![]() |
"Cũng không đặt nhiều kỳ vọng, nhưng cứ thử xem sao" - anh Nguyễn Bá Mạnh, cán bộ Ban Nghiệp vụ, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình buông lời như thế thay cho lời chào, khi vừa trở về từ một buổi phỏng vấn tại một doanh nghiệp tư nhân. Ở tuổi 45 - cái tuổi mà người ta thường gọi là "độ chín của sự nghiệp", anh Mạnh lại rẽ sang một khúc quanh đầy thử thách: đi tìm việc làm. Gần hai tháng nay, ngày nào anh cũng dành phần lớn thời gian ngồi trước màn hình máy tính: lọc tin tuyển dụng, gọi điện nhờ vả tất cả mối quan hệ từng có trong hơn 20 năm công tác, lặng lẽ gửi hồ sơ. Nhưng mọi nỗ lực vẫn rơi vào khoảng trống vô định. Chưa một cơ hội nào lóe lên.
|
Đôi mắt anh đỏ hoe sau nhiều đêm không thể chợp mắt. Bố mất sớm, ngay cả người anh trai duy nhất của anh Mạnh cũng đã rời bỏ thế giới này. Vừa làm trụ cột gia đình nhỏ với hai con đang tuổi đến trường, vừa chăm mẹ già đau yếu, gánh nặng dồn lên vai người đàn ông ấy - mỗi tối vẫn cặm cụi soạn lý lịch công tác, viết thư xin việc. Những nơi có mức thu nhập ổn thì lại ở quá xa, không thể quán xuyến việc gia đình - bởi sắp tới, vợ anh cũng sẽ phải chuyển công tác do sắp xếp lại địa giới hành chính. Còn nếu chọn chỗ gần nhà, mức lương chỉ bằng một nửa hiện tại, rất khó đảm đương kinh tế. Phần khác, anh đã quá ngưỡng tuổi tuyển dụng ở đa số doanh nghiệp hiện nay. Thế nhưng, điều day dứt lớn nhất không chỉ là câu chuyện miếng cơm manh áo. |
|
Cuộc trò chuyện đôi lúc bị gián đoạn bởi những cuộc gọi từ cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động. Họ gọi để hỏi về các chương trình sắp tới, mỗi người một tình huống, một hoàn cảnh riêng. Anh Mạnh vẫn giữ giọng điệu ân cần, nhẹ nhàng giải đáp, hướng dẫn cụ thể, dù phía đầu dây bên này, cốc nước đặt trước mặt anh vẫn chưa vơi. “Tối qua có anh công nhân gọi hỏi về chính sách. Vui nhất là người đó mình từng gặp từ 15 năm trước, khi mình còn làm ở liên đoàn lao động huyện, trong một lần đi tuyên truyền. Họ vẫn lưu số và nhớ đến mình” - anh kể, ánh mắt ánh lên sự tự hào. “Việc của mình thì chưa đâu vào đâu, nhưng được giúp người lao động là vẫn ham lắm, không bỏ được...”.
|
Không chỉ miệt mài với việc công đoàn, anh Mạnh còn là một cây bút bền bỉ trong hệ thống báo chí công đoàn. Những tin bài anh gửi đi đều được đón nhận, không chỉ như một cách thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, mà còn góp phần tăng thêm chút thu nhập để đỡ đần kinh tế gia đình. Với anh, viết không chỉ là công việc. Viết là kết nối, là sẻ chia, là cách để đồng hành cùng người lao động – bằng những câu chuyện chân thực, gần gũi, được chắt lọc qua những năm tháng gắn bó với tổ chức. Có lẽ cũng bởi thế mà mỗi lần chuẩn bị hồ sơ xin việc, nhìn vào quá trình công tác của mình, anh lại không kìm được nước mắt. “Bỗng một ngày không còn là cán bộ Công đoàn nữa, cảm giác như mất đi một phần con người mình,” anh Mạnh nghẹn giọng. “Mình quen nghĩ cho người lao động rồi, quen lên kế hoạch cho Tháng Công nhân, cho ngày hội hiến máu, quen tiếng máy rộn ràng trong các nhà xưởng mỗi buổi truyền thông... Giờ thì không biết sẽ đi đâu, làm gì. Nhưng có một điều chắc chắn – mình vẫn sẽ nghĩ như một người công đoàn".
