e magazine
05/10/2023 19:01
Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

05/10/2023 19:01

Trong khung cảnh hoang tàn, đổ nát, khói đặc bao quanh, tiếp cận các nạn nhân đang trong cơn hấp hối, bất cứ chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nào cũng sẽ không ngần ngại nhường mặt nạ dưỡng khí của mình để mong giành giật sự sống cho nạn nhân.
Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng
Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Hạ sĩ Lê Quang Khải (SN 1999), Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Hà Đông (Hà Nội) vẫn còn nhớ như in từng diễn biến vụ cháy kinh hoàng đêm 12, rạng 13/9 mới đây tại chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Nhận được tin báo chi viện theo lệnh từ Trung tâm, sau 90 giây, 15 cán bộ chiến sỹ thuộc tổ trực đã có mặt trên xe PCCC và xuất phát. “Khi xuống xe, tôi lập tức cùng với 7 cán bộ chiến sĩ khác đeo bình dưỡng khí, tiến vào hiện trường vụ cháy đang đen đặc khói, ngổn ngang gạch vỡ do trần nhà sập xuống cùng sắt thép trơ trụi. Tại tầng 3, tôi phát hiện có 3 người, 1 nam và 2 nữ trong tình trạng sức khỏe suy yếu nặng do nhiễm độc khói. Trong đó, một người con gái đang thoi thóp thở. Ngay lúc đó, tôi và Hạ sĩ Nguyễn Anh Tuấn (SN 2000) tháo mặt nạ dưỡng khí của mình đeo cho nạn nhân, đồng thời tiến hành sơ cứu, cõng và dìu nạn nhân di chuyển xuống tầng 1, đưa ra ngoài cho lực lượng y tế chăm sóc…”.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Hạ sĩ Lê Quang Khải , Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Hà Đông (Hà Nội) - Ảnh: Hồng Nhung

Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh (SN 1993), Tổ trưởng Tổ CNCH, Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 2, Phòng PC07, Công an TP Hà Nội nói rằng nhường mặt nạ dưỡng khí cho nạn nhân là chuyện hết sức bình thường. Theo lý giải của đồng chí, khi tiến hành công tác CNCH, ít nhất phải đi theo từng nhóm, mỗi nhóm 3 người. Trong trường hợp khói khí độc và nhiệt giảm bớt, thì 1 trong 3 chiến sĩ có thể nhường mặt nạ chống độc cho nạn nhân để giúp nạn nhân có dưỡng khí sạch để thở, điều này giúp nạn nhân cầm cự thêm ít phút trước khi được đưa đến nơi an toàn.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC & CNCH đang đưa một cậu bé ra khỏi đám cháy tại chung cư mini trên phố Khương Hạ, rạng sáng 13/9/2023 - Ảnh: NVCC

Bản thân Tuấn Anh vẫn không quên kí ức về một nữ nạn nhân trong vụ cháy toà chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 23/10/2022. Khi đám cháy đã được khống chế, anh và đồng đội tiếp cận hiện trường tìm kiếm các nạn nhân. Khi đó, có một nạn nhân nữ đang mê man giữa đống đổ nát, lớp da tay da chân bị tuột hết do bị om nhiệt và om khói khá lâu.

“Lúc đó, nhiệt độ khoảng 60-70 độ C, tôi lập tức tháo mặt nạ dưỡng khí của mình ra trợ giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Chúng tôi nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, cũng may nạn nhân đã bình phục trở lại, chỉ cần đến chậm 3-4 phút nữa, có lẽ chị đã không chịu đựng được”, Tuấn Anh hồi tưởng.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Các chiến sĩ PCCC & CNCH mệt lả, kiệt sức sau những nỗ lực dập lửa, cứu người trong vụ cháy chung cư mini, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng
Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức – Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH Khu vực số 2, Phòng PC07, CA TP Hà Nội – người đã có thâm niên 20 năm trong nghề cho biết, đối với công tác chữa cháy, CNCH, khi xác định có người thì ưu tiên cứu người là hàng đầu nên việc trinh sát, tiếp cận đám cháy ở các mũi cần đảm bảo nhất, làm sao để nhanh nhất cứu được nạn nhân.

