e magazine
06/07/2023 21:01
Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

06/07/2023 21:01

Lò Mí Pó quyết rời thành phố ngay cả khi “ông chủ” không/chưa trả 8 triệu 850 ngàn đồng tiền công. Trong khi đó, Vừ Mí Và ngược xuống phố. Cả hai đều có chữ “phải” trong lý do: Phải về, như đã từng phải đi. Cả hai đều ở Đồng Văn, Hà Giang, đều sinh năm 2003.
Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

Lò Mí Pó quyết rời thành phố ngay cả khi “ông chủ” không/chưa trả 8 triệu 850 ngàn đồng tiền công. Trong khi đó, Vừ Mí Và ngược xuống phố. Cả hai đều có chữ “phải” trong lý do: Phải về, như đã từng phải đi. Cả hai đều ở Đồng Văn, Hà Giang, đều sinh năm 2003.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

Pó, học hết lớp 6, giờ đã có vợ và 3 con. Hai tháng trước, Pó xuống Hà Nội làm thuê bằng nghề “đổ bê tông”.

Một ngày giữa tháng 6, Pó nhận tin đứa nhỏ ốm. Anh gặp “ông chủ” lấy tiền về quê. Khi đó, Pó đã làm hơn 2 tháng, 51 công. Với mỗi ngày công “đổ bê tông” là 200 ngàn, lẽ ra anh đã có hơn 10 triệu cầm tay về nhà.

Vì số tiền bị nợ lại, Pó quyết định đi bộ dọc theo đường tàu Hà Nội - Thái Nguyên. Anh lạc hướng hoàn toàn. Bạn đường của anh là Hoàng Thị Mị - người Pó đã gặp ở Thủ đô.

Đến trưa 24/6, đến đoạn đường sắt qua Phổ Yên, Thái Nguyên thì Mị không đi nổi nữa. Tính đến hôm đó, họ đã ròng rã 7 ngày đi ngược đường sắt.

Phạm Chung, người đã phát hiện và giúp đỡ họ kể lại: Hôm đó, trời mưa to. 2 người, trùm áo mưa ngồi trên đường tàu giữa cánh đồng trống hoác. Đồ ăn khi đó chỉ là mấy con ốc bươu vàng, 1 con thằn lằn vừa bắt bên đường và 1 củ măng… nướng vội ăn cho đỡ đói.

“Đi bộ về quê” từng là một keyhot trong đỉnh điểm dịch bệnh để chỉ những người lao động không có nổi một chiếc xe, ở thế cùng đường, không nơi bấu víu buộc phải chạy dịch về quê. Nhưng các cuộc về quê giờ vẫn đang diễn ra. Khi các nhà máy đang phải cắt giảm lao động. Khi cuộc mưu sinh không hề màu hồng. Hoặc khi gặp phải một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

7 ngày cuốc bộ dọc đường sắt để về quê nhà Hà Giang của Pó.

Chỉ vừa tháng trước, Công an Nghệ An đã giúp ông Vi Văn Tiến (sinh năm 1966) và cháu Moong Văn Cường (sinh năm 2008) trở về quê nhà an toàn. Hai người, ở Yên Na, thuộc huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An đã xuống núi đi làm ở Quảng Nam từ cách đó hai tháng. Họ nói lý do đi bộ về là vì “không được trả lương”, đáp xe về đến Vinh thì hết tiền. Cũng như Pó, họ “phải về”. Khi được phát hiện và cứu giúp, họ đã đi bộ dưới nắng hàng chục ki-lô-mét và đã “nhanh chóng kiệt sức”.

Bản tin rất ngắn về 2 con người ấy có một chi tiết là vì họ không nói sõi tiếng phổ thông, công an đã phải sử dụng dữ liệu dân cư và thậm chí nhờ người phiên dịch mới có thể xác định chính xác nhân thân.

Pó, học hết lớp 6, chỉ đủ khả năng định danh công việc mình làm là “đổ bê tông”, hay cậu bé Moong Văn Cường- thuộc độ tuổi cắp sách tới trường, khó khăn cả trong việc giao tiếp… thuộc về tỉ lệ 78,8% lao động di cư từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật - theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

TS. Đào Thị Hoàn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong một bài nghiên cứu trên Tạp chí Cộng sản từng nhận định: Chính vì thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật nên họ đang ở vào tình cảnh thu nhập bấp bênh, kém ổn định. Và khi có những cú sốc về sự biến đổi kinh tế - xã hội, như đại dịch Covid-19, họ dễ buông bỏ, quay về nơi xuất cư.

