Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và luôn đặt công tác này ở vị trí hàng đầu trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có nhiều chủ trương lớn về công tác cán bộ; trong đó phải kể đến Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ, ngày 04/03/2010 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ của tổ chức Công đoàn đã có bước tiến quan trọng. |
Thành tựu nổi bậtvà một số hạn chế |
Về thành tựu Thứ nhất, nhận thức của các cấp công đoàn về công tác ĐTBD cán bộ được nâng lên một bước; hệ thống các văn bản, quy định về công tác ĐTBD cán bộ công đoàn (CBCĐ) đã cơ bản được hoàn thiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1904/QĐ-TLĐ ngày 21/11/2013 về Quy chế hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức công đoàn; Quyết định số 1448/QĐ-TLĐ ngày 22/10/2015 ban hành Quy chế ĐTBD cán bộ công đoàn. Nghị quyết 03/NQ-TLĐ ngày 11/01/2019 về công tác CBCĐ trong tình hình mới; Chương trình số 1563 /CTr-TLĐ ngày 9/10/2019 về “Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”... Ngoài ra, hàng năm Tổng Liên đoàn đều ban hành kế hoạch ĐTBD, trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ sở đào tạo và chỉ tiêu ĐTBD cho từng cấp công đoàn. Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo CBCĐ các cấp được quan tâm, chú trọng. Hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đều có bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu về công tác ĐTBD. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở đều phân công cụ thể, xác định rõ người, rõ việc, phát huy vai trò tham mưu giúp việc cho BCH, BTV công đoàn các cấp trong tổ chức thực hiện công tác ĐTBD. Thứ ba, nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động giảng dạy được nghiên cứu biên soạn thống nhất và thường xuyên được cập nhật, bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong từng giai đoạn. Tổng Liên đoàn đã triển khai biên soạn và đưa vào sử dụng nhiều tài liệu phục vụ cho công tác ĐTBD CBCĐ như: Bộ tài liệu ĐTBD cán bộ CĐCS (dành cho đội ngũ cán bộ CĐCS); Tài liệu “ĐTBD CBCĐ theo phương pháp tích cực” dành cho giảng viên kiêm chức và cán bộ làm công tác đào tạo; Đề cương bài giảng 21 chuyên đề, dành cho giảng viên kiêm chức công đoàn; Tài liệu hướng dẫn về “Phương pháp Vòng tròn học tập, ứng dụng trong đào tạo và hoạt động công đoàn”; Tài liệu về “bình đẳng giới và lồng ghép giới’’, “Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc”; ban hành Chương trình đào tạo “Lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn”, đây là chương trình khung thống nhất trong toàn hệ thống cho các trường công đoàn; là căn cứ để xây dựng tiêu chuẩn hóa đội ngũ CBCĐ các cấp. Bên cạnh đó, phương pháp ĐTBD thường xuyên được đổi mới theo hướng tích cực, chuyên sâu về phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ, sát chức năng nhiệm vụ, tâm lý, điều kiện CBCĐ. Thứ tư, đội ngũ giảng viên kiêm chức thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ về phương pháp giảng dạy, ngày càng phát huy hiệu quả. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết đã đào tạo được 933 CBCĐ làm giảng viên kiêm chức, trong đó đa số là những người có kinh nghiệm trong công tác hoạt động công đoàn và được đào tạo ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau tùy thuộc vào vị trí công tác chuyên môn tại đơn vị. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác bồi dưỡng, tập huấn cho CBCĐ. Thứ năm, các trường đại học, viện nghiên cứu tiếp tục được quan tâm đầu tư đã có bước phát triển vượt bậc; nhiều đề tài, nghiên cứu khoa học có chất lượng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp công đoàn. Số lượng CBCĐ được ĐTBD trong các cơ sở ĐTBD của hệ thống công đoàn hàng năm ngày càng tăng góp phần chuẩn hóa, từng bước nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới. |
LĐLĐ TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng pháp luật cho hơn 40 CBCĐ chuyên trách. |
Về hạn chế Công tác ĐTBD ở một số nơi chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, chưa thực sự quan tâm đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐTBD hàng năm, chưa có chiến lược ĐTBD cán bộ trung hạn và dài hạn. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng còn nặng lý luận, lý thuyết, ít thực tiễn, chưa sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực nên chưa phát huy được trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú của cán bộ trong quá trình ĐTBD. Chưa chú trọng vào ĐTBD nâng cao trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho đội ngũ CBCĐ phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động giải thích chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước đến NLĐ. |
LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Trường Đại học Công đoàn tổ chức bế giảng lớp Đào tạo Lý luận và Nghiệp vụ công tác công đoàn - K231. |
Nguồn kinh phí dành cho công tác ĐTBD CBCĐ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bình quân chi kinh phí cho đào tạo chỉ đạt khoảng 5% so với tổng số chi hoạt động công đoàn các cấp. Nhiều nơi tài liệu, thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học còn thiếu, không đồng bộ. Giảng viên giảng về nghiệp vụ công tác công đoàn còn yếu và thiếu, nhất là các trường công đoàn ngành, địa phương, các trung tâm. |
Nguyên nhân và giải pháp |