Khác với anh Nguyễn Bá Mạnh - người đang gói ghém lại hành trình công tác để bước vào một cuộc tìm kiếm việc làm, thì ở nhiều nơi, từ nay đến ngày 15/6 – mốc hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy công đoàn – vẫn còn những cán bộ tất bật trong những ngày cuối cùng của vai trò mình từng đảm nhiệm. Họ chưa kịp nghĩ đến “ngày mai”, nhưng trong những khoảnh khắc lặng lẽ mở lại từng sổ sách cũ, ghi chép những kỳ Tháng Công nhân, từng chương trình hỗ trợ Mái ấm Công đoàn, từng hội thao, cuộc thi, cảm xúc thật khó tả.
|
“Mình đi giữa chừng, còn nhiều việc chưa làm hết…” - chị Bùi Thị Lý, cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), nghẹn giọng. Gần 20 năm công tác, gắn bó với tổ chức Công đoàn từ khi còn là một công nhân ưu tú được cử đi ôn thi, vào đại học, ra trường, rồi đảm nhiệm nhiều mảng việc khác nhau: tài chính, tuyên giáo, tổ chức, nữ công – chị đã “nghiện” cái nhịp tất bật ấy từ lúc nào chẳng hay. Nói là “nghiện” cho vui, nhưng để đảm đương khối lượng công việc ấy, chị đã đánh đổi không ít: những ngày liên tiếp không ăn cơm nhà buổi tối, những buổi trưa "tặc lưỡi" nhịn đói vì mải mê xử lý công văn quá giờ ăn. Có những thời điểm, chị rời cơ quan khi đèn đường đã lên từ lâu. Ngay cả lúc này, khi con gái lớn của chị đang bước vào kỳ thi vào lớp 10 đầy căng thẳng, chị vẫn tất bật với công việc chuyển giao. “Mẹ lo việc mẹ, con tự lo việc con,” chị cười xòa. “Mình còn chưa kịp gọi điện hỏi con làm bài thế nào nữa cơ...”. Nụ cười ấy, nhẹ tênh nhưng chất chứa cả một quãng dài hy sinh thầm lặng. Chị từng ăn cơm bụi cùng công nhân, từng đứng giữa cái nắng hơn 40 độ C lúc giữa trưa để nắm bắt tình hình tại doanh nghiệp có đình công. Mệt thì có mệt, nhưng chưa khi nào chị nghĩ đến hai chữ “từ bỏ”.
Trong căn phòng nhỏ nơi chị Lý gắn bó gần chục năm qua, những bức ảnh chụp cùng người lao động, những món quà nhỏ được tặng trong các dịp lễ, những dòng thư tay viết vội vẫn còn nguyên vẹn. Điều khiến chị tiếc nuối nhất, không phải là những kế hoạch dở dang, mà là những con người đã đồng hành cùng chị suốt chặng đường đã qua. “Công đoàn là nơi mình được học cách lắng nghe, cách thương một người mình không quen biết, cách giúp ai đó mà không cần họ biết tên mình… đam mê lắm", chị nói. Guồng quay tại các nhà máy, doanh nghiệp vẫn chưa từng dừng lại. Điện thoại, thông báo, văn bản… cứ liên tục đổ về. Có những đầu việc tưởng như đã hoàn tất, nhưng rồi lại thay đổi vào phút chót. Thay vì bối rối, chị Lý bình tĩnh xử lý, nhanh chóng phân công, điều phối “trơn tru như thường lệ”. Từng thao tác linh hoạt, từng cú lướt tay tìm đúng vị trí một tờ giấy trong tập hồ sơ dày cộp – tất cả là minh chứng cho sự gắn bó và kinh nghiệm tích lũy qua từng năm tháng của người cán bộ tận tụy.
