
Người lao động và doanh nghiệp sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng |
Trong bối cảnh nguồn lao động phổ thông ngày càng khan hiếm và biến động, các doanh nghiệp phải liên tục xoay xở, nhà trường tăng cường kết nối, người lao động trẻ thì ưu tiên tiêu chí gần nhà – tất cả tạo nên một bức tranh sống động về thị trường lao động tại phiên giao dịch lần này.
![]() |
Lao động trẻ tìm việc tại Phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thảo Vân |
“Khát” nhân lực – tuyển liên tục, bù liên tục
Tại phiên giao dịch, chị Lã Thị Hương Thảo – nhân viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần Life Balance – cho biết công ty đang tuyển số lượng lớn nhân sự cho các vị trí giám sát vệ sinh và nhân viên tạp vụ vệ sinh tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hưng Yên... “Chúng tôi tuyển dụng trên toàn quốc, không giới hạn địa phương, nhưng thực tế thì rất khó giữ chân người lao động. Các bạn thay đổi công việc liên tục nên doanh nghiệp luôn phải tuyển bù”, chị Thảo chia sẻ.
Cũng trong tình trạng thiếu hụt nhân sự, Phương Đông Asahi – đơn vị thuộc Tổ hợp y tế Phương Đông – đang cần bổ sung 20 nhân sự cho các vị trí như nhân viên chăm sóc người cao tuổi, bán hàng, tư vấn khách hàng… “Tuyển liên tục mà vẫn thiếu. Việc vận hành dịch vụ đòi hỏi nhân sự ổn định, nhưng các bạn trẻ lại nhảy việc rất nhiều. Chúng tôi coi việc đảm bảo đủ người để duy trì hoạt động là một bài toán nan giải”, chị Nguyễn Thị Xiêm – Trưởng phòng Nhân sự đơn vị này cho biết.
Đáng nói, mức thu nhập ở cả hai đơn vị đều khá cạnh tranh – dao động từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/tháng, kèm theo các chế độ phúc lợi như đóng bảo hiểm xã hội, thưởng thâm niên, hỗ trợ đào tạo… Tuy nhiên, yếu tố giữ chân người lao động không nằm ở tiền lương, mà ở sự gắn bó và ổn định – điều đang ngày càng trở nên mong manh trong nhóm lao động phổ thông hiện nay.
Trong khi bằng cấp không phải rào cản lớn, thì kỹ năng mềm và thái độ làm việc lại là tiêu chí “gắt gao” mà các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp, đặt ra. “Chúng tôi có thể đào tạo nghiệp vụ, nhưng không thể đào tạo lại thái độ sống. Nếu ứng viên không có tinh thần phục vụ, không hiểu văn hóa doanh nghiệp thì không thể đồng hành lâu dài”, chị Xiêm khẳng định.
Phương Đông Asahi hiện không yêu cầu bằng đại học mà chỉ cần ứng viên có trình độ trung cấp trở lên, quan trọng là có khả năng truyền tải hình ảnh, giá trị dịch vụ đến với khách hàng cao cấp. Đơn vị tổ chức đào tạo hội nhập 7 ngày cho nhân sự mới, với lộ trình rõ ràng, linh hoạt giữa lương cứng đủ sống và lương mềm tạo động lực.
![]() |
Anh Phạm Thanh Tùng (trái) đăng ký thông tin tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Thảo Vân |
Người lao động trẻ: Chọn việc gần nhà, ưu tiên tiện lợi
Tại phiên giao dịch, nhiều lao động trẻ đến tìm hiểu và ứng tuyển. Anh Phạm Thanh Tùng (Đông Ngạc, Nam Từ Liêm) chia sẻ đây là lần đầu tiên anh tham gia phiên tuyển dụng trực tiếp. Anh cho biết mình đang tìm hiểu và dự định ứng tuyển vào vị trí tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông vì địa điểm này gần nơi ở hiện tại, tiện đi lại”. Xu hướng lựa chọn việc làm “gần – tiện – ít chi phí đi lại” ngày càng phổ biến, nhất là trong nhóm lao động phổ thông.
Ban Tổ chức phiên ghi nhận, nhóm tuổi 18–25 chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người tìm việc, với hơn 1.100 người (chiếm 42,3%), tiếp theo là nhóm tuổi 26–35 (35,4%). Điều này cho thấy lực lượng lao động trẻ đang là trụ cột chính trên thị trường, nhưng cũng là nhóm có xu hướng thay đổi công việc nhanh, linh hoạt và khó giữ chân nếu môi trường làm việc không đáp ứng được kỳ vọng cá nhân.
Gần 3.000 chỉ tiêu tuyển dụng và đào tạo: Mở rộng cơ hội cho người lao động