Nhưng để cứu được người thì trước hết, các chiến sĩ phải thuộc nằm lòng nguyên tắc khi chữa cháy là phải đảm bảo an toàn cho bản thân bởi nếu mình bị thương thì còn cứu được ai nữa!

“Chính vì thế, tôi yêu cầu anh em chấp hành đúng chiến thuật, nghe theo mệnh lệnh chỉ huy, đảm bảo an toàn cho chính mình. Đặc thù công việc gấp gáp, rất khó khăn để quyết định phương án chỉ trong tích tắc thôi. Với cương vị chỉ huy, nếu tôi ra quyết định sai lầm thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường nên trong đám cháy tôi rất quyết liệt. Đồng chí nào mà ra “chiến trường” trong tâm thế “chưa thật sự sẵn sàng cao độ” là không thể chấp nhận được, tôi sẽ dùng mọi biện pháp “sốc tinh thần” anh em lên. Nhiều lúc cũng phải quát tháo, nói nặng lời đấy… nhưng lúc bình thường thì như anh em một nhà, chuyện gì cũng có thể chia sẻ”, đồng chí Đức bộc bạch.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức – Phó Đội trưởng Đội PCCC và CNCH Khu vực số 2, CA TP Hà Nội - Ảnh: Hồng Nhung

“Đã có những chiến sĩ trong lực lượng PCCC & CNCH hy sinh khi làm nhiệm vụ, điều đó chứng tỏ mối nguy hiểm tới tính mạng luôn kề cận khi chiến đấu với “giặc lửa”. Vậy, các anh có lo lắng không?”, tôi hỏi.

“Nỗi sợ đôi khi vẫn trở lại trong em. Nhất là đi chữa cháy trong điều kiện địa hình tối, không thông thuộc đường đi lối lại. Như vụ cháy chung cư ở Khương Hạ mới đây, khói đặc bao quanh, đèn pin gần như không tác dụng, có lúc giơ bàn tay mình ngay trước mặt còn không nhìn thấy. Nhưng lúc đó, em cũng tự trấn an, đằng sau mình có dây bảo hiểm rồi, nếu có vấn đề gì em có thể đi theo dây chạy ngược lại, hoặc ra kí hiệu cho đồng đội”, Hạ sĩ Lê Quang Khải trải lòng.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Cũng trong vụ chữa cháy Khương Hạ, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh được giao nhiệm vụ đu dây leo từ tầng 6 (nóc nhà dân gần hiện trường) lên tầng 9 tòa chung cư mini bị cháy để tiếp cận, cứu các nạn nhân mắc kẹt tại đây. Đu dây leo nhà cao tầng thì Tuấn Anh thực hiện nhiều rồi, nhưng leo ở độ cao như thế cũng không tránh khỏi nỗi lo lắng.

Trấn an bản thân, cẩn thận trong từng thao tác, anh đã trực tiếp cứu được 9 người, trong đó có 3 người được anh hướng dẫn trèo từ tầng 9 xuống tầng 6. Buộc dây cho họ, và cho bản thân, Tuấn Anh cùng trèo xuống, ôm họ từ bên ngoài, 2 trẻ nhỏ được anh cõng trên lưng. May mắn, tất cả đều tiếp đất an toàn.

Hôm đó, có 1 nạn nhân đã bất tỉnh, anh đành buộc dây quanh người nạn nhân rồi thả xuống cho đồng đội đang túc trực phía dưới. Điều anh trăn trở mãi là không biết nạn nhân này có qua khỏi được không…

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Vất vả, hiểm nguy là thế, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, tất cả các chiến sĩ PCCC & CNCH mà tôi gặp đều nói về công việc với sự tự tin và đầy trách nhiệm. Họ chuẩn bị tâm thế có thể gặp tai nạn, rủi ro, ảnh hưởng đến sinh mạng, nhưng không vì thế mà chùn bước, hay từ bỏ.