Còn vài ngày nữa là kết thúc công việc, nhưng với chị, mọi thứ vẫn như cũ. Chỉ khác là sự bận rộn giờ đây dành cho sắp xếp, bàn giao. Giấy tờ chất thành chồng, sổ sách phải kiểm kê, tài liệu cần phân loại. Gần như một mình, chị đang gói ghém cả quãng đời công tác vào những ngày cuối cùng. “Thật ra mình chưa có thời gian để nghĩ nhiều. Cứ làm, làm cho xong đã", chị nói khẽ. “Nhưng thỉnh thoảng cũng ngẩn người... Không biết rồi sẽ thế nào. Cứ lặng đi giữa những tập tài liệu, rồi khóc". |
Xuôi vào Huế, tại huyện A Lưới - vùng đất quanh năm khắc nghiệt cả về thời tiết lẫn điều kiện kinh tế - xã hội, vẫn có những cán bộ Công đoàn lặng lẽ, bền bỉ với công việc, cần mẫn như những cánh én giữa đại ngàn. Dù không ít lần “vồ ếch” khi đi cơ sở, nhưng những dấu chân của họ chưa khi nào dừng lại. Mái tóc cắt ngắn, nước da rám nắng, dáng người nhỏ thó, đôi mắt lúc nào cũng ánh lên vẻ mỏi mệt như vừa đi dưới mưa về. Chị Trần Thị Phương - cán bộ Công đoàn huyện A Lưới - kể chuyện đi cơ sở nhẹ tênh như kể chuyện đi chợ: “Ở đây cứ mưa là sạt lở. Hôm đó đường trơn quá, xe máy không vào được, tôi đành đi bộ. Đi một đoạn lại ngã, ngã rồi lại đứng dậy. Cũng có lúc chán, nhưng nghĩ người lao động đang chờ mình, mình không thể không đi".
Có lần, chị suýt bị đá rơi khi đi qua đoạn đường bị sạt lở. Những lần thức khuya để hoàn thành công việc, dẫu là khi vừa sinh con được ba ngày; hay thậm chí là chuyến công tác khiến chị không may bị tai nạn, phải nằm điều trị 2 tháng;... nhưng chẳng điều gì khiến chị Phương nản lòng. “Sợ lắm chứ", chị Phương cười, “nhưng công việc mà, mình sợ thì ai đi? Mình còn khỏe là còn giúp được người khác, thế là vui rồi". Cũng bởi vậy, mỗi lần có chương trình hỗ trợ đoàn viên khó khăn, chị luôn là người đầu tiên xung phong đi tiền trạm.
Công việc mà chị đam mê sắp phải dừng lại, trong khi chồng chị cũng vừa mất việc. Hai vợ chồng vẫn đang xoay xở từng ngày để lo cho con nhỏ. Kinh tế gia đình eo hẹp, chị vẫn cố duy trì nếp cũ: sáng đi cơ sở, tối về ghi biên bản, rà soát phản ánh từ người lao động. Có người khuyên nên nghỉ ngơi, chị chỉ cười: “Chưa nghỉ được đâu, quen rồi". Cũng giống như chị Bùi Thị Lý, nữ cán bộ công đoàn ở huyện miền núi A Lưới vẫn đang tất bật giữa những tập hồ sơ quyết toán, sổ sách, tài chính, văn bản… Không ai trong số họ có thời gian để ngồi lại nghĩ về tương lai phía trước. Điều họ làm, đơn giản là cố gắng hoàn thành công việc đến những ngày cuối cùng – với tất cả sự chỉn chu và tận tâm như thể ngày mai vẫn còn tiếp tục.
|
Nhờ có tổ chức Công đoàn, những cán bộ như anh Nguyễn Bá Mạnh, chị Bùi Thị Lý, chị Trần Thị Phương đã từng được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận các chương trình phúc lợi. Họ được sống đúng với giá trị mà mình theo đuổi: giúp người lao động, sẻ chia, tạo dựng một cộng đồng đoàn kết. Những điều đó, giờ đây, cũng chính là hành trang để họ thêm vững tin bước vào hành trình phía trước - dù là ở đâu, làm gì. Họ cũng là đại diện cho hơn 500 cán bộ Công đoàn chuyên trách trên cả nước đang ở trong một điểm rẽ đầy băn khoăn: bước ra khỏi “mái nhà” Công đoàn quen thuộc và bắt đầu một hành trình mới.
