng, vẫn đâu đó nghe ngóng tình hình. Thấy mình dựng trại, nuôi trồng để sống lâu dài thì tự khắc biết khó mà lui. Anh ra ngó mấy cái dòng suối Vinh có trong vắt không? Những hầm lò của bãi vàng trước đây cây cỏ đã xanh um cả rồi. Đó là điều mà mà chúng tôi đang giữ. Yên bình đã trở lại với tiếng chim, thú rừng và những bước chân tuần tra không ngừng nghỉ”, ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý VQG Sông Thanh cười nói.

Những điều ít biết giữa đại ngàn Sông Thanh

Khi chúng tôi đặt vấn đề sẽ viết về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái của VQG sông Thanh, đa phần các cán bộ ở đây đều rất dè dặt: “Hay là thôi, đừng viết nữa. Chứ các nhóm săn thú, chỉ cần đọc được thì lại lùng sục trong các cánh rừng mất. Lúc đó, tụi em lại thêm khó. Thấy rứa thôi, chứ họ tài lắm. Thợ săn mà!” – anh Phạm Hữu Nghĩa, người có hơn 14 năm gắn bó với từng lối mòn trong những cánh rừng già, giải thích.

Mất một lúc lâu thuyết phục, ông Đinh Văn Hồng mới đồng ý cung cấp số liệu cụ thể, kèm theo “lời nhắc”: chỉ được nêu tên những loài vốn đã được công bố trên số liệu của tỉnh hay tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên).

Không phải tự nhiên sự “e dè” đó tồn tại. Nó xuất phát từ thực tiễn, từ những gì mà người cán bộ bảo vệ rừng đã phải nếm trải qua chừng ấy năm. Qua từng lời kể, từng vết sẹo thâm đen do vắt rừng cắn chằng chịt ở dưới bắp chân cũng đã đủ nói lên điều đó.

Trong tổng số 899 loài thực vật bậc cao được ghi nhận tại VQG sông Thanh có 101 loài quý hiếm, có tên trong Danh lục Đỏ IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam 2007 và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 của Chính phủ về quản lý động, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi buôn bán quốc tế loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hệ động vật trong rừng tự nhiên trên địa bàn phong phú và đa dạng, gồm 68 loài thú, 130 loài chim, 112 loài bò sát, 56 loài lưỡng cư, 103 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống. Trong đó: 22 loài thú, 5 loài chim, 23 loài bò sát, 1 loài lưỡng cư, 1 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Điển hình như: voọc chà vá, mang lớn, mang Trường Sơn, vượn, gấu, chào mào, chích chòe lửa, trĩ sao, cu xanh má quặp.

Ngoài ra, VQG sông Thanh còn là sinh cảnh quan trọng của các loài thú lớn khác và thuộc vùng sinh thái ưu tiên trong cảnh quan Trung Trường Sơn. Nếu được bảo vệ tốt, VQG Sông Thanh có thể là nơi điển hình để phục hồi các quần thể thú lớn ở miền Trung Việt Nam.

Đó cũng là lý do khiến cánh thợ săn thú luôn ráo riết truy tìm động vật, thực vật quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Những đối tượng này thậm chí còn “nắm trong lòng bàn tay” giá trị, độ quý hiếm, hay cả những đặc điểm nhận dạng, nơi sinh sống… của từng loài, chẳng kém gì cán bộ bảo vệ rừng. Vì vậy, sự cảnh giác đó, là không thừa.

Như mới đây, giữa tháng 9/2021, tin báo từ tổ bảo vệ rừng Phước Xuân (huyện Phước Sơn) cho biết, phát hiện một số đối tượng sử dụng súng để săn bắn động vật rừng trái phép và khẩn trương xin ý kiến của VQG.

Nhận định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, một cuộc họp nhanh để vạch kế hoạch tác chiến. Hai mươi cán bộ được huy động gùi, cõng lương thực, dụng cụ hỗ trợ xuất phát ngay chiều hôm đó, đến đêm thì tới địa điểm của thợ săn thú.