Pó, được bạn Phạm Chung giúp đỡ, cũng như ông Tiến, cháu Cường được Công an Nghệ An giúp đỡ, những nghĩa cử tương thân tương ái rất nhiệt tình và đầy trách nhiệm - để có thể “về quê”. Nhưng đó chưa hề là một cái kết nếu như không nói chỉ là điểm khởi đầu cho những cuộc di cư lao động sau đó.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc“Đi bộ về quê” từng là một keyhot trong đỉnh điểm dịch bệnh, nhưng các cuộc về quê giờ vẫn đang diễn ra khi các nhà máy đang phải cắt giảm lao động.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 từng nêu ra một thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam là tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24.

Theo Thứ trưởng Thanh: Trong Quý I/2023 tỉ lệ thất nghiệp nhóm này là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%). Lao động thanh niên, với khoảng 10,8 triệu người, là lực lượng lao động chính, chiếm tới 21,4%, lực lượng lao động cả nước. Nhưng cứ “bình quân trong 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn”, ông Lê Văn Thanh cảnh báo.

Và lối thoát của họ là tìm kiếm việc làm, dù trong Nam, ngoài Bắc.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

Đồng Văn, quê hương của Pó từ nhiều năm nay nổi lên như một địa điểm du lịch nổi tiếng. Dinh vua Mèo, phố cổ, Cột cờ Lũng Cú, dốc Thẩm Mã, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, cánh đồng hoa Tam giác mạch Sủng Là, cao nguyên đá, con đường Hạnh phúc...

Nhưng cũng chính ở địa danh nơi có cánh đồng hoa tam giác mạch đẹp nhất đất Việt ấy, 3 năm trước, đã “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ với hình ảnh cậu bé Sùng Mí Sò oằn mình cõng gạch lên bản giữa lưng chừng núi...

Anh Hải Âu, một thành viên diễn đàn otofun - tác giả của những bức ảnh và clip về Sò trong bài viết này, kể lại: Mỗi viên gạch nặng tới 12kg. Trên vai Sò khi đó là 3 viên gạch. Và mỗi ngày cõng được 3 chuyến, Sò kiếm được 18.000 đồng.

Cha cậu bé đã mất vì tai nạn, mẹ đi lấy chồng Trung Quốc. Sò, cùng với 2 em của mình đang sống cùng ông bà nội là Sùng Nhìa Vá (60 tuổi) và bà Hờ Thị Sia (61 tuổi) ... Bữa ăn thường niên là mèn mén (món ăn làm từ ngô) để sống qua ngày.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúcMỗi viên gạch vác ngược dốc như thế này được trả công 2000 đồng. Nhưng đây là một hoạt động kiếm tiền không phổ biến ở miền núi.

Cũng rất nhanh sau đó, địa phương lên tiếng, rằng chỉ “rất ít em nhỏ cõng gạch, các em đang tuổi ăn tuổi học, đại đa số giúp cha mẹ làm việc nhà, cắt cỏ chăn trâu. So với bạn bè cùng lứa tuổi ở dưới xuôi thì các em khó khăn nhưng không đến mức vắt sức lao động. Còn việc các em có sức vác được bao nhiêu đôi khi là ở nhà giúp đỡ làm việc nên rất khó quản lý.

"Em Sò đi cõng gạch là có nhưng không phải đi làm thuê, không phải thiếu tiền mà phải đi kiếm tiền. Hằng ngày, Sò ở với ông bà nội ông bà nuôi. Ở xã còn nhiều nhà nghèo hơn...”.

Với việc ăn mèn mén qua ngày, đại diện huyện Đồng Văn nói với Báo Thanh Niên là nhà Sò “gạo vẫn có nhưng do thói quen nên chỉ ăn ngô là chính”. Và ăn ngô là do tập tục từ lâu, ăn ngô để đảm bảo sức đi làm nương, đặc thù của dân tộc Mông.