Trong cuộc chuyển mình của đất nước, của cả hệ thống tổ chức, họ luôn tin tưởng, ủng hộ đường lối đã đề ra – và tự hào vì từng được góp sức mình trong một cuộc cách mạng mang tên "tinh gọn". Điểm chung lớn nhất giữa họ, không phải là độ tuổi, hoàn cảnh, hay vị trí công tác - mà là sự tận tụy. Tận tụy đến mức nâng niu từng tấm bằng khen, giữ lại từng tấm ảnh từ mỗi chuyến đi cơ sở. Trong sâu thẳm, họ vẫn chỉ mong được tiếp tục cống hiến – cho tổ chức, cho hàng triệu đoàn viên, công nhân lao động - dù là ở bất kỳ vai trò nào. Anh Nguyễn Bá Mạnh vẫn mong được truyền thông trực tiếp cho công nhân trong các khu công nghiệp, được tiếp tục vận động thành lập công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức. Chị Bùi Thị Lý - người từng giúp hàng trăm công nhân tiếp cận các chương trình hỗ trợ về nhà ở, học bổng cho con em, và bảo vệ quyền lợi trong các cuộc thương lượng tập thể – vẫn giữ liên lạc mật thiết với các nữ công nhân. Và giờ đây, chị vẫn muốn chia sẻ với họ những câu chuyện đời thường, từ bạo lực gia đình đến việc nuôi dạy con cái. Còn chị Phương - người phụ nữ nhỏ thó của miền núi A Lưới, là điểm tựa cho hàng chục công đoàn cơ sở vùng sâu. Không phương tiện, ít kinh phí, chị lấy chính tấm lòng làm vốn. Chính điều đó khiến chị luôn nhận được sự tin yêu từ cả người lao động lẫn doanh nghiệp, dù hoàn cảnh có vất vả đến đâu.
Vẫn còn đó những ánh mắt đau đáu hướng về người lao động. Vẫn còn đó những cuốn sổ tay dở dang, những cuộc điện thoại tư vấn sau giờ hành chính. Họ chưa từng rời bỏ tinh thần công đoàn - chỉ là vị trí công tác đã không còn mang tên họ. Dù không được ghi nhận bằng những chính sách cụ thể, họ vẫn âm thầm trao lại cho lớp kế cận ngọn lửa của sự tận tâm, kiên nhẫn, và bền bỉ. Không có lễ chia tay rình rang. Không có dòng chữ “vinh danh” nào được in đậm. Nhưng sự lặng lẽ của những người từng là trụ cột nơi cơ sở vẫn chất chứa những giá trị không thể đong đếm. Trong những câu chuyện chưa kịp kể hết, trong những chuyến xe chưa hoàn thành, họ lùi lại – không phải vì cạn lòng, mà vì hành trình buộc rẽ sang một lối khác. Ở đâu đó, trên khắp dải đất hình chữ S, còn hàng trăm cán bộ Công đoàn - những người đã góp phần âm thầm xây nên niềm tin vào tổ chức. Dù không còn khoác lên mình màu áo xanh quen thuộc, với họ, công đoàn đã trở thành máu thịt. Bởi như anh Mạnh nói: “Công đoàn là cách sống, không phải chỉ là nơi làm việc". Và nếu không thể tiếp tục cống hiến, họ vẫn mong được nhớ đến – như một phần đẹp đẽ đã in dấu trong ký ức của Công đoàn Việt Nam. Để hiểu rằng, có những người dù không còn đứng trong tổ chức, nhưng chưa bao giờ rời khỏi con đường mang tên: tận tụy vì người lao động. Podcast: Những trái tim công đoàn chưa từng rời nhiệm sở
* Bài viết là lời tri ân tới những người đã và sẽ mãi tận tụy vì tổ chức Công đoàn |
Bài viết: PHƯƠNG MAI - MINH KHÔI Thiết kế: AN NHIÊN |