“Bọn tôi phải tập kết cách nơi ở của họ chừng hơn 1 tiếng đi bộ, vì nếu thấy động họ sẽ phát hiện ngay, bởi đó là những tay thợ săn lão luyện, y như con thú vậy, nhìn từng con suối, nhành cây, đánh hơi từng mùi ở trong phạm vi cảnh giác của nó hết…” - anh Nghĩa nhớ lại.

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy lúc 3 giờ sáng rồi xuất phát, trực chỉ hướng những tay săn thú đang ở để phục kích. Đi bộ hơn 1 tiếng rưỡi thì tới, kế hoạch đã được vạch sẵn, vòng vây dần siết chặt.

Khi nhóm săn thú còn mơ màng trong giấc ngủ trên võng thì tất cả đều bị áp sát, khống chế gọn. Lúc này đồng hồ báo là 4 giờ 30 sáng. Đoàn bắt giữ 4 người, thu giữ 3 khẩu súng săn với đạn đã được lên nòng.

Các đối tượng bị dẫn giải về và bàn giao cho Hạt kiểm lâm xử lý theo quy định. Anh em ai cũng mừng, là bởi đã an toàn trấn áp được nhóm thợ săn trái phép mà không có ai bị thương, phần nữa là vì bắt kịp thời nên chưa có con thú nào bị săn giết.

Đó chỉ là một trong những đợt trấn áp của anh em cán bộ bảo vệ rừng ở đây từng trải qua. Họ nhớ rành rẽ, là vì nó mới xảy ra cách đây mấy tháng. Tất nhiên chẳng phải vụ việc nào cũng diễn ra suôn sẻ, êm xuôi như thế.

Nhớ lại hồi đầu năm 2021, Tổ bảo vệ rừng Xí Xum (đoạn giáp ranh giữa hai huyện Nam Giang và Phước Sơn) khi đang đi tuần tra thì phát hiện 4 người đang dùng ghe nan, kích điện để đánh bắt cá trong lòng hồ sông Thanh. Qua kiểm tra, phát hiện 3 cá thể rùa, 2 con cá chình đã sập bẫy.

Tổ đã tiến hành thả những cá thể này về lại hồ, đồng thời tiêu hủy 1 máy kích điện, 1 thuyền nan của những người này. Mấy ngày sau, tổ công tác gồm 5 người đang đi tuần thì bị những người này đón lõng rồi lao vào hành hung. Do bị động, lại không có công cụ hỗ trợ nên một cán bộ bị thương nặng.

“Mấy anh em chạy được, tìm chỗ có sóng gọi xin hỗ trợ. Nhưng khi lên đến nơi thì chúng đã chạy thoát từ lúc nào, vì đường rừng, không phải nói đến là đến kịp. Áy náy có, thương anh em có, nhưng rồi cũng động viên nhau tiếp tục công việc chứ biết làm sao?” - ông Đinh Văn Hồng kể.

Bên cạnh việc giữ rừng, giữ từng loài thú quý hiếm thì những cán bộ của VQG sông Thanh còn kiêm thêm một nhiệm vụ nặng nề không kém: giữ vàng.

Trong trí nhớ của nhiều người nhắc đến Khe Tà Vạt, Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam)... là nói về một “Tam Giác Vàng” thu nhỏ giữa lõi sông Thanh. Hàng trăm người đã lũ lượt kéo về đây để tìm cho mình giấc mơ đổi đời từ vàng.

Với địa hình đồi núi phức tạp, vùng lõi sông Thanh trở thành lãnh địa lý tưởng cho phu vàng hoạt động, đây là những đối tượng manh động, liều lĩnh vì đa số là tội phạm trốn truy nã có cả tội giết người tìm đến đây. Khi bị vây bắt, nhiều đối tượng còn liều lĩnh chống lại lực lượng chức năng. Cũng từ đó, những cuộc thanh trừng tranh giành địa bàn, mại dâm, ma túy liên tục xảy ra khiến cho ai nấy đều phải khiếp sợ.