Theo đại diện huyện: Đảng và Nhà nước rất quan tâm về vấn đề giảm tỉ lệ hộ nghèo. Năm vừa qua, tỉnh Hà Giang đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà cho 250 hộ ở huyện Đồng Văn, năm 2020 là hơn 200 hộ. Tuy nhiên, trường hợp cậu bé cõng gạch Sùng Mí Sò thì gia đình em vẫn trong danh sách đảm bảo 3 "cứng" nên chưa được hỗ trợ.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc
Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

3 "cứng" mà huyện giải thích, có nghĩa là: mái cứng, nền cứng, tường cứng! Chúng ta có thể hiểu điều đó đồng nghĩa với một ngôi nhà có thể ở, hoặc một chỗ chui ra chui vào.

Nhưng một ngôi nhà dẫu 3 cứng, có thể là nơi trú ẩn cuối để khi người ta “phải về” trước những biến động ... Nhưng không phải, không hề là tư liệu sản xuất, không thể giúp người ta kiếm tiền.

Với Vừ Mí Và, ở Lỳ Chá Tùng, Sà Phìn, Đồng Văn ngôi nhà trình tường 3 cứng ấy không giúp cậu trả món nợ đám cưới 140 mâm “lỗ mất 42 triệu”.

Và, sinh năm 2003, học hết lớp 9, vừa đúng bằng tuổi Pó. Lý do để năm 2021 cậu vào Đồng Nai làm công nhân là vì ngoài ngôi nhà 3 cứng, còn có một tư liệu sản xuất rộng chỉ gấp vài lần căn phòng trọ của cậu và “cứng” đến mức “chỉ cỏ mọc được thôi”.

Đồng Văn quê cậu chỉ toàn đá và đá. Đất sản xuất thiếu hiếm như núi đá ở thành phố. Nguồn sinh thuỷ hiếm, trông cả vào ông trời. Trong tổng số 459,08 km2 đất đai tự nhiên, rừng, núi đá chiếm hơn 73%.

Năm đó, Và “vào Nam” như một lẽ tất nhiên: Cha, mẹ, chú, dì anh chị, bạn bè đều đi Nam. Thanh niên cả bản đi hết, làm thuê khắp nơi. Quan trọng hơn: Và muốn kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt và bàn tay của chính mình.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

Những cuộc mưu cầu hạnh phúcNgôi nhà "3 cứng" - nơi trú ngụ của gia đình Sùng Thị Giàng. Người cha - bị tai nạn chấn thương sọ não khi làm công nhân ở Bình Dương. Tình trạng hiện tại: Đi bằng gậy và "không biết nói".

Và làm công nhân tại Kuka, một công ty sản xuất đồ gỗ, lương 11-12 triệu đồng/tháng. Số tiền lượng hoá bằng 1/3 con bò. Nếu quy ngô thì tự cậu không tính được.

Rồi dịch lên tới đỉnh điểm! Và, vợ Và, bố Và, mẹ Và sống như bị nhốt trong hơn 10m2 nhà trọ suốt 3 tháng. Số tiền “bằng con rưỡi bò” cả nhà tích cóp được dần hết. Tới tháng 10/2021, không chịu đựng nổi, gia đình 4 người họ cũng hai người họ hàng quyết định về quê, kẹp 3 trên 2 chiếc xe máy. Và, năm đó chạy xe suốt hơn 2.000km khi chưa kịp có bằng. Vợ Và, Sùng Thị Giàng, khi đó đang mang bầu tháng thứ 8...

Họ là 2 trong số 2,2 triệu lao động trên cả nước đã phải về quê vì dịch bệnh.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúcSùng Thị Giàng ngồi nghỉ tại trạm kiểm soát dịch Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng sau 3 ngày đi đường, dầm mưa, dãi nắng để về quê "chạy dịch", tháng 10/2021 - Ảnh: Xuân Hậu

Trước khi Và “chạy dịch”, vào tháng 6/2021, Hà Giang đã tổ chức đón hơn 2.000 lao động đang lưu trú tại Bắc Giang trở về địa phương do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

1 tháng sau đó, số lao động “về quê” đã lên tới hơn 5.000 người. Sau đó: 7.000. Sau đó...

Những con số không chỉ là những con số. Bởi nó đồng nghĩa với sinh kế, với tỉ lệ thất nghiệp, là những vấn đề an sinh. Bởi thời điểm đó, số liệu rà soát của các huyện, thành phố cho biết Hà Giang có khoảng 28.923 lao động đi làm việc tại các địa phương.

Những cuộc mưu cầu hạnh phúc

Vợ chồng Vừ Mí Và trước căn phòng trọ ở Hải Phòng

Công bằng thì Hà Giang đã có rất nhiều nỗ lực để giải bài toán việc làm vốn rất khó này.