Nguyên nhân Thứ nhất, nhận thức của một số CBCĐ các cấp về công tác ĐTBD CBCĐ còn chưa sâu sắc, toàn diện. ĐTBD chưa gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ công đoàn trong tình hình mới. Đa số CBCĐ không chuyên trách, có ít thời gian dành cho hoạt động công đoàn, bị động trong việc sắp xếp thời gian theo học các khóa đào tạo, tập huấn do công đoàn tổ chức. Việc tiếp thu, vận dụng kiến thức từ hoạt động ĐTBD vào thực tiễn hoạt động công đoàn tại cơ sở có nơi còn hạn chế. Một bộ phận CBCĐ còn ngại học, ngại nghiên cứu để hiểu biết về kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật và những vấn đề liên quan đến NLĐ. Thứ hai, việc xây dựng kế hoạch, chương trình, hình thức ĐTBD ở một số nơi chưa sát với nhu cầu đối tượng ĐTBD, thời gian, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu của nội dung ĐTBD. Thứ ba, việc quản lý, sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm chức chưa hợp lý nên còn lãng phí và chưa phát huy được hiệu quả. Thứ tư, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ĐTBD còn thiếu, chất lượng phục vụ chưa cao, chưa đáp nhu cầu đổi mới công tác ĐTBD CBCĐ |
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh chúc mừng các học viên hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ cho cán bộ CĐCS. |
Một số giải pháp Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội và công đoàn, là vấn đề có nhiều thách thức đối với tổ chức Công đoàn. Để xây dựng đội ngũ CBCĐ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác ĐTBD CBCĐ cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau: Một là, cần đẩy mạnh, quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ CBCĐ các cấp về sự cần thiết và tính cấp bách phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ĐTBD cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ CBCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ nhận thức phải chuyển hóa thành các hành động cụ thể; phải xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp công đoàn về công tác ĐTBD CBCĐ. Hai là, cần xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ CBCĐ chuyên trách ở các cấp công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thường xuyên rà soát trình độ, năng lực đội ngũ CBCĐ các cấp, gắn công tác ĐTBD CBCĐ với công tác cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo phù hợp với trình độ, năng lực sở trường của CBCĐ; xây dựng và chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ tại cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách theo tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực vị trí việc làm, có đủ năng lực tham mưu, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ; ĐTBD nâng cao trình độ ngoại ngữ đủ khả năng làm việc độc lập với các cá nhân, tổ chức nước ngoài khi có yêu cầu. Để quyền lợi của đoàn viên và công nhân lao động được đảm bảo, các cán bộ Công đoàn cũng cần có bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp. Ảnh minh hoạ Ba là, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD CBCĐ. Nội dung ĐTBD phải phù hợp với từng đối tượng; trong đó, đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc cơ quan công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương và tương đương cần ĐTBD kiến thức chuyên sâu về lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn, về quan hệ lao động, phấn đấu mỗi lĩnh vực công tác đều có những cán bộ vững về chuyên môn để tham mưu các chủ trương công tác cho BTV, BCH và kịp thời hỗ trợ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở giải quyết những vướng mắc, khó khăn hoặc điểm nóng về quan hệ lao động thuộc phạm vi quản lý. Đối với đội ngũ CBCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở cần ĐTBD kiến thức chuyên sâu về quan hệ lao động, về kỹ năng phát triển đoàn viên và các kỹ năng cần thiết khác để bảo đảm mỗi cán bộ chuyên trách đều có khả năng hoạt động độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, hỗ trợ CBCĐ cơ sở trong việc đối thoại, thương lượng tập thể, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động. Đối với đội ngũ CBCĐ ở cơ sở: Tập trung ĐTBD kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, nghiệp vụ công đoàn và các kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng, kỹ năng, phương pháp thu thập và trao đổi thông tin với đoàn viên và NLĐ. Tiếp tục phân cấp công tác ĐTBD đối với các cấp công đoàn, trong đó tăng cường hỗ trợ ĐTBD đối với CBCĐ cơ sở. Tăng cường phương pháp ĐTBD theo phương pháp học tập tích cực, lấy đối tượng đào tạo làm trung tâm, hạn chế trao đổi thông tin một chiều. Các khóa học phải được tổ chức đa dạng có thời gian, chương trình phù hợp; xây dựng cơ sở hạ tầng và nội dung, hình thức ĐTBD trực tuyến (E-learning) để đáp ứng yêu cầu của tất cả các cấp công đoàn. Bốn là, tiếp tục củng cố xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức công đoàn từ cấp Tổng Liên đoàn đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ĐTBD trong tình hình mới; chú trọng đào tạo kỹ năng, phương pháp sư phạm; thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ giảng viên kiêm chức cho hoạt động ĐTBD. Năm là, tăng cường và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác ĐTBD CBCĐ. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở ĐTBD CBCĐ. Tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng công tác ĐTBD CBCĐ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu phấn đấu chi cho công tác ĐTBD đạt 15% tổng chi cho hoạt động của từng cấp công đoàn hàng năm. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về ĐTBD cán bộ, tạo điều kiện cho CBCĐ được đi trao đổi, nghiên cứu, học tập, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn./. |
Đồ họa: Hạnh Huyền |