“Điều gì đã khiến anh trở thành một chiến sĩ cứu hỏa?. “Có lẽ, đó là lòng thương người!. Ví dụ như em, nhìn thấy nạn nhân đang cần sự trợ giúp thì em không thể làm ngơ được. Bản thân mình được học hành, được đầu tư trang thiết bị đảm bảo an toàn và các phương tiện để cứu người thì mình phải làm hết sức có thể”, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh chia sẻ với tôi.

“Nhiều năm trong nghề, lại đã từng tham gia cứu nạn trên cạn và cả dưới nước nữa, anh có bị ám ảnh với cái chết không?

“Lần đầu tiếp xúc có chút hơi rợn người, sau làm nhiều thành quen. Tuy nhiên, mình cũng là con người mà, ai cũng có gì đó ám ảnh, đặc biệt chết cháy, đuối nước, nạn nhân không nhắm được mắt do cơ mắt bị giãn cứng. Nên thường chúng tôi khi đi thực hiện nhiệm vụ sẽ mang theo cái khăn mặt đậy lên cho nạn nhân, sau đấy mới triển khai các biện pháp tiếp theo”, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức trầm ngâm.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh - Ảnh: Hồng Nhung

“Nỗi ám ảnh đó có phải là nỗi sợ không?”, tôi hỏi. “Tôi chỉ nghĩ về sự việc đó thoáng qua trong ngày hôm ấy thôi! Tình thương với nạn nhân là chính, chứ đó không phải là nỗi sợ hãi”.

“Khi gặp nạn nhân, anh em chúng tôi thường nói ‘hôm nay, cháu/anh/em làm phước, mong cô/chú/anh/chị phù hộ’, sau đó, chúng tôi làm việc bình thường, đưa nạn nhân đến nơi an toàn nhất giao cho người thân.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Làm nghề này, cứu được người còn nguyên vẹn, lành lặn là tốt nhất, nếu không cũng phải cứu được người bị thương ở mức nhẹ nhất, đấy là mong mỏi không chỉ của người thân, cộng đồng và của tất cả các lực lượng PCCC & CNCH. Và trong trường hợp không còn tia hy vọng nào thì người thân, cộng đồng cũng mong muốn lực lượng PCCC & CNCH trong thời gian sớm nhất có thể tìm được thi thể của nạn nhân để chuyển ra bên ngoài.

Với anh Đức, điều xuyên suốt để giữ anh ở lại với nghề suốt 20 năm qua chính là mong muốn có thể cứu người, hay cao hơn nữa là sự nhân văn, tinh thần vì đồng loại. “Lúc hoàn thành công việc, cứu được người, anh em ra tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau. Nhưng khi không cứu được, nhiều anh em buồn, bật khóc vì bất lực… Tại sao mình không đến được nhanh hơn chút nữa; tại sao người dân không gọi điện sớm hơn; nhà không ở ngõ sâu mà ở ngay mặt đường có phải dễ hơn không?... hàng trăm câu hỏi như vậy cứ thôi thúc, day dứt trong lòng”.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Đã từng tham gia chữa cháy và trực tiếp chỉ huy không biết bao nhiêu vụ cháy lớn nhỏ, nhưng Thiếu tá Nguyễn Minh Đức – Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 2, Phòng PC07, CA TP Hà Nội nhớ nhất là lần chữa cháy ở chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 23/10/2022.

Trong nhiều lần chữa cháy khác, cảm giác vui buồn thường đan xen nhau bởi cứu được người này nhưng lại bất lực khi không cứu được người kia, nhưng lần này thì “thật sự trọn vẹn”, bởi cả 11 nạn nhân đều an toàn!

