Nhà trọ tăng giá, công nhân lao đao vì tiền thuê nhà
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tìm việc tăng cao tại các khu công nghiệp (KCN), chính vì vậy nhu cầu đi thuê trọ của công nhân cũng rất lớn. Biết được điều này, nhiều nhà trọ lại rục rịch tăng giá phòng. Vì thế đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.
***
Theo phản ánh của nhiều công nhân sống tại khu vực KCN Quế Võ (Bắc Ninh), giá nhà trọ tại đây tăng vùn vụt. Có phòng đang từ 700.000 – 800.000 đồng tăng lên 1,2 triệu đồng - 1,6 triệu đồng, thậm chí có chỗ lên 2 triệu đồng. Nhiều chỗ ở 2 người thì lấy 1,2 triệu đồng, 3 người thì lấy 1,5 triệu đồng, lợi dụng thời điểm “cháy phòng” để tăng tiền trọ.
Nỗi lo về giá phòng lúc nào cũng canh cánh trong lòng những người công nhân xa quê đi làm.
Nếu như những năm trước tiền phòng có tăng thì anh Đinh Tiến Lâm (công nhân KCN Quế Võ) cũng đành chấp nhận, nhưng năm nay tiền phòng tăng mà tiền lương giảm do dịch bệnh khiến cuộc sống của anh trở nên khó khăn chồng chất.
Đi làm xa quê, đủ chi phí phải lo rồi còn phải dành dụm để gửi về quê cho bố mẹ và vợ con, anh Lâm cảm thấy bế tắc: “Mặc dù biết các chủ trọ phải mất tiền để xây nhà trọ nhưng phải xem mức lương của công nhân mà lấy tiền phòng. Đi làm một đồng lương chia trăm đường chi phí, cày quần quật ngày 11 tiếng bởi tiền lương cơ bản chẳng đủ mưu sinh”.
Chia sẻ của nick Facebook Liên Duyên về tình trạng tăng giá phòng trọ: "Quế Võ phòng trọ tăng dã man. Trong năm nay mình ở tăng 3 lần tiền phòng trọ, từ 1 triệu - 1,2 triệu/người, 2 người 1,4 triệu, tăng vun vút. Đúng là chỉ khổ cho công nhân đi làm thuê". (Ảnh chụp màn hình) |
Nhà trọ tăng giá khiến cuộc sống của công nhân KCN thêm gánh nặng. Bởi đa số đều là những người xa quê đi làm ăn, tăng tiền trọ đồng nghĩa với việc phải cắt xén các khoản chi tiêu khác.
Chị Liên Duyên (quê Bắc Ninh) cho biết, trong vòng 1 năm, phòng chị đang thuê đã tăng giá đến 3 lần: “Trong năm nay phòng mình ở tăng giá 3 lần, đang từ 1 triệu lên 1,2 triệu và giờ phòng mình ở thêm 1 người thì tăng lên 1,4 triệu. Đúng là chỉ khổ cho công nhân đi làm thuê".
Cùng tâm trạng với chị Duyên, anh Lê Văn Hưng (quê Thanh Hóa) bức xúc: “Phòng mình đang ở 3 người thì chủ trọ lấy 2 triệu, thêm 1 người nữa thì thành 2,5 triệu. Ngoài ra còn thêm các loại phụ phí phát sinh cộng với tiền điện, nước nên thành ra một người cũng hết tầm 1 triệu. Điện ở đây không có công tơ mà tính theo đầu người”.
Cõng trên vai gánh nặng kinh tế, anh Hưng lo lắng vì nếu cứ đà này anh có thể không bám trụ được tiếp mà phải về quê mưu sinh, bởi bây giờ một mình sống đã chật vật chứ chưa nói gì đến việc tiết kiệm tiền để gửi về nhà.
Công nhân đi làm phải lo đủ chi phí từ phòng trọ đến tiền ăn, ở, điện, nước nên không dành dụm được bao nhiêu (Ảnh khu trọ công nhân) |
Chị Trần Thị Nhung, công nhân Tập đoàn KHKT Hồng Hải Foxconn (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, chị vào thuê phòng trọ từ lúc nhà đang trong quá trình hoàn thiện, đến lúc hoàn thiện xong thì chủ nhà tăng giá: “Khi chưa xây xong, giá phòng mình ở là 1,4 triệu đồng, vào ở thì bắt nộp thêm, nước 120.000 đồng/tháng mà hai vợ chồng mình dùng cả tháng mới hết 6 m3, tính ra là 20.000 đồng, rồi đủ các loại tiền dịch vụ. Công nhân bây giờ đã không có việc làm lại không tăng ca, cõng thêm chi phí tiền trọ gần 1,7 triệu đồng mà xót ruột”.
Nhưng chủ nhà trọ lại đưa ra cách giải thích riêng, theo chia sẻ của chị Hương - chủ nhà trọ ở Lãm Làng (Quế Võ, Bắc Ninh) thì nguyên nhân tăng giá phòng là do nhu cầu thuê trọ tăng cao và cuối năm nên phải tăng. Chị Hương cho biết: “Những nhà xung quanh đây nhà nào cũng tăng thì mình cũng phải tăng theo thôi. Điện, nước thì vẫn thu theo đầu người cho dễ tính. Nhà cửa ở cũng hao mòn nhiều, chưa kể chi phí sửa sang, cải tạo và còn phải đóng thuế nữa nên tính ra cũng có lời lãi bao nhiêu đâu”.
Trong dòng chảy của cơ chế thị trường, việc chủ trọ tăng giá phòng là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu tăng giá quá cao thì có thể ảnh hưởng đến đời sống của công nhân đi thuê trọ. Mặt khác, công nhân đi thuê cũng có nhiều phương án để lựa chọn, có thể chọn cách ở ghép, ở trong ký túc xá công ty hoặc thuê trọ ở những địa điểm không trong tình trạng “cháy phòng” nhằm giảm bớt chi phí thuê nhà.
Bài: Thu Trang