Tháng 4/2022, ông Bùi Văn Lựa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang kể với một tờ báo về việc giới thiệu cho một công ty gỗ ở Bình Dương một lúc gần 500 lao động (với thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng). Số lao động này, thậm chí được công ty gỗ đón bằng máy bay vào thẳng miền Nam và bố trí sẵn chỗ ở để lao động mới không phải tìm nhà trọ, đặng có thể nhanh chóng bắt tay vào việc.

Công việc giới thiệu, kết nối lao động của những người như ông Lựa không hề đơn giản. Bởi ngay cả trong dịp trước Tết, cán bộ của Trung tâm đã xuống từng các thôn bản, đến tận nhà “cùng ăn cơm, uống chén rượu” nói chuyện với đồng bào. Bởi “Với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nói theo văn bản hành chính hay những thông báo việc làm dán ở uỷ ban không có ý nghĩa. Cán bộ trung tâm phải hiểu và nương theo phong tục, tập quán của đồng bào thì mới được việc. Thực tế thời gian qua, việc về tận bản để tư vấn, đón người lao động đi làm khá hiệu quả”- lời ông Lựa.

Giới thiệu việc làm là một biện pháp, nhưng căn cơ, có lẽ vẫn luôn phải là việc tạo việc làm tại chỗ.

Hồi tháng 4 năm nay, Đài tiếng nói Việt Nam từng nói về dấu hiệu của một cuộc dịch chuyển khi một vài doanh nghiệp quyết định "theo" công nhân về quê bằng cách mở rộng nhà xưởng ra các tỉnh.

“Đơn cử” của VOV là như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú, TP.HCM) khi DN này mở thêm các nhà máy ở Tây Ninh, ở Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Thành Công được dẫn lời cho biết: Ở Vĩnh Long, thu nhập của lao động thấp hơn 20% so với ở TP.HCM nhưng họ hoàn toàn có thể tiết kiệm và có dư, bởi tiền phòng trọ mỗi tháng chỉ 400.000-500.000 đồng, trong khi ở thành phố gấp 3-4 lần. Nếu đã có nhà riêng, nhiều người còn tăng thêm thu nhập từ ruộng vườn.

Nhà máy theo lao động về quê, thay vì chỉ tập chung ở một số địa phương trọng điểm sẽ là đáp án cho bài toán lao động di cư, chừng nào nó từ hiện tượng trở thành xu hướng. Và cũng chừng nào giao thông đủ tốt để chi phí logistics không trở thành một rào cản không thể vượt qua.

Với Đồng Văn chẳng hạn, mới chỉ tính quãng đường về tới tỉnh lỵ thôi là thật sự là một thách thức. Quãng đường ấy chỉ hơn 140km nhưng đó là cung đường vượt qua đầy những con đèo hiểm trở: dốc Bắc Sum, cồng trời Quản Bạ, dốc Thẩm Mã, đèo Đường Thượng và đặc biệt là thiên hạ đệ nhất đèo Mã Pí Lèng. Nó rất đẹp, rất thử thách, rất đáng trải nghiệm cho khách du lịch, nhưng ở giác độ kinh tế, chi phí vận tải là một vấn đề.

2 vợ chồng Và, giờ đây đang làm công nhân cho một “công ty chân gà” ở Hải Phòng, vẫn nói họ phải ra đi vì giờ kiếm được tiền, chẳng hạn 18.000 đồng công cõng đá như cậu bé Sò, là khó lắm.

Ở quê nhà, tiền mặt là một thứ gì đó quý đến xa xỉ, trong khi món nợ đám cưới vẫn còn nguyên đó.

Và, vẫn phải ra đi vì trong tay cậu tư liệu sản xuất “cứng quá”, chỉ cỏ mọc được. Vợ Và vẫn phải đi, vì dù đã học nghề may nhưng Giàng không thể kiếm được công việc đúng nghề được học.

Cũng như vợ, Và được coi là qua đào tạo với nghề thú y, nhưng cậu không thể hành nghề vì một bản nhỏ của cậu đã có tới tận 3 thú y.

PHÓNG SỰ CỦA ĐÀO TUẤN

Ảnh & Video: PHẠM CHUNG, NGA NGUYỄN, HẢI ÂU, DŨNG PHAN

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động