Không chỉ doanh nghiệp “khát” lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực tìm cơ hội kết nối để đảm bảo đầu ra cho học viên. Đại diện Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng – anh Tô Hải Long, Trợ lý quân lực – cho biết nhà trường đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để tổ chức chương trình hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên.
“Chúng tôi chú trọng đào tạo thực hành chiếm 70%, cấp bằng kỹ sư thực hành. Nhờ vậy, sinh viên khi ra trường có thể làm việc ngay mà doanh nghiệp không phải mất chi phí đào tạo lại”, anh Long chia sẻ. Nhà trường cũng tổ chức nhiều hội thảo nghề nghiệp, mời doanh nghiệp đến giao lưu, tuyển dụng, từ đó tạo ra môi trường học đi đôi với hành, bám sát thị trường.
Theo tổng hợp từ Ban Tổ chức, phiên giao dịch có sự tham gia của 50 doanh nghiệp với tổng cộng 2.955 chỉ tiêu. Trong đó, hơn 2.700 chỉ tiêu là tuyển dụng lao động trong các ngành: kỹ thuật, thương mại – dịch vụ, sản xuất, chăm sóc khách hàng, bán hàng, cơ khí, kế toán... Phân loại theo trình độ: nhu cầu tuyển lao động có trình độ trung cấp – cao đẳng – đại học chiếm hơn 78%; còn lại là lao động phổ thông với gần 600 chỉ tiêu.
Về mức thu nhập, phần lớn việc làm thuộc khung lương 7 – 10 triệu đồng (chiếm 36,3%), tiếp theo là nhóm 10 – 15 triệu đồng (26,4%) và trên 15 triệu đồng (18,1%) – cho thấy nhiều vị trí có thu nhập tốt, phù hợp với cả lao động phổ thông lẫn lao động có tay nghề, kinh nghiệm.
Bên cạnh việc làm, phiên còn cung cấp 200 chỉ tiêu tuyển sinh các ngành lập trình, thiết kế vi mạch bán dẫn, tiếng Trung… và 100 chỉ tiêu du học – xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan. Đây là những lựa chọn đáng giá, giúp người lao động định hướng lâu dài, mở rộng cơ hội học nghề và làm việc ở môi trường quốc tế.
![]() |
Anh Tô Hải Long (áo đen) Trợ lý quân lực - Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng – cho biết nhà trường đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để tổ chức chương trình hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học viên. Ảnh: Thảo Vân |
Cần giải pháp giữ chân người lao động
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việ làm cho biết: Được tổ chức bài bản và có hiệu quả kết nối cung – cầu rõ rệt, Phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm đã cho thấy nhiều vấn đề cần được tháo gỡ trong dài hạn. Trong đó, giữ chân người lao động – đặc biệt là lao động phổ thông – vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nâng cao kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp cho người lao động trẻ cũng là điều nhà trường và xã hội cần quan tâm nhiều hơn.
Từ một phiên giao dịch việc làm, có thể thấy được bức tranh tổng thể về nhu cầu nhân lực, xu hướng lựa chọn công việc của người lao động, nỗ lực của các bên trong việc tạo lập thị trường lao động ổn định và phát triển. Để những phiên như thế này thực sự phát huy vai trò là cầu nối bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa nhà trường – doanh nghiệp – người lao động và cơ quan quản lý nhà nước.
Phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm năm 2025 không chỉ giải quyết bài toán việc làm trước mắt mà còn mở ra nhiều hướng đi cho một thị trường lao động năng động, thích ứng và hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế số và phục hồi sau đại dịch. |
Video: Chị Lã Thị Hương Thảo – nhân viên tuyển dụng của Công ty Cổ phần Life Balance chia sẻ.
Tin mới hơn

Những năng lực “vàng” AI khó thay thế con người

Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động

Phiên giao dịch việc làm Ba Vì năm 2025: Kết nối thực chất - kỳ vọng dài lâu
Tin tức khác

Gần 1.700 cơ hội việc làm tại phiên Ba Đình

Doanh nghiệp khó tuyển người phù hợp: Đâu là kênh kết nối hiệu quả?

Khi kỹ năng thực lên ngôi: Doanh nghiệp tìm gì, người lao động cần chuẩn bị ra sao?

Nữ sinh bị đánh vì “tiền tip”: Rủi ro tìm việc và vai trò "bà đỡ" từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Giao dịch việc làm trực tuyến: Hướng đi chiến lược trong kết nối cung – cầu lao động