Các chủ mỏ vàng lậu nơi đây sẵn sàng thuê người cảnh giới để quan sát hành động của lực lượng truy quét. Cứ mỗi lần lực lượng chức năng hành quân thì bọn chúng chôn giấu máy móc làm vàng và trốn vào núi sâu. Kết thúc đợt truy quét, đội tuần tra còn chưa ra khỏi bìa rừng, thì nhóm làm vàng quay trở lại đào những chiếc máy Đông Phong (loại máy nổ cỡ nhỏ, dùng để xay, tuyển quặng vàng) từ dưới đống bùn đất để làm tiếp. Cứ thế nhùng nhằng ngót nghét hơn 40 năm.

Ông Đinh Văn Hồng nhớ lại: “Gần đây nhất vào năm 2019, khi lực lượng truy quét phát hiện một nhóm khoảng 15 người đào vàng tại khu vực thì bọn chúng (người đào vàng lậu-PV) bỏ chạy. Toàn bộ 15 đối tượng này đều là người trong gia đình từ tỉnh Thái Nguyên đã đào vàng lậu tại nhiều nơi nên cực kỳ manh động và mưu mô. Lúc này, chúng tôi có khoảng 20 người tiến hành chặn con đường độc đạo thoát ra ngoài thì bị bọn chúng tấn công, khiến 2 cán bộ bị thương. Đến khi chúng tôi cùng lực lượng Công an chính quy dùng công cụ hỗ trợ khống chế mới bắt được nhóm đối tượng này”.

Lên đây khi mới vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm ở Huế, anh Phạm Hữu Nghĩa đã có 13 năm lăn lộn ở trong vùng lõi này. Đôi bàn tay chằng chịt vết sẹo từ những chuyến đi tuần, là những lần vung búa để phá hủy xe múc, xe ủi đang ngang nhiên ủi đất đào vàng. “Ở bãi Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 như một đại công trường khai thác vàng trái phép với đầy đủ máy móc, hầm trại. Dân ở đây cũng thuộc dạng “đầu gấu” nhất, sẵn sàng chống đối nên rất nguy hiểm”, anh Nghĩa nói.

Không thể đưa những máy móc làm vàng về trụ sở, nên cán bộ Nghĩa cùng anh em chọn cách đập phá cho nó không thể hoạt động. Cách này khiến cho nhiều chủ bãi vàng lúc đó phải hậm hực. Sau anh Nghĩa nghe kể lại rằng, chủ bãi hay dặn phu vàng rằng “Thấy nó (Nghĩa) ở đâu thì nhận nước đến chết mới thôi”. Bởi muốn sửa những lỗi đó, phải thuê thợ từ Sài Gòn ra. Mà đâu có phải ai cũng chịu chui vào giữa rừng để sửa chữa. Nhưng, chỉ bấy nhiêu đó cũng chưa thể làm cho đội quân làm vàng chịu từ bỏ giấc mơ làm giàu.

Để chấm dứt vấn nạn nhức nhối trên, tỉnh Quảng Nam đã quyết định dùng thuốc nổ để đánh sập các hầm vàng trong vùng lõi VQG sông Thanh. Sau khi được Bộ Quốc phòng chấp thuận chủ trương, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đóng quân trên địa bàn phối hợp lập kế hoạch, định vị các hầm, đẩy đuổi các đối tượng và vận chuyển 6,2 tấn thuốc nổ đặt vào những hầm lò này.

Bao quanh bốn bề đều là rừng núi, địa hình cực kì hiểm trở nên việc truy quét hầu như không đạt được hiệu quả. Cứ vào đập máy, đốt lán trại, chặt phá ống nước nhưng đến khi rút đi thì họ lại vào làm như cũ. Không ai có thể chui sâu vào rừng để tìm cho được từng người một. Vậy nên, chẳng lạ khi những tội phạm trốn nã nguy hiểm đều chọn nơi đây để trốn. Gọi đây là điểm đen của tội phạm, cũng chẳng có gì sai.

Anh Hoàng Ngọc Hùng, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng Khe Tà Vạt trầm ngâm: “Trong 4 ngày, những tiếng nổ rung trời giật sập 75 miệng hầm vàng thành công, cũng là lúc anh em trong tổ bắt đầu lập lán giữ rừng, giữ tài nguyên. Giờ thì hết “vàng tặc” rồi, chỉ còn mỗi anh em trong tổ ở với nhau thôi. Hành trình tuần tra kiểm soát của chúng tôi bắt đầu từ rất lâu rồi, nhưng ráo riết nhất là từ 6 tháng trước khi đánh sập các hầm vàng cho đến bây giờ. Riết rồi quen chân, không còn thấy mỏi nữa. Hồi đó, cõng trên lưng 30kg thuốc nổ để vào chuẩn bị cho việc đánh sập hầm vàng vẫn có thể đi ngày hai chuyến. Chừng này, chưa là gì đâu”.

