e magazine
11/10/2022 15:33
Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

11/10/2022 15:33

Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức Công đoàn đóng vai trò tham gia tích cực vào việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung; quyền của NLĐ nói riêng.
Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

Hiến pháp năm 2013 dành riêng Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam trong chương đầu tiên là “Chế độ chính trị”. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong chế độ chính trị của nước ta. Trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức Công đoàn đóng vai trò tham gia tích cực vào việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung; quyền của người lao động (NLĐ) nói riêng.

Nhiệm vụ hiến định của tổ chức công đoàn

Với quy định tại Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn:

Một là, đại diện hợp pháp cho NLĐ trong các mối quan hệ với các chủ thể cấu thành hệ thống chính trị, đặc biệt là trong các quan hệ với Nhà nước, doanh nghiệp và công dân (NLĐ); chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Cụ thể hóa nhiệm vụ và quyền hạn này, Luật Công đoàn đã thể chế hóa thành 10 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể từ hướng dẫn, tư vấn cho NLĐ khi giao kết hợp đồng lao động làm việc, cho đến đại diện tập thể lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp…; tổ chức đình công.

Hai là, tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội bằng nhiều hình thức: Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách pháp luật về kinh tế, xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác có liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của NLĐ; tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức phong trào thi đua…

Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

Cán bộ công đoàn đối thoại với NLĐ để tìm cách tháo gỡ các kiến nghị của công nhân Công ty TNHH May áo cưới thời trang chuyên nghiệp (Ninh Bình), thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Ảnh: CĐCC

Ba là, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bổ sung hình thức “tham gia thanh tra” - phương thức kiểm soát việc thực hiện chính sách pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, để tổ chức Công đoàn tham gia vào cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài (gồm những chủ thể không mang quyền lực nhà nước).

Bốn là, tuyên truyền, vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

Công nhân ngừng việc yêu cầu Công ty TNHH Vienergy tăng lương. Ảnh: K.T

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể và rõ hơn nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kĩ năng, nghề nghiệp, chấp hành pháp luật. Đây là quy định mới phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) về phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngoài ra, khoản 2, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 còn khẳng định: “Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Theo đó, tổ chức Công đoàn còn có nhiệm vụ phối hợp và thống nhất hành động trong “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài” là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhiệm vụ trong giai đoạn tới

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra động lực mới và khí thế mới để phát triển.

Trong những năm tới, công cuộc đổi mới đất nước tiếp tục đi vào chiều sâu, với tổ chức, quy mô và tầm mức cao hơn, đòi hỏi việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị nói chung, tổ chức Công đoàn nói riêng phải có tư duy mới, những giải pháp sáng tạo và hiệu quả, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đứng trước những vấn đề mới:

Thứ nhất, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển bền vững về kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện sẽ thúc đẩy, đòi hỏi phải phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân với tư cách là cá nhân công dân, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của công dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường theo nguyên tắc: “Người dân được làm tất cả những gì luật không cấm”.

Các hạn chế về quyền làm chủ và vai trò của chủ thể của Nhân dân phải được quy định bằng luật (khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013). Trong môi trường chính trị - pháp lý đó, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, (bao gồm Công đoàn) phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên thăm, động viên công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) nhân dịp năm mới. Ảnh: THU CHINH

Thứ hai, “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030 định hướng đến năm 2045” mà Ban chấp hành Trung ương Đảng sắp xem xét thông qua, đòi hỏi xây dựng và vận hành nền quản trị quốc gia hiện đại, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh và hiệu quả.

Định hướng là: Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật; chú trọng hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật; bảo đảm thực hiện pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức Công đoàn phải phát huy vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng nói chung; tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật nói riêng.

Thứ ba, trong điều kiện phát triển đồng bộ ba trụ cột của quốc gia là kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải đóng vai trò là người tham gia tích cực vào việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung; quyền của NLĐ nói riêng.

Nhiệm vụ hiến định của tổ chức Công đoàn và những vấn đề đặt ra hiện nay

LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Sở Tư pháp tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nữ công nhân lao động. Ảnh: ÁI CHI

Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp năm 2013 quy định, tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến, góp phần nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho giai cấp công nhân và NLĐ. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tạo lập các điều kiện để công nhân và NLĐ chủ động tiếp cận pháp luật, thực hiện pháp luật.

Nâng cao văn hóa pháp luật, góp phần xây dựng xã hội pháp quyền. Góp phần đảm bảo quyền làm chủ của công nhân lao động, thượng tôn Hiến pháp, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân... Tham gia với Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả. Đặc biệt là thể chế chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của công dân và NLĐ. Coi trọng công tác tổ chức thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp và NLĐ.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong giám sát quyền lực nhà nước; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà NLĐ làm việc. Tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

------

Bài viết: GS.TS. Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Ảnh: CĐCC, THU CHINH, K.T

Đồ họa: AN NHIÊN

Xem phiên bản di động