Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Cây xanh cảnh quan là một phần không thể thiếu trong các khu công nghiệp (KCN) với nhiều tác dụng như tăng tính thẩm mỹ, tạo bóng mát cho khối công trình, cải thiện chất lượng không khí... Qua đó góp phần giải tỏa căng thẳng và hạn chế các bệnh về đường hô hấp cho người lao động.

Để hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong KCN tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về môi trường, trong đó có trồng cây xanh.

Chính vì thế, việc trồng và bảo vệ cây xanh trong môi trường lao động hiện nay đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi công ty.

Cây xanh không chỉ tạo cảnh quan trang trí cho KCN mà còn giúp cải thiện về mặt sức khỏe của người lao động.

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các KCN, cụm công nghiệp phải dành tối thiểu 10% diện tích đất trồng cây xanh, doanh nghiệp hoạt động trong KCN phải dành tối thiểu 20% diện tích đất trồng cây xanh. Quy định này nhằm làm giảm diện tích bê tông, giảm hiệu ứng nhà kính và hướng đến tạo cảnh quan sinh thái phục vụ mục đích phát triển công nghiệp bền vững.

Do đặc điểm là nơi sản xuất của nhiều loại mặt hàng nên trong KCN sẽ phát sinh một lượng bụi bẩn, mùi hôi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu trồng nhiều cây xanh sẽ hạn chế được quá trình bụi phát tán. Khi gặp lá cây, hạt bụi bị cản lại và không thể di chuyển xa đến nhà máy khác.

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Các trạm xử lý nước thải trồng cây xanh để hạn chế mùi hôi phát tán ra xung quanh.

Qua nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả những thảm cỏ cũng góp phần làm giảm ô nhiễm không khí. Một thảm cỏ xanh phát triển tốt có thể giúp hấp thụ khí carbonic và sinh ra khí ôxy.

Anh Nguyễn Minh Khang (Giám đốc một công ty chuyên thiết kế, thi công cây xanh tại tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Hiện nay, việc trồng cây tại các nhà máy ngày càng được chủ doanh nghiệp quan tâm, tăng vốn đầu tư cho hạng mục này".

Theo anh Khang, nếu biết sắp xếp, tổ chức kiến trúc mảng xanh một cách hài hòa sẽ giảm bớt sự khô cứng đến từ các công trình, máy móc cùng trang thiết bị. Giúp đảm bảo sức khỏe và tăng năng suất lao động.

“Để thiết kế cảnh quan cây xanh cho KCN trước hết phải khảo sát các điều kiện địa hình để đưa ra giải pháp kỹ thuật và kiến trúc thực vật hợp lý. Màu sắc của các loại cây phải phù hợp với tâm sinh lý của người lao động và môi trường địa phương”, anh Khang cho biết thêm.

Cây xanh KCN khi được lựa chọn phải đảm bảo phù hợp với môi trường sinh thái, kiến trúc và phong cảnh tại các KCN.

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Qua tìm hiểu, được biết, tại Đồng Nai, hầu hết các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc việc dành đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông.

Trong đó, có nhiều đơn vị phát triển hạ tầng, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống cây xanh khá bài bản, đồng bộ, tạo cảnh quan sinh thái, tạo bức tường xanh làm giảm khí thải, bụi thải, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất.

Để đạt được kết quả này, ngay từ khâu quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai yêu cầu chủ đầu tư phát triển hạ tầng xây dựng quy hoạch KCN phải có đầy đủ các hạng mục theo quy định, trong đó, đảm bảo diện tích cây xanh tối thiểu là 10% tổng diện tích của KCN.

Hàng năm, có kế hoạch chỉnh trang, trồng cây xanh tại các tuyến đường nội bộ, khuôn viên của KCN. Đối với các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, Ban Quản lý yêu cầu mỗi công ty phải dành tối thiểu 20% diện tích đất cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông; kiên quyết không cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp không đảm bảo yếu tố này.

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Tích cực tham gia trồng các loại cây xanh, thảm cỏ ở KCN góp phần tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường hiệu quả.

Theo ghi nhận của PV Cuộc sống an toàn, KCN Đồng An (tỉnh Bình Dương) với tổng diện tích là 64,43 ha, trong đó diện tích trồng cây xanh và giao thông là 7 ha. Công tác kiểm tra "sức khỏe" của cây, thảm cỏ tại đây cũng được thực hiện thường xuyên. Mỗi ngày đều có người tưới nước để bảo đảm lượng dưỡng chất cho cây phát triển tốt.

Chị Lê Thu Trang (28 tuổi, quê Tiền Giang) đang làm việc ở KCN này chia sẻ: “Mấy hôm nay trời vào hè nóng hầm hập, đi ngoài đường một lúc thôi mà đau cả đầu. Nhưng khi ở nhà máy, nhờ có nhiều cây xanh mà không khí mát hơn hẳn. Những lúc nghỉ trưa, tôi thường nhìn ra mấy cái cây để giảm mỏi mắt rất hiệu quả".

Có thể nói, cây xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc thanh lọc không khí, tựa như một “lá phổi xanh” nhả ôxy cho con người. Tuy nhiên, việc trồng cây cũng cần được tính toán khoa học để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho giao thông, phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố môi trường và phù hợp với không gian kiến trúc khu vực xung quanh.

Tạo “lá phổi xanh” cho khu công nghiệp

Việc trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong môi trường lao động hiện nay đã trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi công ty, người lao động.

Bài viết và Thiết kế: Lê Tuấn

Lộ diện top 3 "đỉnh của chóp" - Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp tuần 4 năm 2021 Lộ diện top 3 "đỉnh của chóp" - Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp tuần 4 năm 2021

Cuộc thi ảnh “Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp” tuần thứ 4 trong năm 2021 diễn ra từ ngày 9/3 đến ...

Điện lực thị xã Cửa Lò tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2021- 2026 Điện lực thị xã Cửa Lò tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2021- 2026

Chiều ngày 13/3, Điện lực thị xã Cửa Lò tổ chức Đại hội Công đoàn nhiệm kỳ 2021 -2026. Tham dự và chỉ đạo đại ...

Kiếm tiền trên mạng Kiếm tiền trên mạng

Thông tin YouTuber Thơ Nguyễn đã nộp khoảng 2 tỷ đồng tiền thuế và mức thu từ YouTube của cô gái này là khoảng ...