Ban Quản lý VQG sông Thanh có 240 người, quản lý gần 77.000 ha, chia ra thì mỗi người phụ trách gần 4000ha.

- Với diện tích đó, liệu có quản lý hết được? - tôi hỏi.

- Được, nếu anh bám vào dân, lấy đó làm hàng rào thép của mình. Muốn người dân không phá rừng, thì phải làm họ ấm cái bụng trước đã. Đủ cái ăn, cái mặc thì tự khắc họ sẽ bảo vệ rừng giúp mình thôi - ông Hồng khẳng định.

Cái cách mà ông Hồng làm, là lựa chọn tin tưởng vào những người trẻ, người đồng bào trong vùng lõi của sông Thanh. Những năm trước đây, diện tích được giao khoán cho cộng đồng bảo vệ không phát huy hiệu quả nên ông quyết định đưa những lâm phận này về cho Vườn quản lý. Lấy kinh phí đó, hợp đồng cụ thể với những người trẻ, là con cái ở cộng đồng dân cư ở đây để làm cán bộ giữ rừng. Những cán bộ trực chốt, đa phần đều chưa vượt quá 35 tuổi.

“Phần vì họ trẻ, có thể đi khỏe thì giữ rừng sẽ tốt hơn. Đây đều là những con em của đồng bào dân tộc thiểu số sống trong khu vực của mình, họ không có việc làm ổn định thì mình cho họ công việc. Cứ dần dần mà đào tạo, rồi cũng sẽ quen việc hết. Để người dân họ thấy, mình không bỏ rơi họ, cùng bám rừng rồi giữ rừng”, ông Hồng nói thêm.

Trong số 240 cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý VQG Sông Thanh, hầu hết là bà con đồng bào các dân tộc sống tại địa bàn. Có việc làm, đồng lương ổn định so với mặt bằng chung trên địa bàn nên cái đói không còn vây lấy nhiều gia đình. Cũng từ đây, người dân ý thức hơn trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng và không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục làm điều phạm pháp.

“Giữ rừng thì phải dựa vào bà con bản địa, sau ca trực về nhà cũng là một tuyên truyền viên đến từng gia đình, từng thôn xóm. Bà con trên địa bàn thấy con cháu bảo vệ rừng nên cũng không phá rừng nữa. Rất nhiều trường hợp bà con thấy người lạ vào địa bàn là báo ngay cho chúng tôi hay chính quyền địa phương để xử lý kịp thời”, ông Hồng tâm đắc.

Pơloong Chương (33 tuổi, trú xã La Dê, huyện Nam Giang) là một trong những trường hợp như thế. Anh theo chân cán bộ trong tổ kiểm soát, bảo vệ rừng cũng được 5 năm. Đôi chân đó, chưa từng ngơi nghỉ. Hàng ngày, sau mỗi phiên trực Chương lại hì hụi leo lên cái dốc năm tầng tìm kiếm chút sóng điện thoại để gọi về cho vợ và đứa con mới hơn 2 tuổi.

“So với bạn bè ở nhà thì việc em làm cũng ổn định. Chuyện đi tuần tra trong rừng cũng giống như mọi khi đi rẫy, đi nương thôi, chỉ có hơi buồn một tí nhưng giờ cũng quen”, Chương cười hiền.

Những bước chân đó vẫn từng ngày vùi sâu dưới lớp lá mục lúc nhúc đầy vắt rừng. Sau những bữa cơm vội giữ cánh rừng già rồi họ tiếp tục lầm lũi đi về phía trước. Với họ, bảo vệ rừng, bảo vệ muông thú là trách nhiệm cao cả được đặt trên đôi vai.

Bài viết: Tuệ Lâm

Ảnh, Video: Tuệ Lâm, Phương Mai

Thiết kế: Dũng Choai