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức hồi tưởng: "Chúng tôi nhận được tin báo cháy ở tầng 1 chung cư mini, có nhiều người mắc kẹt bên trong. Rất may cũng gần ngay trụ sở, chúng tôi đã kết hợp với Công an quận Cầu Giấy triển khai các đội hình cũng như trinh sát đám cháy, vừa tổ chức chữa cháy vừa tổ chức CNCH. May mắn, chúng tôi cứu được ra ngoài an toàn 11 người, một số chỉ bị thương nhẹ thôi…"

Bình thường tâm lý người dân hoảng loạn sau khi thoát nạn sẽ chạy ra ngoài nhưng hôm ấy, có một em gái tên Mai Linh sau khi được đồng chí Đức trực tiếp cứu, đã ôm chầm lấy anh Đức trong nỗi nghẹn ngào “Cảm ơn các chú cứu hỏa đã cứu sống cháu!”.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Mai Linh sau khi được cứu ra khỏi đám cháy, đã ôm chầm lấy đồng chí Đức - Ảnh: NVCC

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Mai Linh hội ngộ đồng chí Đức trong chương trình "Việc tử tế" của VTV

“Cảm giác của tôi lúc đó vừa vui vừa xúc động, cũng muốn chia sẻ một chút gì đó để em tự tin hơn, theo phản xạ tự nhiên tôi vòng tay ôm trấn an em gái, và động viên em: Thôi, đã có bọn anh ở đây rồi!”.

Anh Đức kể, cho đến giờ, em gái đó vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng đến trụ sở thăm các anh, khi thì gửi tặng chút quà quê, nếu không gặp em viết giấy note gửi lại với câu chữ rất tình cảm, chân thành…

“Sau vụ chữa cháy Khương Hạ, người dân viết thư tay cảm ơn rất nhiều nhà báo ạ! Đây là một nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh em, đặc biệt các chiến sỹ trẻ yêu ngành, yêu nghề hơn, làm sao có sức khỏe tốt nhất để hỗ trợ được nhiều nhất nạn nhân”, anh Đức hồ hởi khoe với tôi - ánh mắt lấp lánh trên khuôn mặt rắn rỏi của người chỉ huy giàu kinh nghiệm.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Thư viết tay của người dân động viên các chiến sĩ Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 2, Phòng PC07, CA TP Hà Nội được các anh trân trọng đóng khung lại. Ảnh: NVCC

Đối với Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cũng như nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC & CNCH thì phẩm chất đáng quý nhất đối với người chiến sĩ cảnh sát nói chung và lực lượng PCCC nói riêng chính là lòng dũng cảm, tình thương người. “Điều e ngại nhất là khi chúng tôi được phong làm anh hùng! Bởi như thế có nghĩa là ai đó trong cộng đồng, đồng bào của chúng ta đã trở thành nạn nhân rồi!”.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Thượng tá Trần Kim Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC & CNCH, Trường Đại học PCCC hướng dẫn học viên thao tác vận hành thiết bị chữa cháy. Ảnh: Hoàng Quân

Tôi xin mượn những chia sẻ chân tình của Thượng tá Trần Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC & CNCH, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy để kết lại bài viết này thay cho sự cảm kích, lòng tri ân của mình đối với các cán bộ chiến sĩ lực lượng PCCC & CNCH:

“Trong các môn học (của học viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - PV) thì tiết học đầu tiên là nói về lòng yêu nước, tiết học thứ 2 nói về lòng yêu nghề. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm, nghĩa vụ truyền lửa cho các thế hệ sinh viên tiếp theo. Đâu đó có những người vẫn chuyển ngành, chuyển nghề, nhưng cũng có những người chuyển từ các lĩnh vực khác sang làm nghề “chữa lửa, cầm vòi”. Sang đây thì nó cũng nặng nhọc đấy, vất vả đấy nhưng nhẹ đầu và thanh thản. Và tôi thường nói với học viên của mình rằng “có thể các em luyện tập cả đời không dùng đến nhưng chỉ cần các em dùng đến 1 lần, cứu được 1 người trong đời thì đó cũng là hiệu quả rồi!”.

Những chiến sĩ không muốn làm anh hùng

Phóng sự của HỒNG NHUNG

Video: HỒNG NHUNG - VĂN QUÂN - TUYẾT HẰNG - TRẦN YẾN

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động